TPHCM rà soát, thay thế các cây cầu yếu

TPHCM hiện còn nhiều cây cầu sắt cũ, xây dựng trước năm 1975, đang đối mặt với nguy cơ sập do xuống cấp nghiêm trọng.

 Cầu sắt Rạch Tôm trên đường Lê Văn Lương tiềm ẩn nguy cơ tai nạn vì xuống cấp. Ảnh: Minh Quân

Để khắc phục, TPHCM đã và đang triển khai các dự án xây cầu mới thay thế, nhằm đảm bảo an toàn và tăng kết nối.

Nín thở qua những cây cầu ọp ẹp ở Nhà Bè

Đường Lê Văn Lương chạy qua hai xã Phước Kiển, Nhơn Đức, nối liền huyện Nhà Bè (TPHCM) và huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An). Trên tuyến đường này, trước đây có 4 cây cầu sắt gồm Rạch Đỉa, Long Kiểng, Rạch Tôm và Rạch Dơi. Các cây cầu này đều được xây dựng trước năm 1975, cùng kết cấu bằng thép và xuống cấp. Hiện, cầu Long Kiểng mới đã thông xe, cầu Rạch Đỉa mới đang thi công, nhưng 2 cây cầu còn lại vẫn chưa được xây mới.

Cầu Rạch Dơi hiện là một trong những cây cầu yếu đáng lo ngại nhất. Nhiều trụ cầu bằng sắt đã bị gỉ sét và thủng lỗ chỗ, khiến kết cấu cầu trở nên rất mong manh. Dù đã xuống cấp nặng, cầu Rạch Dơi vẫn phải chịu tải lượng lớn phương tiện lưu thông, từ xe máy, xe hơi cho đến xe tải. Phía dưới cầu, tàu thuyền chở hàng hóa, đặc biệt là những phà chở đầy cát, thường xuyên di chuyển, tạo nguy cơ va chạm với chân cầu.

Cầu Rạch Tôm cũng trong tình trạng không khá hơn. Với bề ngang chỉ khoảng 3m, cầu này thường xuyên bị kẹt xe trong giờ cao điểm. Cầu không có lề cho người đi bộ, khiến người dân phải liều mình băng qua giữa dòng xe cộ. Mỗi khi xe tải lớn di chuyển qua cầu, các tấm sắt trên bề mặt rung lắc mạnh, càng làm tăng thêm sự bất an cho người dân.

Chị Nguyễn Thị Thúy (huyện Nhà Bè), chia sẻ: "Những lúc đông xe, cầu rung lắc khiến tôi rất sợ, chỉ mong đừng bị sập như cầu Long Kiểng cũ cách đây vài năm".

Thay thế các cầu yếu trên đường Lê Văn Lương

Để giải quyết tình trạng xuống cấp của các cây cầu trên tuyến đường Lê Văn Lương, Sở GTVT TPHCM đã đề xuất đưa các dự án xây dựng cầu Rạch Tôm và Rạch Dơi mới vào kế hoạch đầu tư từ nay đến năm 2030.

Dự án cầu Rạch Tôm được Sở GTVT TPHCM phê duyệt từ năm 2019 với tổng mức đầu tư gần 497 tỉ đồng. Cầu mới dự kiến dài 171m, rộng 15m, với đường dẫn dài hơn 512m. Tuy nhiên, do chưa được bố trí đủ nguồn vốn trung hạn cho giai đoạn 2021-2025, dự án này vẫn đang bị đình trệ. Hiện tại, Sở GTVT đề xuất bố trí khoảng 260 tỉ đồng trong giai đoạn 2024-2025 để giải phóng mặt bằng và dự kiến hoàn thành, thông xe vào cuối năm 2026.

Trong khi đó, dự án cầu Rạch Dơi mới đã được thông qua từ năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai do khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn. Cầu Rạch Dơi mới sẽ dài 452m, rộng 15m với phần đường dẫn khoảng 300m. Trong tổng mức đầu tư, TPHCM sẽ đảm nhận chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 265 tỉ đồng, còn đoạn qua tỉnh Long An dự kiến chi phí khoảng 85 tỉ đồng sẽ do địa phương này thực hiện. Dự kiến, cầu Rạch Dơi sẽ được hoàn thành vào năm 2028, sau khi TPHCM điều chỉnh chủ trương đầu tư trong năm nay.

Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TPHCM, nhiều cây cầu yếu đã được xây mới và đưa vào sử dụng, điển hình như cầu Long Kiểng và Phước Lộc (huyện Nhà Bè), hay cầu Vàm Sát 2 (huyện Cần Giờ). Dự kiến cuối tháng 9 này, cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp (TP Thủ Đức) sẽ thông xe, giúp thay cầu cống đập Rạch Chiếc nhỏ hẹp và xuống cấp.

Riêng cầu Rạch Đỉa trên đường Lê Văn Lương, nối liền Nhà Bè và quận 7, hiện đã hoàn thành 81% khối lượng thi công. Có 7/9 nhịp dầm cầu đã lắp đặt xong. Công tác thi công mặt cầu và các nhịp dầm còn lại đang được đẩy nhanh tiến độ, với dự kiến hoàn thành toàn bộ công trình vào tháng 12.2024.

(Nguồn:laodong.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website