Nguy cơ cháy nổ từ những vi phạm trong quy định về phòng cháy chữa cháy - Những vấn đề cần điều chỉnh trong quy định của ngành xây dựng

Trong những năm gần đây, hiện tượng cháy nổ tại các chung cư cao tầng, cũng như các khu công nghiệp, nhà ở riêng lẻ của người dân đã ngày càng gia tăng kể cả về số lượng lẫn số người bị thương vong. Theo thống kê, tính chung 9 tháng năm 2019, trên địa bàn cả nước xảy ra 2.959 vụ cháy, nổ, làm 76 người chết và 124 người bị thương, thiệt hại ước tính hơn 1.057 tỷ đồng , trong đó, có hai vụ cháy lớn, năm vụ cháy nghiêm trọng, ba vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 80 vụ cháy trung bình, 187 vụ cháy nhỏ .

Ths. Trần Thanh ý

-------------------------------------------------

1/ Đặt vấn đề

Con số này hiện vẫn tăng mạnh, chứng tỏ nguy cơ hỏa hoạn vẫn luôn rình rập, đe dọa an toàn và tính mạng người dân tại nhiều khu vực. Riêng tại Hà Nội, vụ cháy lớn gần đây tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, ngày 28-8-2019 trên địa bàn quận Thanh Xuân là một thí dụ điển hình, mặc dù không có thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về tài sản đến hàng trăm tỷ đồng, kéo theo đó là vấn đề ô nhiễm môi trường. Hoặc vụ cháy phần mái vòm sân khấu Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô. Nguy cơ cháy nổ từ các tòa nhà chung cư cao tầng cũng đang tiềm ẩn nhiều hiểm họa. Theo thống kê từ Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, cả nước hiện có trên 4.000 chung cư, nhà cao tầng, chủ yếu tâp trung tại Hà Nội và TP.HCM; trong đó gần 90% là các tòa nhà được xây dựng sau khi Luật Phòng cháy chữa cháy được ban hành. Tuy nhiên, trong số đó nhiều công trình chưa được thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy (chiếm 15,81%); chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy (chiếm 3%)[1]; không đảm bảo khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy (chiếm 11,2%) ; không có hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà (chiếm 11%)… Với đặc điểm quy mô và diện tích sử dụng lớn, mật độ tập trung trong công trình cao, công năng sử dụng phức tạp, sử dụng và tập trung nhiều chất cháy, có nhiều hệ thống thiết bị kỹ thuật, nên nguy cơ xảy ra cháy tại các chung cư cao tầng là không thể tránh khỏi.

Có nhiều nguyên nhân gây ra các vụ cháy nổ. Bên cạnh những nguyên nhân do con người gây ra còn do cơ sở hạ tầng phục vụ công tác PCCC chưa đồng bộ và còn nhiều bất cập như: (1) Hệ thống trụ nước để cung cấp nước chữa cháy trên các tuyến đường còn thiếu. Riêng tại Tại Hà Nội, có khoảng 1.250 trụ nước chữa cháy thì hơn 220 trụ không sử dụng được, trong đó, gần 60 trụ khóa mở không phù hợp, trên 30 trụ không có nước, gần 100 trụ bị hỏng, gần 40 trụ bị che khuất mất tác dụng; (2) Các loại nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy hạn chế; (3) Giao thông phục vụ công tác chữa cháy còn khó khăn; (4) Một số phương tiện, thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, đã quá hạn sử dụng, xe chữa cháy của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp không tiếp cận được, không đáp ứng được các yêu cầu chữa cháy, nhất là chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các vụ cháy lớn, cháy nhà cao tầng; (5) Trang thiết bị bố trí chưa phù hợp gây cản trở cho quá trình cơ động chữa cháy... cũng làm gia tăng những tổn thất về người và tài sản, điều mà không phải sớm muộn sẽ khắc phục được.

Càng gần cuối năm, tình hình cháy nổ vẫn còn diễn biến phức tạp, vẫn xảy ra các vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, tập trung ở những cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trong khu dân cư hoặc nhà ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ…  Vì vậy việc phòng cháy chữa cháy thực sự trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để đảm bảo an toàn tính mạng con người và tài sản.

2/ Đi tìm những nguyên nhân từ các vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy trong quy chuẩn, tiêu chuẩn

Quá trình đô thị hóa và dân số tăng nhanh, việc gia tăng các công trình quy mô lớn như khách sạn, tổ hợp văn phòng, các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; việc sử dụng các nguyên, nhiên liệu, chất dễ cháy được sử dụng ngày càng gia tăng và đa dạng… là thực tế mà các đô thị đang phải đối mặt.

Trong thiết kế công trình, yêu cầu về phòng chống cháy luôn là nội dung được đề cập trong hệ thống văn bản pháp quy. Năm 1978, phiên bản đầu tiên của tiêu chuẩn phòng cháy  chữa cháy cho nhà và công trình TCVN 2622:1978 được Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật ban hành. Đến năm 1995 tiêu chuẩn này được soát xét và ban hành thành TCVN 2622: 1995. Tiêu chuẩn đã đưa ra các yêu cầu cơ bản về phòng cháy, chống cháy khi thiết kế các công trình xây dựng. Tiêu chuẩn TCVN 2622:1995 còn được coi như một tiêu chuẩn kỹ thuật có tính cơ sở chung nhất, để từ đó làm chỗ dựa cho việc hình thành các tiêu chuẩn khác, như: TCVN 6160:1996 - Phòng cháy, chống cháy nhà cao tầng - Yêu cầu thiết kế và TCVN 6161:1996 - Phòng cháy chống cháy chợ và Trung tâm thương mại - Yêu cầu thiết kế.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy, năm 2001, Quốc hội khóa X đã thông qua và ký ban hành Luật Phòng cháy và chữa cháy. Việc ban hành bộ luật này nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và đề cao trách nhiệm của toàn dân đối với hoạt động phòng cháy và chữa cháy; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội. Năm 2008, trong quy chuẩn quy hoạch xây dựng QCXDVN 01: 2008/BXD, đã có hẳn một mục quy định việc quy hoạch phòng cháy, chữa cháy đô thị, trong đó đề cập đến mạng lưới các trạm phòng, chữa cháy, đảm bảo bán kính phục vụ, vị trí đặt trạm phòng chữa cháy, giao thông phục vụ chữa cháy và khả năng tiếp cận xe và phương tiện chữa cháy để đảm bảo cho yêu cầu chữa cháy một cách nhanh nhất. Trong quy chuẩn này còn có quy định về khoảng cách tối thiểu giữa các dãy nhà. Khoảng cách giữa các tòa nhà ngoài việc đảm bảo yêu cầu thông gió,  đảm bảo cho các khối công trình có được sân chơi và khoảng không gian xanh cần thiết còn đảm bảo yêu cầu hạn chế cháy lan, đảm bảo có đường và chỗ quay cho các xe chuyên dụng vào chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (xe cứu hỏa và xe thang chuyên dụng). Gần đây dư luận xã hội và các cơ quan chức năng đã lên tiếng về việc quy hoạch tổng thể khu đất hỗn hợp của dự án xây dựng tổ hợp chung cư và dịch vụ thương mại khu đô thị Linh Đàm. Ngoài việc vi phạm về mật độ xây dựng, chiều cao công trình, dự án này còn không đảm bảo an toàn về phòng cháy do các khối nhà đều bố trí san sát nhau. Đường giao thông nội bộ không đảm bảo cho xe chữa cháy.

Năm 2010, Bộ Xây dựng ban hành QCVN 06: 2010/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình. Có thể nói, đây là lần đầu tiên, một Quy chuẩn trong lĩnh vực xây dựng chuyên về phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình được biên soạn ở Việt Nam. Quy chuẩn tập trung vào các giải pháp cơ bản nhất của an toàn cháy, đó là: thoát nạn cho người khi xảy ra cháy, chống cháy lan và chữa cháy cứu nạn.

Như vậy có thể nói lĩnh vực an toàn cháy thì hệ thống văn bản pháp quy tương đối đồng bộ và đầy đủ theo thứ tự tầng bậc pháp lý:  Luật, Nghị định, Thông tư. Nội dung của quy chuẩn, tiêu chuẩn đã đưa ra những quy định đồng bộ và thống nhất liên quan đến vấn đề phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình từ khâu thiết kế, thi công xây dựng và sử dụng công trình. Mặc dù Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định tiêu chuẩn là văn bản kỹ thuật tự nguyện áp dụng, nhưng theo quy định của Luật phòng cháy, chữa cháy và Nghị định số 35/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy thì các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy là bắt buộc áp dụng. Điều này có thể coi lĩnh vực phòng cháy chữa cháy là một lĩnh vực đặc biệt vì nó ảnh hưởng đến an toàn sinh mạng và tài sản và hệ quả của nó để lại là lâu dài, tốn kém.

Thời gian qua, trên phạm vi cả nước, đặc biệt là tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM đã có nhiều vụ việc cháy nhà chung cư cao tầng với thiệt hại về người và tài sản là rất lớn, đặc biệt là tạo nên những ảnh hưởng tiêu cực về nhận thức của người dân đối với loại hình nhà ở chung cư cao tầng. Có nhiều nguyên nhân nhưng bài viết này sẽ đặc biệt lưu ý đến những nguyên nhân bắt đầu từ việc vi phạm các quy định trong hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy.

Những đặc điểm chính của chung cư cao tầng có ảnh hưởng đến yêu cầu an toàn cháy nổ đó là:

– Diện tích sử dụng lớn, số lượng người đông, có nhiều hệ thống thiết bị kỹ thuật, tập trung nhiều nguy cơ cháy nổ cao (bếp nấu, bình ga...);

– Lối thoát nạn chính chủ yếu qua các cầu thang bộ đi xuống mặt đất rồi ra ngoài nhà. Vì vậy, thời gian thoát nạn ra ngoài lâu, nguy cơ đe doạ tính mạng con người cao.

– Tốc độ và áp lực của gió trên cao làm tăng tốc độ cháy lan. Hành lang và các buồng thang bộ không được thiết kế điều áp làm tăng nguy cơ lan truyền lửa, khói, hơi nóng, khí độc, cản trở việc thoát nạn.

– Không có lối thoát nạn từ ban công, logia.

– Đường, bãi quay xe không đảm bảo cho các xe chuyên dụng vào chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (xe cứu hỏa và xe thang chuyên dụng).

Hiện tại, các quy định phòng cháy chữa cháy (PCCC) bắt buộc cần tuân thủ khi thiết kế công trình cao tầng tại Việt Nam gồm: QCXDVN 01: 2008/BXD: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng; QCVN 06:2010/BXD: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình; QCVN 08:2009/BXD: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia công trình ngầm đô thị; TCVN 6160:1996: Phòng cháy chữa cháy nhà cao tầng - Yêu cầu thiết kế. Tuy nhiên hiện các quy định này chưa được các chủ đầu tư tuân thủ một cách đầy đủ. Trong khi công tác an toàn cháy phải lấy yêu cầu phòng cháy là cơ bản, trọng tâm, với phương châm phòng cháy hơn chữa cháy.

Về các vi phạm thường gặp, trước hết cần nói về quy định thiết kế tầng hầm. Tầng hầm trong các tòa nhà chung cư chủ yếu là nơi để xe ô tô và xe máy, vì vậy nơi đây tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Để hạn chế phát triển và cháy lan trong tầng hầm, khi thiết kế tầng hầm quy định phải bố trí khoang ngăn cháy. Khoang ngăn cháy là một phần không gian của nhà, công trình được ngăn cách với các phần không gian khác bằng các bộ phận ngăn cháy có giới hạn chịu lửa thích hợp và các lỗ cửa mở . Khoang ngăn cháy trong tầng hầm để hạn chế đám cháy lan rộng và làm giảm cường độ nhiễm khói trong tầng hầm. Theo TCVN 2622-1995: Phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình - Yêu cầu thiết kế; TCVN 6160 – 1996: Phòng cháy, chữa cháy nhà cao tầng - Yêu cầu thiết kế, quy định diện tích tối đa mỗi khoang ngăn cháy ở phần ngầm của công trình xây không quá 500m2 (TCVN 2622: 1995) và  1.000m2 nếu có thiết kế hệ thống chữa cháy tự động (TCVN 6160 – 1996). Tuy nhiên, vấn đề này trong thực tế rất khó áp dụng, vì vậy hiện nay tại nhiều công trình đã sử dụng phương pháp thay thế tường ngăn giữa các khoang ngăn cháy bằng hệ thống màng nước ngăn cháy. Trong khi đa số các tầng hầm hiện nay ở nước ta không có hoặc có hệ thống chữa cháy tự động, hệ thống hút khói, lối thoát nạn nhưng không hoàn chỉnh - một yêu cầu bắt buộc đã được quy định trong quy chuẩn, tiêu chuẩn. 

Để đảm bảo yêu cầu thoát người nhanh chóng và an toàn khi xảy ra cháy ở các tầng hầm, theo quy định tầng hầm phải có đủ số lối thoát nạn và được bố trí phân tán. Tuy nhiên hiện nay một số công trình tại các lối ra vào tầng hầm dùng các hệ thống cửa sắt xếp hoặc cửa cuốn, nên khi khi xảy ra cháy, hệ thống điện bị cắt, sẽ gây khó khăn trong việc thoát nạn hoặc chữa cháy. Mặt khác do tầng hầm thường bố trí thêm các hệ thống kỹ thuật như tủ điện, trạm bơm, phòng máy biến áp, bồn dầu... mà chưa có quy định nào về yêu cầu này trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Lối thoát nạn: QCVN 06:2010/BXD quy định: lối thoát nạn phải đảm bảo yêu cầu thoát nạn kịp thời và không bị cản trở; tránh cho con người khỏi bị tác động của các yếu tố nguy hiểm của đám cháy. Đây cũng là cơ sở để thiết kế xây dựng nhà chung cư đảm bảo an toàn. Việc bảo vệ thoát người trên các đường thoát nạn phải được thể hiện bằng các giải pháp tổ chức mặt bằng. Tuy nhiên trên thực tế, không phải chung cư cao tầng nào cũng tuân thủ đầy đủ các yêu cầu này. Theo quy định, lối thoát nạn phải đủ số lượng, đủ kích thước và phù hợp với nhóm nhà dựa trên tính nguy hiểm cháy theo công năng. Trong bất kỳ trường hợp nào ít nhất cũng phải có 2 lối thoát nạn. Chúng phải được bố trí phân tán (được tiếp cận với buồng thang bộ không nhiễm khói). Các lối ra thoát nạn phải đảm bảo quy định về khoảng cách tối thiểu giữa hai lối thoát nạn. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng được tuân thủ. Các nhà thiết kế thường chỉ quan tâm đến khoảng cách từ căn hộ xa nhất đến buồng thang, cầu thang thoát nạn mà chưa tính đến khoảng cách giữa hai lối thoát nạn này. Việc bố trí hai lối thoát nạn gần nhau so với quy định thì hiệu quả thoát người sẽ bị giảm và làm tăng nguy cơ mất an toàn cho mọi người trên tầng đó. Cũng theo quy định, lối thoát nạn dẫn ra các buồng thang bộ phải đảm bảo không bị ảnh hưởng của lửa, khói, nhiệt độ cao do đám cháy gây ra và phải được thông gió, chiếu sáng, có chỉ dẫn lối lên mặt đất dẫn trực tiếp ra bên ngoài. Tuy nhiên vì những nguyên nhân khác nhau, nhiều dự án nhà chung cư cao tầng đã và đang xây dựng trong thời gian qua lại không tuân thủ theo nguyên tắc này dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với việc thoát người khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

Cầu thang thoát hiểm: TCVN  6160:1996 quy định cầu thang thoát hiểm phải thiết kế hệ thống điều áp hay tăng áp cầu thang. Độ chênh áp giữa cầu thang thoát hiểm và sảnh ngoài phải lớn hơn 20Pa. Hệ thống tăng áp là hệ thống giúp điều tiết áp suất không khí tại cầu thang, hành lang khi xảy ra cháy. Mục đích khi có sự cố cháy xảy ra, khói không được tụ lại trong lồng thang thoát hiểm, hạn chế sự phát tán khói đen kèm theo khí độc, giúp người trong vùng cháy có thể thoát hiểm hoặc tìm nơi lánh nạn an toàn. Khi xảy ra cháy, cầu thang thoát hiểm đi kèm hệ thống điều áp vận hành tốt sẽ là nơi thoát hiểm hoặc trú ẩn tạm thời an toàn nhất trong lúc đợi lực lượng chức năng tiếp cận và ứng cứu, nhất là trong công trình có thể còn có người khuyết tật.

Quy định là như vậy, nhưng cũng không ít người hiểu rõ cấu tạo của hệ thống điều áp cầu thang, dẫn đến khi có cháy, các cầu thang thoát hiểm vô hình chung trở thành nơi hút khói, cản trở lối thoát nạn, gây ra thương vong cho con người bởi nguyên nhân chính dẫn đến tử vong là do ngạt khói. Trong khi đó, ngoài tác dụng đảm bảo an toàn cho người và tài sản khi xảy ra hỏa hoạn, hệ thống điều áp cầu thang còn có tác dụng lưu thông không khí, tạo nguồn khí sạch trong các công trình.

Cửa thoát hiểm: tiêu chuẩn cũng quy định, cửa thoát hiểm phải được làm từ các vật liệu chống cháy như thép không gỉ, kính cường lực chống cháy… và các cửa này phải luôn luôn được đóng kín với mục đích để ngăn không cho khói thâm nhập vào lối thoát hiểm. Nhưng một số chung cư thường ít chú ý đến điều này. Nhiều chung cư biến lối thoát hiểm tầng 1 thành nơi bán hàng. Cửa vào buồng thang luôn được mở ra và bị chặn. Điều này sẽ làm cho khi xảy ra cháy, với kiến trúc của các tòa nhà cao tầng, khói sẽ nhanh chóng len lỏi qua hệ thống hành lang, cầu thang, gia tăng khả năng nguy hiểm cho con người trong công trình.

Lối ra khẩn cấp: được quy chuẩn QCVN 06:2010/BXD quy định có thể là lối ra ban công, lô gia hoặc ra lên sân thượng. Đây là những vị trí hay khu vực có thể giúp mọi người di chuyển ra bên ngoài an toàn nếu có sự trợ giúp của phương tiện và lực lượng cứu hộ. Trên thực tế, tại nhiều vụ cháy nổ nhà chung cư, khi hệ thống đường thoát nạn, lối thoát nạn bị vô hiệu hóa do khói, lửa,  để thoát ra ngoài phải tính đến các lối ra ban công, lô gia. Tuy nhiên hiện tại các ban công, lô gia ở một số chung cư bị xây kín, bịt kín làm tăng nguy cơ mất an toàn trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Một số công trình, việc treo biển quảng cáo mặt trước của tòa nhà cũng đã bịt kín ban công và các lối thoát nạn. Các khung sắt đỡ biển quảng cáo khi xảy ra cháy sẽ bị nung nóng càng làm gia tăng nguy cơ cháy nổ.

 Ống đổ rác: Đối với nhà chung cư cao tầng, việc thiết đường ống đổ rác để thu gom và vận chuyển rác từ các tầng dẫn đến nhà gom rác tại tầng 1 hoặc tầng hầm của tòa nhà là lựa chọn của đa số các chủ đầu tư. Thông thường đường ống thu gom rác được thiết kế chạy song song với đường dẫn thang máy, nối thông từ mặt đất lên. Tại mỗi tầng có cửa thu gom. Theo quy định, lối vào buồng thu rác ở mỗi tầng phải đi qua khoang đệm chống cháy. Tổ hợp đường ống, cửa của đường ống thu rác, tấm chắn, van, cửa buồng thu rác phải được chế tạo từ vật liệu không cháy, chống ăn mòn. Cửa đường ống thu rác phải là cửa chống cháy bậc I, kín khít, ngăn được mùi và có cơ cấu chắn khói tự động. Buồng chứa rác phải được bố trí ngay dưới đường ống thu rác tại tầng đầu tiên trên mặt đất hoặc tầng nửa hầm, tầng hầm thứ nhất. Buồng chứa rác phải có cửa cách ly và được ngăn với các bộ phận khác của nhà bằng tường ngăn cháy, có hệ thống thông gió, có hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động.

Với việc tạo ra sự thuận tiện cho các cư dân sống trong tòa nhà thì đây cũng là nguy cơ tiềm ẩn gây cháy nổ. Do người dân có thể mang rác ra bất cứ lúc nào và bỏ bất cứ loại rác nào từ các loại rác từ thực phẩm, túi ni lông, chai nhựa, chai thủy tinh thậm chí những đồ vàng mã sau khi hóa, than tổ ong sau khi sử dụng hoặc tàn thuốc lá… Tất cả các loại rác này được vứt trôi theo đường ống, xả thẳng xuống buồng thu chứa rác ở tầng trệt khu chung cư. Nếu rác có lẫn pin khi vứt với lực mạnh va đập có thể gây cháy nổ.

Trong khi đó, nếu xảy ra cháy nổ, do vị trí cửa thu gom rác nằm đối diện với cửa thoát hiểm khiến cửa thoát hiểm sẽ là nơi tập trung khói dày đặc nhất khi hỏa hoạn xảy ra. Đây cũng chính là nguyên nhân làm hạn chế  khả năng thoát hiểm của cư dân trong tòa nhà. Mặt khác do quá trình thi công xây dựng, việc sử dụng vật liệu thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ nên đôi khi chính chất liệu cấu tạo ống dẫn rác (theo nguyên tắc phải chịu được nhiệt) không đúng tiêu chuẩn đã góp phần khiến vụ hỏa hoạn trở nên dữ dội khi có cháy. Với cấu tạo hình ống, nên càng lên cao, cửa thu gom rác càng dễ bị cháy. Ngoài ra, buồng chứa rác được thiết kế nằm sát cầu thang thoát hiểm, trong buồng chứa rác cũng không có hệ thống thông gió hay hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động nên khi có cháy nổ, thì cầu thang thoát hiểm cũng không thể phát huy được tác dụng.

Một hạng mục cuối cùng cũng gây ra nhiều vi phạm đó là Hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy. TCVN 3890:2009  đã có những quy định về  hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy tự động, hệ thống cấp nước chữa cháy trong nhà, hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà, màn ngăn cháy, bình chữa cháy, đèn chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn, phương tiện phá dỡ, cứu người. Theo đó hệ thống báo cháy phải được thiết kế lắp đặt đồng bộ để phát hiện nhanh chóng, chính xác toạ độ xảy ra cháy. Hệ thống chữa cháy tự động Sprinlker phải lắp đặt cùng với đầu báo cháy và được quay vào trong nhà. Các cửa căn hộ phải được thiết kế và lắp đặt là cửa chống cháy… Tuy nhiên, thực tế là không phải lúc nào khi có cháy thì các hệ thống trên đều vận hành và sử dụng một cách có hiệu quả. Việc hệ thống phòng cháy chữa cháy kém chất lượng hoặc không đảm bảo theo quy định nên sau thời gian hoạt động đã bị xuống cấp, hư hỏng, không đáp ứng chức năng, không phù hợp với tuổi thọ công trình. Các họng nước vách tường và bình chữa cháy bố trí dọc hành lang từng tầng do không được bảo trì thường xuyên nên khi xảy ra cháy thì họng nước lại không có nước, bình xịt không sử dụng được… Vụ cháy ở chung cư Carina Plaza TP.HCM vào tháng 3 năm 2018 là một ví dụ điển hình. Do hệ thống điều áp hành lang và thang thoát nạn không đảm bảo, hệ thống báo cháy không hoạt động, hệ thống phun nước chữa cháy tự động không hoạt động nên khi xảy ra cháy ở tầng hầm, khói độc từ tầng hầm cháy lan ra khu vực cầu thang thoát hiểm, trong khi các cửa vào thang lại bị các hộ dân mở ra để tiện di chuyển. Nên hậu quả thương vong trong vụ cháy là tất yếu.

3/ Một số kết luận, kiến nghị

Có thể kể ra nhiều nguyên nhân và vi phạm trong việc tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn trong phòng cháy chữa cháy cho công trình xây dựng, Ngoài những vi phạm do chưa tuân thủ các quy định ngay từ khâu thiết kế cũng như việc kiểm tra, thanh tra, giám sát trong quá trình xây dựng, đưa công trình vào khai thác sử dụng thì những vấn đề về nhận thức và trách nhiệm của người dân trong việc chủ động thực hiện tốt công tác PCCC chưa đầy đủ cũng là một hạn chế lớn. Vì vậy để quản lý tốt công tác này cần thiết phải sớm điều chỉnh hệ thống tiêu chuẩn - quy chuẩn để đáp ứng với sự phát triển nhanh của lĩnh vực xây dựng, phát triển đô thị. Các giải pháp nên theo hướng sử dụng công nghệ hiện đại để giải quyết tốt những yếu tố bất lợi trong việc thoát nạn, cứu người trong nhà cao tầng. Rà soát lại các quy định việc quy hoạch, xây dựng, bố trí các điều kiện chữa cháy (giao thông, nguồn nước, trụ nước, phương tiện...), tăng cường khả năng tiếp cận của các phương tiện cứu hỏa, cứu nạn, đáp ứng yêu cầu chữa cháy.

Xây dựng một số tiêu chuẩn, tài liệu hướng dẫn cho nhóm các vấn đề để tiện tra cứu và dễ áp dụng cho các loại hình công trình có tính chất đặc thù như nhà cao tầng cao trên 1100m, bệnh viện, cơ sở giáo dục tư nhân… Ngoài ra cần tăng cường công tác thẩm duyệt thiết kế, nâng cao năng lực và tuyên truyền về công tác phòng chống cháy cho các cấp chính quyền và người dân. Chú trọng đến công tác đầu tư hệ thống PCCC tại chỗ. Tăng cường biện pháp chế tài đối với các công trình vi phạm các yêu cầu an toàn về phòng cháy chữa cháy đặc biệt là trong việc thực hiện những quy định trong công tác quy hoạch, xây dựng, thẩm định, nghiệm thu công trình.

Trên đây là một số kết luận và kiến nghị ban đầu về một số nội dung liên quan đến hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC lĩnh vực quy hoạch và thiết kế. Việc tuân thủ tốt những quy định này sẽ là tiền đề quan trọng, làm hạn chế tối đa xảy ra cháy và giảm hậu quả do cháy nổ gây ra.

Tài liệu tham khảo

1/ Hội thảo “Quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy ở công trình xây dựng và các vấn đề thực tiễn”

2/ Lối thoát nạn trong nhà chung cư - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam

3/ Hệ thống điều áp cầu thang - Thành phần không thể thiết trong PCC - Nguồn: Internet

4/ Bất cập trong hệ thống PCCC nhà chung cư cao tầng - VOV.VN

5/ Tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế chung cư cao tầng - Thực trạng và định hướng - ThS. Trần Thanh Ý


[1] TS. Nguyễn Đức Việt-Đại học cảnh sát PCCC tại Hội thảo “Quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy ở công trình xây dựng và các vấn đề thực tiễn”

 

(Nguồn:Tạp chí QHXD số 101+102)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website