Phát triển giao thông đô thị trong kỷ nguyên số

ThS. Nguyễn Thành Đạt

Bộ Giao thông vận tải (Cục Hàng không Việt Nam)

 

Tóm tắt

Bài viết này nhằm mục tiêu chỉ ra những vấn đề và thách thức trong phát triển giao thông đô thị ở Việt Nam. Thông qua việc cung cấp một cái nhìn tổng quan về ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ số trong phát triển giao thông đô thị, bài viết chỉ ra những khó khăn và vấn đề cần cân nhắc/xem xét khi ứng dụng công nghệ số để phát triển giao thông đô thị. Để góp phần giải quyết các vấn đề và thách thức nêu trên, phần cuối của bài viết khuyến nghị một số giải pháp nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ số trong phát triển giao thông đô thị.

Từ khóa: phát triển giao thông đô thị, giao thông thông minh, kỷ nguyên số, công nghệ số

Abstract

This paper aims to address the problems and challenges facing in urban transport development in Vietnam. By providing an overview of the application of science and technology, digital technology in urban transport development, the paper points out difficulties and issues to consider/review when applying digital technology for urban transport development. To solve the above problems and challenges, the last part of the paper recommends a number of solutions to promote the application of digital technology in urban transport development.

Keywords: urban transport development, intelligent transport, digital era, digital technology

GIỚI THIỆU

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam đã xác định mô hình phát triển kinh tế theo hướng đổi mới, sáng tạo, bao trùm và bền vững. Sự phát triển vượt bậc của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong thời đại hiện nay với những công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), xử lý dữ liệu lớn… đang được ứng dụng, lan tỏa mạnh mẽ trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống, đem lại những chuyển biến mang tính đột phá. Trong kỷ nguyên số, sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số đặt ra những yêu cầu mới trong quản lý phát triển cơ sở hạ tầng. Hiện nay, các đô thị Việt Nam đã và đang có đóng góp lớn, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, cũng bộc lộ không ít tồn tại để phát triển bền vững. Trong đó, chất lượng hạ tầng giao thông đô thị, tình trạng ách tắc giao thông, ô nhiễm mỗi trường đang trở thành vấn đề bức thiết ở các đô thị lớn, đòi hỏi cần sớm quan tâm giải quyết. Trong bối cảnh hạ tầng giao thông đô thị dù phát triển nhưng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số để giải quyết tổng thể những vấn đề cấp bách trong giao thông đô thị là giải pháp trước mắt cần được quan tâm.

I. ĐÔ THỊ HOÁ Ở VIỆT NAM VÀ NHỮNG THÁCH THỨC TRONG PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG ĐÔ THỊ

Trong thời gian qua, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh tại các đô thị lớn của Việt Nam đã tạo hiệu ứng thúc đẩy đô thị hóa lan toả trên các vùng miền cả nước. Hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng, tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh từ 19,6% với 629 đô thị năm 2009 lên khoảng 40,0% với 830 đô thị năm 2019 (Bộ Xây dựng, 2019). Năm 2019, ước tính dân số khu vực thành thị ở nước ta là khoảng 33 triệu người, chiếm 34,4% dân số của cả nước. Trong giai đoạn 2021-2030, dự báo dân số khu vực thành thị tiếp tục tăng, đạt 42 triệu người năm 2025 và 47 triệu người năm 2030. Tỷ lệ đô thị hóa tăng dần và đạt 40,9% vào năm 2025, 44,5% năm 2030 (NCIF, 2019).

Tốc độ đô thị hóa nhanh tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tuy nhiên, cũng tạo ra những hệ lụy đối với hệ thống giao thông đô thị. Với dân số đô thị, nhu cầu vận tải tăng cao, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng hệ thống giao thông tại nhiều đô thị của Việt Nam, đặc biệt là tại các đô thị lớn đã và đang biểu hiện một số bất cập, tồn tại như:

- Hạ tầng giao thông đô thị bị quá tải, không đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận tải. Tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị gây tổn thất về mặt kinh tế, mất thời gian đi lại cho người dân. Tình trạng này dự kiến sẽ trầm trọng hơn do xu hướng chuyển dịch di cư từ khu vực nông thôn ra đô thị tiếp tục tăng trong khi nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đô thị hạn chế.

- Hệ thống giao thông công cộng của các đô thị chưa phát triển, độ bao phủ thấp, chưa phát triển đồng bộ, chưa liên kết thành hệ thống tổng thể, tích hợp. Các đô thị Việt Nam đều dựa trên phương tiện giao thông cá nhân là ô tô và xe máy. Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (2019), tỷ lệ vận tải khách bằng xe buýt hiện tại của các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng chỉ đáp ứng được khoảng từ 1,0 đến 10% nhu cầu đi lại (ví dụ, Hà Nội 9,0%, TP.HCM 7,5%, Đà Nẵng 1,0%, Hải Phòng 1,0%, Cần Thơ 1,2%). Các dịch vụ tiện ích, hỗ trợ đi kèm theo còn thiếu, chưa đủ hấp dẫn để người dân thay đổi hình thức đi lại từ phương tiện cá nhân sang vận tải công cộng.

- Những tác động đến môi trường của hệ thống giao thông đô thị như ô nhiễm không khí, tiếng ồn, phát thải CO2 nhiều, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân, tiêu tốn năng lượng. Bên cạnh đó, tác động của bão, lũ lụt, nước biển dâng, biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng ngập lụt ở nhiều đô thị, gây cản trở, ách tắc giao thông.

- Việc tổ chức quản lý giao thông, quản lý phương tiện vận tải chưa đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, gia tăng ô nhiễm môi trường, làm giảm chất lượng đời sống của người dân.

Để giải quyết những thách thức lớn về giao thông đô thị nêu trên, căn cứ vào điều kiện phát triển của mỗi đô thị, việc thu hút người dân đi lại bằng phương tiện công cộng mà trước mắt là xe buýt và tiến tới là các phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như đường sắt đô thị, tàu điện ngầm, xe buýt nhanh... là rất cần thiết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc mở rộng và xây dựng mới các công trình hạ tầng giao thông sẽ không thể thỏa mãn nhu cầu đi lại ngày càng tăng tại các đô thị và giải pháp cơ bản, lâu dài chính là phải phát triển, tối ưu hóa hệ thống hạ tầng giao thông hiện tại để phát triển bền vững, tạo nên tính cạnh tranh đô thị cao hơn. Thực tiễn từ các thành phố lớn trên thế giới cho thấy hệ thống vận tải hành khách tốc độ nhanh, khối lượng lớn (Mass Rapid Transit-MRT) là giải pháp hiệu quả để đáp ứng nhu cầu đi lại. Với sức chở lớn có thể đến 80.000 hành khách/giờ/hướng và chạy trên đường dành riêng, không bị ảnh hưởng bởi vấn nạn ùn tắc giao thông như phương tiện ô tô và ít ảnh hưởng đến môi trường, hệ thống MRT đã thực sự trở thành trục xương sống của hệ thống giao thông đô thị. Ở nhiều thành phố lớn như Paris, London hoặc New York, hệ thống MRT gánh vác đến 50-60% nhu cầu đi lại và trở thành một biểu tượng của những đô thị này. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống MRT không đơn giản, bên cạnh yêu cầu vốn đầu tư ban đầu rất lớn, còn phải kể đến chi phí đào tạo sử dụng cũng như chi phí bảo trì và vận hành không nhỏ trong quá trình hoạt động. Ngay cả với các nước phát triển, việc xây dựng và vận hành hệ thống MRT cũng là một gánh nặng tài chính lớn cho ngân sách các đô thị và họ phải có quy hoạch và kế hoạch phát triển trước khoảng 20-30 năm. Tình hình càng trở nên khó khăn đối với các nước đang phát triển, khi mà mọi nguồn lực đều chủ yếu dựa vào vốn vay hoặc viện trợ phát triển. Nhiều dự án phát triển MRT đã trở thành gánh nặng tài chính cho các đô thị của các nước đang phát triển do quá trình xây dựng kéo dài vì thiếu vốn, hoặc hoạt động không đạt hiệu quả như mong muốn, doanh thu thấp không bù đắp đủ cho chi phí hoạt động (ITDP, 2005).

Những vấn đề của giao thông đô thị nêu trên có thể giải quyết được nếu chúng ta có cách thức tổ chức quản trị và điều hành giao thông thông minh hơn, ứng dụng các công nghệ hiện đại, kết hợp với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

II. GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ SỐ - LỜI GIẢI CHO NHỮNG THÁCH THỨC TRONG PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG ĐÔ THỊ

Để đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống đô thị nói chung và giao thông đô thị nói riêng, Chính phủ đã ban hành những định hướng, chính sách quan trọng tác động tới phát triển hệ thống giao thông đô thị như Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 (Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012), Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050 (Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012), Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 25/02/2013), Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 650/QĐ-TTg ngày 01/08/2018). Trong những định hướng, chính sách này đã đặt ra yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ, các trang thiết bị hiện đại trong quản lý, tổ chức giao thông; phát triển giao thông đô thị hướng tới văn minh, hiện đại; đảm bảo nhanh chóng, an toàn, tiện lợi; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã xác định phát triển hệ thống giao thông thông minh là trụ cột quan trọng của quá trình xây dựng đô thị thông minh, bên cạnh các trụ cột khác gồm quản trị thông minh, năng lượng thông minh, kinh tế thông minh, con người thông minh. Giao thông thông minh gắn với việc ứng dụng, tích hợp các công nghệ và chiến lược quản lý hiện đại nhằm mục đích cung cấp các phương thức và dịch vụ vận tải vào quản lý giao thông một cách sáng tạo. Trong đó, người tham gia giao thông được thông tin tốt hơn, được sử dụng mạng lưới giao thông đô thị an toàn hơn. Hiện nay, một số đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM đã triển khai xây dựng và vận hành Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị với các ứng dụng công nghệ số như camera giám sát, hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông, khai thác dữ liệu giao thông từ hệ thống vé điện từ, hệ thống radio để thu thập thông tin, điều hành giao thông và cung cấp thông tin cho người sử dụng… và bước đầu mang lại kết quả tích cực.

Để xây dựng và duy trì hệ thống giao thông đô thị phát triển bền vững, cần đưa quan điểm ứng dụng công nghệ số vào công tác quy hoạch, thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đô thị đồng bộ với các hệ thống dịch vụ hạ tầng đô thị khác như quản lý dân cư, đất đai, giáo dục, y tế, an ninh, cấp thoát nước, cung cấp năng lượng, thông tin liên lạc… Tuy nhiên giữa các quốc gia trên thế giới còn có quan điểm khác nhau về thiết kế hệ thống, thiết kế hạ tầng và các vấn đề thể chế liên quan. Vì vậy các đô thị còn khó khăn trong việc định hướng và lựa chọn một hệ thống phù hợp.

Từ kinh nghiệm của các nước cho thấy lợi ích và tác dụng của việc tăng cường ứng dụng công nghệ số trong phát triển giao thông đô thị với 5 đặc tính nổi trội sau:

- Nâng cao hiệu quả, hiệu năng vận hành hệ thống giao thông đô thị, giảm quỹ đất của đô thị dành cho giao thông, giảm thời gian di chuyển.

- Tăng chất lượng dịch vụ, tạo lực hấp dẫn cho hệ thống giao thông công cộng.

- Giảm ô nhiễm môi trường do khí thải, tiếng ồn của các phương tiện, giảm tiêu tốn năng lượng.

- Tăng độ tin cậy, an toàn giao thông, cho phép ứng phó nhanh hơn trong trường hợp xảy ra sự cố.

- Tăng tính cạnh tranh cho đô thị.

Một số giải pháp ứng dụng công nghệ số để giải quyết những thách thức trong phát triển giao thông đô thị có thể được xem xét như sau:

- Vấn đề ùn tắc giao thông: Quản lý giao thông dựa trên dữ liệu thời gian thực; Điều khiển tín hiệu ưu tiên; Thông tin thời gian thực về giao thông; Lập tuyến đường thông minh; Tối ưu vận tải hàng hóa.

- Hạn chế giao thông công cộng: Xây dựng hệ thống vé tích hợp; Thông tin thời gian thực về giao thông; Lập kế hoạch cho chuyến đi linh hoạt; Dịch vụ theo yêu cầu.

- Tác động đến môi trường: Ứng dụng công nghệ giao thông thân thiện với môi trường; Phát triển xe điện, xe hybrid vào mạng lưới giao thông; Hệ thống sạc thuận tiện cho xe điện; Dịch vụ đi chung xe, chia sẻ xe.

Tại Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN năm 2020, Tập đoàn FPT đã đề xuất mô hình giao thông và di chuyển thông minh trong tổng thể đô thị thông minh bền vững và phương thức tiếp cận, kết nối trong thiết kế và triển khai đô thị thông minh. Theo đó, thông minh hóa đô thị là một quá trình cần sự tham gia của nhiều bên, các cấp, các ngành, các nhà khoa học và khối doanh nghiệp tư nhân, phải có cơ chế thúc đẩy sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp. Cần xây dựng chuỗi giá trị di chuyển tích hợp ứng dụng ICT, công nghệ 4.0 cho đô thị thông minh trong đó các nhà cung cấp giải pháp ICT là những thành viên tích cực, tiên phong với lãnh đạo đô thị có tầm nhìn xa, khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Một số công nghệ và giải pháp tạo đột phá trong chuyển đổi giao thông đô thị như ứng dụng AI, học máy, học sâu, để theo dõi, phân loại xe thông qua video từ các camera; ứng dụng IoT, phân tích dữ liệu lớn, xử lý hình ảnh và phân tích tình trạng giao thông tức thời để cung cấp thông tin cho người dân, nâng cao năng lực quản lý điều hành; phân tích phát triển giao thông định hướng giao thông công cộng (Transit Oriented Development – TOD); thiết lập Trung tâm điều hành và quản lý giao thông theo thời gian thực. Ví dụ, TP.HCM đã triển khai Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, chịu trách nhiệm quản lý, điều khiển, điều hành tập trung cho giao thông dựa trên dữ liệu thời gian thực. Cổng thông tin giao thông TP.HCM phát triển các ứng dụng trên Android, iOS, Chatbot trên Zalo, tích hợp và cung cấp tình trạng giao thông, cảnh báo giao thông 24/7, tiếp nhận phản ánh của người dân. Các thiết bị thông minh được lắp đặt trên các tuyến đường, tại các nhà ga, bến dừng chờ cung cấp dữ liệu để phân tích.

Những công nghệ hiện đại cho giao thông thông minh như máy tính, cảm biến, điều khiển, liên lạc và các thiết bị điện tử khác được ứng dụng giúp tăng độ an toàn, hiệu suất vận hành, cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng độ tin cậy và thông tin kịp thời cho hệ thống vận tải. Công nghệ giao thông thông minh giúp việc quy hoạch, thiết kế, quản lý và bảo trì hệ thống giao thông được hiệu quả; các thành phần tham gia giao thông thuận tiện, an toàn; giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông; và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong đô thị (Ngân hàng Thế giới, 2019).

Các cấu phần chính của hệ thống giao thông thông minh gồm:

  • Hệ thống tín hiệu ưu tiên (Traffic Signal Priority)
  • Hệ thống giám sát (Monitoring System)
  • Hệ thống quản lý vận hành đội xe (Fleet Management System)
  • Hệ thống thông tin hành khách (Passenger Information System)
  • Hệ thống thu vé tự động (Automatic Fare Collection)
  • Hệ thống xử lý vi phạm tự động (Automated Law Enforcement)
  • Hệ thống thông tin liên lạc (Communication)

Các công nghệ giao thông thông minh có thể tích hợp với hệ thống hạ tầng giao thông theo 06 nhóm ứng dụng như sau:

Tín hiệu giao thông ưu tiên

  • Tối ưu tín hiệu/pha
  • Tín hiệu ưu tiên
  • Kiểm soát ưu tiên

Thông tin hành khách

  • Thông tin thời gian thực
  • Wi-Fi

Quản lý vận hành

  • Máy tính điều hành hỗ trợ
  • Định vị phương tiện tự động
  • Quản lý/Giám sát
  • Đếm số lượng hành khách tự động

An toàn và an ninh

  • Giám sát/an ninh
  • Nút báo khẩn cấp

Hỗ trợ lái

  • Cảnh báo và tránh va chạm
  • Dừng đỗ chính xác
  • Hướng dẫn làn
  • Kiểm soát trạng thái xe

Thu phí

  • Phương thức thu phí
  • Công nghệ thu phí, bán vé

Công nghệ giao thông thông minh đang ngày càng phổ quát, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này mang lại lợi thế rất lớn trong việc giảm chi phí và chuẩn hóa ứng dụng. Xét về tổng thể, việc kết hợp các cấu phần của hệ thống giao thông thông minh nhằm tạo ra một hệ thống giao thông thông minh hoàn chỉnh sẽ là một bài toán lớn đối với Việt Nam khi chúng ta chưa có đủ kinh nghiệm thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành. Điều này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý vận hành, các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật... phải tìm hiểu, học tập từ những bài học kinh nghiệm thành công và thất bại trên thế giới, để cùng nhau xây dựng hệ thống giao thông đô thị thông minh hiện đại và hiệu quả.

III. NHỮNG KHÓ KHĂN VÀ VẤN ĐỀ CẦN CÂN NHẮC/XEM XÉT KHI ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ ĐỂ PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG ĐÔ THỊ

- Việc phân tích và xử lý dữ liệu lớn còn nhiều thách thức như vấn đề hiệu quả truyền dữ liệu, tốc độ xử lý trong các yêu cầu thời gian thực, nền tảng dữ liệu, tính bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư. Để giải quyết được bài toán dữ liệu lớn cần nhiều công nghệ và kỹ thuật khác nhau. Mỗi công nghệ và kỹ thuật cần có thời gian nghiên cứu và phát triển để hoàn thiện, đồng bộ hóa. 

- Việc kiểm soát còn phức tạp và thiếu thống nhất giữa các Bộ ngành liên quan. Thiếu sự phối hợp đa ngành trong quá trình lập, triển khai ứng dụng công nghệ số.

- Hệ thống trang thiết bị chưa được đồng bộ và hiện đại hóa trên toàn quốc. Thiếu nguồn lực để thực hiện.

- Cần thời gian để phổ biến, hướng dẫn người dân hiểu lợi ích và sử dụng dịch vụ.

- Ứng dụng công nghệ số chỉ thực sự hiệu quả khi có sự quyết tâm thay đổi quy trình tổ chức, vận hành để tận dụng những cơ hội được tạo ra.

- Việc ứng dụng công nghệ số thường không phải là lựa chọn kinh tế, và có thể không có lợi nhuận trực tiếp rõ ràng. Có thể có chi phí quản lý và bảo trì đáng kể.

- Ứng dụng công nghệ số thường dễ triển khai hơn ở khu vực công, nơi mà lợi ích có thể không được xem xét theo các tiêu chí về kinh tế, tài chính. Với khu vực tư nhân, việc triển khai ứng dụng công nghệ số khó khăn hơn, trừ khi họ có thể nhìn thấy tiềm năng lợi nhuận trực tiếp.

- Hiệu quả của hệ thống giao thông đô thị phụ thuộc vào sự đồng bộ của toàn bộ hệ thống công nghệ, kỹ thuật. Việc quyết định lựa chọn một ứng dụng công nghệ số phụ thuộc vào điều kiện cụ thể như loại phương tiện và điều kiện giao thông.

IV. GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ TRONG PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG ĐÔ THỊ

Để giải quyết tận gốc bài toán về giao thông đô thị, bên cạnh những giải pháp cơ bản là phát triển theo định hướng giao thông công cộng (TOD), lấy vận tải công cộng khối lượng lớn làm xương sống cho phát triển đô thị, tập trung đầu tư sớm đưa các tuyến giao thông công cộng nhanh khối lượng lớn vào hoạt động, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và hiện đại hóa hệ thống điều hành mạng lưới, tạo được sự kết nối và liên thông giữa các loại hình vận tải. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và ý chí quyết tâm của chính quyền đô thị cùng với việc lựa chọn mô hình phát triển, bước đi phù hợp là nhân tố quyết định sự thành công. Đồng thời, cần xem xét đồng bộ các nhóm giải pháp:

- Xây dựng hành lang pháp lý hoàn thiện, môi trường đầu tư mở, có chính sách thu hút các nhà tài trợ, các tổ chức phát triển, các nhà đầu tư tham gia xây dựng, phát triển ứng dụng công nghệ số trong phát triển giao thông đô thị; có cơ chế khuyến khích đầu tư, cơ chế tạo nguồn tài chính cho hoạt động để giảm gánh nặng ngân sách cho đô thị; xây dựng chuẩn dữ liệu cho dữ liệu số; các quy định về quản lý, khai thác các hệ thống thành phần của giao thông đô thị như hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hệ thống vé, hệ thống thông tin quản lý, thông tin hành khách, hệ thống kiểm tra, giám sát…

- Ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu và AI trong tối ưu hóa hạ tầng giao thông, khắc phục các tồn tại, hạn chế của mạng lưới giao thông như: phân bố không đều, lộ trình chưa hợp lý, tổ chức vận hành chưa hiệu quả. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào thiết kế, xây dựng, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đô thị. Thực hiện phân luồng giao thông hợp lý, quy định giờ hoạt động của một số loại phương tiện.

- Cơ cấu lại phương tiện giao thông, phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng: Khuyến khích cộng đồng tham gia giao thông bằng các phương tiện phi cơ giới như xe đạp, xe điện, đi bộ và khuyến khích việc đầu tư phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn sử dụng năng lượng sạch, ít gây ô nhiễm môi trường như tàu điện ngầm, đường sắt đô thị, xe buýt nhanh… Nâng cao tiện ích, chất lượng dịch vụ để thu hút khách sử dụng vận tải công cộng. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ tạo sức hút doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển, kinh doanh cung cấp dịch vụ vận tải công cộng. Áp dụng giao thông thông minh, nâng cao năng lực vận chuyển và hiệu quả sử dụng hệ thống giao thông công cộng.

- Xây dựng hệ sinh thái các dịch vụ hỗ trợ, khai thác ứng dụng. Hình thành hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý điều hành với kiến trúc thống nhất, một hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý tiên tiến (cơ sở dữ liệu kỹ thuật số), liên thông, đồng bộ phục vụ cho công tác quản lý điều hành. Đầu tư và phát triển nhanh hệ thống điều hành và giám sát chất lượng thống nhất và đặc biệt là một hệ thống vé điện tử liên thông dùng chung cho các dịch vụ giao thông công cộng trong đô thị.

- Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý điều hành mạng lưới đa phương thức, rõ chức năng, có phân cấp, phân quyền giữa các cơ quan, đơn vị liên quan. Xây dựng và hình thành cơ quan quản lý vận hành giao thông công cộng chung của thành phố (PTA) nhằm kết nối vận tải đa phương thức, giữa đường sắt đô thị với các tuyến xe buýt.

- Nâng cao năng lực quản lý và nhận thức của cộng đồng về bảo vệ, phát triển giao thông vận tải bền vững.

V. KẾT LUẬN

Giao thông đô thị vẫn tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề không tránh khỏi đó là gia tăng phương tiện cá nhân, ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường. Để vượt qua những thách thức, giải quyết các vấn đề phát sinh và phát triển hệ thống giao thông đô thị bền vững, một trong những giải pháp khả thi, cơ bản và quan trọng hàng đầu là ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ số hiện đại, tiên tiến. Đây là định hướng mang tính chiến lược, cần có sự quan tâm phối hợp, vào cuộc đồng bộ của nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Các đô thị cần thiết lập một chiến lược hướng đến tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ số, tích hợp vào hệ thống giao thông đô thị. Để hiện thực hóa điều này cần thiết lập lộ trình rõ ràng và tạo các kênh thông tin để các nhà lãnh đạo, cán bộ chuyên môn của các đô thị được tiếp cận và hiểu cấu trúc hệ thống cũng như cơ hội tiếp cận các nguồn lực để nghiên cứu và phát triển hệ thống. Công nghệ số khi được ứng dụng trong hệ thống giao thông đô thị sẽ giúp cải thiện đáng kể hình ảnh, độ an toàn và hiệu quả của hệ thống. Tuy nhiên, đây không phải là điều kiện tiên quyết làm nên thành công cho một hệ thống giao thông. Để cải thiện hiệu năng hệ thống giao thông đô thị cần xem xét các phương thức khác như sắp xếp lại cấu trúc tổ chức, thay đổi phương thức hoạt động, nâng cao trình độ cán bộ nhân viên quản lý. Đây là những vấn đề thuộc về quản lý, và công nghệ sẽ không thể giải quyết chúng. Những vấn đề này cần phải được giải quyết song song với việc triển khai công nghệ. Bên cạnh đó, cần thực hiện giám sát chặt chẽ và đánh giá định kỳ để biết được hiệu quả đầu tư, đề xuất biện pháp cải thiện và rút ra những bài học hữu ích cho tương lai.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Giao thông vận tải, 2019. Báo cáo số liệu thống kê của Bộ Giao thông vận tải.
  2. Bộ Kế hoạch và đầu tư, Ngân hàng Thế giới, 2014. Báo cáo Việt Nam 2035.
  3. Bộ Xây dựng, 2019. Báo cáo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng.
  4. ITDP, 2005. Institutinal and regulartory options for Bus Rapid Transit in Developing Countries- Lesson from the international experience.
  5. Ngân hàng Thế giới, 2019. Toolkit for Intelligent Transport Systems for Urban Passenger Transport. [online] Truy cập tại địa chỉ: https://ppp.worldbank.org/public-private-partnership/library/toolkit-intelligent-transport-systems-urban-passenger-transport-world-bank.
  6. Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
  7. Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050
  8. Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 07/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020.
  9. Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020.
  10. Quyết định số 650/QĐ-TTg ngày 01/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
  11. Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
  12. Tập đoàn FPT, 2020. Các xu hướng công nghệ đột phá chuyển đổi giao thông đô thị. Bài trình bày tại Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN năm 2020, tổ chức tại Hà Nội.
  13. Tổng cục Thống kê, 2019. Báo cáo sơ bộ tổng điều tra dân số và nhà ở 2019.
  14. Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (NCIF), 2019. Xu hướng đô thị hóa ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và một số hệ lụy. [online] Truy cập tại địa chỉ: http://ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=21873.
(Nguồn:Tạp chí quy hoạch xây dựng (số 107+108))
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website