Thiệt hại nặng nề
Tại Hà Nội, cơn bão số 3 và hoàn lưu bão số 3 với những trận gió cường độ lớn, những trận mưa lưu lượng lớn gây ngập úng nhiều tuyến đường, nhiều khu vực bị cô lập hoàn toàn. Theo ghi nhận tình hình giao thông Hà Nội những ngày bão, một số tuyến đường bị ngập sâu trong nước.
Chẳng hạn, tại quận Hà Đông có nhiều điểm ngập sâu như đường 19/5 qua Khu đô thị Văn Quán; đường Nguyễn Khuyến; đường Phùng Hưng đoạn Viện 103; ngã 3 Ba La, các phương tiện di chuyển khá khó khăn. Trên Đại lộ Thăng Long, đường dẫn lên cầu Yên Sở km 14 + 260 tỉnh lộ 422 (đường 79 cũ) vẫn ngập sâu 60cm; cầu 72II km 8+400 tỉnh lộ 423 huyện Hoài Đức nước sâu 1,3m… đến thời điểm ngày 14/9, vẫn tiếp tục úng sâu, khiến lực lượng chức năng phải tiếp tục rào chắn, cấm toàn bộ phương tiện lưu thông trên 2 địa điểm trên. Tất cả phương tiện đều phải di chuyển lên cao tốc.
Trên các trục giao thông thuộc địa bàn Hà Nội còn không ít điểm úng ngập sâu, người và phương tiện lưu thông hết sức khó khăn. Ảnh: Đinh Luyện
Tương tự, ở khu vực đường Tỉnh lộ 419, Tỉnh lộ 425 (huyện Mỹ Đức) nước ngập sâu, lực lượng chức năng phải tiến hành rào chắn, phân luồng hướng dẫn giao thông cho người dân qua khu vực ngập sâu. Tại huyện Thường Tín, ở chân cầu vượt Khe Hồi (Tỉnh lộ 427 hướng đi cảng Hồng Vân) nước ngập sâu khiến các phương tiện di chuyển khó khăn. Một số đoạn tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ nước ngập cả 2 chiều đơn cử như đoạn qua Km 191 đến 191+500, địa bàn xã Duyên Thái, huyện Thường Tín (Hà Nội).
Theo thống kê từ Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội từ ngày 9-15/9, trên địa bàn toàn thành phố đã xảy ra tổng số 1.257 sự cố, hư hỏng về kết cấu hạ tầng giao thông (1.045 sự cố về đường bộ; 164 sự cố về đèn tín hiệu giao thông).
Đáng chú ý, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên các tuyến đường thuộc thẩm quyền của Sở GTVT Hà Nội quản lý có tổng số 595 vị trí xảy ra tình trạng cây xanh, cột điện, cột đèn chiếu sáng và các hạ tầng kỹ thuật gãy, đổ trên mặt đường. Đặc biệt, trên địa bàn thành phố có tổng số 164 vị trí trên 122 tuyến đường bị ngập, úng. Sở GTVT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cảnh báo, rào chắn, bố trí người trực gác, hướng dẫn phân luồng giao thông tại các vị trí ngập, úng; đồng thời phối hợp với các đơn vị quản lý thoát nước của Sở Xây dựng để khẩn trương khắc phục tình trạng ngập, úng.
Khắc phục nhanh, quyết liệt
Trước tình hình ngập úng trên nhiều tuyến giao thông, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại của người dân, Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị đã tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, không để xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông nguyên nhân do hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo Sở GTVT Hà Nội, để ứng phó với bão số 3, Sở GTVT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các đơn vị quản lý bảo trì đường bộ, đường thủy, đèn tín hiệu giao thông, bảo đảm công tác trực 24/24h, thường xuyên cập nhật tình hình giao thông, các vị trí xảy ra ngập úng, các hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó, bảo đảm an toàn giao thông theo kế hoạch và kịch bản đã được Sở GTVT Hà Nội xây dựng, tránh để bị động trong mọi tình huống.
Bố trí lực lượng, các phương tiện, trang thiết bị đã được trang cấp, tập trung mọi nguồn lực chuẩn bị sẵn sàng phục vụ cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra theo phương châm 4 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ - Vật tư tại chỗ - Phương tiện tại chỗ - Hậu cần tại chỗ”.
Trong đó, Sở GTVT Hà Nội đã bố trí người ứng trực, rào chắn, cấm các phương tiện lưu thông qua khu vực ngập úng. Đồng thời, Sở GTVT Hà Nội bố trí hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn và ban hành 20 Thông báo hướng dẫn cho các phương tiện lưu thông để bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường: Tỉnh lộ 421B, 423, 401, 413, 419, 425, 422, 427, 428, Quốc lộ 3, Quốc lộ 32, Đường tỉnh 70, Đại lộ Thăng Long, các Cầu: Đuống, Chương Dương, Long Biên, Trung Hà và trên các tuyến đường thủy nội địa địa phương (sông Đáy, sông Cà Lồ, suối Yến, Hồ Suối Hai)...
Để đảm bảo an toàn cho người dân, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (trực thuộc Sở GTVT Hà Nội) thông tin, đơn vị đã chỉ đạo các nhà thầu quản lý đường bộ cắm biển cảnh báo tại các vị trí ngập sâu không lưu thông được và phối hợp với các lực lượng chức năng hướng dẫn phân luồng cho người dân có phương án di chuyển phù hợp. Đối với các vị trí đã có thông báo phân luồng của Sở, Ban Duy tu đã chỉ đạo nhà thầu quản lý đường bộ phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện theo đúng thông báo phân luồng của Sở GTVT Hà Nội đưa ra.
Tương tự, về phía Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, ông Nguyễn Đình Quyền - Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp (Thanh tra Sở GTVT Hà Nội) cho biết, để đảm bảo an toàn cho người dân, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Sở GTVT Hà Nội, Thanh tra Sở đã bố trí 100% lực lượng để phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an, chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng khác hướng dẫn, phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua các khu vực có sự cố về ngập, úng; đảm bảo cho người dân đi lại thuận tiện, an toàn.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT Gia Lâm cho hay, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, Hà Nội đã có những trận mưa lớn, nước lũ đổ dồn về khiến mực nước sông Hồng tăng nhanh dẫn đến nhiều nơi bị ngập lụt, hệ thống giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để đảm bảo an toàn, lực lượng Thanh tra GTVT đã huy động phương tiện để đưa người dân đi qua các vùng ngập sâu. Với Đội Thanh tra GTVT Gia Lâm, đơn vị được giao nhiệm vụ túc trực và phân luồng giao thông khi cầu Đuống bị tạm cấm, đảm bảo an toàn cho nhân dân. Các thành viên trong Đội đã túc trực 24/24h, huy động 100% quân số đảm bảo an toàn giao thông cho khu vực trên địa bàn; đồng thời hỗ trợ phân luồng giúp người dân lưu thông an toàn qua các điểm úng ngập.
Ông Nguyễn Hữu Phượng - Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng Đường bộ I Hà Tây cho biết, hiện bão số 3 đã qua song các điểm ngập úng trên địa bàn thành phố còn nhiều. Để đảm bảo người dân đi lại thông thuận, Công ty đã cắt cử lao động ứng trực 24/24h tại các điểm ngập trên các trục đường như: 76, 74, 427, Quốc lộ 6…
Từ những hậu quả của cơn bão số 3 cho thấy, GTVT là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết, khí hậu; và đặc biệt dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu và thiên tai phức tạp khó lường gây ra lũ lụt, mưa bão... Sự vào cuộc nhanh, kịp thời của ngành chức năng phụ trách lĩnh vực GTVT Thủ đô là đáng ghi nhận, tuy nhiên về lâu dài để giảm những tác động tiêu cực từ thiên tai tới lĩnh vực GTVT thì cần phải thực hiện những đánh giá về rủi ro thiên tai ở từng khu vực, xác định điểm yếu của hạ tầng và đưa ra giải pháp phù hợp.
Với những vùng rủi ro cao thì tiêu chuẩn thiết kế phải cao để đảm bảo các công trình có khả năng chịu đựng thời tiết khắc nghiệt; với những điểm trũng thấp thì cần nâng cấp hạ tầng trong khu vực, hạn chế tối đa việc đứt gãy giao thông.