Tư liệu
< Trở lại danh sách

NHỮNG THÀNH PHỐ TƯƠNG LAI: LỊCH SỬ TƯ DUY QUY HOẠCH VÀ THIẾT KẾ ĐÔ THỊ TRONG THẾ KỶ 20 của Peter Hall

Thật chẳng quá lời khi cho rằng Ngài[i] Peter Hall đã thực hiện một kỳ công khi ông đã tổng kết lại lịch sử rất phức tạp của nền quy hoạch thế giới trong một tập sách. Là một kỷ công bởi lẽ ông không những đã chỉ ra các truyền thống, trào lưu, các học thuyết quy hoạch của thế giới Anh, Mỹ mà còn tổng kết, đánh giá cả quy hoạch của lục địa châu Âu và một phần các nước trong khối xã hội chủ nghĩa[ii]. Quyển sách này là một kỳ tich vì nó thoát khỏi cách liệt kê theo trình tự thời gian các hoạt động quy hoạch và lý thuyết quy hoạch. Thay vào đó tác giả đã tổng hợp các lý thuyết và truyền thống quy hoạch của thế kỷ 19 và 20 vốn chồng chéo và có quan hệ phức tạp với nhau thành một loạt các chủ đề. Mỗi chủ đề vừa tồn tại độc lập vừa nằm trong mối quan hệ khăng khít với các chủ đề khác. 
 
            Hai ý tưởng chủ đạo xuyên suốt của Các thành phố Tương lai: các ý tưởng chủ chốt của quy hoạch nảy sinh từ sự phản ứng với những xấu xa nảy sinh trong đô thị thế kỷ 19. Thứ hai: trong thế kỷ 20th một vài ý tưởng quy hoạch then chốt chính là sự vọng lại, tái xuất hiện và tái kết nối từ các ý tưởng của thế kỷ 19.  Peter Hall cho rằng “Rất nhiều nếu không phải là phần lớn những gì đã xảy ra dù là tốt hoặc xấu- tới các thành phố của thế giới, từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đều có thể truy tầm ngược lại về các ý tưởng của một vài nhân vật kiệt xuất có viễn kiến bao quát, những người vẫn còn mới sống và viết cách đây chưa lâu, nhưng lại thường bị bỏ qua và khước từ bởi kẻ hậu sinh” (p. 2).
            Toàn bộ công trình được chia làm 13 chương với các nội dung chính như trình bày dưới đây:
            Chương 1 giới thiệu và lược trình sơ bộ quá trình phát triển tư tưởng quy hoạch từ nửa cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Chương 2 trình bày nguồn gốc của quy hoạch hiện đại chính là sự phản ứng với hoàn cảnh tuyệt vọng của hàng triệu người nghèo bị mắc kẹt trong các khu ổ chuột của các đại đô thị như London thời Nữ hoàng Victoria, hay Paris, Berlin, Chicago và New York vào thời điểm chuyển giao giữa hai thế kỷ. Những lời thỉnh cầu về hoàn cảnh sống, điều kiện ăn ở của giới cần lao đã được tầng lớp tinh hoa đáp ứng. Sau này dần đần đã được chính quyền lưu ý và chuyển thành các chính sách đô thị, một phần là ở sự thức tỉnh và cảm thông của xã hội, nhưng phần lớn theo Peter Hall là nỗi sợ bạo loạn và nổi dậy. Không ở đâu hiện tượng khốn khổ của tầng lớp cần lao lại thể hiện cực điểm bằng London vào giữa những năm 1880. Đó là một môi trường xã hội bị làm rung chuyển bởi căng thẳng xã hội và sự sôi sục chính trị.
            Chương 3 và 4 giới thiệu thành phố vườn. Đó là khái niệm do Ebenezerd Howard một nhân vật hết sức khiêm nhường, nhưng được Lewis Mumford đánh giá là nhân vật có đóng góp vĩ đại nhất trong nền quy hoạch thế kỷ 20. Theo Howard thành phố vườn là một đơn vị độc lập, tự cung tự cấp là tập hợp của các thành phố mới (new town) được xây dựng ở vùng nông thôn, cách xa các khu ổ chuột và không khí ô nhiễm, cách xa khỏi khu vực mà giá đât đang tăng chóng mặt. Giải pháp phải là phi tập trung và  giãn dân cho các thành phố lớn.
            Chương 5 giới thiệu quy hoạch vùng, đây chính là sự kết hợp ý tưởng thành phố vườn của Howard với tư tưởng của nhóm trí thức tinh hoa Mỹ trong Hiệp hội (Regional Planning Association of America- RPAA), gồm có Lewis Mumford, Clarence Stein, Beton MacKaye và những người khác. Thành phố vườn chính là việc nâng ý tưởng của Howard lên một mức cao hơn. Những người theo xu hương quy hoạch vùng mong tìm câu trả lời cho thành phố chật chội và nhớp nhúa thời kỳ này. Họ đề ra một chương trình đầy tham vọng về quy hoạch vùng: mỗi phần của vùng sẽ nằm trong một sự phát triển hài hòa trên cơ sở nguồn tài nguyên của bản thân nó, tôn trọng cân bằng sinh thái, tái tạo các nguồn tài nguyên dự trữ. Khi đó thành phố trở thành một thành phần phụ thuộc của vùng- thành phố cũ và mới phát triển như những thành phần của một sơ đồ vùng đúng như mong muốn của nhà địa lý học người Scotlen Patric Geddes. Tuy vậy phần lớn các đề xuất của RPAA chỉ tồn tại trên giấy. Quy hoạch vùng hứa hẹn rất nhiều nhưng trong thực tế thực hiện chẳng được bao nhiêu tại Mỹ. Trái lại, bên kia bờ Đại Tây Dương, trào lưu quy hoạch vùng đã đơm hoa kết trái với một loạt các thành phố Mới (New Town), mặc dù các thành phố này đã không thành công trong việc tái cấu trúc dạng thức phát triển của vùng. Peter Hall cho rằng các thành phố Mới ở nước Anh đã mang đến “một cuộc sống tốt, nhưng không phải là một nền văn minh mới” (tr. 261). Ý nói vẫn chưa thay đổi được cấu trúc kinh tế xã hội, điều mà Howard và Geddes mong mỏi.
            Chương 6 đưa độc giả trở về nước Mỹ thời kỳ đầu thế kỷ 20 với trào lưu thành phố Đẹp (City Beautiful). Đó là trào lưu thể hiện niềm tự hào của nền dân chủ (civic pride) đồng thời có quan hệ tới thái độ ủng hộ tự do thương mại. Những người ủng hộ trào lưu Thành phố Đẹp tin tưởng rằng “thành phố cần tạo nên sự trung thành với tinh thần dân chủ, đảm bảo rằng một trật tự đạo đức hài hòa...sẽ biểu tượng tính thuần khiết đạo đức của nó” (tr. 46). Trào lưu này cũng được thể hiện trong vẻ uy nghi của đế quốc Anh tại thuộc địa Ấn Độ, Châu Phi, và cả nhà nước mới giành độc lập tại Úc. Vượt xa hơn khỏi thế giới Anh-Mỹ, trào lưu thành phố đẹp còn được ưa thích trong cả các chế độ toàn trị và vĩ cuồng của nước Đức Phát xít, Nước Nga của Stalin (cũng như nước Ý của Mussolini và Tây Ban Nha của Franco). Về mặt biểu tượng trào lưu thành phố Đẹp biểu hiện sự phô trương, quyền lực và uy thế nhưng lại hoàn toàn ngây thơ (đôi khi là thù nghich) với các mục đích xã hội.
            Chương 7 giới thiệu ý tưởng về quan niệm thành phố trong tòa tháp của Le Corbusier, những tác hại dai dẳng đến ngày nay của nó. Theo Charles Eduard Jeanerette- người tự nhận mình là Le Corbusier cái tai họa của thành phố hiện đại chính là mật độ của nó, mà giải pháp cho vấn đề thật đáng ngạc nhiên là ở việc tăng cường mật độ bằng cách xây dựng “các tòa tháp trong công viên” (sau này biến thành các tòa tháp trong các bãi đỗ xe; “towers in the park” biến thành “towers in the parking lots”!) Đồng thời là việc loại bỏ hoàn toàn thành phố hiện có. Le Corbusier coi thành phố hiện tại như là một phần mở rộng của kiến trúc, ông ta từ chối hiểu nó như là nơi cư ngụ của một xã hội đa nguyên. Tuy các đề xuất Radian City, hoặc Voisin Plan của Le Corbusier không bao giờ tìm được sự đồng ý trong ý tưởng thuần túy nhất của nó, nhưng một vài phần của nó đã được chính quyền và giới đầu tư khắp nơi chấp nhận. Kết quả là toàn bộ Chandigar và một phần Detroit, Warsaw, Stockholm, Milan v.v... đã ngả theo ý tưởng này. Đánh giá về nhân vật này Peter Hall cho rằng “cái tai hại của Le Corbusier sống lâu hơn ông ta” với bằng chứng là những dự án chung cư cao tầng như Pruitt Igoe ở St Louis[iii] hoặc Park Hill ở Sheffield (Anh) vẫn được xây dựng, nơi mà sự thiếu quan tâm đến các hoàn cảnh xã hội đã biến các dự án thành hang ổ cho các loại tệ nạn và là biểu hiện của nạn phân biệt chủng tộc.
            Chương 8 trình bày về quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng. Phong trào này cho rằng hình thức xây dựng của thành phố nên là kết quả của sự tham dự của người dân. Chúng ta cần phải từ bỏ truyền thống mà trong đó các tổ chức tư và công có quy mô lớn xây dựng cho mọi người. Thay vì thế cần phải bám sát khái niệm rằng mọi người phải xây dựng cho bản thân họ. Bởi những người theo trào lưu này tin tưởng rằng các cộng đồng và cá nhân đáp ứng một cách hiệu quả hơn giới chức quan liêu và chính quyền trong việc giải quyết những vấn đề đô thị.
            Các ý tưởng mang tính vô chính phủ đã ảnh hưởng đến viễn kiến của Howard về thành phố vườn 1890, với khái niệm của Geddes về việc cải tạo từng bước một đô thị trong những năm 1885- 1920. Đó là ý tưởng về Broadacre City của Frank Lloyd Wright năm 1930s và của John Turner ở các thành phố của các nước đang phát triển. Đỉnh điểm của trào lưu này là các đề xuất của Christopher Alexander cho thiết kế cộng đồng những năm 1970 đến 1980 ở Mỹ và Anh (ở Anh trào lưu này nhận được sự bảo trợ chính thức của Hoàng gia, cụ thể là Thái tử Charles).
            Chương 9 Giới thiệu về các khu ngoại ô phụ thuộc hoàn toàn vào giao thông bằng ô tô (automobile suburbs) chủ yếu là các khu ngoại ô ở Mỹ phát triển từ những năm 1920. Trình bày một viễn kiến về một thành phố với khả năng lưu động không giới hạn thông qua các phương thức giao thông tiên tiến (chủ yếu là ô tô cá nhân). Tuy vậy trước đó rất lâu, Hebert George Well nhà văn chuyên viết tiểu thuyết viễn tưởng người Anh đã dự đoán về quá trinh ngoại ô hóa trên quy mô lớn (mass suburbanization) ở miền Nam nước Anh. Sau này nhà thiết kế đô thị Melvin Webber đã miêu tả một khung cảnh đô thị phi nơi chốn (nonplace urban realm) vào những năm 1960. Cuối cùng là phần trình làng quan niệm của Frank Lloyd Wright với Broadacre City. Peter Hall cũng giới thiệu trường phái giải đô thị (deurbanist) Liên Xô vào những năm 1920 cùng khái niệm của Soria y Mata về thành phố tuyến và những biến thể của nó.
            Nhận định về kiểu phát triển này giáo sư Emily Talen cho rằng “sự chuyển biến các ý tưởng giữa thời gian và nơi chốn có thể và thường tạo ra thảm họa”. Ở đây bà nói đến lý tưởng về thành phố vườn, các cộng đồng tự tổ chức độc lập đã bị thay thế bởi các dự án phát triển mang tinh đầu cơ ở ngoại ô. Ý tưởng ban đầu của Howard và Geddes đã bị lột bỏ phần quý nhất chỉ còn lại hình thức sao chép của các vùng ngoại ô phát triển nhờ giao thông ô tô.
            Chương 10 trình bày lịch sử của các lý thuyết và tư duy quy hoạch, ảnh hưởng của giới học thuật trong thực tế quy hoạch. Tác giả giới thiệu lý thuyết trong quy hoạch như là một sự hiểu biết về các kỹ thuật ứng dụng và phương pháp và lý thuyết về quy hoạch như là sự hiểu biết về bản chất của hoạt động thực hành của nhà quy hoạch, bao gồm các nguyên nhân cho sự tồn tại của nó. Tuy nhiên tác giả cũng cảnh báo lý thuyết kéo theo lý thuyết, các giai kỳ tư tưởng bị thay vế bởi các giai kỳ tư tưởng mới hơn, cho nên bàn về lý thuyết quy hoạch là dễ sa vào đang làm lý thuyết quy hoạch! Thế nhưng đây mới là điều đáng sợ cho lý thuyết và các lý thuyết gia quy hoạch khi ông cho rằng các lý thuyết quy hoạch tỏ ra ít có giá trị sử dụng, rằng “rất nhiều lý thuyết được đánh giá cao trong cộng đồng hàn lâm- lại tỏ ra đơn giản là không thích hợp, thậm chí hoàn toàn không thể hiểu được với những người làm nghề quy hoạch bình thường” (tr. 340). Có lẽ không phải Peter Hall hàm ý tất cả các lý thuyết quy hoạch bởi lẽ chính ông cũng cho rằng, những ai coi thường lý thuyết thì lại thường hay theo một lý thuyết sai lầm [mà tự bản thân họ cũng không biết là họ đang theo một lý thuyết].
            Chương 11- Thành phố Doanh nghiệp là bản phân tích ngắn gọn tình hình hiện tại của quy hoạch dưới tác động của việc giảm bớt các loại luật lệ, ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế vào những năm 1970-1980. Đó chính là sự phản ứng lại quá trình mang tính quan liêu, bởi quy hoạch đã suy thoái thành một cơ chế luật pháp tiêu cực, được thiết kế để bóp ngẹt tất cả các sáng kiến và sự sáng tạo. Trong khi suy nghĩ của cánh tả quay trở lại với xu hướng vô chính phủ, tham gia tình nguyện, phát triển trên quy mô nhỏ, bắt nguồn từ dưới lên (grass root) trong quy hoạch. Thì các think tanks (nhóm chuyên gia tư vấn) cánh hữu đề xuất một kiểu phát triển theo đường hướng của doanh nghiệp.
            Mục đich chung là đơn giản hóa các thể chế quy hoạch và tạo điều kiện thông suốt các cơ quan liên quan đến quy hoạch và phát triển bất động sản. Bãi bỏ các cơ chế quan liêu và tạo nên một thứ văn hóa đầy sinh lực, độc lập và mang tinh thần doanh nghiệp. Kết quả là việc hình thành các Vùng doanh nghiệp (Enterprise Zones nhằm “vượt qua các thể chế vụn vặt của chính quyền  địa phương” tiền thần của các khu chế xuất và đặc khu kinh tế sau này. Ngài Peter Hall chính là người khai sinh khái niệm được vận dụng rộng rãi ở khắp nơi trên thế giới này. Như vậy ở chương này các hoạt động quy hoạch không còn là “lịch sử” nữa mà chính là những gì mới đang diễn ra quanh đây. Có thể nói đây cũng chính là nét độc đáo của bộ sách của Ngài Peter Hall.
            Chương 12 trình bày một đường lối nhằm tìm kiếm môi trường đô thị bền vững- thành phố bền vững. Giới hoạch định chính sách cho thành phố và các nhà quy hoạch cạnh tranh với các thành phố khác khi họ tìm kiếm cách tái cấu trúc nền kinh tế. Thay thế các ngành công nghiệp đang suy vong bằng các ngành công nghiệp mới, tái xây dựng lại nền công nghiệp bị khủng hoảng. –đưa rà một hình mẫu mới, đó là thành phố cạnh tranh.
            Ở đây thành phố cạnh tranh và thành phố bền vững kết hợp với nhau trong mối quan tâm mới về tái phát triển đô thị, nhằm thúc đẩy một môi trường phục hưng đô thị. Đây chính là chính sách cơ bản của Anh quốc với đô thị vào cuối những năm 1990- phục hồi sức khỏe của các thành phố và tạo ra các hình thức thành phố gọn, có hiệu quả.
            Chương 13 cho thấy một thực tế là một phần của đô thị và một số tầng lớp nhân dân có mức sống kém đi, người nghèo bị bỏ lại trong khi nỗ lực tái phát triển đô thị thành công và mang lợi lại cho các tầng lớp khác. Nói một cách ngắn gọn đó là trường hợp người nghèo và những người kém may mắn đã bị bỏ lại trong khi phần lớn nền kinh tế và cả xã hội đã phát triển xa. Chương này trở lại với vấn đề căn bản nhất của hoạt động quy hoạch: phẩm chất cao quý của nó- cái khát vọng cải thiện điều kiện sống cùa người nghèo đô thị. Nhưng theo Peter Hall cái khát vọng vẫn chưa hoàn toàn đạt được.
            Để kết luận cho công trình của Ngài Peter Hall có thể trích một ý từ tác phẩm này. Những thành công và thất bại trong quy hoạch thường có thể coi vừa may vừa không may bởi lẽ “Được cấy ghép trong những thời gian, không gian và môi trường xã hội chính trị khác nhau, có một điều đáng để ngạc nhiên là những kết quả thường kỳ quái, đôi khi mang tính thảm họa” (tr. 2). Thế nhưng điều đọng lại vẫn là một chút lạc quan (kiểu Ăng lê chăng?) khi ông viết “mặc cho những sai lầm và lạc hướng, quy hoạch đô thị đã giúp hàng triệu người tương đối nghèo và những người tử tế sống một cuộc sống tốt hơn rất nhiều và có phẩm giá hơn rất nhiều nếu không có quy hoạch; vì điều đó nó cần được khen ngợi khi chúng ta đánh giá và nó cần được hỗ trợ trong tương lai” (tr. 400). Nhận xét cuối cùng: nhiều người cho rằng mặc dù đã cố gắng rất nhiều nhưng Peter Hall vẫn chưa thoát ra khỏi cách nhìn Anh Mỹ (Anglo-Americocentrist view). Thứ hai, dù Peter Hall không nói ra nhưng vẫn để lộ sự đồng cảm với truyền thống vô chính phủ của Howard, Geddes và Mumford. Ở đây cần phải hiểu truyền thống vô chính phủ này là quan niệm xã hội cần được tổ chức thành các vùng tự trị, liên kết với nhau trên cơ sở một nhà nước liên bang- một hình mẫu của nhà nước Mỹ thời kỳ mới độc lập. Chẳng hạn qua cách ông trích câu này của Patric Geddes “xã hội cần phải được tái cấu trúc không phải bằng cách loại bỏ hoàn toàn các chính quyền...mà thông qua các nỗ lực của hàng triệu các nhân” (tr. 145).
 
[i] Ngài Peter Hall được nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ năm 1998 vì đóng góp cho sự nghiệp của Hiệp Hội Quy hoạch Đô thị và Nông Thôn (Anh)
[ii] Quyển City of Tomorrow của Hall được xuất bản lần đầu năm 1988 hai năm trước khi Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan ra
[iii] Dư án này sau đó đã bị chính quyền đặt mìn giật đổ vì các tệ nan bên trong nó. Phillips Johnson coi như là sự cáo chung cho Chủ nghĩa Hiện đại trong kiến trúc.