Giải pháp ứng phó BĐKH và nước biển dâng tại huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên thế giới, trong đó Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. TP. Hồ Chí Minh thuộc danh sách 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa vì nguy cơ mực nước biển dâng cao. Theo dự tính của Liên Hiệp Quốc thì đến năm 2100 nước biển sẽ dâng cao 1.0m và có tới gần 20% diện tích của TP.HCM bị ngập lụt. Do đó, việc tìm ra các giải pháp nhằm ứng phó với Biến đổi khí hậu (BĐKH) tại khu vực TP.HCM là cần thiết trong điều kiện hiện nay. Nghiên cứu này sẽ đánh giá về hiện tượng BĐKH tại TP.HCM, cụ thể là tại huyện ven biển Cần Giờ. Từ đó, đưa ra các giải pháp ứng phó với BĐKH tại khu vực này.

TS.KTS. Ngô Lê Minh

Trường Đại học Tôn Đức Thắng

ThS.KTS. Hoàng Hải Yến

Trường Đại học công nghệ Tp. Hồ Chí Minh (HUTECH)

------------------------------------

Tóm tắt:

Các giải pháp đưa ra gồm các giải pháp quy hoạch cụm dân cư và mô hình thiết kế kiến trúc cho các công trình nhà ở, đó là giải pháp nhà sàn, nhà nổi, nhà bê tông nhẹ... Mục tiêu của các giải pháp ứng phó với tình trạng ngập lụt do BĐKH tại TP.HCM nhằm hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai.

Từ khóa: Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, giải pháp ứng phó, Huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh

--------------

1. GIỚI THIỆU

Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là thành phố lớn nhất Việt Nam về dân số và kinh tế, đứng thứ hai về diện tích, đồng thời cũng là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục quan trọng nhất của Việt Nam. Với tốc độ gia tăng dân số nhanh, cơ sở hạ tầng chưa kịp quy hoạch nâng cấp tổng thể, quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập, đồng thời ý thức một bộ phận dân cư còn kém trong nhận thức và bảo vệ môi trường chung... TP.HCM hiện nay đang phải đối mặt với vấn đề ngập lụt thường xuyên. Nguyên nhân chủ yếu là do hiện tượng BĐKH, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền và BĐKH cục bộ khiến mức nước triều cường dâng cao. Với những diễn biến của BĐKH, TP.HCM thuộc danh sách 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa vì nguy cơ mực nước biển dâng cao, đặc biệt là tại các huyện ven biển như Cần Giờ. Theo dự tính của Liên Hiệp Quốc thì đến năm 2100 nước biển sẽ dâng cao 1.0m và có tới gần 20% diện tích của TP.HCM bị ngập lụt.

Việc tìm hiểu, đánh giá tác động của ngập lụt do BĐKH đến nhà ở tại khu vực huyện Cần Giờ (TP.HCM), từ đó đưa ra các giải pháp quy hoạch&kiến trúc nhằm ứng phó với tình trạng ngập lụt tại huyện Cần Giờ nói riêng, Tp.HCM nói chung, là rất cần thiết. Các giải pháp đưa ra góp phần bảo vệ cuộc sống cư dân trước hiện tượng ngập lụt do BĐKH, nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân nơi đây, phát huy giá trị những tiềm năng sẵn có tại địa phương hướng tới sự phát triển bển vững trong tương lai.

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU: Sự biến đổi của trạng thái khí hậu diễn ra trong thời gian dài, do các quá trình tự nhiên bên trong hoặc bên ngoài, hoặc do tác động của con người tạo nên. BĐKH làm cho nhiệt độ các đại dương tăng lên, băng tan hai đầu cực dẫn đến hạn hán, bão lụt ngày một tăng, mực nước biển cũng dần dần tăng cao, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày một nhiều. Nguyên nhân của BĐKH chủ yếu được cho là do các hoạt động của con người gây nên thông qua nạn chặt phá rừng và phát thải quá nhiều lượng khí CO2 vào bầu khí quyển, gây nên hiệu ứng nhà kính. Hệ quả nghiêm trong nhất là hiện tượng nóng lên toàn cầu, băng tan nhanh, khiến mực nước biển dâng cao, gây mất cân bằng sinh thái và đe dọa trực tiếp cuộc sống của hàng trăm triệu người trên toàn thế giới. Tác động của BĐKH cùng với các tác động khác của con người đối với môi trường tự nhiên càng làm cho hệ quả của BĐKH trở nên nghiêm trọng hơn. Nói một cách ngắn gọn, BĐKH là sự thay đổi của khí hậu diễn ra trong một khoảng thời gian dài, do nguyên nhân tự nhiên hoặc hoạt động của con người gây ra.

NƯỚC BIỂN DÂNG: Sự dâng lên của mực nước đại dương trên toàn cầu, trong đó không bao gồm triều, nước dâng do bão... Nước biển dâng tại một vị trí nào đó có thể cao hơn hoặc thấp hơn so với trung bình toàn cầu vì có sự khác nhau về nhiệt độ của đại dương và các yếu tố khác.

TÌNH TRẠNG NGẬP LỤT DO BĐKH TẠI TP.HCM VÀ HUYỆN CẦN GIỜ

Tại huyện Cần Giờ, huyện ven biển nằm ở phía Đông Nam của TP.HCM, nơi có địa hình thấp với độ cao trung bình từ 0 - 1,5m so với mực nước biển, và vị trí tiếp giáp trực tiếp với biển Đông. Đây là khu vực được dự báo sẽ bị ngập ngày càng nặng khi mực nước biển dâng cao. Huyện có thế mạnh về phát triển ngành thủy sản và kinh tế biển. Ngoài ra, còn có tiềm năng về ngành du lịch sinh thái. Tuy nhiên, nguồn lợi từ thiên nhiên dần bị cạn kiệt, lại chịu tác động trực tiếp từ BĐKH&NBD trong một vài năm gần đây nên các khu dân cư của huyện Cần Giờ đang đối mặt với việc mất đất canh tác, thậm chí cả một phần đất ở tại các xã An Thới Đông, Lý Nhơn và Thạnh An. Một khó khăn khác nữa là huyện Cần Giờ đang cần xây dựng cầu Bình Khánh nối liền trung tâm TP.HCM với huyện. Chiếc cầu này kết nối huyện Cần Giờ với huyện Nhà Bè ở phía Bắc, sẽ giúp việc đi lại của người dân thuận lợi hơn, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch nói riêng và kinh tế xã hội nói chung của Cần Giờ.

Theo thống kê những năm gần đây, hậu quả chủ yếu của BĐKH & NBD đối với huyện Cần Giờ là ngập lụt, xâm nhập mặn, thay đổi thời tiết, và sạt lở. Trong đó, nhấn mạnh đến hai yếu tố ngập lụt và xâm nhập mặn. Ngoài ra, tác động tiêu cực như sạt lở đất ven sông và xói lở bờ biển cũng tác động trực tiếp đến đời sống người dân trong khu vực này. Xói lở bờ biển xảy ra tại hầu hết các khu vực bờ biển, với cường độ vài mét chục mét mỗi năm. Mực nước biển và dòng chảy sông tăng lên là những nguyên nhân gây sạt lở đường bờ biển huyện Cần Giờ .

Tóm lại, ngập lụt được coi là một dạng của thiên tai, gây gián đoạn các hoạt động của cộng đồng dân cư và xã hội, gây tổn thất và mất mát về tính mạng, tài sản, kinh tế và môi trường mà cộng đồng và xã hội không có đủ khả năng chống đỡ. Con người có thể giảm thiệt hại từ ngập lụt bằng cách di dời dân cư xa sông, biển. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế, dân sinh thường gắn liền với sông, biển. Do vậy, dù muốn hay không thì con người vẫn chọn nơi định cư gần những nguồn nước – nguồn sống, cho dù tiềm ẩn những rủi ro thiên tai như ngập lụt, khi đó giá trị thu được do sống gần sông-biển cao hơn là chi phí dự báo và chống chọi với ngập lụt.

Như vậy, tác động trực tiếp và dễ thấy nhất của ngập lụt do BĐKH tại khu vực Cần Giờ, TP.HCM là gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân. Hiện tượng ngập lụt ngày càng gây hư hỏng các công trình dân sinh, nhất là nhà ở của cư dân, suy giảm nguồn đất ở, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân và cả các khu kinh tế. Hệ quả tất yếu là gia tăng đói nghèo, không còn cơ hội làm nông nghiệp, và buộc phải di cư về các khu trung tâm, gây thêm áp lực vốn đã rất lớn đến khu vực trung tâm thành phố. Dưới tác động của BĐKH tại vùng TP.HCM, công trình nhà ở của người dân đang đối mặt với nguy cơ bị xâm lấn, thậm chí phải di dời địa điểm, gây ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại và phát triển của các khu dân cư đã tồn tại từ lâu đời.

2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Bài viết này là một nghiên cứu định tính bằng cách sử dụng phương pháp hỗn hợp bao gồm phương pháp tổng hợp và so sánh dữ liệu và phương pháp chuyên gia. Tổng hợp và so sánh dữ liệu được áp dụng để đưa ra bảng biểu phân tích hiện trạng, xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện tượng BĐKH tại huyện Cần Giờ, TP.HCM. Trên cơ sở tổng hợp các tác động của BĐKH tới nhà ở của người dân trong khu vực nghiên cứu, các phần mềm đồ họa được dùng để thể hiện số liệu, bản đồ hiện trạng phân bố dân cư, khu vực bị ảnh hưởng của ngập lụt do BĐKH, và đưa ra mô hình dự báo đến năm 2100. Phương pháp chuyên gia được áp dụng để tham vấn chuyên gia trong các lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch, môi trường, thủy văn, kiến trúc nhà ở. Từ đó, hình thành cơ sở khoa học và pháp lý dựa vào kinh nghiệm thực tiễn đối với vấn đề ngập lụt do BĐKH tại khu vực Cần Giờ. Phương pháp nghiên cứu này có thể ứng dụng và triển khai cho các nghiên cứu về nhà ở thích ứng với BĐKH, đặc biệt là những nghiên cứu về loại hình nhà ở tái định cư, nhà ở cho người nghèo, hoặc nhà ở của người nhập cư tại Tp. Hồ Chí Minh.

3. KINH NGHIỆM ỨNG PHÓ VỚI BĐKH VÀ NƯỚC BIỂN DÂNG

3.1.  Kinh nghiệm Nhật Bản

Nhà tôn nền Mizuya được sử dụng để giảm tác động cùa ngập lụt là cách mà người dân Nhật Bản vùng Kanto thích ứng với lũ, ngập lụt. Nhà có 2 phòng, 2 kho, 1 vệ sinh. Một số gia đình còn có thuyền để sơ tán trong trường hợp khẩn cấp. Thông thường một phần nhà chính được nâng cao và có thể biến thành nơi trú ẩn. Ưu điểm là nhà xây trên nền cao, được sử dụng trong trường hợp ngập lụt, để lưu trữ và bảo vệ tài sản. Giai đoạn đầu tôn nền cao 2m, sau những đợt ngập lụt cao nhà được tôn nền thêm 1,3m trên nền 2m cũ, nhà được cải tạo để lưu trú trong thời gian dài khi xảy ra thiên tai. Nhược điểm là nhà xây dựng cũng khá tốn kém [3].

3.2.  Kinh nghiệm Châu Âu

a) Hà Lan

Nhiều mẫu ngôi nhà được thiết kế như một loại thuyền, có thể nổi trên mặt nước trong mọi điều kiện thời tiết. Các thiết kế của công ty Dura Vermeer (Hà Lan) đưa ra phương án “làng nổi” cho khoảng 12.000 dân ở gần sân bay Schiphol, cách thủ đô Amsterdam không xa.

Thiết kế này gồm các ngôi nhà nổi tạo thành cụm nhà ở với các đặc điểm: Cấu trúc làm bằng bê tông rỗng chống thấm và có thể nổi cùng nhà. Hầm bê tông chìm cố định dưới mực nước, nơi đặt các piston tăng áp. Đến khi nước dâng, ngôi nhà có thể nổi trên mặt nước cao. Một số các dạng nhà khác như nhà có nền cao, ngôi nhà được đắp nền cao lên bằng đất và tạo ra các kênh, rạch nước xung quanh, các kênh rạch này làm nên một hệ thống giao thông mạng lưới trong cả làng, phương tiện di chuyển là thuyền. Điển hình là ngôi làng cổ sinh thái tại tỉnh Overjssel, Hà Lan nơi này cách thủ đô Amsterdam 148km, ngôi làng này được hình thành từ những năm 1230 và tồn tại cho đến ngày nay, các ngôi nhà ở đây trông rất sinh thái [3].

b) Vương Quốc Anh

Nhà phao nổi được xây dựng bởi công ty xây dựng Aquabase tại Leeds, nước Anh. Ngôi nhà được xây dựng trên một nền tảng là phao nổi cho phép nhà trôi nổi tự do, thậm chí có khả năng điều hướng như một nhà thuyền. Ngôi nhà được thiết kế dự kiến có tuổi thọ hơn 100 năm. Ưu điểm cơ bản nhất của nhà phao nổi là sự linh hoạt, có thể ứng phó với bất kì mức dâng nào, cư dân trong nhà có thể dễ dàng di chuyển ngôi nhà của họ tránh khỏi khu vực nguy hiểm tới khu vực an toàn trong mùa lũ. Tuy nhiên nó cũng có những nhược điểm là sử dụng phao nổi đồng nghĩa với ngôi nhà sẽ không kết nối được với mạng lưới điện lưới, khả năng quản lý cộng đồng kém. Tuy nhiên hiện nay có thể khắc phục được bằng các hệ thống cung cấp năng lượng mặt trời hay gió, cùng với các công nghệ thông tin di động, bể nước sinh hoạt hệ thống xử lý nước thải tiên tiến [3].

4. GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ BĐKH VÀ NƯỚC BIỂN DÂNG CHO HUYỆN CẦN GIỜ, TP.HCM

Nguyên tắc: Nghiên cứu được thực hiện nhằm góp phần bảo vệ cuộc sống người dân huyện Cần Giờ trước hiện tượng ngập lụt do BĐKH, các giải pháp quy hoạch và kiến trúc công trình sẽ tạo ra điều kiện sống mới tốt hơn cho dân cư, và góp phần duy trì, bảo vệ những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống tại địa phương.

Yêu cầu chung: Đề xuất các giải pháp tổng thể về quy hoạch nhằm ứng phó với tình trạng ngập lụt tại khu vực Cần Giờ; Đề xuất các giải pháp thiết kế kiến trúc nhà ở tại huyện Cần Giờ thích ứng với hiện tượng ngập lụt do BĐKH tại khu vực này, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân.

GIẢI PHÁP QUY HOẠCH KHU DÂN CƯ

a) Đảm bảo năng lực thoát nước trong quá trình phát triển đô thị

Trung bình, khả năng thẩm thấu vào đất của nước mưa, lũ đối với đất đô thị chỉ bằng 1/5 so với đất cây xanh tự nhiên. Do đó, nhiều quốc gia quy định công trình xây dựng, từ nhà dân đến vỉa hè, phải dành một phần đất để tự nhiên, cây xanh hoặc dùng vật liệu có lỗ rỗng nhằm tăng khả năng thẩm thấu tại chỗ. Nếu công trình xây mới có quy mô lớn hoặc các dự án khu đô thị làm giảm khả năng thoát nước bề mặt của khu vực thì công trình, dự án đó phải chia sẻ gánh nặng hạ tầng với thành phố bằng việc xây dựng hồ điều hòa hoặc bể chứa ngầm ngay trong diện tích xây dựng.

Trong hồ sơ cấp phép quy hoạch, mọi dự án xây dựng và phát triển đô thị đều phải thể hiện vị trí của dự án trên bản đồ vùng có nguy cơ ngập lụt. Các công trình, khu đất nằm trong vùng có nguy cơ ngập lụt đều bị hạn chế phát triển và được bắt buộc có những biện pháp phòng lụt khi cải tạo công trình. Trong những trường hợp đặc biệt khi mà dự án có giá trị kinh tế và cảnh quan đối với địa phương, dự án vẫn có thể được chấp thuận với những điều kiện như không làm giảm diện tích mặt nước và giảm thiểu tác động đến dòng chảy.

Các khu đô thị tại nơi có nền đất cao phải có hồ điều hòa với dung tích từ 180-200 m3 cho mỗi hecta xây dựng. Đối với khu vực có nền đất thấp, đề xuất mô hình phát triển theo cụm và sử dụng công viên có diện tích đáng kể làm vùng đệm chống ngập. Ý tưởng quy hoạch tuyệt vời này không mới trên thế giới nhưng áp dụng vào Việt Nam lại gặp rất nhiều khó khăn như chi phí đất đai, cơ sở hạ tầng và thói quen cư trú của người dân[5].

Chúng ta có thể học bài học thành công của thành phố Curitiba (Brazil). Thành phố công khai thông tin, bản đồ về vùng có khả năng bị ngập lụt làm cho giá đất tại những nơi đó giảm xuống. Khi đó, chính quyền dễ dàng mua lại đất đai để biến chúng thành công trình công cộng và công viên. Vào mùa khô, công viên là nơi nghỉ ngơi, vui chơi của người dân thành phố. Vào mùa mưa lũ, những công viên này, với nền đất tự nhiên và thấp sẽ là nơi chứa và thẩm thấu một lượng nước đáng kể. Sau khi những công viên như vậy hoàn thành, các công trình và đất đai trong khu vực sẽ không còn nguy cơ ngập lụt và có cảnh quan đẹp nên sẽ tăng giá trị. Thông qua thuế đánh vào giá trị bất động sản, chính quyền thu lại được vốn đầu tư ban đầu cho công viên và giải quyết được vấn nạn lụt đô thị [5].

Gia tăng không gian mặt nước và cây xanh tự nhiên không chỉ làm giảm nguy cơ ngập lụt mà còn tạo cảnh quan cho đô thị. Gia tăng chỗ chứa nước cũng là giải pháp bền vững khi không làm biến đổi dòng chảy đột ngột như xây đập, đắp đê hay tôn nền công trình. Nhưng để có thể mang ý tưởng này vào cuộc sống, chúng ta trước hết phải mở rộng không gian tư duy, không gian nhận thức và không gian trách nhiệm của chính quyền và cộng đồng.

b) Mô hình tôn nền các cụm, tuyến dân cư vượt lũ để xây dựng nhà ở

Đây là những mô hình làm đê bao, bờ bao và hệ thống cống điều tiết lũ. Có thể hiểu đê bao là những đường, đê được xây dựng vững chắc cao hơn mực nước lũ thiết kế để các trận lũ lớn nước không tràn qua. Đê bao thường sử dụng để bảo vệ các khu dân cư, các khu công nghiệp tập trung, các khu thị trấn, thị tứ và các vùng chuyên canh trồng cây ăn trái. Còn bờ bao là các đường bờ tạm thời với độ cao không vượt quá mực nước lũ tháng tám để khi thu hoạch xong lúa hè thu thì cho nước lũ tràn vào để lấy phù sa, thêm nguồn thủy sản, thau chua rửa phèn và vệ sinh đồng ruộng.

Mô hình có ưu điểm: Nhà ở của người dân được đảm bảo an toàn, không bị ảnh hưởng của lũ, lụt. Nhà ở xây dựng trên cụm, tuyến dân cư được xây dựng chắc chắn và thuận lợi cho việc chằng chống tránh tác động của gió, bão, tố, lốc... Cuộc sống của người dân được đảm bảo ổn định lâu dài, tạo điều kiện để họ yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước phát triển bền vững. Người dân có điều kiện được thụ hưởng các công trình phúc lợi xã hội công cộng, có điều kiện để nâng cao dân trí. Nhiều cụm, tuyến dân cư phù hợp với quy hoạch có thể phát triển thành các đô thị trong tương lai.

Hạn chế của mô hình là diện tích ở còn chật hẹp nên người dân gặp khó khăn trong việc phát triển kinh tế phụ; Vốn đầu tư lớn nên cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, kết hợp với sự tham gia của người dân và ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng.

c) Về cấu trúc không gian làng – xã

Cần triệt để tận dụng và kế thừa cơ sở hạ tầng hiện có, cải tạo nâng cao nền chống ngập; Phát triển các điểm dân cư tập trung, có điều kiện thuận lợi về hạ tầng chung, hạn chế phát triển các điểm dân cư nhỏ lẻ, phân tán, dịch chuyển các điểm dân cư tự phát, manh mún, nhỏ lẻ vào các khu vực ở tập trung, tạo điều kiện tốt cho sinh hoạt và sản xuất cũng như công tác cứu hộ khi có bão lũ, nước ngập.

Tạo các dải cây xanh cách ly 7-10m dọc kênh rạch, sông ngòi bảo vệ mương tiêu thoát nước. Nên sử dụng hàng rào cây xanh, tránh sử dụng hàng rào cứng để phân định giữa các hộ gia đình vừa tạo cảnh quan môi trường, vừa tạo các lối sơ tán thoát lũ khi cần thiết; Bảo vệ lâu dài các công trình tôn giáo tín ngưỡng, cảnh quan có giá trị như cây xanh, bến nước đã có… để tạo cảnh quan cho làng, xã.

GIẢI PHÁP THIẾT KẾ NHÀ Ở VÙNG NGẬP LỤT

a) Mô hình nhà sàn

+ Có kết cấu nhà tương đối vững chắc và tiết kiệm chi phí xây dựng hơn so với nhà có nền móng đặt.

+ Hạn chế được nước lụt kéo theo các chất bẩn có trong có lụt vào nhà.

+ Có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và chống chịu được bão cấp 10- 11.

Tuy nhiên, mô hình này lại không được người dân ở vùng đồng bằng ưu chuộng vì còn một vài bất tiện trong khi sử dụng [10]

b) Mô hình nhà nổi kiểu Hà Lan

+ Thân nhà được xây bằng bê tông cốt thép rỗng, các hệ thống trụ thép chống đỡ cho ngôi nhà.

+ Hai cực neo ở phía trước và phía sau của tòa nhà, nhằm neo nhà vào một vị trí cố định khi nó nổi lên do nước dâng.

+ Mô hình nhà này có thể nổi lên theo mặt nước đến 5,5m. Do đó, có khả năng thích ứng với nước biển dâng tốt, cho phép các hộ gia đình sớm trở lại với cuộc sống thường nhật sau khi ứng chịu hậu qủa của lũ lụt.

+ Khả năng chống bão thấp vì không có giằng chống bão [10]

c) Mô hình nhà bê tông nhẹ

Kiểu nhà sinh thái nổi trên mặt nước này rất dễ di chuyển bằng đường bộ và đường sông vì được thiết kế theo những chiếc module có cấu trúc di động linh hoạt, tiện lợi. Việc thay đổi kích thước các phòng, vách đều được thực hiện chỉ bằng vài bước rất đơn giản mà không cần tới sự có mặt của các chuyên gia.

Mái nhà được trang bị các tấm pin năng lượng mặt trời với mục đích tạo ra nhiệt và điện để cung cấp cho ngôi nhà, sử dụng hệ thống đèn tiết kiệm: LED và bóng sợi quang học. Ngôi nhà còn có kết cấu khung thép định vị trên hệ thống móng nổi, các phần khác được sử dụng cấu kiện đúc sẵn, do vậy hạn chế được chất thải trong quá trình xây dựng. Các vật liệu được sử dụng xây dựng ngôi nhà là không độc hại, có nguồn gốc địa phương [10]

d) Mô hình làm nhà nổi

Ưu điểm mô hình này là khi nước ngập đến đâu thì nhà nổi lên đến đấy nên không bị ảnh hưởng của lũ, lụt.Tuy nhiên mô hình có nhiều bất cập trong quá trình sử dụng. Khi nước lớn thì nhà nổi, khi nước rút thì nhà nằm trên mặt đất. Khi nhà nằm trên lớp phù sa dày do trọng lượng của nhà không đều ở mọi vị trí nên nhà có thể bị nghiêng, lệch. Ngoài ra, đối với những nơi có lớp phù sa dày thì khi khô sẽ tạo thành một lớp đất cứng bao bọc, giữ chặt lấy nhà, do đó, khi chưa có lũ thì nhà bị nằm sâu trong đất, khi lũ về thì nhà lại không tự nổi lên được. Không đảm bảo an toàn khi có gió lớn, nước chảy mạnh, nhà nổi có thể bị trôi hoặc bị va đập, do đó nhà bị hư hỏng, nước tràn vào nhà sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng của cả gia đình. Không phù hợp với tập quán sinh hoạt của người dân. Sống trên nhà nổi, người dân dễ bị biệt lập với cộng đồng.Việc đi lại của người dân rất khó khăn, nhất là đối với việc học hành của trẻ em và khám chữa bệnh của người lớn cao tuổi. Giá thành cao, không phù hợp với điều kiện kinh tế của đa số người dân khu vực huyện Cần Giờ.

5. KẾT LUẬN

BĐKH diễn ra ngày càng phức tạp, cùng với hậu quả của quá trình mở rộng đô thị không phù hợp và quản lý sử dụng đất yếu kém, đã khiến ngập lụt đô thị ở nước ta có xu hướng ngày càng gia tăng và trầm trọng hơn. Vùng ĐBSCL còn chịu nguy cơ lớn và tiềm ẩn đối với nguy cơ xâm thực mặn, ảnh hưởng tới khả năng cung cấp nước sạch, phát triển hạ tầng cơ sở đô thị. Tại TP.HCM, mưa kết hợp với mức triều cường ngày càng cao hơn đã làm cho diện khu vực ngập úng ngày càng mở rộng, đặc biệt là các vùng trũng thấp như ở huyện Cần Giờ. Một số đô thị vùng đồng bằng và ven biển, hiện tượng sạt lở bờ sông và bờ biển cũng diễn ra phức tạp. Hiện tượng "đảo nhiệt" trong các đô thị lớn ảnh hưởng đến môi trường sống. Chất lượng nguồn nước bị suy giảm, gây khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất.

Để ứng phó với BĐKH đang diễn ra ngày càng phức tạp và có ảnh hưởng trực tiếp nghiêm trọng tới khu TP.HCM  nói chung và huyện Cần Giờ nói riêng, chúng ta cần có những nhận định đánh giá chính xác về các kịch bản BĐKH, từ đó đưa ra các giải pháp quy hoạch phát triển đô thị và thiết kế kiến trúc công trình nhà ở trong các cụm dân cư nhằm thích ứng với tình hình BĐKH trong hiện tại, tạo ra môi trường sống có tính thích ứng cao và bền vững trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Arlene Christy Lusterio: Living With Floods: The Settlements of theVietnam Mê Kông Delta. (2007)

  2. Asian Development Bank: Thành phố Hồ Chí Minh thích nghi với Biến đổi khí hậu. (2010)

  3. Birkmann. J and Pardoe. J.: Climate Change Adaptation and Disaster  Risk Reduction: Fundamentals, Synergies  and Mismatches, Springer journal (www.springer.com/978-94-017-8630-0) (2011)

  4. Đỗ Trọng Chung, Lê Hồng Dân: Không gian nhà ở nông thôn mới ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu, Tạp chí KTVN, http://www.baoxaydung.com.vn (2018)

  5. Lê Thị Thu Hương, Trần Quang Đạo: Kinh nghiệm nhà ở thích ứng với giảm ngập và cơ hội ứng dụng cho nhà phố tại Tp.HCM. Tạp chí Xây Dựng, 2018(03): Pg: 145 – 148

  6. Ngô Lê Minh: Đánh giá tác động của ngập lụt do Biến đổi khí hậu đến nhà ở tại khu vực Nhà Bè, Cần Giờ (Tp.HCM), và đề xuất giải pháp quy hoạch và kiến trúc nhằm ứng phó. Đề tài khoa học cấp Thành phố. Sở Khoa học công nghệ TP. HCM, (2019)

  7. https://vnexpress.net/du-lich/ngoi-lang-khong-duong-di-dep-nhu-co-tich-o-ha-lan-3924000.html

  8. Nguyễn Đỗ Dũng: Giải quyết vấn nạn lụt đô thị: thêm không gian cho nước,  https://dothivietnam.org

  9. Lê Văn Khoa: Các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam, Tạp chí Môi trường, (3) 2015

  10. Mô hình nhà nổi nhằm ứng phó biến đổi khí hậu và đảm bảo vệ sinh môi trường, Tạp chí Xây dựng & Đô thị, (36) 2014

  11. Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam (SISP). Xây dựng giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho các đô thị thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Bộ Xây Dựng - Ministry Of Construction, (2015).

 

(Nguồn:Tạp chí QHXD số 101+102)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website