Đôi điều về việc thực hiện Luật Quy hoạch mới

ThS.KTS Vũ Hoài Đức

Viện QHXD Hà Nội

 

Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 01/1/2019 thực sự là một dấu mốc quan trọng, có tác động sâu rộng, ảnh hưởng rất lớn đến công tác nghiên cứu, quản lý phát triển của đất nước, từng địa phương, bộ, ngành lĩnh vực. Dưới góc độ địa phương - đô thị loại đặt biệt như Thủ đô Hà Nội, nơi đang có tốc độ đô thị hóa cao và phát triển kinh tế nhanh đã xuất hiện những khó khăn và vấn đề nhất định; nhất là trong bối cảnh Thành phố đang tổng kết việc thực hiện Nghị quyết đại hội XVI (2015-2020) và định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025 tầm nhìn 2030.

Sau khi hợp nhất năm 2008, Thủ đô Hà Nội đã lập hai quy hoạch chung có tính chất cơ bản là định hướng phát triển cho thành phố là “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030”, “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050”, và quy hoạch mang tính kế hoạch là “Quy hoạch sử dụng đất Thành phố đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 (2011-2015)”. Dựa trên ba quy hoạch trụ cột này thành phố đã xây dựng nhiều quy hoạch (~970 (xem bảng 1)) nhằm thiết lập các công cụ để triển khai các định hướng phát triển chiến lược của Thủ đô.

Bảng 1. Thống kê các quy hoạch cụ thể trên địa bàn Thành phố Hà Nội

TT

Loại hình quy hoạch

Đã được phê duyệt

Chưa được phê duyệt

Tổng số

I

Quy hoạch phát triển KTXH của các huyện, thị xã

13

-

13

II

Quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu

78

30

108

 

+ Công thương

35

05

40

 

+ Nông nghiệp và phát triển nông thôn

10

03

13

 

+ Văn hóa – Thể thao – Du lịch

04

07

11

 

+ Giáo dục – Đào tạo, Y tế

04

03*

07

 

+ Lao động – Thương binh – Xã hội

02

-

02

 

+ Thông tin truyền thông

04

-

04

 

+ Giao thông vận tải

02

05

07

 

+ Quốc phòng – An ninh

02

-

02

 

+ Kết cấu hạ tầng đô thị

08

03

11

 

+ Tài nguyên và môi trường

05

04

09

 

+ Nội vụ

01

-

01

III

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện

31

31*

62

IV

Quy hoạch xây dựng (không tính quy hoạch chi tiết)

57

11

68

 

+ Quy hoạch chung xây dựng

31

02

33

 

+ Quy hoạch phân khu

26

09

35

V

Quy hoạch nông thôn mới

401

306*

707

 

Tổng cộng (I+II+III+IV+V)

580

389

969

Ghi chú: (*) Các quy hoạch điều chỉnh hoặc kế tiếp

Nguồn: Thành ủy Hà Nội[1]

Nhìn vào bảng trên có thể nhận thấy, Thành phố Hà Nội đã và đang có rất nhiều quy hoạch; cần phải dừng triển khai nhiều quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; hoặc phải chuyển đổi thành các công cụ quản lý khác, hay lồng ghép trong các quy hoạch theo Luật Quy hoạch mới. Một số lĩnh vực mang tính bức xúc, đối diện với áp lực phát triển cao trong xây dựng hạ tầng phục vụ ngành như giáo dục, y tế… đang thực sự lúng túng, khó khăn khi thiếu “cây gậy” – cơ sở pháp lý. Khách quan mà nói, bước ngoặt khi phải bỏ một lối đi đã thành đường là thách thức không hề nhỏ.

Tác động của Luật Quy hoạch đến công tác lập, thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng dưới cấp quy hoạch chung theo quy định hiện hành không lớn, có chăng chỉ là vấn đề hiểu cho đúng các thuật ngữ mới với cũ của các Luật; hoặc cần có thêm các hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền, phân công – phân cấp. Vì vậy, có thể coi là không có. Thậm chí một số quy định chi tiết mới của Luật 35 còn có tác động tích cực đến việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, ví dụ như việc bãi bỏ các nội dung liên quan đến cấp Giấy phép quy hoạch quy định tại Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị; Hay việc loại bỏ các quy hoạch nhằm giảm thiểu sự đan xen trong công tác quản lý giữa các đơn vị trong quá trình thực hiện các dự án phát triển - các “giấy phép con”…

Vấn đề lớn nhất đối với thành phố Hà Nội, hay các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương nói chung, có lẽ chính là thay đổi tư duy và nhận thức cho đúng về “Quy hoạch chung cấp tỉnh”, hay nói cách khác là việc lập quy hoạch chung theo hình thức hợp nhất trong thời gian tới nhất là trong bối cảnh các quy hoạch chung sắp đến kỳ cần đánh giá, điều chỉnh, lập mới theo Luật Quy hoạch. Đây thực sự là việc làm khó khăn đặc biệt là vấn đề mang tính then chốt (1) phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực; (2) năng lực lập quy hoạch theo cách thức mới giữa các chiều khác nhau, thậm chí ngược nhau về cách tiếp cận: vật thể - phi vật thể, tĩnh - động, trên xuống - dưới lên…; và (3) phương pháp lập quy hoạch hợp nhất có tính tổng hợp và chia sẻ cao như đòi hỏi của Luật sẽ làm ra sao?

Để đánh giá một cách chính xác mặt hạn chế hay tích cực của Luật Quy hoạch ở thời điểm này là không đúng và không thể, bởi cần có thời gian áp dụng Luật trên thực tiễn. Tuy nhiên, thực sự đây là cơ hội để đánh giá chính cách làm quy hoạch hiện nay và đối diện với những hạn chế của quy hoạch khi chất lượng và tính khả thi của quy hoạch luôn bị đánh giá khắt khe từ nhiều góc nhìn.

Đối với Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố nói chung, trước mắt, có lẽ cần làm ngay việc nghiên cứu triển khai thực hiện Luật Quy hoạch chung một cách thận trọng và bài bản. Với một số gợi ý như sau:

- Loại bỏ dứt điểm các quy hoạch nào, thay thế bằng cách thức quản lý gì?

- Cần làm những quy hoạch gì ở góc độ tỉnh (thành phố) kế hoạch ra sao?

- Để làm quy hoạch chung cấp tỉnh, việc phân định giữa trung ương với địa phương, giữa các ngành với nhau trong nội dung quy hoạch cần được làm rõ, hạn chế tối đa việc đan xen để đảm bảo tính thống nhất?

- Thực tiễn cho thấy vấn đề kinh tế chi phối, đan xen trong tất cả các ngành và lĩnh vực và quyết định tính khả thi, bởi “không có tiền thì chả làm được gì”. Vậy cách làm theo dạng thức 2 chiều “quy nạp” giữa kinh tế với từng ngành, lĩnh vực sẽ ra sao?

- Các ngành sẽ là đơn vị “đặt hàng” cho lĩnh vực phát triển của mình, Thành phố cũng vậy… còn các nhà tư vấn sẽ trả lời với việc đưa ra các đánh giá khách quan, để có những giải pháp khác nhau cho cùng một đích đến; đồng thời với những tiên lượng về tính khả thi của từng giải pháp… Nhiều sự lựa chọn trên không gian lãnh thổ sẽ thế nào?.. Có phải đấy là những cách tiếp cập khác hẳn khi lập quy hoạch theo phương pháp mới?

Rất nhiều câu hỏi, vấn đề còn bỏ ngỏ và chưa thể lường hết được khi chưa thực sự bắt tay vào việc thực hiện, đặc biệt là trong công tác lập Quy hoạch Chung theo Luật Quy hoạch mới./.

 

 

(Nguồn:Tạp chí QHXD số 99)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website