Báo cáo điều tra các dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội (Đề tài do cơ quan hợp tác phát triển Quốc tế Thụy Điển SIDA tài trợ)

Từ những năm 1960 đến những năm 1980, Nhà nước Việt Nam nắm giữ độc quyền việc phân phối nhà ở tại các thành phố. Nhà ở cho thuê được phân phối cho cán bộ Nhà nước thông qua các cơ quan và được coi là một phần của tiền lương.

Những người làm việc trong các ngành kinh tế tư nhân không nằm trong hệ thống cung cấp nhà ở này. Cuối những năm 1980, cùng với công cuộc “đổi mới” của Nhà nước là định hướng thị trường khuyến khích phát triển các ngành kinh tế, Chính phủ không tiếp tục cung cấp nhà ở nữa, và có nhiều chính sách động viên người dân tự xây dựng nhà ở cho mình. Một trong những hoạt động chủ chốt trong quá trình xã hội hóa nhà ở là việc bán nhà thuộc sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể cho những người thuê nhà hiện tại. Từ năm 1998, Chính phủ phát động chương trình phát triển nhà ở cho những năm 2000 đến 2010 (12-CTr/TU) và đưa ra nhiều nghị quyết và quyết định về hỗ trợ các dự án xây dựng nhà ở chung cư để bán ra thị trường. Cho đến năm 2004, các dự án xây dựng chung cư được hưởng một số chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế và miễn phí đất, thay vào đó, dự án phải trả lại 20% diện tích đất hoặc 30% tổng diện tích xây dựng cho thành phố để phục vụ cho các đối tượng “thu nhập thấp” (Nghị định 71/2001/NĐ-CP năm 2001 và quyết định số 123/2001/QĐ-UB năm 2001). Chính quyền đồng thời cũng quan tâm đến việc cung cấp nhà ở cho người nghèo. (Đây là những người có thu nhập bình quân thấp hơn 260.000đ/người/tháng được hưởng trợ cấp hàng tháng của chính phủ, thông qua Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội). Dự án “nhà ở cho người nghèo” gần đây nhất của Hà Nội mới được hoàn thành cuối năm 2005 tại Nghĩa Đô và dành cho các đối tượng nghèo dưới hình thức thuê rồi mua sau 20 năm. Một số dự án “nhà ở cho người thu nhập thấp” khác cũng đã được xây dựng dự kiến để phân cho cán bộ công nhân viên nhà nước như nhà ở 6 tầng tại 228 Láng Hạ, và một số các dự án khác tại Cầu Diễn và Xuân La. Một nhóm đối tượng xã hội khác được gọi là “diện chính sách” bao gồm các lão thành cách mạng, các thương binh và gia đình liệt sĩ. Bên cạnh việc hỗ trợ bằng tiền cho các bậc lão thành cách mạng, Nhà nước hỗ trợ cải thiện điều kiện ở cho họ qua việc xây dựng các công trình “nhà ở chính sách” sử dụng vốn ngân sách. Chính phủ cũng đồng thời hỗ trợ nhiều chương trình “nhà tình thương” cho người nghèo và những người khuyết tật. Tuy nhiên, Nhà nước chỉ hỗ trợ 1 phần cho các dự án này, phần đóng góp khác cho các chương trình nhà ở này được huy động từ các tổ chức từ thiện và cá nhân để thể hiện “tình thương” và “sự đùm bọc” tới những người nghèo và những người khuyết tật. Từ năm 1998-2000, tại rất nhiều quận huyện của thành phố Hà Nội hàng ngàn ngôi nhà tình thương đã được xây dựng. 

Gần đây nhất ta có thể thấy là Nhà nước lại có chủ trương chú trọng đặc biệt đến vấn đề cung cấp nhà ở cho nhân viên Nhà nước. Luật Nhà ở (đã được Quốc hội thông qua tháng 11/2005 và sẽ được đưa vào ứng dụng từ tháng 07/2006) nhấn mạnh việc phát triển một số vốn nhà ở cho cán bộ viên chức Nhà nước mà trước đây chưa được phân nhà Nhà nước. Vốn nhà ở này sẽ được gọi là “nhà xã hội”. Các dự án phát triển nhà ở xã hội sẽ được giảm thuế và miễn trả tiền quyền sử dụng đất. 

Nghĩa là, những can thiệp của Nhà nước trong lĩnh vực nhà ở xã hội ở Hà Nội trong những năm qua đã bao hàm cả 4 dạng nhà ở khác nhau: “nhà ở cho người nghèo”, “nhà ở xã hội” (nhà ở cho cán bộ viên chức nhà nước có thu nhập thấp), “nhà chính sách” (cho lão thành cách mạng, thương binh và gia đình liệt sĩ) và “nhà tình thương” cho người nghèo và những người có khó khăn. Đây là các nhóm đối tượng rất khác nhau và ở các vị trí kinh tế xã hội khác nhau. 

1. Đối tượng và phương pháp điều tra 

Đối tượng: Dự án lựa chọn 4 khu nhà ở xã hội (NƠXH) điển hình tại Hà Nội để khảo sát: Dự án B3 Quan Hoa; Dự án Hồ Việt Xô; Dự án 17-T7 Trung Hòa – Nhân Chính; Dự án 538 đường Láng. Tuy cùng là dạng nhà ở xã hội nhưng các đặc trưng về dân cư lại khác nhau. 

Mục đích khảo sát: Thu thập số liệu cụ thể về thành phần dân cư, mức sống, chính sách, hiện trạng sử dụng, nhu cầu sửa chữa, chính sách... của các khu NƠXH để có cơ sở lập chiến lược chính sách NƠXH Việt Nam 

Phương pháp thực hiện: 

-       Chuẩn bị điều tra 

-       Nội dung phiếu điều tra 

-       Tiến hành điều tra 

-       Nhập và xử lý số liệu 

2. Kết quả điều tra 

-       Về cơ cấu dân cư và căn hộ 

Phần lớn dân chúng có công ăn và việc làm. Có đến 25% là hưu trí, 37% là cán bộ Nhà nước. Về lý thuyết thì đáng lẽ thu nhập dân cư khu TH-NC phải là cao nhất, khu Quan Hoa thấp nhất và sự chênh lệch phải tương tương đối lớn (theo quan điểm phân nhà). Tuy nhiên trong thực tế, sự chênh lệch hoàn toàn không lớn. Nguyên nhân có lẽ ở đây là sự chuyển nhượng sau khi nhận được nhà xảy ra phổ biến. 

-       Về hiện trạng căn hộ ở 

Có 38,2% diện tích căn hộ nhỏ hơn 40m2. Mức diện tích ở nói chung thuộc vào loại trung bình so với các chung cư cùng loại. Trong đó, căn hộ ở khu Quan Hoa có diện tích bé nhất và Khu Nhân Hòa – Nhân Chính là lớn nhất. Có đến 57,9% căn hộ chỉ có 1 phòng ngủ. 

-       Về chính sách nhà ở 

Theo kết quả điều tra, có đến 58,6% không thuộc diện được hỗ trợ, cộng với một số lượng lớn các hộ không trả lời. Trong đó, Quan Hoa: 78% hộ không được hỗ trợ. Hồ Việt Xô: 33,3%. Đường Láng: 34,8%. Trung Hòa – Nhân Chính: 89%. 

Chủ nhiệm đề tài: TS.KTS Lê Thị Bích Thuận 

Thực hiện đề tài: Nhóm NC Phòng Chiến lược phát triển nhà ở và công trình công cộng

 

 

(Nguồn:viup)

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website