Singapore nỗ lực chống nước biển dâng

Trong hơn nửa thế kỷ độc lập, Singapore không ngừng tìm cách nới rộng lãnh thổ. Đảo quốc sư tử đã dày công bồi đắp cát, không chỉ để mở rộng bờ biển mà còn nhằm giành lại phần đất bị biển xâm thực - hậu quả từ tình trạng nước biển dâng.

Đập nước Marina Barrage của Singapore. Ảnh: Bloomberg

Diện tích của Singapore đã tăng thêm 25% kể từ khi độc lập năm 1965 và có kế hoạch tăng thêm 4% diện tích vào năm 2030. Đó là một thành tựu nổi bật trong bối cảnh nhiều quốc gia ven biển khác đang thu hẹp dần diện tích do mực nước biển dâng cao vì biến đổi khí hậu.

Theo Bloomberg, khoảng 1/3 diện tích Singapore cao hơn mực nước biển chưa tới 5 mét, đủ thấp để lũ lụt “tấn công” và gây ra nhiều tổn thất. Đáng lo ngại, nhiều công trình kiến trúc quý giá nhất của nước này lại nằm trên vùng đất dễ bị nước biển xâm lấn, gồm các tòa nhà chọc trời hướng ra bờ sông Marina Bay, vốn nổi tiếng là nơi tọa lạc của nhiều trung tâm mua sắm và sòng bạc sang trọng; các tòa tháp là trụ sở các ngân hàng. Nếu nhiệt độ tăng 1,5°C, nhiều bất động sản đắc địa tại Singapore sẽ đối mặt với nguy cơ bị lũ lụt tàn phá, bởi đây là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới khi nước biển dâng.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Lý Hiển Long năm 2019 cho biết Singapore cần chi 100 tỉ SGD (tương đương 73 tỉ USD) trong vòng 100 năm tới để bảo vệ đất nước khỏi tình trạng nước biển dâng. Kể từ đó, Chính phủ Singapore đã “rót” 5 tỉ SGD vào quỹ bảo vệ bờ biển và chống lũ lụt. “Cả Lực lượng Vũ trang Singapore và lực lượng phòng vệ chống biến đổi khí hậu đều phải vào cuộc, bởi đây là vấn đề sống còn. Để bảo vệ sự tồn tại của quốc đảo chúng ta, mọi nguồn lực đều phải được huy động” - Thủ tướng Lý khi đó nhấn mạnh.

Trước đó, Singapore đã chi 226 triệu SGD để xây đập nước Marina Barrage - công trình tiện ích tiên tiến không chỉ cung cấp nước cho người dân mà còn giúp giảm bớt tình trạng ngập lụt. Khi có mưa lớn, toàn bộ 9 cửa của con đập sẽ được mở để xả bớt nước mưa ra biển, khi thủy triều thấp hơn mực nước trong đập. Khi thủy triều lên cao, 7 máy bơm khổng lồ (có khả năng bơm một bể bơi Olympic trong 1 phút) bắt đầu hoạt động, để rút nước ra biển.

Hiện một số rào chắn đã bảo vệ tới 70% bờ biển Singapore nhưng nước này có kế hoạch củng cố và cải thiện những lá chắn đó trong bối cảnh bão nhiệt đới gia tăng và mực nước biển dâng cao.

Ngoài ra, Singapore cũng đang xây dựng thêm một nhà ga khổng lồ tại Sân bay Changi trên vùng đất ở độ cao khoảng 5,5 mét so với mực nước biển. Để giữ cho đường băng không bị ngập nước, gần 10km hệ thống thoát nước được lên kế hoạch xây dựng tại sân bay này.

Tương tự như nước láng giềng Indonesia, Singapore cũng tăng cường trồng rừng ngập mặn, vốn có thể làm giảm hơn 75% độ cao của sóng biển. Song, chỉ trồng rừng ngập mặn thôi thì chưa đủ. Do đó, Singapore đang nghiên cứu kết hợp cây xanh với bờ kè vốn thường được xây bằng đá hoặc bê tông. Đáng chú ý, Singapore đang học theo Hà Lan, xây dựng các đê biển để tạo ra cái gọi là vùng đất lấn biển.

(Nguồn:baocantho.com.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website