Bộ Xây dựng họp thẩm định Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065

Ngày 16/3/2024, tại trụ sở Bộ Xây dựng đã diễn ra hội nghị thẩm định Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Tham dự hội nghị có Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; các thành viên Hội đồng đến từ Văn phòng Chính phủ, các Bộ, hội, hiệp hội chuyên ngành. Về phía VIUP có Phó Viện trưởng phụ trách Phạm Thị Nhâm. Tham dự còn có ông Emmanuel CERISE, Tiến sĩ kiến trúc, nhà quy hoạch, Giám đốc Cơ quan hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam) – Đại diện cho các chuyên gia phản biện. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị - Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì hội nghị.

ThS.KTS Lê Hoàng Phương - Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia đã báo cáo nội dung của Đồ án quy hoạch.

Theo đó, phạm vi nghiên cứu là toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, với 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 01 thị xã với quy mô khoảng 3.359,84km2.

ThS.KTS Lê Hoàng Phương - Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia báo cáo nội dung của Đồ án

Mục tiêu điều chỉnh nhằm phát triển Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và xanh; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Xây dựng Thủ đô Hà Nội có tổng thể không gian phát triển năng động, hòa nhập, khai thác các giá trị tiềm năng của vùng địa lý cảnh quan tự nhiên, tiềm năng về tri thức - công nghệ và lịch sử văn hóa truyền thống. Hiệu quả trong sử dụng đất đai và có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, môi trường bền vững; Nghiên cứu đề xuất các giải pháp quy hoạch nhằm cụ thể các định phát triển Thủ đô theo mô hình đô thị thông minh, thành phố sáng tạo, phát triển xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Về mô hình, cấu trúc đô thị, cấu trúc không gian xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển theo cấu trúc vùng đô thị lớn, khai thác 5 không gian (không gian xây dựng; không gian sinh thái; không gian văn hóa; không gian số; không gian ngầm), hình thành cấu trúc vành đai và hướng tâm gồm 1 trọng tâm, 3 vành đai, 8 trục hướng tâm, 9 vùng liên huyện.

Hà Nội tập trung phát triển các trục không gian chính, trong đó có trục không gian sông Hồng. Khu vực này sẽ được phát triển theo hướng là không gian xanh trung tâm của đô thị trung tâm, không gian văn hóa sáng tạo, trục phát triển kinh tế - xã hội và là không gian điểm nhấn biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, phát triển đô thị, công viên sinh thái hai bên sông, trị thủy, khai thác giá trị cảnh quan, cảng sông, du lịch hai bên sông. Liên kết vùng dựa trên yếu tố khai thác tối ưu hệ thống giao thông đường thủy, tạo động lực mới về du lịch, kết nối văn hóa, hành trình di sản dọc sông Hồng.

Hà Nội cũng định hướng quy hoạch Cảng hàng không thứ 2 của Thủ đô, công suất dự kiến khoảng 50 triệu hành khách/năm…

Các Chuyên gia đóng góp ý kiến cho Đ/C QHC Thủ đô Hà Nội

Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí đánh giá cao nỗ lực của đơn vị tư vấn trong việc phối hợp với các sở, ngành của thành phố Hà Nội triển khai lập quy hoạch; Báo cáo thuyết minh Đồ án có chất lượng tốt, được chuẩn bị công phu, kỹ càng. Tuy nhiên, Hội đồng góp ý tư vấn cần rà soát, cập nhật các định hướng của Trung ương làm cơ sở lập điều chỉnh quy hoạch; làm rõ hơn những tồn tại, bất cập của quy hoạch cũ, các nội dung cần điều chỉnh; quan tâm dự trữ đất cho phát triển; chú trọng đầu tư phát triển đường sắt đô thị; đề xuất cụ thể giải pháp, lộ trình di dời các trường đại học khỏi khu vực nội đô; làm rõ hơn mối quan hệ của tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; quan tâm hơn các nội dung về kiến trúc cảnh quan Thủ đô, mô hình phát triển nông thôn ở các huyện ngoại thành, các đô thị vệ tinh…

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh sự quan tâm đặc biệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đối với công tác quy hoạch, phát triển Thủ đô Hà Nội theo chủ trương, định hướng đã được Trung ương, Bộ Chính trị nêu trong các Nghị quyết về định hướng phát triển Thủ đô, đồng thời cảm ơn Bộ Xây dựng, các Bộ ngành Trung ương, các chuyên gia thành viên Hội đồng đã quan tâm, đóng góp ý kiến giúp UBND thành phố hoàn thiện Đồ án đảm bảo chất lượng tốt nhất.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được UBND thành phố dành nhiều quan tâm, chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt và được đơn vị tư vấn là VIUP phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện rất công phu, bám sát Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, đồ án cần rà soát, đánh giá đầy đủ, nhất là chức năng sử dụng đất, tập trung vào đất xây dựng đô thị; đánh giá việc thực hiện quy hoạch theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg trong triển khai, đầu tư xây dựng đô thị thời gian qua. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo đơn vị tư vấn tổng hợp, tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các chuyên gia phản biện, ủy viên Hội đồng và sớm hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền tiếp theo.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị kết luận hội nghị

Bên cạnh việc lập Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, VIUP cũng là một trong 7 đơn vị tham gia Liên danh tư vấn lập đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Điều này bảo đảm tính đồng bộ, xuyên suốt giữa hai quy hoạch lớn mà Hà Nội đang triển khai.

Ảnh lưu niệm

(Nguồn:VIUP)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website