Cơ quan, tổ chức, gia đình không phải chịu kinh phí chữa cháy

Sáng 29-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH), với 448/450 đại biểu tán thành, đạt tỷ lệ 93,53%.

 Phiên họp Quốc hội sáng 29-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Trước khi đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày, dự thảo luật trình Quốc hội thông qua có 55 điều, giao “Chính phủ quy định cơ sở phải thành lập Đội PCCC-CNCH cơ sở, cơ sở phải thành lập Đội PCCC-CNCH chuyên ngành…”.

Trường hợp không thành lập Đội PCCC-CNCH thì phải phân công người thực hiện nhiệm vụ PCCC-CNCH tại cơ sở đó.

Để bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương hiện nay, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép quy định bắt buộc phải trang bị bình chữa cháy, thiết bị truyền tin báo cháy theo lộ trình do Chính phủ quy định đối với các nhà ở thuộc khu vực không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Đối với nhà ở tại khu vực khác thì khuyến khích trang bị thiết bị truyền tin báo cháy, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu về PCCC-CNCH và truyền tin báo cháy.

Có ý kiến đề nghị bổ sung một khoản quy định về phòng cháy đối với nhà ở sau khi chuyển đổi công năng. Báo cáo giải trình nêu rõ, đối với nhà ở muốn chuyển đổi công năng như kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường phải thực hiện quy trình chuyển đổi công năng, cải tạo nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Trường hợp nhà ở chuyển đổi công năng thành cơ sở (thuộc diện phải quản lý về PCCC) thì phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy đối với cơ sở quy định dự thảo Luật.

Mặt khác, dự thảo luật đã quy định hành vi cấm chuyển đổi, bổ sung công năng sử dụng công trình, hạng mục công trình không bảo đảm an toàn PCCC.

Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định này vào dự thảo luật.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, gia đình phải chịu một phần kinh phí về công tác chữa cháy khi lực lượng PCCC-CNCH thực hiện chữa cháy cho cơ quan, tổ chức, gia đình của mình theo quy định của pháp luật và giao Chính phủ quy định mức phí cụ thể trong từng trường hợp.

UBTVQH cho biết, công tác chữa cháy là một nội dung trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, được Nhà nước bảo đảm ngân sách thực hiện đối với các lực lượng theo quy định. Khi xảy ra cháy, nổ thì cơ quan, tổ chức, gia đình đã phải chịu thiệt hại nhất định về người và tài sản, nếu bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, gia đình đó phải chịu một phần kinh phí khi lực lượng PCCC-CNCH thực hiện chữa cháy sẽ gia tăng khó khăn cho người dân.

Vì vậy, để phù hợp với quy định của pháp luật về an ninh, trật tự và thể hiện tính nhân văn trong quy định của pháp luật, UBTVQH đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, gia đình chịu một phần kinh phí về công tác chữa cháy khi lực lượng PCCC-CNCH thực hiện chữa cháy cho cơ quan, tổ chức, gia đình của mình.

(Nguồn:sggp.org.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website