VIUP báo cáo Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Chiều ngày 30/11, tại thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên tổ chức Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ 2 nhằm lấy ý kiến góp ý, đề xuất về dự thảo Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng chí Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh khu vực Tây Nguyên và các chuyên gia, nhà khoa học. 

Quang cảnh chung

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa quan trọng, giúp mở đường, chủ động kiến tạo phát triển; là căn cứ quan trọng để đề xuất kế hoạch đầu tư vào Tây Nguyên giai đoạn 2026-2030, đặc biệt là các dự án lớn, có tính liên vùng. Do đó Quy hoạch phải dựa trên cơ sở tư duy mới, tầm nhìn mới, tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho vùng...

Phó Viện trưởng VIUP Hoàng Vĩnh Hưng trình bày đồ án

Tại hội nghị, Phó Viện trưởng VIUP Hoàng Vĩnh Hưng - đại diện đơn vị tư vấn lập Quy hoạch vùng Tây Nguyên trình bày nội dung chính của quy hoạch. Theo đó, quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bản quy hoạch vùng được tổ chức lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành theo quy định của Luật Quy hoạch, nhằm cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển vùng đã được xác định tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của đất nước, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.  Với mục tiêu phát triển vùng xanh-hài hòa-bền vững, quy hoạch vùng đã đưa ra 6 nhận diện, đề xuất có tính mới, đột phá. Quy hoạch khẳng định quan điểm phải đổi mới tư duy về phát triển vùng, chủ động nắm bắt, tận dụng các cơ hội, tập trung nguồn lực giải quyết các điểm nghẽn, mâu thuẫn, xung đột, cản trở trong phát triển.

Quy hoạch vùng nhấn mạnh yêu cầu phát triển kinh tế nhanh và bền vững dựa trên khai thác các nguồn lực và động lực tăng trưởng mới. Tổ chức không gian vùng được xác lập trên cơ sở tuân thủ các không gian bảo tồn tự nhiên, sinh thái, môi trường; phát triển vùng Tây Nguyên theo mô hình “3 cực-3 tiểu vùng-5 hành lang”. Mô hình “3 cực-3 tiểu vùng-5 hành lang” vùng Tây Nguyên gồm: 3 cực phát triển (TP. Pleiku, TP. Buôn Ma Thuột và TP. Đà Lạt); 3 tiểu vùng: tiểu vùng Bắc Tây Nguyên (tỉnh Kon Tum và Gia Lai), tiểu vùng Trung Tây Nguyên (tỉnh Đak Lak) và tiểu vùng Nam Tây Nguyên (tỉnh Đak Nông và Lâm Đồng); 5 hành lang kinh tế (hành lang kinh tế Đông Tây; hành lang kinh tế Bờ Y-Pleiku-Quy Nhơn và hành lang Mondulkiri-Đak Lak-Phú Yên; hành lang kinh tế dọc cao tốc Buôn Ma Thuột-Khánh Hòa; hành lang kinh tế dọc cao tốc Dầu Giây-Đà Lạt-Nha Trang; hành lang kinh tế Bu Prăng-Gia Nghĩa-Bảo Lộc-Bình Thuận).

Quy hoạch vùng hướng tới thúc đẩy hình thành các trung tâm kinh tế tổng hợp, chuyên ngành. Quy hoạch vùng hướng tới mục tiêu kết cấu hạ tầng Tây Nguyên được kết nối đồng bộ, trong đó hạ tầng số, hạ tầng giao thông là các nền tảng quan trọng thúc đẩy mảnh đất này kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng an ninh, bản sắc văn hóa được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển.

Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Hội nghị đã nghe nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết từ các địa phương, các chuyên gia. Qua đó, chúng ta đã nhận diện đúng và đầy đủ những thách thức, lợi thế, tiềm năng của vùng, từ đó đề xuất những phương hướng phát triển vùng hợp lý, nhanh, hài hòa. Vùng Tây Nguyên có vai trò chiến lược quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Do vậy, việc lập quy hoạch vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Quy hoạch vùng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, đảm bảo thống nhất với Quy hoạch quốc gia, tạo chính sách và thích ứng”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, ngành và UBND các tỉnh trong vùng Tây Nguyên khẩn trương nghiên cứu và tham gia ý kiến vào hồ sơ quy hoạch vùng Tây Nguyên. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, quy hoạch vùng cần thể hiện đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về quy hoạch và phải đề ra các động lực để phát triển vùng; Đơn vị tư vấn tiếp tục tiếp thu những ý kiến tại hội nghị để hoàn thiện quy hoạch vùng, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

(Nguồn:viup.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website