Thoát nước đô thị bền vững (SUDS) kết hợp với nông nghiệp đô thị, thực hiện thí điểm tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Việt Nam

Chủ nhiệm: Th.S. CN KT MT Nguyễn Việt Dũng và các cán bộ

Viện Quy hoạch môi trường, HTKT đô thị và nông thôn & NIRAS Đan Mạch

I.  Bối cảnh và sự cần thiết của Dự án:

1.  Bối cảnh và quá trình xây dựng dự án:

1.1.  Bối cảnh dự án:

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu (BĐKH). Nhiều đô thị đang và sẽ phải đối mặt với những tác động như lũ lụt, ngập úng, bão, sạt lở và các hiện tượng cực đoan khác có liên quan tới BĐKH. Vì vậy, cần có những giải pháp ứng phó linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả với tính bất định của các yếu tố BĐKH trong công tác phát triển đô thị và hạ tầng.

“Hệ thống tiêu thoát nước đô thị bền vững – Sustainable Urban Drainage System (SUDS)”, là một cách tiếp cận mới trong quy hoạch đô thị và xây dựng hạ tầng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. SUDS hoạt động dựa trên việc tận dụng chức năng của hệ sinh thái tự nhiên nhằm xây dựng hệ thống thoát nước với một nguyên lý hoàn toàn khác với các nguyên lý thoát nước mưa truyền thống. Đó là thay vì thoát nhanh nước mưa ra khỏi đô thị bằng các hệ thống kênh thẳng, sâu hoặc hệ thống cống ngầm thì SUDS làm chậm lại các quá trình nêu trên và đưa nước mưa phục vụ cộng đồng với những giải pháp kỹ thuật mà trong đó sử dụng triệt để khả năng lưu giữ và làm sạch của hệ sinh thái tự nhiên vào việc cải thiện chất lượng nước, bổ cập nguồn nước ngầm cộng với việc làm hài hoà cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ các nhóm loài sinh vật qua việc giữ gìn và tạo nơi cư trú cho chúng; trong đó, xử lý ô nhiễm do nguồn thải phân tán và chống ngập là những vấn đề chủ yếu và cấp bách. Mặt khác, tăng cường thêm không gian xanh, sinh thái góp phần điều hòa vi khí hậu, giảm tác động của hiện tượng tăng nhiệt độ tại các khu vực tập trung phát triển đô thị, gián tiếp giảm nhu cầu tiêu dùng điện cho hệ thống làm mát từ đó giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Dựa trên ý tưởng đó, Quỹ Phát triển Bắc Âu (NDF) đã đồng ý tài trợ cho việc triển khai thực hiện dự án Thoát nước đô thị bền vững (SUDS) kết hợp với nông nghiệp đô thị, thực hiện thí điểm tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Việt Nam.

2. Sự cần thiết của dự án:

2.1. Sự phù hợp và các đóng góp của dự án vào chiến lược, kế hoạch phát triển của Quốc gia và quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành

Việc thực hiện dự án góp phần cụ thể hóa các chiến lược, chương trình của quốc gia, ngành xây dựng trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.

Dự án giúp tăng khả năng chống chịu của đô thị nói chung và hệ thống thoát nước nói riêng với lũ lụt, ngập úng, mặt khác mang lại những lợi ích về mặt kinh tế - xã hội thông qua việc tạo ra cơ hội cho người dân địa phương thông qua hoạt động phát triển nông nghiệp (trồng rau, hoa màu…). Dự án rất phù hợp với các nội dung, nhiệm vụ của ngành xây dựng trong Chiến lược quốc gia về ứng phó với BĐKH, tăng trưởng xanh, đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó về việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống hạ tầng xanh, bền vững giảm thiểu ngập lụt và ứng phó với BĐKH.

2.2. Mối quan hệ với các chương trình, dự án đã và đang thực hiện bằng các nguồn tài trợ nhằm hỗ trợ giải quyết các vẫn đề có liên quan của dự án:

Trong quá trình xây dựng dự án, một số dự án và hoạt động liên quan tại thành phố Vĩnh Yên cũng đang được triển khai thực hiện bởi các nhà tài trợ là Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Dự án Phát triển Đô thị loại II (Các đô thị xanh) của ADB sẽ thí điểm chương trình phát triển đô thị tích hợp và cải thiện môi trường thông qua việc thực hiện các kế hoạch hành động đô thị xanh (GCAPs) tại 3 đô thị loại II của Việt Nam theo như thoả thuận với Chính phủ. Các đô thị nằm trong dự án, Hà Giang (tỉnh Hà Giang), Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) và Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) đều là các đô thị trung tâm của tỉnh. Hoạt động chính của Dự án gồm: phát triển mạng lưới giao thông đô thị nhằm kết nối và nâng cao năng lực - Phát triển mạng lưới giao thông đô thị nhằm kết nối và nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa; xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị; cải thiện điều kiện thoát nước và vệ sinh môi trường nhằm mục đích nâng cao năng lực tiêu thoát nước của đô thị, xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; hỗ trợ kỹ thuật trong việc quản lý và thực hiện Dự án; tăng cường năng lực thực hiện dự án nhằm thực hiện Kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh tham gia Dự án. 

Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt tỉnh Vĩnh Phúc của WB với mục tiêu quản lý rủi ro lũ lụt, quản lý môi trường nước và hỗ trợ thực hiện dự án và tăng cường thể chế. Dự án sẽ giải quyết tình trạng ngập lụt trên phần lớn diện tích của địa phương. Từ đây sẽ làm tiền đề cho tỉnh xây dựng nhiều kế hoạch phát triển KT - XH bền vững.

Các ự án này đều trên phạm vi lớn là toàn bộ tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Vĩnh Yên nên đây là cơ sở nhằm mục đích lập kế hoạch, xác định các phương án thay thế tiềm năng và tránh những trùng lắp có thể xảy ra. Mặt khác, dự án thoát nước bền vững kết hợp nông nghiệp đô thị áp dụng thí điểm trên quy mô nhỏ (phạm vi khu dân cư, hộ gia đình), vì vậy góp phần cùng với các dự án trên giải quyết vấn đề ngập úng, cải thiện chất lượng môi trường phát triển đô thị Vĩnh Yên ứng phó giảm thiểu biến đổi khí hậu và bền vững.

2.3 Những vẫn đề cần giải quyết trong khuôn khổ dự án

Dự án được thiết kế nhằm cung cấp và nâng cao những kiến thức về thích ứng với BĐKH trong quy hoạch và phát triển hạ tầng, đô thị ở Việt Nam nói chung và thành phố Vĩnh Yên nói riêng thông qua việc xây dựng hướng dẫn kỹ thuật, tài liệu tập huấn và các hoạt động đào tạo về SUDS kết hợp nông nghiệp đô thị; nâng cao khả năng chống chịu với BĐKH cho cộng đồng tại khu vực thí điểm áp dụng SUDS kết hợp nông nghiệp đô thị - ưu tiên khu vực đang bị ảnh hưởng của lũ lụt và ngập úng; tăng cường năng lực cho các cán bộ các cấp chính quyền về xây dựng tích hợp hệ thống thoát nước đô thị bền vững kết hợp với nông nghiệp đô thị trong quy hoạch và phát triển đô thị với sự tham gia của cộng đồng; phân tích, đánh giá tính hiệu quả của hệ thống SUDS trong việc giảm thiểu tác động của lũ lụt, ngập úng thông qua áp dụng thí điểm; xác định, đánh giá các chủng loại cây trồng, mô hình nông nghiệp đô thị phù hợp với hệ thống SUDS.

2.4 Nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật bằng nguồn ODA

Nguồn kinh phí hỗ trợ của NDF nhằm mục đích chính là: 1) Hỗ trợ, thúc đẩy các ý tưởng mới để chuyển giao công nghệ, kiến thức về SUDS và phân tích ảnh hưởng của lũ lụt, ngập úng. Việc hỗ trợ kinh phí giúp giảm thiểu rủi ro trong giai đoạn thử nghiệm áp dụng SUDS kết hợp với nông nghiệp đô thị trên thực tế và chứng minh đây là giải pháp ứng phó với BĐKH hiệu quả về nhiều mặt với chi phí thấp. 2) Kiểm tra và đánh giá tính hiệu quả của SUDS sẽ đưa ra cơ sở khoa học và thực tế đối với các cơ quan quản lý nhà nước và khối tư nhân để nhân rộng việc áp dụng SUDS.

Kinh phí của NDF (NCF) tập trung vào các hoạt động như hỗ trợ công tác hướng dẫn thiết kế, xây dựng và vận hành SUDS kết hợp nông nghiệp, tập huấn đào tạo, tăng cường nhận thức và xây dựng thí điểm SUDS trên thực tế. Như vậy, dự án sẽ giúp tăng cường năng lực và nâng cao kỹ năng của các nhà quản lý, chuyên gia trong quy hoạch, thiết kế, thi công và vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị nhằm duy trì và phát huy thành quả của dự án trong tương lai.

Các hoạt động và kết quả của dự án này cũng nhằm hỗ trợ Bộ Xây dựng trong việc xây dựng các hướng dẫn, quy định pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn về hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong bối cảnh biến đổi khí hậu thực thi các chiến lược, chương trình của ngành và quốc gia.

II. Mục tiêu của Dự án:

Mục tiêu tổng thể của Dự án:  

Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho đô thị thông qua áp dụng rộng rãi hệ thống thoát nước đô thị bền vững kết hợp nong nghiệp đô thị quy mô nhỏ, giảm thiểu rủi ro, hậu quả của lũ lụt, ngập úng tới cộng đồng dân cư và các công trình hạ tầng; đồng thời tăng cường nhận thức và nâng cao năng lực về ứng phó BĐKH và SUDS.

Mục tiêu cụ thể của Dự án:

Xây dựng sổ tay hướng dẫn kỹ thuật và tài liệu tập huấn đào tạo về SUDS kết hợp với nông nghiệp đô thị. Tăng cường nhận thức và nâng cao năng lực thực hiện thông qua mô hình thí điểm SUDS tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

III. Tính bền vững của Dự án sau khi kết thúc:

Dự án góp phần cụ thể hóa và thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu, Chiến lược quốc gia về ứng phó với BĐKH; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cũng như Đề án "Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 - 2020" cho tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và ngành xây dựng nói chung.

Dự án mang lại những lợi ích về mặt kinh tế - xã hội thông qua việc tạo ra cơ hội cho người dân địa phương (chủ yếu là phụ nữ và những người đã nghỉ hưu) tham gia, phát triển hoạt động nông nghiệp (trồng rau, hoa màu…), cấp nước tưới cây cho các vườn hoa, công viên... Người dân tham gia vào hoạt động này sẽ sử dụng hoặc cung cấp cho thị trường các sản phẩm nông nghiệp từ quá trình vận hành hệ thống thoát nước bền vững kết hợp nông nghiệp đô thị quy mô nhỏ.

Thông qua các hoạt động của dự án, dự án góp phần nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho Bộ Xây dựng, Thành phố Vĩnh Yên và các bên liên quan về mô hình thoát nước đô thị bền vững kết hợp nông nghiệp đô thị trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị (từ cấp trung ương tới địa phương). Sản phẩm của dự án (Bản đồ ngập úng) giúp chính quyền đô thị Thành phố Vĩnh Yên thực hiện các chương trình dự án khác có liên quan.

Kết quả áp dụng thí điểm tại thành phố Vĩnh Yên tạo lập cơ sở cho Bộ Xây dựng soạn thảo, ban hành hướng dẫn về hạ tầng xanh, SUDS kết hợp nông nghiệp đô thị. Tạo tiền đề để nhân rộng việc áp dụng hệ thống thoát nước bền vững kết hợp nông nghiệp đô thị tới các tỉnh thành khác với chi phí cho công tác ứng phó ngập úng thấp hơn các giải pháp kỹ thuật khác.

Tạo lập hình ảnh và giới thiệu kinh nghiệm áp dụng hệ thống SUDS kết hợp với nông nghiệp đô thị của thành phố Vĩnh Yên tới cộng đồng quốc tế cũng như trong khu vực.

Một số sản phẩm của dự án như bản đồ ngập lụt khu vực thí điểm có ý nghĩa cho chính quyền địa phương trong các dự án, chương trình khác về ứng phó BĐKH, lũ lụt, ngập úng trong tương lai.

Kết nối với các dự án có liên quan, ví dụ: Vĩnh Yên là một trong ba thành phố thuộc phạm vi dự án “thành phố Xanh” của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và sẽ thực hiện phát triển tích hợp với cải thiện môi trường đô thị thông qua thực hiện kế hoạch hành động thành phố xanh (GCAPs).

(Nguồn:VIUP)

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website