Hà Nội đang xác định lại các hướng phát triển ưu tiên, tái thiết khu vực nội đô mở rộng để phát huy thế mạnh của Thủ đô Hà Nội. Ảnh minh họa
Khu vực nội đô mở rộng chịu ảnh hưởng nhiều về việc gia tăng dân số
Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, quy mô dân số tăng nhanh, mật độ dân số phát triển "nóng" khu vực nội đô gây nhiều sức ép đối với hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, quản lý an ninh, trật tự công cộng, bảo đảm môi trường sống. Ðiều này cũng tạo ra nhiều áp lực cho chính quyền các cấp trong công tác lãnh đạo, điều hành để bảo đảm các điều kiện về giáo dục, y tế, an sinh xã hội của người dân.
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 (QHC2011) xác định, khu vực nội đô mở rộng có ranh giới từ đường Vành đai 2 đến sông Nhuệ gồm các quận: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông. Quy mô dân số tối đa khoảng gần 900 nghìn người. Tính chất, chức năng chủ yếu của khu vực là xây dựng hiện hữu và phát triển mới để giảm áp lực cho hạ tầng cho khu vực nội đô lịch sử; xây dựng phát triển mới các trung tâm đô thị và các khu đô thị mới.
Cụ thể hóa QHC2011 được duyệt, UBND TP. Hà Nội đã triển khai lập và phê duyệt 4 đồ án quy hoạch phân khu đô thị gồm H2-1 (khu vực Tây Hồ, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm), H2-2 (khu vực Cầu Giấy, Nam Từ Liêm), H2-3 (khu vực Cầu Giấy, Thanh Xuân), H2-4 (khu vực Hoàng Mai, Thanh Trì, Hà Đông).
Ông Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, về cơ bản các quy hoạch phân khu đô thị tại khu vực nội đô mở rộng đã được phê duyệt tuân thủ đúng tính chất và chức năng đã được xác định tại QHC2011. Tuy nhiên, quá trình triển khai cụ thể hoá QHC2011 vẫn còn một số tồn tại, bất cập.
Cụ thể, khu vực này có sự thay đổi không gian xây dựng mạnh mẽ nhất trong giai đoạn vừa qua gắn với sự hình thành các khu đô thị mới và hoạt động xây dựng tại những khu vực đô thị hiện trạng thông qua gia tăng mật độ xây dựng, nâng tầng cao công trình. Mạng lưới hạ tầng được xây dựng nhanh chóng nhưng không theo kịp tốc độ gia tăng dân cư, hệ thống hạ tầng chưa được kết nối dẫn tới ách tắc giao thông, ngập lụt, ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt là thiếu nghiêm trọng hệ thống hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, công viên, bãi đỗ xe… do việc di dời các cơ sở công nghiệp, giáo dục, bệnh viện để phát triển công trình phục vụ lợi ích công cộng khu vực còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc xác lập hệ thống công viên cây xanh tại các khu vực công viên Đầm Hồng, Hạ Đình, Định Công… theo định hướng QHC2011 chưa bảo đảm tính khả thi do tại một số khu vực dân cư hiện có đang sinh sống ổn định từ lâu đời.
Bên cạnh đó, do có tốc độ đô thị hóa mạnh nên khu vực nội đô mở rộng chịu ảnh hưởng nhiều về việc gia tăng dân số. Trong khi chỉ tiêu dân số khu vực được xác định theo QHC2011 chỉ cơ bản đáp ứng được cho khu dân cư hiện có và một phần dự án đầu tư đã được cấp thẩm quyền chấp thuận, dẫn đến khó khăn trong việc phát triển các khu đô thị cũng như dự án nhà ở mới để đáp ứng được mục tiêu đề ra của đồ án QHC2011.
Các quận nằm trong khu vực nội đô mở rộng vẫn còn nhu cầu cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội - đô thị cần giải quyết kịp thời, song bị khống chế về chỉ tiêu dân số dẫn đến việc triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Giảm áp lực hạ tầng cho khu vực nội đô lịch sử
Từ những tồn tại bất cập cho thấy các yêu cầu, định hướng quy hoạch cũng như tình hình thực tiễn chưa phù hợp với yêu cầu phát triển, định hướng phát triển không gian, phát sinh nhiều yếu tố, ảnh hưởng đến công tác quản lý đô thị, quy hoạch kiến trúc tại mỗi địa phương trong khu vực. Do đó trong đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065 (Quy hoạch chung Thủ đô), đơn vị nghiên cứu có những đề xuất điều chỉnh một số nội dung tại các quận thuộc khu vực nội đô mở rộng.
KTS. Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) cho biết, yêu cầu chính đối với đô thị lõi lịch sử là giảm áp lực về dân số, giảm tải hoạt động xây dựng công trình quy mô lớn làm gia tăng nhu cầu phát sinh xe cơ giới; do đó việc cần làm là làm thế nào để nâng cao tính hấp dẫn của mỗi địa điểm và củng cố các thể chế cho sự vận hành chung cả đô thị.
KTS Lê Hoàng Phương, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, đơn vị tư vấn lập đồ án thông tin cho rằng, cần rà soát, phân bổ lại quy mô theo hướng tăng dân số cho khu vực này nhằm phù hợp với định hướng giảm áp lực hạ tầng cho khu vực nội đô lịch sử.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình di dời các cơ sở giáo dục không bảo đảm quy mô đào tạo, cơ sở khám chữa bệnh gây ô nhiễm, cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch..., bảo đảm bàn giao quỹ đất sau khi di dời cho thành phố để phát triển công trình phục vụ lợi ích công cộng khu vực. Đặc biệt, rà soát kỹ tình trạng pháp lý tại các khu vực có nhiều đơn thư khiếu kiện trong thời gian qua do vướng mắc về quy hoạch.
Về định hướng phát triển không gian đô thị và hạ tầng đô thị, KTS Lê Hoàng Phương cho biết, tại khu vực này hình thành trung tâm hành chính bộ ngành tập trung tại khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì - Mỹ Đình. Xây dựng không gian cao tầng tạo điểm nhấn, hình ảnh đô thị hiện đại cho khu vực nội đô dọc theo tuyến đường Vành đai 3 và các trục hướng tâm. Khuyến khích điều chỉnh các khu đô thị đang và sẽ xây dựng theo hướng đô thị mới tập trung, hiện đại, cao tầng với các dịch vụ đô thị hoàn chỉnh, đồng bộ. Định hướng không gian đô thị tại khu vực xung quanh khu vực ga đường sắt đô thị với bán kính khoảng 500 - 1.000m theo mô hình TOD.
Cùng với đó, hình thành trung tâm Tây Hồ Tây mang tầm cỡ quốc tế và khu vực với chức năng chủ đạo là văn hóa, thương mại, dịch vụ, tài chính, ngân hàng du lịch, giải trí, công viên… Hoàn thiện trung tâm thể thao tại Mỹ Đình - Mễ Trì. Hình thành hệ thống các trung tâm dịch vụ chất lượng cao và tăng cường không gian mở, cây xanh và mặt nước. Xây dựng các khu nhà ở với nhiều loại hình cao cấp, trung cấp, nhà ở cho người thu nhập thấp nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu nhà ở của dân.
Tái thiết các khu chung cư cũ trên nguyên tắc phát triển cao tầng, giảm mật độ xây dựng và đáp ứng về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Bảo tồn các công trình di tích lịch sử, kiến trúc đô thị. Khai thác quỹ đất dọc sông Nhuệ, sông Tô Lịch để hình thành hệ thống công viên cây xanh mặt nước liên tục gắn với hệ thống hồ điều hòa hai bên sông (hồ Linh Đàm, Yên Sở) kết hợp hệ sinh thái, cây xanh, thảm thực vật, hệ thống thoát nước và tạo thành chuỗi các công viên cây xanh hoàn chỉnh kết nối với hệ thống cây xanh sinh thái sông Hồng. Tạo lập không gian xanh gắn với hệ thống mương thoát nước kết nối sông Nhuệ – Hồ Tây; sông Nhuệ - sông Tô Lịch.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, trong đó ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng. Cải thiện điều kiện giao thông bằng các giải pháp xây dựng hệ thống đường tầng ở một số đoạn trên tuyến Vành đai 2, Vành đai 3, Quốc lộ 6, Quốc lộ 1 đoạn từ Vành đai 2 đến Vành đai 4. Xây dựng hệ thống Metro đi ngầm từ đường Vành đai 2 trở vào. Xây dựng, bổ sung hệ thống bãi đỗ xe ngầm ở các vườn hoa và dưới công trình cao tầng; hình thành các trục không gian đi bộ kết nối các khu trung tâm…
Lấy ý kiến, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch Thủ đô trong tháng 11/2023
Tại phiên họp trực tuyến do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì diễn ra vào đầu tháng 11 về nội dung quy hoạch Thủ đô thời lỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ tịch Trần Sỹ Thanh chỉ đạo, cần đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện dự thảo Quy hoạch Thủ đô, sớm trình thẩm định theo quy định, với tinh thần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, liên tục giữa các nội dung, các chuyên gia, đơn vị tư vấn để bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Các đơn vị liên quan đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ, triển khai, lấy ý kiến. Đại diện Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội - cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô cho biết, sau quá trình nghiên cứu công phu và kỹ lưỡng, dự thảo Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 kèm theo các hồ sơ được đăng tải trên trang Thông tin điện tử của Viện trong tháng 11/2023 để xin ý kiến theo quy định.
Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội cũng đồng thời gửi hồ sơ dự thảo Quy hoạch Thủ đô tới các đơn vị xin ý kiến.
Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, Viện đề nghị tham gia ý kiến bằng văn bản về phương án phát triển ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, bảo đảm sự liên kết, đồng bộ và hệ thống giữa các ngành, giữa các địa phương trong vùng, sự phù hợp của quy hoạch Thủ đô được lập đối với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng có liên quan.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội, Viện chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND thành phố đôn đốc để nhận được ý kiến góp ý bằng văn bản.
Về việc xin ý kiến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã, Viện gửi hồ sơ, đề nghị các đơn vị trả lời bằng văn bản về nội dung phương án phát triển ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý trong Quy hoạch Thủ đô, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng có liên quan.
Các sở, ngành thành phố phối hợp với Viện, các đơn vị tư vấn trong việc nghiên cứu các nội dung đề xuất tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô, danh mục các dự án ưu tiên đầu tư của ngành, lĩnh vực, địa bàn theo chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền.
Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan được giao cho UBND các quận, huyện, thị xã thông báo đến UBND cấp xã và các cơ quan, tổ chức đóng tại địa bàn.
UBND cấp xã có trách nhiệm thông tin việc lấy ý kiến về quy hoạch đến cộng đồng dân cư và cá nhân có liên quan. Cộng đồng dân cư, tổ chức và cá nhân góp ý cho quy hoạch trực tiếp trên trang thông tin điện tử của Viện hoặc gửi văn bản góp ý tới Viện.
Thời gian tổ chức lấy ý kiến và trả lời trong vòng 30 ngày. Theo kế hoạch, việc góp ý, tiếp nhận các góp ý và tiếp thu, hoàn thiện nội dung quy hoạch được thực hiện trong tháng 11/2023 để tiếp tục triển khai các bước tiếp theo theo quy định.