VIUP báo cáo Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn 2060

Sáng ngày 24/12, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (đại diện Liên danh tư vấn VIUP – GS - SISP) đã báo cáo Ban thường vụ Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn 2060. Đây là cuộc họp trước khi tiến hành Hội nghị báo cáo Lần 3 - Kỳ cuối lấy ý kiến chuyên gia cho đồ án.

 

Các đại biểu phát biểu ý kiến tại cuộc họp

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện VIUP trình bày sơ lược về các nội dung sau: Liên kết vùng, triển khai Nghị quyết; Rà soát các nội dung quy hoạch đã được phê duyệt và tình hình thực hiện quy hoạch; Tầm nhìn phát triển; Dự báo dân số; Định hướng phát triển không gian đô thị’; Định hướng phát triển không gian dọc sông Sài Gòn; Định hướng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, ứng phó BĐKH; Định hướng phát triển không gian ngầm. Báo cáo đã đưa vào những nội dung tiếp thu từ 2 lần lấy ý kiến chuyên gia trước đó.

Theo đó, tầm nhìn phát triển của Thành phố được xác định:

  • Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.
  • Thành phố phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của Châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hoá phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.

Với vai trò trung tâm vùng của TP Hồ Chí Minh, đồ án đề xuất một số giải pháp cụ thể:

- Xây dựng các trục từ Tp. Hồ Chí Minh kết nối với các đô thị lớn của vùng;

- Hình thành các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ dọc theo các đường vành đai 3, vành đai 4; 

- Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ;

- Tập trung mở rộng, nâng cấp cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất;

- Thu hút đầu tư, phát triển mạnh các khu công nghệ thông tin tập trung;

- Xây dựng, nâng cấp các cơ sở nghệ thuật biểu diễn quốc gia, đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện nghệ thuật quốc gia và quốc tế;

- Hình thành và phát triển trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Bên cạnh đó, đồ án đưa ra mô hình đô thị đa trung tâm – kết nối và phát huy vai trò trung tâm vùng của TP Hồ Chí Minh

- Thành phố đa tâm và đa dạng không gian sinh thái

- Hội tụ nguồn lực phát triển đô thị bởi sông Sài Gòn và 9 trục phát triển

- Lan tỏa cơ hội kinh tế theo 2 vành đai và hành lang kinh tế biển 

Tại cuộc họp, các thành viên đã trao đổi các nội dung về các vấn đề chiến lược về quy hoạch vùng, việc triển khai thực hiện theo Nghị quyết của Bộ Chính trị; Các vấn đề về dân số, việc xác định quy mô dân số, chỉ tiêu về mật độ dân cư, phân bổ dân cư; Đánh giá hiện trạng sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật toàn thành phố và định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật toàn thành phố; Mô hình cấu trúc đô thị, những nội dung đột phá trong lần điều chỉnh này; những điểm mấu chốt trong lần điều chỉnh này đã khắc phục được những hạn chế nào và đảm bảo tính khả thi mà quy hoạch cũ chưa thực hiện được.

Bí thư Nguyễn Văn Nên phát biểu kết luận

Kết luận cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao và hoan nghênh quá trình triển khai thực hiện lập đồ án của đơn vị tư vấn. Bí thư Nguyễn Văn Nên đã cho một số ý kiến chỉ đạo để đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu thêm. Ông cho biết Ban thường vụ nhận thấy rằng đồ án cơ bản bám sát mục tiêu, quan điểm theo quyết định số 1528/QĐ-TTg, phù hợp với chỉ đạo của thành phố. Tờ trình của Ban cán sự và các ý kiến cho thấy đồ án đã thể hiện những mặt tích cực, điều chỉnh mặt còn hạn chế. Ban thường vụ đánh giá đồ án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của thành phố. Vì vậy, thời gian còn lại, giao Ban cán sự và các cơ quan liên quan tiếp tục chỉ đạo đơn vị tư vấn rà soát kỹ, bổ sung góp ý để hoàn thiện đồ án, kịp xin ý kiến để thông qua Hội đồng nhân dân, báo cáo Bộ Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

(Nguồn:viup.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website