Nghiên cứu quy hoạch phát triển hệ thống giao thông trên cao tại các đô thị

Chủ nhiệm đề tài: Ts. Nguyễn Văn Minh

1. Tính cấp thiết của đề tài.

Hệ thống giao thông là một bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng đô thị, có vị trí, vai trò trọng yếu trong đời sống kinh tế - xã hội của đô thị, ngoài ra còn đóng góp vai trò định hướng cấu trúc đô thị cũng như định hướng các giải pháp quy hoạch đô thị. Giao thông trên cao là một hợp phần của hệ thống GTĐT, góp phần giải quyết các vấn nạn giao thông một cách nhanh chóng, hiệu quả và kinh tế. Kinh nghiệm và bài học kinh nghiệm trong xây dựng của các nước trên thế giới đều hướng tới khai thác giao thông ngoài mặt đất để tăng cường năng lực của cơ sở hạ tầng.

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, hệ thống đô thị phát triển cả về chất lượng, số lượng và quy mô. Hệ thống giao thông trên mặt đất luôn bị đặt trong tình trạng quá tải dẫn tới tình trạng ùn tắc thướng xuyên xảy ra, đặc biệt trong giờ cao điểm, gây thiệt hại không nhỏ tới kinh tế, xã hội và ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống đô thị. Nhận thức được vấn đề đó, xây dựng hệ thống giao thông ngoài mặt đất, đặc biệt là giao thông trên cao đang là phương án khả thi được các đô thị triển khai xây dựng. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông trên cao còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của đô thị. Các công trình giao thông trên cao được xây dựng chủ yếu nhằm giải quyết nhu cầu giao thông hay tình trạng ùn tắc tại một khu vực mà thiếu nghiên cứu quy hoạch tổng thể, kế hoạch cụ thể, dẫn tới tình trạng manh mún, không đồng bộ và hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, đề tài nghiên cứu về hệ thống giao thông trên cao còn ít và nhiều hạn chế. Do đó, đề tài “nghiên cứu quy hoạch phát triển hệ thống giao thông trên cao tại các đô thị” thực sự cần thiết và cấp bách.

2. Mục tiêu nghiên cứu.

Tổng quan về quy hoạch và xây dựng hệ thống giao thông trên cao tại các đô thị ở Việt Nam.

Bài học kinh nghiệm về quy hoạch phát triển hệ thống giao thông trên cao tại một số nước trên thế giới.

Đề xuất giải pháp quy hoạch phát triển hệ thống giao thông trên cao phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đô thị.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.

Đối tượng nghiên cứu: Quy hoạch phát triển hệ thống giao thông trên cao tại các đô thị (bao gồm hệ thống đường bộ, đường sắt và các công trình GTĐT).

Phạm vi nghiên cứu: các đô thị loại I trực thuộc trung ương trở lên trong cả nước.

4. Kết quả nghiên cứu.

Đề tài tập trung nghiên cứu về quy hoạch phát triển hệ thống giao thông trên cao tại các đô thị trực thuộc trung ương (tổng hợp, phân tích, đánh giá hiện trạng giao thông, giao thông trên cao, đô thị; tổng quan thành tựu cũng như bài học kinh nghiệm của các nước trên thế giới; xây dựng cơ sở khoa học về quy hoạch hệ thống giao thông trên cao) và đã đạt được những kết quả sau:

Giải pháp tích hợp quy hoạch giao thông trên cao trong đồ án quy hoạch chung đô thị theo 6 bước (xem hình 1): phân vùng quy hoạch, phân nhóm các tuyến GTĐT, đánh giá lựa chọn loại hình giao thông trên cao, dự thảo tích hợp quy hoạch giao thông trên cao trong quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung đô thị. Đề xuất nội dung, nguyên tắc và tiêu chí quy hoạch hệ thống giao thông trên cao tích hợp trong quy hoạch chung đô thị, tuân thủ theo hệ thống văn bản pháp lý hiện hành.

Đề xuất các tiêu chí quy hoạch phát triển hệ thống GTCC trên cao theo mục tiêu đô thị phát triển bền vững. Quy hoạch phát triển hệ thống giao thông trên cao phải đáp ứng đầy đủ, hài hòa các tiêu chí về kinh tế, xã hội và môi trường; làm tiền đề để xây dựng một đô thị xanh, bền vững và đáng sống.

Áp dụng hệ thống thông tin địa lý GIS trong quản lý, quy hoạch, xây dựng công trình giao thông trên cao. Phòng HTKT thuộc Sở Xây dựng (hoặc phòng Quản lý quy hoạch HTKT thuộc Sở Kiến trúc và Quy hoạch) có trách nhiệm tổng hợp thông tin về quy hoạch xây dựng công trình HTKT để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ứng dụng hệ thống thông tin địa lý trong quản lý HTKTĐT. Phòng có trách nhiệm quản lý, cập nhật, chỉnh sửa, xét duyệt, chia sẻ thông tin, cấp phép xây dựng, bảo trì, bảo dưỡng công trình HTKTĐT trong đó có giao thông trên cao.

Ngoài ra đề tài đã tổng hợp, phân tích được thực trạng xây dựng, quy hoạch hệ thống giao thông trên cao tại các đô thị nghiên cứu; tổng hợp kinh nghiệm của các nước trên thế giới về quy hoạch xây dựng hệ thống giao thông trên cao và đúc rút được bài học kinh nghiệm áp dụng cho các đô thị ở Việt Nam; Xây dựng được hệ thống cơ sở khoa học vững chắc làm cơ sở cho các đề xuất.

5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài.

a. Ý nghĩa khoa học:

              - Góp phần hoàn thiện nội dung văn bản luật và dưới luật về quy hoạch hệ thống giao thông trên cao; quy trình, nội dung, nguyên tắc tích hợp quy hoạch giao thông trên cao trong quy hoạch chung đô thị; các tiêu chí lựa chọn loại hình giao thông trên cao; tiêu chí quy hoạch giao thông công cộng theo hướng phát triển bền vững.

              - Góp phần đổi mới và nâng cao năng lực quản lý, quy hoạch xây dựng hệ thống giao thông trên cao nói riêng và quy hoạch đô thị nói chung.

b. Ý nghĩa thực tiễn.

              - Nội dung tích hợp quy hoạch hệ thống giao thông trên cao trong đồ án quy hoạch chung đô thị có tính khả thi cao.

              - Tiêu chí quy hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng trên cao theo mục tiêu phát triển bền vững phù hợp với xu hướng phát triển đô thị cũng như kinh tế xã hội, khoa học kỹ thuật hiện nay.

              - Từng bước nâng cao năng lực quản lý và quy hoạch xây dựng giao thông đô thị nói chung và giao thông trên cao nói riêng.

6. Đóng góp mới của đề tài.

Giải pháp tích hợp quy hoạch giao thông trên cao trong đồ án quy hoạch chung đô thị.

Các tiêu chí lựa chọn loại hình giao thông trên cao trong quy hoạch hệ thống giao thông đô thị.

Các tiêu chí quy hoạch phát triển bền vững hệ thống giao thông công cộng trên cao theo mục tiêu phát triển bền vững.

Nâng cao năng lực quản lý quy hoạch xây dựng giao thông thông qua đào tạo bồi dưỡng cán bộ và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quản lý (GIS).

Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung về quy hoạch xây dựng giao thông trên cao trong Luật quy hoạch và Quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan.

 

 

 

(Nguồn:VIUP)

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website