Kế hoạch xây đảo nhân tạo gây tranh cãi của Hong Kong

Chính quyền Hong Kong có kế hoạch chi 624 tỉ HKD (khoảng 79,7 tỉ USD) cho dự án xây dựng một trong những đảo nhân tạo lớn nhất thế giới nhằm giúp giảm bớt tình trạng khủng hoảng nhà ở, trong khi giới phê bình cho rằng nó sẽ gây ra các vấn đề về môi trường và tài chính.

Mô hình dự án đảo nhân tạo của Hong Kong.

Theo kế hoạch, giới chức Hong Kong sẽ cho bồi đắp 1.700 héc-ta đất. Dự kiến, dự án sẽ được khởi công vào năm 2025 và những cư dân đầu tiên sẽ đến đây sinh sống vào năm 2032. Guardian cho biết, trong giai đoạn đầu, dự án sẽ tạo ra 1.000 héc-ta đất xung quanh đảo Giao Y Châu nằm ở phía Đông Đại Nhĩ Sơn - hòn đảo xa xôi và lớn nhất đặc khu Hong Kong, 700 héc-ta còn lại sẽ tiếp tục được bồi đắp trong giai đoạn thứ hai. Một khi hoàn thành, đảo nhân tạo có mạng lưới giao thông xuyên biển này sẽ cung cấp chỗ ở cho từ 700.000-1,1 triệu người, với hơn 400.000 ngôi nhà.

Người dân Hong Kong từ lâu đã phải đối mặt với tình trạng chật chội và thiếu hụt nhà ở. Tình hình trở nên tồi tệ hơn kể từ năm 1997 khi mà mỗi ngày Hong Kong cấp 150 giấy phép cư trú cho công dân Trung Quốc đại lục. Không những vậy, 62% diện tích đất của Hong Kong bị  “đóng băng” theo luật hoặc các cơ chế ràng buộc vì lý do môi trường. Sự thiếu hụt đất ở Hong Kong đã khiến giá bất động sản tăng vọt, biến nơi đây trở thành thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới. Theo đó, một hộ gia đình Hong Kong trung bình cần tới 19 năm thu nhập mới có thể mua được căn hộ. Trong khi đó, mật độ dân số của Hong Kong đã chạm tới mức 27.400 người/kilômét vuông. Hơn 200.000 người sống trong các căn hộ được chia nhỏ, một số người thậm chí sống trong những “ngôi nhà quan tài” với diện tích vỏn vẹn chỉ 1,86 mét vuông.

Sau khi thông tin về dự án trên được đưa ra, một câu hỏi đã được đặt ra rằng liệu dự án hàng chục tỉ đô này sẽ giúp làm dịu thị trường bất động sản của Hong Kong hay chỉ đơn giản là “đổ tiền xuống biển”?. Phát biểu với báo giới hồi năm ngoái, Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga nhấn mạnh: “Việc xây đảo nhân tạo là không thể tránh khỏi. Về lâu dài, nhiều thành phố đang phát triển phải áp dụng biện pháp này”. Còn Stephen Wong, Phó Giám đốc điều hành Quỹ Hong Kong của chúng ta cho rằng bằng cách xây dựng các thành phố mới trên những vùng đất mới được tạo ra, vấn đề chỗ ở của người dân Hong Kong mới có thể được giải quyết.

Tuy nhiên, giới chỉ trích cho rằng việc xây dựng đảo nhân tạo là “đổ tiền xuống biển”, khiến cho nguồn ngân sách dự trữ của Hong Kong cạn kiệt và gây tổn hại môi trường. “Dự án sẽ làm mất môi trường sống vĩnh viễn và làm thay đổi thủy văn, có tác động tiêu cực đáng kể đến sinh thái biển và sinh kế của ngư dân Hong Kong” - Angel Lam, quan chức bảo tồn cấp cao tại Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), lo ngại. Hiện các nhà bảo vệ môi trường kêu gọi chính quyền Hong Kong hãy sử dụng 1.000 héc-ta đất bỏ hoang ở Tân Giới để phát triển dự án.

Tom Yam, thành viên một đơn vị quản lý tài nguyên đất, đặt nghi vấn xung quanh tính khả thi của dự án trong tình hình khí hậu cấp bách và mực nước biển dâng cao. “Không có bất kỳ chính quyền nào lên kế hoạch xây dựng thành phố với hơn một triệu dân ở giữa biển khi mà các quốc gia khác đang tiến hành các biện pháp đối phó tình trạng nước biển dâng cao. Tại sao phải xây dựng một thành phố theo cách tổn hại như vậy? Đây là một dự án rủi ro cao” – Yam phân tích. Ông này cho rằng các đảo nhân tạo với thời gian xây dựng 15-20 năm không thể giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng nhà ở trong thời gian ngắn. Hơn nữa, nếu 700.000 người sống trên diện tích 1.000 héc-ta sẽ dẫn đến mật dân số lên tới 70.000 người/kilômét vuông, tức sẽ cao hơn mật độ của quận nghẹt thở nhất của Hong Kong hiện tại là Kwun Tong với 57.000 người/kilômét vuông.

Thật ra, chuyện Hong Kong xây đảo nhân tạo không phải là mới. Khoảng 6% đất nơi đây được bồi đắp và là nơi sinh sống của 27% dân Hong Kong. Kể từ những năm 1970, Hong Kong đã xây dựng 9 khu phố, gồm Shatin, Tuen Mun và Tseung Kwan O…tất cả đều là những dự án bồi đắp. Tuy nhiên ngày nay, ông Yam tin rằng đối tượng hưởng lợi nhất trong việc xây dựng đảo mới là các công ty xây dựng và công nghệ, mà phần lớn đến từ Trung Quốc.

(Nguồn:baocantho.com.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website