Hội nghị thẩm định Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế

Sáng 22/11, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế. Đồ án do Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia (VIUP) thực hiện.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Về phía tỉnh, có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu tại hội nghị

Đồ án quy hoạch là hợp phần hết sức quan trọng

Mở đầu hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn khẳng định lại những tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý của Thừa Thiên Huế... Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54 để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

“Trong lộ trình thực hiện Nghị quyết 54, Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế là một hợp phần hết sức quan trọng. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, thành viên phản biện tại hội nghị này sẽ làm rõ các nội dung trong nhiệm vụ quy hoạch, nhằm thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết 54 đã đề ra”, ông Văn nhấn mạnh.

Thông tin đến hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nêu rõ, trên cơ sở Nhiệm vụ đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1261/QĐ-TTg ngày 19/10/2022, Thừa Thiên Huế đã tích cực triển khai công tác lập quy hoạch song song với Quy hoạch tỉnh. Đến nay, đã hoàn thành các bước về tổ chức lập quy hoạch, báo cáo phương án quy hoạch, công bố lấy ý kiến cộng đồng, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, tổ chức hội nghị lấy ý kiến các địa phương, hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia trong và ngoài tỉnh. “Chúng tôi mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý để tiếp tục hoàn thiện bản quy hoạch tốt nhất trình phê duyệt”, ông Lê Trường Lưu nói.

 Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đánh giá cao tiềm năng, lợi thế của Thừa Thiên Huế

Sau khi đơn vị tư vấn trình bày tóm tắt Đồ án Quy hoạch đô thị, đại diện hội đồng thẩm định đánh giá cao, đồ án đã đảm bảo theo định hướng Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Đây là đồ án có nội dung công phu, đảm bảo yêu cầu cơ bản theo quy định của pháp luật.

ThS.KS. Đoàn Trọng Tuấn (VIUP) trình bày đồ án

Dù vậy, hội đồng thẩm định cho rằng, tỉnh cần xác định rõ hơn quan điểm nguyên tắc, tầm nhìn mục tiêu của quy hoạch, làm rõ cấu trúc không gian cụ thể; các chiến lược phát triển cần ngắn gọn, tránh trùng lắp với giải pháp tổ chức không gian; lưu ý đến kịch bản phát triển để tạo sự tương thích phù hợp; cần có định hướng sử dụng đất cơ bản, đặc biệt là 3 loại đất rừng; ra soát lại chỉ tiêu đất cây xanh công cộng cho đô thị… Liên quan đến định hướng không gian cần có chỉ tiêu quản lý phát triển, để có cơ sở lập quy hoạch cho các đô thị “cấp dưới”; đồng thời lưu ý về kế hoạch thực hiện quy hoạch và ưu tiên bảo vệ môi trường…

Tham gia góp ý tại hội nghị, các chuyên gia đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến tên gọi của đồ án; định hướng không gian phát triển; sắp xếp các đơn vị hành chính trong tương lai; hạ tầng giao thông đô thị; ...Ý kiến đại các Bộ, ngành Trung ương cũng đánh giá cao nội dung quy hoạch, đồng thời yêu cầu tỉnh cụ thể hóa một số nội dung liên quan đến hạ tầng phát triển giáo dục, khoa học công nghệ, điện lưới...; làm rõ các vấn đề liên quan đến đất quốc phòng, an ninh; đặc biệt quy hoạch này cần đảm bảo phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch tổng thể quốc gia...

Hoàn thiện để sớm trình phê duyệt

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cám ơn các ý kiến tham gia góp ý tâm huyết của các thành viên hội đồng thẩm định và các chuyên gia phản biện. Đồng thời, tiếp thu ý kiến tham gia của tất cả các đơn vị. Ông Phương cho rằng, các ý kiến đóng góp đều phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và thể hiện sự quan tâm đối với việc phát triển của Thừa Thiên Huế.

Làm rõ thêm một số nội dung liên quan định hướng phát triển của tỉnh gắn với đồ án Quy hoạch chung đô thị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết thêm về chỉ tiêu quy hoạch, định hướng tổ chức không gian, mô hình đô thị, định hướng hệ thống hành lang xanh, thoát lũ; hướng phát triển đô thị về phía Đông Nam; chỉ tiêu sử dụng đất theo Quyết định số 326/QĐ-UBND ngày 09/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ…

Đối với chỉ tiêu quy hoạch, sau khi trừ đất nghĩa trang thành loại đất khác, hiện nay chỉ tiêu cơ bản phù hợp với nhiệm vụ quy hoạch đã được phê duyệt. Quy hoạch đã kế thừa và phát triển mô hình “Tập hợp đô thị di sản, văn hóa, cảnh quan” trên cơ sở phân tích, đánh giá và kế thừa quá trình phát triển đô thị định hướng trở thành mô hình “Chuỗi đô thị theo hành lang kinh tế, hành lang giao thông kết hợp với các trung tâm động lực”.

Ông Nguyễn Văn Phương cho hay, các đô thị được phát triển đồng bộ, có vai trò hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội; bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc Cố đô, các di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận. Chuỗi đô thị gắn với cấu trúc đô thị sinh thái hoàn chỉnh, góp phần hình thành định hướng phát triển các trung tâm về văn hóa - du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo…

Giai đoạn đến năm 2025, để đảm bảo mục tiêu hình thành đô thị trực thuộc Trung ương, quy hoạch chung đã xác định, làm rõ khu vực nội thị, ngoại thị của đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương. Xác định rõ mô hình thành phố cho toàn đô thị trực thuộc Trung ương với 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện làm căn cứ để áp dụng các chỉ tiêu về trình độ phát triển đô thị và đảm bảo yếu tố đặc thù của đô thị Thừa Thiên Huế và các đô thị trực thuộc trong việc bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc Cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận. Ngoài hệ thống hành lang xanh, tỉnh đã có các đề án nghiên cứu riêng về vấn đề ngập lụt tại tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thông tin, trong quá trình lấy ý kiến của các chuyên gia, cộng đồng dân cư, cũng có ý kiến cho rằng Thừa Thiên Huế nên xem xét thêm phát triển về hướng Tây để tận dụng địa hình cao, hạn chế bất lợi do biến đổi khí hậu. Qua nghiên cứu và thảo luận nhiều giai đoạn, Thừa Thiên Huế lựa chọn hình thành các khu vực phát triển mới hướng biển nhằm kế thừa khung cơ sở hạ tầng hiện có, sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn lực đầu tư, khai thác tiềm năng rất lớn hệ sinh thái, cảnh quan của đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, tiềm năng kinh tế biển và sức hút của Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô cũng như các khu vực du lịch ven biển. Xu thế phát triển hướng biển cũng phù hợp với các đô thị miền Trung và thế giới, có tính khả thi cao và hình thành được các đô thị độc đáo, hấp dẫn….

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đánh giá cao đồ án quy hoạch, đồng thời cho rằng đây là đồ án có nhiều ưu điểm như, xác định được cấu trúc không gian phát triển; khung thiết kế đô thị tuân thủ các chỉ tiêu cơ bản theo quy chuẩn quốc gia, nhằm hướng đến chỉ tiêu của đô thị loại 1. Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn yêu cầu, trên cơ sở các ý kiến của Bộ ngành, chuyên gia phản biện, đặc biệt là cơ quan thẩm định, tỉnh tiếp tục rà soát cơ sở pháp lý; hệ thống hóa nội dung kế thừa các kỳ hoạch cấp trên.

Ngoài ra, tỉnh cũng cần rà soát lại các dự án liên quan đến đô thị; xác định các quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, đảm bảo theo các nhiệm vụ được phê duyệt. Liên quan đến dự báo về các dân số, chỉ tiêu phân bổ đất đai, định hướng hành chính đô thị, ông Văn cũng đề nghị tỉnh rà soát nhằm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án trong thời gian sớm nhất.

(Nguồn:baothuathienhue.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website