Luật Quy hoạch: Phải có một hệ thống quy hoạch mở

Dự thảo Luật Quy hoạch đang được tiếp thu, chỉnh sửa để giải trình những vấn đề còn ý kiến khác nhau cần đưa ra xin ý kiến tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ diễn ra vào tháng 4 tới. Xung quanh dự án Luật này, ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng) đã trả lời phỏng vấn báo chí.

PV: Thưa ông, hiện nay, Chính phủ đang trình ra Quốc hội dự thảo Luật Quy hoạch. Theo ông, trong tổng thể chúng ta phải xây dựng Luật này theo hướng nào?

Ông Nguyễn Thành Hưng:

Về phía một chuyên gia quy hoạch, việc ban hành Luật Quy hoạch là rất cần thiết; tư tưởng chỉ đạo của TW, của Quốc hội cũng như hành động của Chính phủ rất rõ. Chúng ta cần xây dựng một Luật Quy hoạch mang tính khung, sắp xếp lại để làm sao không trùng lặp, không mâu thuẫn với nhau. Các quy hoạch không cần thiết sẽ được loại bỏ. Ví dụ như quy hoạch sản phẩm - sản phẩm theo kinh tế thị trường và có biến động thì không cần phải quy hoạch…

Một trong những vấn đề quan tâm nhất là quy hoạch liên quan đến công tác xây dựng. Từ đầu những năm 90 thế kỷ trước, Bộ Xây dựng đã bắt đầu ban hành những văn bản pháp luật liên quan đến công tác quy hoạch. Và cho đến nay hơn 20 năm, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác quy hoạch xây dựng cơ bản đã hoàn thiện và luôn được chỉnh sửa theo định hướng của Đảng, của Nhà nước và luôn được cập nhật lý thuyết quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên thế giới.

                                                          Ông Nguyễn Thành Hưng

Tuy vậy, lần này trong Dự thảo tôi chưa thấy rõ vai trò của của quy hoạch xây dựng (QHXD) trong khi đây là một trong những nền tảng. Chúng ta biết rằng, tất cả cơ sở hạ tầng của xã hội, của cải vật chất sẽ là đầu tư cho những công trình xây dựng cơ bản. Do vậy, về vai trò của QHXD, Ban soạn thảo phải nghiên cứu kỹ để nhìn thấy được hình ảnh của QHXD trong bộ Luật này

PV: Dự thảo Luật đang được xây dựng trên nền tảng sẵn có nào, thưa ông?                                            

Ông Nguyễn Thành Hưng:

Về các văn bản pháp luật, chúng ta có hai bộ luật là Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị. Các Nghị định rất nhiều như: Nghị định 44, Nghị định 72 (bây giờ thay bằng Nghị quyết của Thường vụ QH), Nghị định 37, Nghị định 38 và hàng loạt các Thông tư, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn… Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để lập nên đồ án quy hoạch và quản lý đồ án quy hoạch.

Ngoài ra, trong suốt quá trình lịch sử đó, thế giới cũng biến động và phương pháp luận của quy hoạch cũng biến động, chúng ta cũng phải tiếp tục cập nhật của thế giới để hoàn thiện dần. Đến ngày hôm nay, Bộ Xây dựng cùng tất cả các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực QHXD, QH đô thị cũng đều nhận thấy, phải tiếp tục đổi mới. Do vậy, khi chúng ta có nền tảng tốt về văn bản pháp luật, về kinh nghiệm thực tiễn, về con người, về rất nhiều yếu tố hỗ trợ thì chúng ta nên đẩy mạnh dựa trên những cái đã có. Không thể nói rằng thời gian qua không làm được gì. Xây dựng từ một nền tảng tốt hơn là xây dựng từ đầu.

PV: Dự thảo Luật này liên quan đến nhiều luật khác, theo ông, chúng ta cần chỉnh sửa theo hướng như thế nào để đảm bảo tính đồng bộ?

Ông Nguyễn Thành Hưng:

Theo báo cáo đơn vị rà soát của  Quốc hội, dự thảo Luật này ảnh hưởng đến 32 luật. Rất nhiều chuyên gia cũng nói rằng, không chỉ dừng lại ở 32 luật mà còn lên đến trên 50 luật. Theo tôi, việc một bộ luật phủ lên rất nhiều bộ luật khác, khiến 50 luật khác cần phải thay đổi, dù thay đổi rất nhỏ câu chữ hoặc thay đổi những điều khoản, thậm chí thay đổi cả những chương và hệ thống pháp luật đi theo như Nghị định, thông tư… chúng ta phải cực kỳ thận trọng.

Để giải quyết vấn đề này cần cái nhìn khách quan từ các Bộ vì hơn ai hết, các Bộ là nơi nắm được hệ thống quy hoạch thừa gì, thiếu gì và Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ cần loại bỏ bớt những quy hoạch thừa mà các Bộ đang quản lý, còn lại những quy hoạch mấu chốt của các Bộ. Đấy là cách giải quyết căn cơ nhất.

Theo tôi, việc đồng bộ quy hoạch trong cả nước trong vài năm theo dự thảo là tham vọng quá lớn. Khoảng năm 2019, nghĩa là khoảng  chưa đến 3 năm nữa đã đi vào thực tiễn rồi, tôi đánh giá là rất khó. Đây nên là một Bộ luật khung, giống như UBTV Quốc hội đã từng chỉ đạo trong rất nhiều cuộc họp, chỉ cần sắp xếp lại các quy hoạch cho thật logic, loại bỏ quy hoạch thừa, cấu trúc lại để hệ thống quy hoạch không còn trùng lặp, tận dụng tốt các quy hoạch đang có giá trị rất cao về mặt thực tiễn, như vậy, hiệu quả của Bộ luật sẽ đi sâu vào thực tế. Nếu đi sâu quá vào vấn đề kỹ thuật, tôi e rằng sẽ có những vướng mắc về sau

PV: Theo ông, dự thảo Luật cần nghiên cứu những vấn đề gì để hệ thống quy hoạch phát huy hiệu quả trong thực tế?

Ông Nguyễn Thành Hưng:

Trên thế giới, cách người ta làm quy hoạch và hệ thống quy hoạch hiện nay đang theo hướng mở, nghĩa là quy hoạch trên chỉ đặt ra những cái khung, tạo điều kiện cho quy hoạch dưới phát triển. Quy hoạch dưới phát triển sẽ phản hồi lại để quy hoạch trên điều tiết. Tất cả những điều tiết cần phải cực kỳ linh hoạt sẽ ra chiến lược để phát triển một lãnh thổ lớn nhất, tốt nhất, nhanh nhất.

Theo dự thảo Luật này có một số nội dung mà tôi cảm thấy vẫn chưa yên tâm. Ví dụ, nếu quy hoạch cấp dưới mà không phù hợp với quy hoạch cấp trên, phải điều chỉnh theo quy hoạch cấp trên. Luật Quy hoạch là một bài toán của dự báo, dự báo trong vòng 20 năm, 30 năm, thậm chí 50 năm. Không một ai có thể tài giỏi đến mức dự báo được đúng. Do vậy, Ban soạn thảo của Liên Hợp Quốc cũng cần phải nghiên cứu kỹ thêm về quan hệ giữa các loại quy hoạch. Nếu thế chúng ta mới xây dựng được một hệ thống quy hoạch linh hoạt, mở, tạo, rất điều kiện cho các địa phương, cho các vùng lãnh thổ. Lúc ấy hệ thống quy hoạch của chúng ta mới dễ đi vào cuộc sống, đi vào thực tiễn.

PV: Kinh nghiệm từ thế giới quy hoạch như thế nào để đảm bảo việc mở và linh hoạt, thưa ông?

Ông Nguyễn Thành Hưng:

Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới đều hướng vào chung một hình thức quy hoạch, đối tượng quy hoạch đó là không gian, là vật thể. Và tôi được biết rằng, có rất ít nước, gần như không có nước nào có tồn tại cái gọi là tổng thể kinh tế xã hội nữa vì thị trường luôn biến động. Chúng tôi đã nghiên cứu về một đề tài đổi mới công tác quy hoạch đô thị, hệ thống quy hoạch của Mỹ và Nhật Bản. Họ chỉ xây dựng những chiến lược rất khung, rất cơ bản, tránh tình trạng áp đặt. Ví dụ, ở Mỹ không tồn tại những quy định hay những áp đặt do chính quyền của liên bang tới từng bang, công tác quy hoạch cho từng bang nhất định không quyết định cho từng thành phố, mà công tác quy hoạch chỉ đặt ra từng khung cho những phần hạ tầng kỹ thuật lớn, những vấn đề mang tính liên vùng là những kết nối, còn toàn bộ những vấn đề bên trong giao hoàn toàn cho chính quyền hạt, chính quyền thành phố quyết định. Hệ thống quy hoạch mở tránh tình trạng áp đặt, trên nói thế nào dưới thực hiện y nguyên như thế, dưới nữa thực hiện kỹ hơn, nếu chúng ta còn duy trì nguyên hệ thống đấy, vẫn còn nguyên hơi hướng của 1 mệnh lệnh của 1 nền kinh tế tập trung. Đấy là cái cốt lõi nhất.

PV: Dự thảo này dự kiến trong tháng 5 sẽ đưa ra trình trước Quốc hội, theo ông trước khi đưa dự thảo Luật này ra trước Quốc hội, chúng ta có cần lấy ý kiến tiếp của các chuyên gia để dự thảo được chặt chẽ, tránh việc phải sửa lại sao khi áp dụng?

Ông Nguyễn Thành Hưng:

Tôi cho rằng, việc này là rất cần thiết. Bởi, bản chất quy hoạch không phải là do chính quyền làm, cũng không phải 1 sản phẩm do 1 đơn vị tư vấn làm, mà quy hoạch là một sản phẩm toàn dân cũng nhau cam kết thực hiện 1 bức tranh trong tương lai. Đó là chân lý. Khi Luật Quy hoạch được đưa ra Quốc hội thảo luận, chúng ta nên cẩn trọng vì ảnh hưởng đến rất nhiều loại quy hoạch mới sau này.

Tôi nói nội hàm có thể không mới, nhưng định nghĩa là mới và tất cả sẽ là mới, chúng ta có nên tiếp cận theo hướng có Quy hoạch thử nghiệm, thực hiện những nghiên cứu thử nghiệm để thấy rằng đúng, sau khi thực tế đã khẳng định là chúng ta đi hướng này đúng rồi có thể hoàn thiện văn bản pháp luật. Cá nhân tôi mong muốn, ban soạn thảo có 1 nghiên cứu thử nghiệm với bất kỳ một loại hình nào. Ví dụ: Quy hoạch cấp quốc gia chẳng hạn để chúng ta nhìn thấy rằng, chúng ta có điểm này cần phải sửa, điểm kia cần phát huy lúc đó áp dụng vào luật bộ luật mới có tính thực tiễn cao nhất.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(Nguồn:baotainguyenmoitruong.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website