Hội nghị công bố Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 3-10, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) thực hiện. Quy hoạch này đã được Thủ tướng Chính phủ đã ban hành phê duyệt tại Quyết định 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024.


TS. Phạm Thị Nhâm trình bày báo cáo tóm tắt các nội dung của Quy hoạch

Tại Hội nghị, TS. Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) đã trình bày báo cáo tóm tắt các nội dung chính Quy hoạch; Làm rõ vị trí vai trò của Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn trong tổng thể Quy hoạch quốc gia; Trình bày các mục tiêu, chỉ tiêu và các định hướng chính của Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về mục tiêu, Quy hoạch nhằm đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển, sắp xếp, phân bố hệ thống đô thị và nông thôn thống nhất, hiệu quả, toàn diện, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại phù hợp với điều kiện phát triển, có môi trường sống lành mạnh, có khả năng chống chịu, thích ứng nước biển dâng, biến đổi khí hậu, thân thiện môi trường và giảm phát thải.

Phát triển bền vững hệ thống đô thị theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực có kiến trúc hiện đại, xanh, bản sắc. Phát triển các đô thị là “trung tâm” chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, đầu mối giao thông, thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội, làm động lực phát triển kinh tế các vùng đô thị tạo hiệu ứng “tích tụ”, “kết nối” và “liên kết” chặt chẽ với nông thôn tại các vùng trên địa bàn cả nước; tăng cường hợp tác quốc tế. Chất lượng sống tại các đô thị ở mức cao.

Phát triển nông thôn toàn diện, bền vững gắn với phát triển đô thị, đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của từng vùng miền; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp.

Phát triển kinh tế, xã hội nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Đồng thời Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn đã xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp và nguồn lực thực hiện; các chương trình dự án quan trọng quốc gia, lộ trình thực hiện; các chỉ tiêu, định hướng phát triển đô thị, nông thôn thời kỳ đến năm 2030.

Quang cảnh chung

Về chỉ tiêu Quy hoạch, tỷ lệ đô thị hoá năm 2030 đạt trên 50%, năm 2050 đạt 70%; số lượng đô thị toàn quốc khoảng 1.000 - 1.200 đô thị. Hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể dục thể thao, có thu nhập tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 85%.

Quy hoạch định hướng tổ chức không gian hệ thống đô thị, trong đó xác định khung định hướng phát triển không gian hệ thống đô thị; xác định các vùng đô thị lớn; hệ thống đô thị trung tâm cấp quốc gia (đô thị loại Đặc biệt và loại I); hệ thống đô thị trung tâm cấp vùng; hệ thống đô thị trung tâm cấp tỉnh, huyện; xác định chuỗi, chùm đô thị và các đô thị trung tâm chuyên ngành cấp quốc gia, cấp vùng. Phát triển hệ thống đô thị vùng biên giới, ven biển, trên các đảo gắn với chiến lược phát tiển kinh tế biển, bảo vệ quốc phòng an ninh.

Định hướng phát triển quy hoạch hệ thống nông thôn, trong đó định hướng phát triển nông thôn; định hướng xây dựng phát triển vùng huyện và xã nông thôn; tổ chức hệ thống khu dân cư nông thôn theo các vùng sinh thái nông nghiệp; vùng nông thôn ven đô.

Bên cạnh đó là định hướng tổ chức hệ thống hạ tầng kỹ thuật, định hướng kiến trúc, cảnh quan đô thị, nông thôn; định hướng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; định hướng liên kết đô thị, nông thôn; định hướng sử dụng đất đô thị, nông thôn.

Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng phát biểu chỉ đạo

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan lập chương trình, kế hoạch, ưu tiên bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư để tổ chức thực hiện quy hoạch theo các định hướng đã được phê duyệt; nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị...

(Nguồn:Viup.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website