Giải bài toán quy hoạch nghĩa trang: Kinh nghiệm quy hoạch nghĩa trang ở Trung Quốc

Là quốc gia đông dân nhất thế giới, giải quyết vấn đề "nơi yên nghỉ cho người chết" luôn là bài toán quan trọng đặt ra đối với Trung Quốc. Những năm gần đây, quốc gia này đạt nhiều kết quả tích cực trong cải cách mai táng, cũng như quy hoạch và xây dựng nghĩa trang công ích trong công cuộc xây dựng văn minh nông thôn.

Một nghĩa trang nông thôn ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Trung Quốc hiện có gần 500 triệu người sinh sống ở nông thôn, chiếm khoảng 37% tổng dân số cả nước.

Đây là khu vực rộng lớn, chịu ảnh hưởng lớn bởi các quan niệm truyền thống, trong đó có không ít phong tục lạc hậu trong việc mai táng, xây cất phần mộ, thậm chí có nhiều hiện tượng tiêu cực như đua nhau xây mộ xa hoa, mộ cho người sống, mộ gia đình, dòng tộc, xây lăng tẩm quy mô lớn…; dẫn đến lãng phí của cải và tài nguyên đất đai, nhất là đất nông nghiệp, đất rừng; xâm phạm hành lang lưới điện, đường cao tốc, khu vực bảo tồn thiên nhiên và di tích lịch sử-văn hóa…

Từ năm 1997, Trung Quốc quy định bắt buộc hỏa táng đối với người chết trên phạm vi cả nước, chỉ trừ vùng dân tộc thiểu số có đặc điểm văn hóa, tôn giáo và phong tục khác biệt và những địa phương khó khăn không đủ điều kiện để xây dựng cơ sở hỏa táng.

Từ đó đến nay, tỷ lệ hỏa táng không ngừng tăng lên. Thống kê của Bộ Dân chính - cơ quan phụ trách các vấn đề an sinh xã hội Trung Quốc - cho thấy, đến cuối năm 2021, phạm vi các khu vực thực hiện hỏa táng chiếm khoảng 52% tổng diện tích cả nước, bao phủ hơn 800 triệu dân; tỷ lệ hỏa táng năm 2021 trên phạm vi cả nước đạt 58,8%, tăng 7,3% so năm 2020.

Một nghĩa trang ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, chịu ảnh hưởng nặng nề của quan niệm “nhập thổ vi an” (người chết phải được yên nghỉ dưới lòng đất), vẫn còn hiện tượng “biến tướng”, như sau khi hỏa thiêu vẫn chôn cất theo cách thức cũ, gây lãng phí rất lớn; tự ý xây dựng mồ mả tại các khu vực canh tác, ngoài nghĩa trang chung, gây ảnh hưởng đến bộ mặt, diện mạo của nông thôn.

Đặc biệt, vấn đề “chết không đủ tiền chôn” ngày càng nổi cộm khi nhiều nơi không có hoặc thiếu chỗ mai táng, khiến người dân phải tìm đến các nghĩa trang thương mại, với giá cả đắt đỏ.

Để giải quyết bài toán “nơi yên nghỉ cho người chết”, những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế và quy hoạch, xây dựng nghĩa trang công ích ở nông thôn với ý nghĩa là công trình phúc lợi công cộng cho người dân, cùng các quy định cụ thể về cấp phép xây dựng, địa điểm, diện tích, đối tượng và thời hạn sử dụng của các phần mộ.

Để giải quyết bài toán “nơi yên nghỉ cho người chết”, Trung Quốc đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế và quy hoạch, xây dựng nghĩa trang công ích ở nông thôn với ý nghĩa là công trình phúc lợi công cộng cho người dân.

Theo đó, khác với nghĩa trang thương mại, cung cấp các dịch vụ có thu phí cho việc chôn cất tro cốt hoặc hài cốt và chăm sóc phần mộ, do các đơn vị kinh doanh dịch vụ tang lễ xây dựng và quản lý, nghĩa trang công ích là hạ tầng công cộng, cung cấp dịch vụ an táng cho người dân của địa phương, do chính quyền cấp xã quy hoạch xây dựng, sau khi được chính quyền cấp huyện phê duyệt, được đưa vào quy hoạch xây dựng nông thôn và kế hoạch xây dựng cơ bản.

Việc xây dựng nghĩa trang công ích không được kêu gọi đầu tư, mà do ngân sách hỗ trợ một phần, cộng với đóng góp của các đoàn thể xã hội và người dân địa phương, được miễn giảm các khoản thuế, phí liên quan, với yêu cầu các phần mộ chiếm dụng diện tích nhỏ, bia mộ sát mặt đất.

Nghĩa trang công ích do chính quyền nhân dân cấp xã quản lý, không được liên doanh, chuyển nhượng hoặc cho đấu thầu để kinh doanh.

Các phần mộ chỉ được dùng để an táng người dân địa phương, có thu phí vật liệu xây dựng và phí quản lý không quá 20 năm.

Đáng chú ý, quy hoạch nghĩa trang công ích phải lựa chọn khu vực đất trống đồi trọc, với diện tích không quá 300 mẫu (1 mẫu Trung Quốc là 667m2) cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã, nghiêm cấm xây dựng ở khu vực đất canh tác, đất rừng, công viên, khu bảo tồn văn hóa và nguồn nước, gần sông suối, đê điều và hành lang đường sắt, đường bộ.

Việc quy hoạch và xây dựng nghĩa trang công ích chịu chi phối lớn bởi điều kiện kinh tế-xã hội của các địa phương.

Một số nơi như Chiết Giang, Bắc Kinh, Hồ Nam đã sớm phát triển một hệ thống nghĩa trang công ích khá hoàn thiện với các cơ chế quy hoạch, xây dựng, vận hành và quản lý đồng bộ.

Tuy nhiên, các địa phương có mật độ dân cư đông, mức độ đô thị hóa cao như Quảng Đông, Tứ Xuyên, nghĩa trang công ích được coi là một khâu yếu trong hạ tầng dân sinh cơ bản, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân nông thôn.

Trong Quy hoạch phát triển an sinh xã hội 5 năm lần thứ 14, giai đoạn đến năm 2025, Trung Quốc đặt mục tiêu tỷ lệ bao phủ nghĩa trang công ích cấp huyện trong cả nước phải đạt 100%.

Trong Quy hoạch phát triển an sinh xã hội 5 năm lần thứ 14 (giai đoạn đến năm 2025), Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng toàn diện thể chế bảo đảm dịch vụ tang lễ, đẩy nhanh khắc phục những tồn tại về hạ tầng dịch vụ và nâng cao trình độ quản trị mai táng, xây dựng hệ thống quản lý xây dựng nghĩa trang và tiêu chuẩn mai táng tiết kiệm đất đai và thân thiện với môi trường; thúc đẩy xây dựng nghĩa trang công ích, khuyến khích và định hướng việc mai táng theo hướng sử dụng vật liệu xanh, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên đất. Trong đó, "tiêu chí cứng" là tỷ lệ bao phủ nghĩa trang công ích cấp huyện trong cả nước phải đạt 100%.

(Nguồn:nhandan.com.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website