VIUP báo cáo đồ án “Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065”

Sáng 12/12/2023, Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý “Điều chỉnh QHC thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065” với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học và các nhà quản lý. Hội thảo do TS Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam chủ trì.

Tại hội thảo, ThS.KTS Lê Hoàng Phương, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (đơn vị tư vấn lập Điều chỉnh QHC thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065) báo cáo nội dung tóm tắt của đồ án.

Theo đó, triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, theo Quyết định số 1259/QĐ-TTG ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, về cơ bản diện mạo Thủ đô đã có nhiều thay đổi. Bộ mặt khu vực đô thị trung tâm đã chuyển biến tích cực, cảnh quan nâng cao; hình thành một số Khu đô thị lớn, hoàn chỉnh cấu trúc tổng thể, kiến trúc không gian,chi tiết cảnh quan và dịch vụ xã hội khép kín. Một số đơn vị cấp huyện ngoại thành Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư; Xử lý rác thải, nước thải, ô nhiễm ao, hồ... cải thiện đáng kể. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đất đai, đô thị, trật tự, trật tự, kỷ cương xã hội được tăng cường. Nếp sống văn minh đô thị có chuyển biến tích cực. Xây dựng nông thôn đạt kết quả nổi bật. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện quy hoạch đã bộc lộ những hạn chế. Đồ án đã xác định được 7 tồn tại, hạn chế đối với định hướng QHC năm 2011 về tỉ lệ đô thị hóa chưa đạt mục tiêu đề ra; quy mô dân số vượt ngưỡng dự báo; mô hình phát triển chùm đô thị chưa đạt yêu cầu; công tác di dời chưa đảm bảo tiến độ; phát triển đô thị dàn trải; kết cấu hạ tầng đô thị  phân tán, chưa đồng bộ; công tác đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch còn hạn chế.

ThS.KTS Lê Hoàng Phương báo cáo nội dung của đồ án

Nhóm nghiên cứu đưa ra 05 nội dung trọng tâm điều chỉnh và 09 đề xuất mới trong đồ án này.

Về mô hình cấu trúc phát triển, Thủ đô Hà Nội sẽ có cấu trúc vùng đô thị lớn, khai thác 05 không gian (không gian xây dựng; không gian sinh thái; không gian văn hóa; không gian số; không gian ngầm), hình thành cấu trúc vành đai và hướng tâm gồm 01 trung tâm (khu vực nội đô); 03 vành đai (VĐ3, VĐ4, VĐ5); 08 trục hướng tâm (QL1, QL6, đại lộ Thăng Long, quốc lộ 32, quốc lộ 5, Hà Nội Bắc Ninh, quốc lộ 3, quốc lộ 2) và 01 trục không gian cảnh quan sông Hồng; 05 vùng đô thị nông thôn. Hệ thống đô thị gồm 1 đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh và hệ thống các thị trấn sinh thái nằm trong vùng hành lang xanh.

Mô hình phát triển đô thị: chùm đô thị, đa cực, đa trung tâm gồm:

- Đô thị trung tâm (đô thị phía Nam sông Hồng; Đô thị Long Biên, Gia Lâm. Thành phố phía Bắc thuộc Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn)

- Thành phố phía Tây (gồm đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Xuân Mai), các đô thị về tinh Sơn Tây, Phú Xuyên

- Thị trấn sinh thái và thị trấn

- Hệ thống đô thị: Phân cách bằng hành lang xanh, liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai, hướng tâm

- Hệ thống nông thôn: phát triển theo chương trình Nông thôn mới, hình thành các cụm công nghiệp văn hóa gắn với phát triển làng nghề truyền thống, phát triển kinh tế, phục vụ du lịch, phát triển nông nghiệp đặc sản, công nghệ cao, nông nghiệp đô thị gắn với chuỗi dịch vụ phục vụ đô thị và xuất khẩu.

Phát biểu tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đều đánh giá cao nghiên cứu, đề xuất của VIUP đưa ra. Bên  cạnh đó, hội thảo được nghe nhiều ý kiến của các chuyên gia về cấu trúc đô thị, tái thiết chung cư cũ, về trục cảnh quan sông Hồng, hành lang xanh, các vấn đề về hạ tầng, phát triển đô thị theo mô hình TOD…

Đại diện đơn vị tư vấn, Phó Viện trưởng VIUP Phạm Thị Nhâm cám ơn ý kiến góp ý của các đại  biểu. VIUP sẽ tiếp thu các ý kiến, tiếp tục nghiên cứu, dùng các công cụ nhận dạng sâu hơn nữa, nhiều hơn nữa các bất cập để đề xuất những giải pháp quy hoạch phù hợp, hoàn thiện đồ án quy hoạch một cách tối ưu nhất.

Phát biểu kết luận hội thảo, TS Đặng Việt Dũng cho rằng các ý kiến góp ý tại hội thảo rất quý báu, đầy tâm huyết. Trên cơ sở góp ý đó, Tổng hội Xây dựng Việt Nam sẽ tổng hợp lại gửi Bộ Xây dựng và VIUP để nghiên cứu bổ sung thêm, chủ yếu tập trung vào quy hoạch không gian như bổ sung quan hệ giữa đồ án QHC phê duyệt năm 2011 với đồ án điều chỉnh hiện nay, tỉ lệ đất đai, mật độ dân số; Về vấn đề hạ tầng: cần làm kỹ mối quan hệ giữa Thủ đô Hà Nội với các khu vực xung quanh với tư cách là khu vực trung tâm; Với vai trò thành phố kết nối toàn cầu thì tiêu chí xác định đô thị như thế nào để có tính toán phù hợp; Lộ trình đầu tư cần xác định rõ; Một số khái niệm mới cần kiến nghị đưa vào các quy định chung như luật… Ông mong rằng Tổng hội Xây dựng Việt Nam sẽ phối hợp với VIUP tăng cường tổ chức nhiều sinh hoạt học thuật, hội thảo có hiệu quả như vậy.

Toàn cảnh hội thảo

 

(Nguồn:VIUP)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website