Nghiên cứu cơ sở khoa học về quy hoạch và tổ chức không gian các loại hình cụm CN vừa và nhỏ ở nông thôn theo hướng CNH – HĐH

Việt Nam đang trong quá trình CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn. Cần thiết phải hình thành các cụm công nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn. Việc nghiên cứu quy hoạch, tổ chức không gian các cụm công nghiệp vừa và nhỏ đóng một vai trò hết sức quan trọng đảm bảo phát triển bền vững các cụm công nghiệp nông thôn nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung, góp phần đưa đất nước ta nhanh chóng tiến tới mục tiêu một đất nước CNH – HĐH.

I. Đặt vấn đề

Thực hiện chiến lược của Đảng và Chính phủ thông qua các Nghị quyết lần 6 khóa VIII và Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX (18/3/2002) về đẩy nhanh công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2000-2020, “hình thành các khu công nghiệp ở nông thôn, gắn kết ngay từ đầu lợi ích kinh tế giữa người sản xuất, nguyên liệu với các nhà máy chế biến công nghiệp”, công nghiệp nông thôn ở Việt Nam đã bắt đầu phát triển một cách mạnh mẽ. Ở địa bàn nông thôn của nhiều địa phương, các cơ sở sản xuất nhỏ trước đây sản xuất phân tán trong các khu dân cư làng xóm nông thôn được kêu gọi chuyển dời đến sản xuất tại các cụm công nghiệp mới được hình thành.

Trên thế giới, nhiều nước đã cố gắng nghiên cứu các giải pháp, xây dựng các mô hình phát triển công nghiệp và công nghệ hóa sản xuất cho nông thôn như tổ hợp công – nông nghiệp, gắn kết giữa công nghiệp chế biến và khu vực hỗ trợ sản xuất trong việc phân phối sản phẩm từ khu vực nông nghiệp ra thị trường. Ở nông thôn Trung Quốc, từ những năm 1978 đã xuất hiện mô hình công – thương nghiệp – xây dựng do nông dân lập nên với sự giúp đỡ của nhà nước, dùng vốn tích lũy của họ để tổ chức sản xuất kinh doanh, tự quản về xí nghiệp và chịu sự tác động của cơ chế thị trường. Đài Loan khuyến khích lập các nhà máy xí nghiệp công nghiệp nhẹ như ngành sợi, dệt, đồ chơi trẻ em, chế biến nông sản thực phẩm… phân tán ở các huyện lỵ, thị trấn rải rác ở các vùng nông thôn, gần địa bàn nguyên liệu. Hàn Quốc có nhiều mô hình xí nghiệp vừa và nhỏ, đáng chú ý là mô hình Seamaul Undong – xí nghiệp cộng đồng mới nhằm đưa một số ngành công nghiệp từ các đô thị lớn từ Seoul và Pusan đến các vùng nông thôn. Nhật Bản đưa các xí nghiệp vừa và nhỏ phân tán về nông thôn  và hình thành các cơ sở công nghiệp gia đình ở nông thôn, duy trì 3 cấp cơ sở công nghiệp. Ba cấp cơ sở này có quan hệ công tác, không cạnh tranh nhau, phân công sản xuất các sản phẩm. Nhiều mô hình không gian các khu công nghiệp vừa và nhỏ ở Châu Âu hay Nhật Bản đã giữ được không gian làng xóm truyền thống vừa giữ gìn được môi trường sinh thái nông thôn. Các khu này có khuynh hướng sử dụng các vùng đất hoang ít có giá trị trong canh tác. Kích thước các xí nghiệp vừa và nhỏ này phụ thuộc vào quy mô sản xuất và mức độ hiện đại của công nghệ, kiểu loại sản phẩm và nguyên liệu thô cũng như số lượng nhân công. Nhiều nước chú ý đến việc bảo tồn và gìn giữ môi trường tự nhiên và xã hội qua việc xây dựng hợp lý, lựa chọn quy mô thích hợp, kết cấu hạ tầng đảm bảo  và có hệ thống xử lý chất thải.

Ở nước ta, do yêu cầu cần có những khu công nghiệp tập trung các cơ sở công nghiệp vừa và nhỏ và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, ở một số địa phương đã bắt đầu hình thành  các cụm công nghiệp trong khi chưa có quy hoạch, hướng dẫn thực hiện; đồng thời các chính sách về thuế, vốn tín dụng, cơ sở hạ tầng, các quy định về xử lý chất thải, bảo vệ môi trường,… còn chưa hoàn chỉnh và đồng bộ. Việc tổ chức thực hiện xây dựng các cụm công nghiệp nông thôn còn nhiều lúng túng, chưa có cơ sở khoa học thực sự mà chủ yếu mang tính đối phó sau khi có sự bùng nổ của loại hình này, dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở nông thôn. Các làng nghề Việt Nam sau một thời kỳ phát triển chậm chạp, nay đang phục hồi và đang phát triển tự phát khắp cả nước. Một số làng nghề cũng đang gây ra nhiều ô nhiễm trầm trọng cho khu vực dân cư và hiện cũng đang rất bức bách trong việc cần phải  hình thành xây dựng các cụm công nghiệp tập trung để chuyển dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu làng xóm.

Cho đến nay chưa có một đề tài nghiên cứu khoa học nào trực tiếp nghiên cứu quy hoạch, tổ chức không gian cụm công nghiệp vừa và nhỏ nông thôn. Nhu cầu hình thành các cụm công nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn hiện nay đang hết sức bức xúc xuất phát từ nhu cầu cuộc sống và phù hợp với chủ trương của Đảng và Chính phủ về công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên, công nghiệp ở nông thôn nước ta cần phải được tổ chức có quy hoạch, phát triển bền vững, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội và tránh gây ô nhiễm môi trường. Nhà nước cần khẩn trương có những hướng dẫn cụ thể và những chỉ dẫn cần thiết cho các địa phương lập quy hoạch và tổ chức không gian, bố trí hợp lý  các cơ sở sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ và các ngành nghề nông thôn nằm rải rác hiện nay trong các làng xã tạo thành một cụm công nghiệp vừa và nhỏ. Vấn đề bảo vệ môi trường cảnh quan, bảo tồn không gian truyền thống, giữ gìn di sản văn hóa làng nghề và các làng nông nghiệp… cần phải được đưa vào trong nghiên cứu/

Việt Nam đang trong quá trình CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn. Cần thiết phải hình thành các cụm công nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn. Việc nghiên cứu quy hoạch, tổ chức không gian các cụm công nghiệp vừa và nhỏ đóng một vai trò hết sức quan trọng đảm bảo phát triển bền vững các cụm công nghiệp nông thôn nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung, góp phần đưa đất nước ta nhanh chóng tiến tới mục tiêu một đất nước CNH – HĐH.

II. Mục tiêu đề tài

Đề xuất cơ sở khoa học về quy hoạch và tổ chức không gian các loại hình cụm công nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn để lập quy hoạch tổng thể và xây dựng một số mô hình cụm công nghiệp vừa và nhỏ, nhằm tạo lập mối quan hệ hợp lý giữa cụm công nghiệp và khu dân cư ở nông thôn, tổ chức lại sản xuất theo hướng công nghiệp, đổi mới công nghệ, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.

III. Kết quả đạt được của đề tài

Những kết quả đạt được của đề tài tóm lại được chia làm 6 phần:

- Đánh giá thực trạng và dự báo phát triển các cơ sở công nghiệp quy mô vừa và nhỏ và ngành nghề ở nông thôn Việt Nam.

- Xây dựng các tiêu chí quy hoạch tổ chức không gian cụm công nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn.

- Quy hoạch tổ chức không gian các cụm công nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn

- Xây dựng mô hình các cụm CNV kimtuocamp; N ở nông thôn

- Các chính sách nhà nước hỗ trợ phát triển công nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn Việt Nam

- Hướng dẫn quy hoạch và tổ chức không gian cụm công nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn

IV. Những kết luận và kiến nghị

Sau 28 tháng thực hiện đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học về quy hoạch và tổ chức không gian các loại hình cụm công nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn theo hướng CNH và HĐH”, mã số KC 07 – 23 được Bộ Khoa học Công nghệ giao cho Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn đã đạt được những mục tiêu đề ra.

Trong đó có các kiến nghị sau:

- Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Chủ nhiệm Chương trình KC 07 cho phép đề tài được tổ chức nghiệm thu cấp nhà nước.

- Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép được triển khai đề tài tại một số địa phương có điều kiện thuận lợi nhằm nghiên cứu và đúc rút kinh nghiệm với việc lập quy hoạch và lập mô hình tổ chức không gian của các cụm công nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn.

 

 

Chủ nhiệm đề tài:

       KTS. Trần Ngọc Chính

Phó chủ nhiệm:

       ThS. Ngô Trung Hải

Chủ nhiệm đề tài nhánh:

       KS. Nguyễn Đức Xuyền

       ThS. Lưu Đức Cường

       KS. Trương Tấn Hòa

       ThS. Đàm Quang Tuấn

       ThS. Phạm Văn Liêm

       Lê Anh 

 

(Nguồn:VIUP)

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website