Chính phủ Anh giải cứu công ty cấp nước lớn nhất

Nhà cung cấp nước lớn nhất của Vương quốc Anh ngày 28/6 cho biết cần huy động thêm tiền mặt từ các nhà đầu tư trong bối cảnh truyền thông Anh đưa tin chính phủ đang chuẩn bị các kế hoạch dự phòng để giải cứu công ty.

Theo hãng CNN, công ty cung cấp nước lớn nhất Vương quốc Anh Thames Water chịu trách nhiệm cung cấp nước cho khoảng 15 triệu khách hàng ở London và phía đông nam nước Anh.

Ảnh minh họa. Nguồn: CNN

Tin tức công ty cần thêm tiền chi trả được đưa ra sau khi Giám đốc công ty - bà Sarah Bentley tuyên bố từ chức. Từ khi nhậm chức 2 năm trước, bà Sarah Bentley đã xúc tiến kế hoạch giải quyết cơ sở hạ tầng cũ kỹ, xử lý rò rỉ và giảm ô nhiễm ở các dòng sông.

Quyết định từ chức của Giám đốc Sarah Bentley có hiệu lực ngay lập tức trong bối cảnh ngày càng nhiều quan ngại về khoản nợ lên tới gần 14 tỷ bảng Anh (18 tỷ USD) của công ty trong khi ngành cấp thoát nước nói chung cũng đang đối mặt với chi phí xử lý nước thải cao ngất ngưởng.

Công ty Thames Water đã nhận được 500 triệu bảng Anh (635 triệu USD) từ các cổ đông vào tháng 3, nhưng ngày 28/6 nói rằng họ sẽ cần thêm tiền nhiều hơn nữa.

"Công ty đang tiếp tục làm việc với các cổ đông liên quan để hỗ trợ các kế hoạch đầu tư và quay vòng," đại diện phía công ty nói thêm.

Cơ quan quản lý ngành nước Ofwat cho biết đang tiếp tục thảo luận về vấn đề trên với Thames Water, lưu ý cần đến một bản kế hoạch đáng tin cậy nhằm xoay chuyển tình huống kinh doanh hiện tại.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào việc bảo vệ lợi ích của khách hàng", phía Ofwat cho biết.

Cuộc họp khẩn cấp

Các bộ trưởng, bao gồm đại diện của Bộ Tài chính Vương quốc Anh Và Bộ Môi trường Defra đang tổ chức các cuộc họp khẩn cấp với Ofwat về tương lai của công ty Thames Water.

Một khả năng có thể là đặt công ty vào Cơ chế quản lý đặc biệt (SAR) định hướng sở hữu nhà nước. Chính phủ Anh ra thông báo nêu rõ tình hình hiện nay của Thames Water là vấn đề của công ty và các cổ đông.

"Đây là vấn đề của công ty và các cổ đông. Nhưng chúng tôi cũng chuẩn bị một loạt kịch bản trong các ngành chủ chốt - bao gồm cả nước. Ngành công nghiệp nước của Vương quốc Anh cần khả năng phục hồi về mặt tài chính", người phát ngôn của Chính phủ Anh nói.

Trong khi đó, công ty Thames Water cho biết khoảng 24% lượng nước cung cấp cho khách hàng đang bị thất thoát do rò rỉ. Các công ty nước ở Anh chịu nhiều chỉ trích trong những năm qua vì xả nước chưa qua xử lý ra sông và ra biển, đe dọa hệ sinh thái và gây bệnh tật cho con người, khiến nhiều bãi biển phải đóng cửa.

Cổ đông lớn nhất duy nhất của công ty là Quỹ lương hưu Ontario Mincipal của Canada, nắm giữ khoảng 32% cổ phần.

Tư nhân hóa thất bại

Theo Ofwat, các công ty cấp nước của Anh đã phải gánh khoản nợ hơn 60 tỷ bảng Anh (76 tỷ USD) kể từ khi được tư nhân hóa cách đây 3 thập kỷ. Lĩnh vực này hiện đang chịu áp lực khi lãi suất tăng và thu nhập nhiều hơn từ hóa đơn khách hàng được chuyển hướng sang trả nợ.

Trong khi đó, Cơ quan Môi trường Vương quốc Anh cũng đang điều tra các công ty cấp nước liên quan đến tình trạng nước thải chưa qua xử lý thải vào đường thủy. Vào mùa hè năm ngoái, một số bãi biển ở Vương quốc Anh đã bị đóng cửa do tràn nước thải và công ty Thames Water, cùng với các công ty cấp nước khác, đã bị phạt vì không đạt được đủ tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề.

Trong báo cáo thường niên mới nhất của mình, công ty Thames Water đã báo cáo khoảng 8.000 vụ tràn nước thải trong 9 tháng tính đến tháng 9 năm 2022.

Trong khi đó, người dân cũng phải trả tiền nước cao hơn từ khi các công ty được tư nhân hóa. Một báo cáo năm 2020 của Đơn vị Nghiên cứu Quốc tế về Dịch vụ Công cộng tại Đại học Greenwich ở London cho thấy 40% mức tăng hóa đơn tiền nước ở Anh kể từ năm 1991, khi hầu hết các công ty cấp nước được tư nhân hóa, là do trả lãi cao hơn và tăng cổ tức cho cổ đông.

Các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng nước của Vương quốc Anh được chỉ định sẽ thực hiện từ năm 2025 đến năm 2050. Và như vậy, hóa đơn tiền nước của khách hàng có thể sẽ tăng hơn nữa trong thời gian tới.

Tạp chí Times ngày 28/6 ước tính hóa đơn tiền nước của các hộ gia đình có thể tăng 40% vào năm 2030 để bù đắp chi phí cho các hoạt động nâng cấp cơ sở hạ tầng nước./.

(Nguồn:toquoc.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website