LẤY Ý KIẾN ĐÓNG GÓP CHO DỰ THẢO QUY HOẠCH THỦ ĐÔ HÀ NỘI THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Sau quá trình hoàn thiện khá công phu và kỹ lưỡng, dự thảo Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được đưa ra xin ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã và cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định.

1. Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô khẩn trương, đảm bảo tiến độ

Thực hiện Quyết định số 1138/QĐ-UBND ngày 04/4/2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội là Cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch Thủ đô) và Kế hoạch số 246/KH-UBND ngày 11/10/2023 của UBND Thành phố về triển khai lấy ý kiến đối với dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đã phối hợp với liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô đã hoàn thiện dự thảo báo cáo Quy hoạch Thủ đô để đưa ra lấy ý kiến theo quy định. Theo báo cáo của GS.TS. Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, đại diện Liên danh tư vấn Lập quy hoạch Thủ đô, qua phân tích tiềm năng, đặc thù, thực trạng và những điểm nghẽn trong phát triển thời gian qua, Liên danh tư vấn đã đề xuất định hướng quy hoạch gồm 5 quan điểm phát triển, 4 khâu đột phá, 3 kịch bản phát triển kinh tế; 5 trụ cột phát triển Thủ đô. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng xác định phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội Thủ đô gồm 5 vùng kinh tế - xã hội, 5 không gian phát triển, 5 vùng đô thị, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực.

Dự thảo báo cáo Quy hoạch Thủ đô đã được đưa ra xem xét, thống nhất trong phiên họp UBND Thành phố thường kỳ tháng 11/2023.

Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô đã được thực hiện hết sức khẩn trương, bảo đảm đúng tiến độ đề ra, song đó thực sự là một quá trình công phu và kỹ lưỡng. Tại Hội nghị trình bày, báo cáo, lấy ý kiến đại diện các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (diễn ra sáng 30/10/2023 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến), TS. Lê Ngọc Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết, trong suốt 22 tháng triển khai nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô, Viện đã tham mưu UBND Thành phố tổ chức và chủ trì tổ chức hàng trăm buổi hội thảo, tọa đàm, làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, Vụ Quản lý Quy hoạch (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), các đơn vị thuộc thành phố. Đặc biệt là chuỗi gần 20 buổi hội thảo, tọa đàm với các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã về các nội dung tích hợp quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa bàn do Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải trực tiếp chủ trì. Trong quá trình triển khai công tác lập Quy hoạch, các Sở ngành, quận, huyện đã chủ động phối hợp với Viện, đơn vị tư vấn, chuẩn bị các nội dung đề xuất của ngành, lĩnh vực, địa phương. Nhờ sự vào cuộc tích cực của các Sở ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, nên dù thời gian chưa nhiều, song hiện tại đã có sản phẩm là dự thảo 1 Báo cáo tích hợp Quy hoạch Thủ đô với dung lượng hơn 1.000 trang, chất lượng tương đối đảm bảo.

Dự thảo báo cáo Quy hoạch Thủ đô đã hoàn thành, song chính hội nghị sáng ngày 30/10/2023 cũng tiếp tục là bước ý kiến các đơn vị, sở, ngành về thực trạng phát triển của ngành, lĩnh vực do đơn vị, địa phương phụ trách; các quan điểm, định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá để phát triển Thủ đô; phương án phát triển của ngành, lĩnh vực; phương án phát triển vùng liên huyện, vùng huyện; danh mục các dự án ưu tiên của ngành, lĩnh vực do đơn vị, địa phương phụ trách, với mong muốn hoàn thiện hơn nữa Báo cáo tích hợp quy hoạch lần 1. Và ngay chiều 31/10/2023, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì buổi làm việc về hoạt động đồng hành trong nghiên cứu các nhiệm vụ giải pháp xây dựng và phát triển Thủ đô và các nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Văn bản số 1034/TB-UBND của UBND Thành phố ngày 02/11/2023 thông báo kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố tại buổi làm việc, nêu rõ: Về báo cáo nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục rà soát, thống nhất 05 nội dung cụ thể, trong đó có việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch Thủ đô, tham mưu UBND Thành phố tổ chức lấy ý kiến theo quy định. Chủ tịch UBND Thành phố cũng giao các Sở, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan phối hợp với Viện, tiếp tục tham gia ý kiến đóng góp để hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô theo quy định; thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 246/KH-UBND ngày 11/10/2023 của UBND Thành phố về việc triển khai lấy ý kiến đối với dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Ngay sau đó, chiều ngày 03/11/2023, Dự thảo báo cáo Quy hoạch Thủ đô đã được đưa ra xem xét, thống nhất trong phiên họp UBND Thành phố thường kỳ tháng 11/2023.

Các buổi họp, làm việc về Quy hoạch Thủ đô diễn ra liên tục như vậy cho thấy, nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô được thực hiện hết sức khẩn trương, nghiêm túc, đảm bảo tiến độ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị Thành phố cùng tâm huyết của rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học dành cho Thủ đô Hà Nội.

2. Lấy ý kiến góp ý trong tháng 11/2023

Trong tháng 11/2023, dự thảo Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được đưa ra xin ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội, các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Dự thảo báo cáo Quy hoạch Thủ đô kèm theo các hồ sơ được đăng tải trực tuyến trên trang Thông tin điện tử của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội (cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô).

Việc xin ý kiến được thực hiện theo Điều 19 Luật Quy hoạch và Điều 32 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch. Theo đó, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội gửi hồ sơ dự thảo Quy hoạch Thủ đô tới các đơn vị xin ý kiến. Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Viện đề nghị tham gia ý kiến bằng văn bản về phương án phát triển ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, đảm bảo sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các ngành, giữa các địa phương trong vùng, sự phù hợp của quy hoạch Thủ đô được lập đối với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng có liên quan; đồng thời chủ trì, phối hợp với các sở, ngành Thành phố tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý theo quy định. Đối với UBND các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội, Viện chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND Thành phố đôn đốc để nhận được ý kiến góp ý bằng văn bản đúng thời hạn quy định.

Về việc xin ý kiến Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã, Viện gửi hồ sơ, đề nghị các đơn vị được lấy ý kiến trả lời bằng văn bản về nội dung phương án phát triển ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý trong Quy hoạch Thủ đô, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng có liên quan. Các sở, ngành Thành phố có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Viện , các đơn vị tư vấn trong việc nghiên cứu các nội dung đề xuất tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô, danh mục các dự án ưu tiên đầu tư của ngành, lĩnh vực, địa bàn theo chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền. Đồng thời, phối hợp với Viện, liên hệ với các đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ để xin ý kiến đối với dự thảo Quy hoạch Thủ đô.

Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan được giao cho UBND các quận, huyện, thị xã thông báo việc lấy ý kiến về Quy hoạch Thủ đô đến UBND cấp xã và các cơ quan, tổ chức đóng tại địa bàn. UBND cấp xã có trách nhiệm thông tin việc lấy ý kiến về quy hoạch đến cộng đồng dân cư và cá nhân có liên quan. Cộng đồng dân cư, tổ chức và cá nhân góp ý cho quy hoạch trực tiếp trên trang thông tin điện tử của Viện hoặc gửi văn bản góp ý tới Viện.

Thời gian tổ chức lấy ý kiến và trả lời trong vòng 30 ngày, tính từ ngày nhận được văn bản kèm theo hồ sơ lấy ý kiến về quy hoạch. Theo kế hoạch, việc góp ý, tiếp nhận các góp ý và tiếp thu, hoàn thiện nội dung quy hoạch được thực hiện trong tháng 11/2023 để tiếp tục triển khai các bước tiếp theo theo quy định.

(Nguồn:vienktxh.hanoi.gov.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website