Cách mạng số trong quản lý đô thị ở Trung Quốc

Các siêu đô thị đang áp dụng các đường dây nóng và tận dụng các công nghệ kỹ thuật số như trí tuệ nhân tạo (AI) để cải thiện chức năng quản lý đô thị, giúp cuộc sống đô thị bền vững và thân thiện hơn với người dân.

Vào mùa đông ở Bắc Kinh, đường dây nóng 12345 của thành phố này giúp giảm 61% khiếu nại liên quan đến hệ thống sưởi ấm. Đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, vì kể từ mùa hè năm 2024, Cơ quan sưởi ấm của Bắc Kinh đã chủ động sửa chữa hệ thống sưởi ấm của thành phố dựa trên các vấn đề thường gặp mà người dân báo qua đường dây nóng.

Ở lĩnh vực y tế, thông qua đường dây nóng, các sở ban ngành khác nhau của chính quyền thành phố Bắc Kinh đã nỗ lực thành lập hơn 1.000 trạm chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng.

Đường dây nóng 12345 đã trở thành một phần không thể thiếu trong cấu trúc đô thị của Bắc Kinh. Cư dân có thể sử dụng dịch vụ chính phủ này cho mọi nhu cầu, từ chăm sóc sức khỏe đến nhà ở và thậm chí là giao thông, từ yêu cầu khẩn cấp đến yêu cầu chung. Trong 6 năm kể từ khi ra mắt, đường dây nóng 12345 đã xử lý 150 triệu yêu cầu. Tỷ lệ giải quyết các sự việc thành công đã tăng vọt từ 53% lên 97%, trong khi mức độ hài lòng đã tăng vọt từ 65% lên 97,3%.

 Một phần hệ thống "não bộ đô thị" của khu đô thị mới Phú Đông, Thượng Hải được trưng bày tại Triển lãm kiến trúc và thành phố quốc tế Thượng Hải 2024. Ảnh: CGTN

Ở khu vực Hồi Long Quan và Thiên Thông Uyển, hai cộng đồng lớn liền kề ở phía Bắc Bắc Kinh, chính quyền đã sử dụng đường dây nóng 12345 kèm AI để phát hiện tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng và tình trạng thiếu hụt cơ sở công cộng khi dân số ở đó tăng quá nhanh. Từ đó, hơn 60 dự án cơ sở hạ tầng công cộng đã được triển khai vào năm 2018, cải thiện mọi thứ từ giao thông đến chăm sóc sức khỏe và giải trí cho cư dân.

Nhưng nỗ lực của Bắc Kinh không dừng lại ở đó. Thành phố này đã hợp tác với các ứng dụng phổ biến như WeChat, Alipay và Baidu để cung cấp các nền tảng trực tuyến xử lý các vấn đề hành chính.

Trên WeChat, hiện tại công dân có thể truy cập gần một ngàn dịch vụ thông qua chương trình “Jingtong” (Kinh thông), từ đặt lịch hẹn đăng ký kết hôn đến kiểm tra giao thông, hoặc cập nhật thông tin an sinh xã hội. Nền tảng thống nhất này bao gồm hơn 20 sở ban ngành của chính quyền, đưa dịch vụ đến tận tay hàng triệu người.

Trên khắp Trung Quốc, từ Thượng Hải đến Nam Kinh, từ Vũ Hán đến Hàng Châu, các trung tâm đô thị đang áp dụng các đường dây nóng tương tự và tận dụng các công nghệ kỹ thuật số như AI, dữ liệu lớn và Internet vạn vật (IoT) để hợp lý hóa quản lý, giúp cuộc sống đô thị bền vững hơn và thân thiện hơn với người dân.

Khu đô thị mới Phố Đông của Thượng Hải là một ví dụ nổi bật. Năm 2018, thành phố đã giới thiệu một hệ thống “não bộ đô thị” đầy tham vọng, tích hợp điện toán đám mây, dữ liệu lớn và AI với IoT và mạng cảm biến để tạo ra một nền tảng quản lý kỹ thuật số toàn diện, theo thời gian thực.

Ông Vương Đại Thành, Giám đốc Khoa Kỹ thuật thành phố thông minh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho biết, công nghệ thành phố thông minh của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng, bước vào giai đoạn số hóa đô thị toàn diện; nhấn mạnh nhu cầu tiếp tục hỗ trợ chính sách và đầu tư vào 5G, IoT và điện toán đám mây, cùng với việc thúc đẩy AI trong quản lý đô thị.

(Nguồn:sggp.org.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website