Ông Nguyễn Mạnh Lam phát biểu tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI
Tham dự tại điểm cầu của Sở Kế hoạch và Đầu tư hai tỉnh Lai Châu và Hà Giang có đại diện các Sở: Xây dựng, Công thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị liên quan.
Phát biểu tại buổi tham vấn, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Lam cho biết, buổi tham vấn nhằm trao đổi và thu thập các thông tin, tài liệu liên quan đến công tác lập Quy hoạch vùng Trung du và Miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, thảo luận và trao đổi các vấn đề về thực trạng và nguyên nhân, đề xuất nghiên cứu làm rõ các quan điểm, định hướng của địa phương về phát triển các ngành, lĩnh vực, bao gồm cả việc bố trí không gian phát triển. Phát hiện những xung đột giữa phát triển ngành, lĩnh vực, giữa các địa phương trong vùng Trung du và Miền núi phía Bắc và tìm kiếm giải pháp giải quyết trong kỳ quy hoạch...
Tại buổi tham vấn các đại biểu đã được nghe nội dung Báo cáo về quy hoạch vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, những điểm nhấn liên quan đến tỉnh Lai Châu. Theo đó, vấn đề nổi bật của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, cửa ngõ phía Bắc của quốc gia, nằm giữa các vùng kinh tế lớn, kết nối hàng không và hàng hải còn hạn chế. Với diện tích rừng lớn cùng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và đa dạng, khí hậu mát mẻ là những điều kiện rất thuận lợi cho phát triển theo hướng xanh, sinh thái, tuần hoàn. Tuy nhiên, thời gian di chuyển nội vùng và tới các trung tâm kinh tế còn lớn, đặc biệt là hướng Đông - Tây; liên kết với các cửa khẩu còn khó khăn. Quỹ đất phát triển hạn chế, chủ yếu ở vùng phía Đông Bắc. Sự đa dạng văn hóa tạo sức hấp dẫn cho du lịch gắn với văn hóa bản địa; cần kết nối, hợp tác để phát triển hiệu quả cho toàn vùng. Sản xuất thủy điện, khai khoáng, lâm nghiệp đang là những ngành có lợi thế phát triển. Hiện chưa khai thác hết tiềm năng du lịch, logistics, cửa khẩu… Báo cáo cũng nêu ra những điểm nghẽn và vấn đề trọng tâm cần giải quyết đó là liên kết nội vùng và liên vùng còn hạn chế; Chênh lệch phát triển nội vùng lớn; Chất lượng nguồn nhân lực thấp.
Vì vậy, với mục tiêu hiện thực hóa Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm phát triển kinh tế dưới tán rừng, tham gia thị trường tín chỉ các-bon, phát triển vùng nguyên liệu gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho sản xuất công nghiệp. Tập trung phát triển vành đai công nghiệp, hình thành các cụm liên kết ngành điện, điện tử - viễn thông, cơ khí chế tạo công nghệ cao, công nghiệp chế biến sâu khoáng sản, phát triển công nghiệp năng lượng công nghệ mới, năng lượng tái tạo, mở rộng vùng chuyên canh cây ăn quả, cây công nghiệp quy mô sản xuất hàng hóa lớn, phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch và chăn nuôi tuần hòa, chăn nuôi kết hợp với lâm nghiệp, phát triển du lịch xanh gắn với phát triển nông nghiệp, kinh tế cửa khẩu, văn hóa các dân tộc, phát triển các tuyến du lịch liên vùng, ...
Các đại biểu tham dự cuộc họp đã cùng thảo luận, đánh giá, nhận định về thực trạng phát triển của địa phương, vùng lãnh thổ, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, các khu vực hạn chế phát triển của địa phương đặt trong mối liên hệ với các địa phương lân cận; những khó khăn, hạn chế cản trở sự phát triển và nguyên nhân. Đồng thời, cũng đánh giá hiện trạng phát triển hạ tầng kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh; tính kết nối, đồng bộ giữa các hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh. Đánh giá về tiềm năng, thực trạng quản lý, khai thác tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn; trao đổi, làm rõ khả năng huy động các tài nguyên thiên nhiên vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội, những vấn đề môi trường nổi cộm của địa phương; tình hình thiên tai và phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong giai đoạn 2011-2022. Đánh giá sự phân bố không gian phát triển các ngành cấp tỉnh, liên tỉnh hiện nay, những bất cập cần giải quyết. Thực trạng các hoạt động liên kết vùng của địa phương trong giai đoạn 2011-2022. Nhu cầu và định hướng liên kết vùng của địa phương trong các lĩnh vực trong thời gian tới. Kiến nghị các cơ chế tăng cường hiệu quả liên kết vùng, phối hợp giữa các địa phương trong bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, khai thác, quản lý, sử dụng tài nguyên, các giải pháp phát triển vùng để cụ thể hóa mục tiêu quy hoạch đã đề ra, ...
Các ý kiến tham gia của các đại biểu đã làm rõ và bổ sung thêm về cơ chế chính sách cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học để tiếp tục hoàn thiện một bản Quy hoạch chất lượng cao làm cơ sở cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình ra Hội đồng thẩm định trong thời gian tới được rõ hơn, có hiệu quả./.