Theo đó, có 25 biệt thự cũ thuộc các nhóm 1, 2, 3. Cụ thể, biệt thự nhóm 1 gồm: nhà 224A - 224B Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, quận 3. Biệt thự nhóm 2 gồm: nhà 17 Tú Xương, phường Võ Thị Sáu, quận 3; nhà 179 Võ Thị Sáu, phường Võ Thị Sáu, quận 3; nhà 262ABC Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, quận 3.
Biệt thự nhóm 3 gồm: Các nhà số 70, 72, 90 Sương Nguyệt Anh, phường Bến Thành, quận 1; các nhà 2/8 và 2/32 Cao Thắng, phường 5, quận 3; các nhà 182, 299 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, quận 3; nhà 45 Lê Quý Đôn, phường Võ Thị Sáu, quận 3; nhà 151 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, quận Bình Thạnh; nhà 155 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận…
Biệt thự cổ Phương Nam nổi tiếng bậc nhất TP bởi kiến trúc đẹp và vị trí đắc địa với 3 mặt tiền đường Võ Văn Tần, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Thị Diệu - Ảnh: Dũng Phương
UBND TP.HCM yêu cầu các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu biệt thự cũ thuộc danh mục nêu trên có trách nhiệm tuân thủ nguyên tắc về quản lý, sử dụng và bảo trì, cải tạo biệt thự cũ, được quy định tại khoản 2 điều 34 Nghị định số 99/2015/NĐ- CP ngày 20.10.2015 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Nhà ở ngày 25.11.2014 của Quốc hội.
Cụ thể, trường hợp là biệt thự cũ thuộc sở hữu nhà nước, phải thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; trường hợp là biệt thự cũ có giá trị nghệ thuật, lịch sử, văn hóa, phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý di sản văn hóa.
Đối với biệt thự cũ thuộc nhóm 1, phải giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao. Đối với biệt thự cũ thuộc nhóm 2, phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài. Đối với biệt thự cũ thuộc nhóm 3, thực hiện theo các quy định của pháp luật về quy hoạch, kiến trúc và pháp luật về xây dựng.
Các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu biệt thự cũ thuộc nhóm 1 hoặc nhóm 2 có trách nhiệm tuân thủ quy định tại khoản 4 điều 87 Luật Nhà ở, ngày 25.11.2014 của Quốc hội. Cụ thể, không được làm thay đổi nguyên trạng ban đầu của biệt thự cũ. Không được phá dỡ biệt thự cũ nếu chưa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ theo kết luận kiểm định của Sở Xây dựng; trường hợp phải phá dỡ để xây dựng lại thì phải theo đúng kiến trúc ban đầu, sử dụng đúng loại vật liệu, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao của biệt thự cũ. Không được tạo thêm kết cấu để làm tăng diện tích hoặc cơi nới, chiếm dụng không gian bên ngoài biệt thự cũ.
Sở Xây dựng phối hợp với UBND TP.Thủ Đức, các quận huyện tăng cường kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng đối với các biệt thự cũ, nhất là các biệt thự cũ đã được phân loại vào nhóm 1, nhóm 2 và các biệt thự cũ đang trong quá trình được phân loại; chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi tự ý tháo dỡ, chia cắt biệt thự cũ trái quy định pháp luật.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn UBND các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận thực hiện công bố công khai danh mục các biệt thự đã được phân loại, hướng dẫn các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu biệt thự cũ có trách nhiệm tuân thủ nguyên tắc về quản lý, sử dụng và bảo trì, cải tạo biệt thự cũ theo đúng quy định pháp luật.