Quang cảnh cuộc họp
Bảo vệ kết quả thực hiện Nhiệm vụ trước Hội đồng, thay mặt nhóm nghiên cứu, ThS. Nguyễn Xuân Anh - Chủ trì Nhiệm vụ cho biết, mục tiêu của Nhiệm vụ nhằm xây dựng cơ sở khoa học cho hoàn thiện cơ chế chính sách về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị dựa trên quyền và nghĩa vụ khai thác, sử dụng và phát triển không gian (gọi tắt là “quyền không gian”), đảm bảo cân bằng hài hòa giữa quyền lợi và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, tập thể và cá nhân tham gia quá trình phát triển đô thị, tối ưu hóa nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Để thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhóm nghiên cứu đã tích cực thu thập, tham khảo tài liệu trong nước, quốc tế có liên quan, đồng thời sử dụng các phương pháp khoa học khác nhau; nghiên cứu các khái niệm về quyền không gian; nhận diện các khoảng trống trong hệ thống pháp luật ngành Xây dựng từ góc độ hiệu quả khai thác quyền không gian; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về quản lý và khai thác quyền không gian.
Trên cơ sở đó, nhóm hoàn thành dự thảo Báo cáo tổng kết Nhiệm vụ gồm: Chương I: Tổng quan về quyền không gian; Chương II: Thực trạng về hiệu quả khai thác quyền phát triển không gian trong phát triển đô thị; Chương III: Cơ sở khoa học về quyền không gian; Chương IV: Đề xuất đổi mới phương pháp quy hoạch và quản lý phát triển đô thị dựa trên quyền không gian; Chương V: Đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách và văn bản pháp luật ngành Xây dựng để áp dụng quyền không gian.
Theo Nhiệm vụ, việc công nhận quyền không gian, cũng như ứng dụng các cơ chế liên quan vào trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam là rất cần thiết và mang tính cấp bách; việc thể chế hoá quyền không gian là một bước tiến tuần tự, phù hợp quy luật xã hội, dựa trên những nền tảng pháp luật đã có, chứ không phải một cuộc “cách mạng thể chế”, tuy nhiên, quá trình này cần được đặt trong một kế hoạch có lộ trình thực hiện thận trọng từng bước, trong đó Bộ Xây dựng có vai trò dẫn dắt.
Theo ThS. Nguyễn Xuân Anh, Nhiệm vụ hướng đến thay đổi một trong những yếu tố căn bản của quy hoạch và quản lý phát triển, đó là quyền không gian. Trước đây quyền này chưa được đề cập như một khái niệm thống nhất, mà được gọi tên khác nhau và nằm rải rác trong các quy định khác nhau. Nếu quyền không gian được thể chế hóa, toàn bộ phương pháp quy hoạch, quản lý phát triển sẽ dựa trên một hệ thống lý luận mới, tiến bộ hơn, gần với thực tiễn hơn, do đó sẽ có hiệu quả cao hơn trong khai thác sử dụng nguồn lực cho công cuộc phát triển.
Kết quả Nhiệm vụ sẽ góp phần nâng cao năng lực quản lý quy hoạch và phát triển đô thị của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các đơn vị nghiên cứu, đơn vị tư vấn về quy hoạch và xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, nghiên cứu về quyền không gian sẽ tạo cơ sở khoa học cho việc xây dựng văn bản pháp luật về quy hoạch đô thị - nông thôn và quản lý phát triển đô thị, đang được Bộ Xây dựng dự thảo.
Tại hội nghị, các chuyên gia thành viên Hội đồng đánh giá cao sự nghiêm túc, tâm huyết của nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ theo hợp đồng.
Theo Hội đồng đánh giá, trong khoảng thời hạn được giao, nhóm nghiên cứu đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu theo đề cương được duyệt; hồ sơ nghiệm thu đầy đủ, tuân thủ theo đúng trình tự thủ tục, quy định hiện hành; Báo cáo tổng kết có bố cục hợp lý, nội dung phong phú; Nhiệm vụ đã mạnh dạn đưa ra các đề xuất đổi mới phương pháp quy hoạch và quản lý phát triển đô thị dựa trên quyền không gian và đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản pháp luật ngành Xây dựng để áp dụng quyền không gian.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng Báo cáo tổng kết, Hội đồng góp ý nhóm nghiên cứu cần làm rõ hơn khái niệm quyền không gian; bổ sung tài liệu, các kết quả nghiên cứu liên quan; bổ sung trích dẫn nội dung các văn bản pháp lý liên quan đến nội dung nghiên cứu; nhấn mạnh hơn nữa vai trò của công cụ quy hoạch; rà soát, biên tập Báo cáo tổng kết ngắn gọn, súc tích hơn, chỉnh sửa một số lỗi chế bản, đánh máy.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Trần Thu Hằng tổng hợp ý kiến góp ý của các chuyên gia thành viên Hội đồng, đồng thời bổ sung một số nội dung và đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu đầy đủ; sớm hoàn thiện Báo cáo tổng kết Nhiệm vụ và thực hiện các bước tiếp theo theo quy định.
Hội đồng thống nhất bỏ phiếu nghiệm thu kết quả thực hiện Nhiệm Vụ, với kết quả đạt loại Khá.