Xây dựng kế hoạch triển khai quy hoạch các vùng kinh tế trọng điểm tính đến các yếu tố biến đổi khí hậu

Chủ nhiệm: TS. KTS. Lưu Đức Minh

Tham gia: 

  • ThS. Nguyễn Thị Ngọc Nga
  • ThS. Nguyễn Việt Dũng
  • ThS. Trịnh Thị Phin
  • ThS. Phạm Trung Quân
  •  KTS. Nguyễn Thanh Bình
  • KTS. Nguyễn Mạnh Quang
  • CN. Phạm Phương Hạnh
  • KS. Hoàng Hưng Minh
  • CN. Nguyễn Quốc Túy
  • CN. Vũ Thu Hương

MỤC LỤC

MỞ ĐẦU    9

1. Lý do và sự cần thiết    9
2. Mục tiêu    10
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu    10
4. Phương pháp nghiên cứu    11
5. Sản phẩm của dự án    13

CHƯƠNG 1: ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI QUY HOẠCH XÂY DỰNG BỐN VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM    14

1.1. Vựng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ    14

1.2. Vựng kinh tế trọng điểm miền Trung    28

1.3. Vựng kinh tế trọng điểm phía Nam    39

1.4. Vựng kinh tế trọng điểm vựng Đồng bằng sông Cửu Long    51

1.5. Đánh giá chung    65

CHƯƠNG 2: CÁC VẤN ĐỀ TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐỐI VỚI BỐN VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM  70

2.1. Tổng hợp phân tích diễn biến khí hậu và các hậu quả có liên quan tới BĐKH tại các vùng 70

2.2. Kịch bản BĐKH tại 4 vùng kinh tế trọng điểm và nhận dạng tác tác động. 102

2.3. Đánh giá chung. 105

CHƯƠNG 3: TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐỐI VỚI CÁC QUY HOẠCH VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM   107

3.1. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ 112

3.2. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung 136

3.3. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam 154

3.4. Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long 176

3.5. Đánh giá chung 188

CHƯƠNG 4: ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ KẾ HOẠCH ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CÁC VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM   189

4.1. Các giải pháp tổng hợp ứng phó biến đổi khí hậu 189

4.2. Kế hoạch lập và điều chỉnh quy hoạch các vùng kinh tế trọng điểm. 199

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ    211
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO    214
PHỤ LỤC    215

1. Lý do và sự cần thiết

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 21. Thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan khác đang gia tăng ở hầu hết các nơi trên thế giới.

Tại Việt Nam, theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, với kịch bản lượng phát thải cao thì đến cuối thế kỷ 21 nhiệt độ trung bình năm sẽ có mức tăng phổ biến từ 2,5oC đến 3,7oC trên hầu hết diện tích nước ta; mực nước biển dâng trong khoảng từ 78cm đến 95cm và lượng mưa sẽ tăng khoảng từ 2% đến 10%. Việt Nam là một trong 5 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của BĐKH và nước biển dâng, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng và sông Mê Kông bị ngập chìm nặng nhất. Nếu mực nước biển dâng 1m sẽ có khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh có nguy cơ bị ngập, như vậy khoảng 9% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%.

Biến đổi khí hậu đang và sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường; mực nước biển dâng cao gây ngập lụt, gây nhiễm mặn nguồn nước, ảnh hưởng đến nông nghiệp, và gây rủi ro lớn tới kinh tế - xã hội cũng như hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật (làm xuống cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội; làm tăng các chi phí sửa chữa, bảo trì; gián đoạn cung cấp các dịch vụ hạ tầng như cấp điện, cấp nước, giao thông, thông tin liên lạc…). Thêm vào đó, hệ thống các công trình hạ tầng được thiết kế theo các tiêu chuẩn hiện tại sẽ khó đảm bảo được tính an toàn và cung cấp đầy đủ các dịch vụ trong tương lai. Vì vậy cần phải có nhận thức và quan tâm đúng mức cũng như các kế hoạch hành động cụ thể đối phó với các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, trên các phương diện như quy hoạch không gian, quy hoạch các điểm định cư, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật, sử dụng đất…

Để ứng phó với các vấn đề của BĐKH, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 158/2008/QĐ–TTg ngày 02/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, các bộ ngành và địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Xây dựng, bao gồm các nội dung: đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến các lĩnh vực do bộ quản lý; xác định các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với các lĩnh vực do bộ quản lý; tích hợp các vấn đề biến đổi khí hậu vào các chiến lược, chương trình, kế hoạch, và quy hoạch của Bộ; và đặc biệt là triển khai thực hiện các phương án điều chỉnh quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, các khu dân cư đô thị theo các kịch bản biến đổi khí hậu; nghiên cứu đề xuất các nội dung cần bổ sung trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật xây dựng để ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện các dự án thí điểm.

Bốn vùng KTTĐ Bắc bộ, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm 24 tỉnh/thành phố, tổng diện tích tự nhiên 90.770 km2 chiếm 27,4%, dân số 44,5 triệu người chiếm 51,27% cả nước. Tổng thu ngân sách của các vùng KTTĐ hiện chiếm 88,6%, kim ngạch xuất khẩu chiếm 89,89% của cả nước.

Bốn vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) có vị trí kinh tế - xã hội đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của cả nước, là vùng lãnh thổ phát triển năng động nhất của cả nước; nơi tập trung các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Cần Thơ với mật độ dân số đông; nơi tập trung đông khu công nghiệp, các khu chế xuất và các cảng biển, sân bay quan trọng nhất của cả nước. Sau một quá trình hình thành, các Vùng KTTĐ trở thành các trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, được ví như đầu tàu động lực, định hướng phát triển cho cả nước trong phát triển KTXH, hội nhập quốc tế.

Với vai trò quan trọng của 04 vùng kinh tế trọng điểm, đứng trước những vấn đề cần đối mặt do Biến đổi khí hậu, cần thiết phải tiến hành nghiên cứu tổng hợp, điều tra, khảo sát về những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các vùng kinh tế trọng điểm, từ đó xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch các vùng kinh tế trọng điểm có tính đến các yếu tố của biến đổi khí hậu nhằm phục vụ công tác xây dựng kế hoạch hành động của ngành.

2. Mục tiêu

Rà soát công tác triển khai quy hoạch xây dựng 4 KTTĐ

Đánh giá các nguy cơ tác động của biến đổi khí hậu tới việc triển khai Quy hoạch các vùng kinh tế trọng điểm.

Xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch các vùng kinh tế trọng điểm theo hướng giảm thiểu, thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Các đồ án quy hoạch:

+ Vùng KTTĐ Bắc Bộ (Vùng thủ đô và Vùng duyên hải Bắc Bộ);

+ Vùng KTTĐ miền Trung;

+ Vùng KTTĐ phía Nam (vùng thành phố Hồ Chí Minh);

+ Vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể các nội dung là thuộc ngành dọc xây dựng của 4 vùng KTTĐ:

+ Hệ thống đô thị

+ Hệ thống KCN và du lịch

+ Nền xây dựng

+ Hệ thống cấp nước (nguồn cấp và nhà máy nước)

+ Hệ thống thoát nước

+ Hệ thống giao thông (quốc lộ, đường sắt liên tỉnh, cảng biển/sông cấp vùng, sân bay).

+ Hệ thống cấp điện (Trạm, nhà máy điện)

+ Khu xử lý chất thải rắn

+ Nghĩa trang

- Các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của 4 vùng (Cấp nước, thoát nước, chất thải rắn)

- Các nghiên cứu về biến đổi khí hậu liên quan đến 04 vùng kinh tế trọng điểm.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

Nghiên cứu toàn diện 24 Tỉnh nằm trong 04 vùng kinh tế trọng điểm:

- Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ (7 tỉnh/thành): Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.

- Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (5 tỉnh/thành): Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

- Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (8 tỉnh/thành): TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang.

- Vùng kinh tế trọng điểm Vùng đồng bằng sông Cửu Long (4 tỉnh/thành): Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau.

3.3. Thời gian thực hiện: Từ 7/2012 đến 12/2012.   

4. Phương pháp nghiên cứu

4.1. Phương thức thực hiện thực hiện

Lập phiếu điều tra gửi tới Sở Xây dựng, Sở Tài Nguyên Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại 24 tỉnh, thành trong 4 VKTTĐ

Điều tra, khảo sát thực tế tại các địa phương;

Tổ chức hội thảo lấy ý kiến;

Tổng hợp tài liệu: phân tích, đánh giá.

Áp dụng Công cụ hỗ trợ ra quyết định lồng ghép thông tin BĐKH vào quy hoạch đô thị Việt Nam  (CIMPACT-DST - được xây dựng bởi sự phối hợp giữa VIUP và tư vấn CASCADIA (Hoa Kỳ) nhằm xác định các khu vực, đô thị, hệ thống giao thông… có khả năng bị ảnh hưởng theo kịch bản BĐKH (đặc biệt là yếu tố nước biển dâng).

4.2. Phương pháp nghiên cứu đánh giá, đề xuất

  • Đánh giá công tác thực hiện quy hoạch các vùng kinh tế trọng điểm

Việc đánh giá công tác triển khai quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm được dựa trên 3 mốc để so sánh: Thời điểm hiện trạng khi đồ án quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm được phê duyệt, các định hướng quy hoạch trong đồ án và hiện trạng hiện nay.

Bên cạnh việc rà soát các đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh, đề tài cũng xem xét các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của vùng kinh tế trọng điểm.

Ngoài ra, các kết quả đánh giá về triển khai quy hoạch và xây dựng được thể hiện trên các bản đồ của 4 vùng KTTĐ. Các lớp bản đồ này sẽ được chồng xếp với bản đồ nhận dạng các vấn đề biển đổi khí hậu của 4 vùng KTTĐ làm cơ sở cho việc nhận dạng đánh giá ảnh hưởng của BĐKH tới việc triển khai thực hiện quy hoạch.

  • Nhận dạng các vấn đề BĐKH của các vùng KTTĐ

Nội dung đánh giá các hiện tượng cực đoan và xu thể có liên quan tới BĐKH được dựa trên các thông tin về thiên tai và thiệt hại cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan tại các khu vực cụ thể (bão, lũ lụt, sạt lở bờ sông, biển xâm thực, hạn hán, trượt lở đất, xâm nhập mặn…) trong các báo cáo, thống kê của sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn KTTĐ cũng như báo cáo kế hoạchhành động ứng phó BĐKH tại 24 tỉnh thuộc 4 KTTĐ.

   Các thông tin về tình hình diễn biến thiên tai, thời tiết cực đoan hiện tại sẽ được kết hợp với thông tin kịch bản BĐKH trong tương lai (theo kịch bản BĐKH quốc gia). Như vậy,các hậu quả, tác động liên quan tới BĐKH có khả năng sẽ trầm trọng hơn (ví dụ, vùng ngập do nước biển dâng và triều cường sẽ mở rộng, xâm ngập mặn tiến sâu hơn vào lục địa theo các sông chính, các thiên tai sẽ bất thường và khó dự báo hơn…).

   Kết quả của nội dung này được thể hiện trên bản đồ nhận dạng các vấn đề biến đổi khí hậu cho 4 vùng KTTĐ.

  • Nhận dạng, đánh giá và đề xuất

Dựa trên kết quả chồng xếp giữa bản đồ đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch và bản đồ nhận dạng các vấn đề biến đổi khí hậu của các vùng kinh tế trọng điểm, hệ thống đô thị và các đầu mối hạ tầng cấp vùng sẽ được nhận dạng có nằm trong khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi các vấn đề liên quan tới BĐKH hay không.

Rà soát các quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm hiện nay nhằm đánh giá các vấn đề biến đổi khí hậu được xem xét như thế nào trong đồ các đồ án quy hoạch:

+ Biến đổi khí hậu chưa được xem xét.

+ Biến đổi khí hậu được đề cập trong các mục tiêu, định hướng, quan điểm của đồ án (hoặc từng nội dung quy hoạch trong đồ án).

+ Đồ án đưa ra một số nguyên tắc, gợi ý về ứng phó BĐKH.

+ Đồ án đề xuất các giải pháp, tính toán cụ thể (ví dụ, xác định cao độ nền xây dựng có tính tới kịch bản nước biển dâng).

Kết quả nhận dạng và rà soát việc xem xét các vấn đề BĐKH trong các đồ án quy hoạch vùng KTTĐ là cơ sở để đề xuất việc điều chỉnh quy hoạch và giải pháp ứng phó trong quá trình triển khai quy hoạch.

5. Sản phẩm của dự án

Báo cáo tổng hợp nhiệm vụ “Xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch các vùng kinh tế trọng điểm tính đến các yếu tố của biến đổi khí hậu”.

Dự thảo kế hoạch triển khai quy hoạch các vùng KTTĐ.

HIỆU QUẢ CỦA DỰ ÁN

- Kết quả nghiên cứu là cơ sở cho trung ương và địa phương thực hiện theo kế hoạch triển khai quy hoạch các vùng kinh tế trọng điểm có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu.

- Kết quả nghiên cứu là cơ sở góp phần xây dựng chương trình và kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành xây dựng.

- Báo cáo tổng hợp đề tài là tài liệu tham khảo cho các địa phương trong quá trình triển khai quy hoạch ứng phó với BĐKH.

- Cơ sở khoa học, các phương pháp đánh giá tác động của BĐKH tới các vùng kinh tế trọng điểm là tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu tiếp theo.

 

 

(Nguồn:VIUP)

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website