Thành phố bền vững trên sa mạc

Tỷ phú Mỹ Marc Lore vừa công bố dự án xây dựng thành phố mới với 5 triệu cư dân và chọn một kiến trúc sư nổi tiếng thế giới thiết kế.

Một trong số các thiết kế của Telosa

Một trong số các thiết kế của Telosa

Dự án có chi phí 400 tỷ USD này được xây dựng trên sa mạc ở Mỹ theo kiểu bền vững, dự kiến đón cư dân đầu tiên vào năm 2030.

Telosa sẽ là kiến trúc mang sự tổng hòa về nền nếp, sạch sẽ từ Tokyo; đa dạng văn hóa từ New York và dịch vụ xã hội hoàn hảo từ Stockholm. Cựu Giám đốc điều hành của Walmart, tỷ phú Marc Lore cho biết, Telosa sẽ là đô thị bền vững ngay trong lòng sa mạc ở Mỹ. Dự án đầy tham vọng này nằm trên diện tích hơn 607km2,  hứa hẹn là công trình thân thiện môi trường, sản xuất năng lượng bền vững và một hệ thống cấp nước chống hạn. Thiết kế thành phố gói gọn trong “15 phút”, tức cho phép cư dân từ nhà đến nơi làm việc, trường học hay các tiện nghi khác trong vòng 1/4 giờ.

Theo trang web chính thức của dự án, hiện các nhà thiết kế đang chọn lựa địa điểm xây dựng Telosa trong số các sa mạc ở những bang Nevada, Utah, Idaho, Arizona, Texas. Cũng đã có một loạt các bản vẽ thiết kế của Tập đoàn Bjarke Ingels Group (BIG) - chuyên về kiến trúc được thuê xây dựng thành phố Telosa. Hình ảnh cho thấy cây xanh bao phủ các tòa nhà và cư dân được tận hưởng không gian thoáng đãng. Telosa chỉ cho phép các phương tiện giao thông dùng năng lượng tái tạo hoạt động và dành nhiều ưu tiên cho người đi bộ.

Tọa lạc tại trung tâm Telosa là tòa nhà chọc trời mang tên tháp Equitism, là “ngọn hải đăng” của thành phố. Tòa tháp có kho chứa nước trên cao, các trang trại trồng cây theo công nghệ khí canh. Đây là phương thức canh tác mới trong nông nghiệp, trồng cây không sử dụng đất (địa canh) hay nước (thủy canh) mà trồng trong môi trường không khí có chứa các thể bụi dinh dưỡng. Các thể bụi này cung cấp dưỡng chất để cây sinh trưởng và phát triển. Mái tòa tháp là nơi hấp thụ năng lượng Mặt trời sản xuất điện năng đủ dùng cho cả tòa tháp.

Giai đoạn 1, Telosa sẽ phục vụ 50.000 cư dân với chi phí ước tính là 25 tỷ USD, bắt đầu đón cư dân đầu tiên vào năm 2030. Toàn bộ dự án dự kiến có chi phí hơn 400 tỷ USD, với dân số mục tiêu là 5 triệu người, duy trì trong vòng 40 năm. Các nhà tổ chức dự án cho biết, tiền tài trợ sẽ đến từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm các nhà đầu tư tư nhân, nhà từ thiện, trợ cấp liên bang và tiểu bang, trợ cấp phát triển kinh tế. 

Ngoài thiết kế mang tính đô thị sáng tạo, dự án cũng hứa hẹn nền quản trị minh bạch và mô hình xã hội hoàn chỉnh. Lấy tên từ tiếng Hy Lạp cổ đại “telos” (thuật ngữ được nhà triết học Aristotle sử dụng để mô tả mục đích lâu dài), Telosa sẽ cho phép người dân tham gia vào quá trình ra quyết định và lập ngân sách. Trong một video quảng cáo, tỷ phú Lore đã mô tả Telosa sẽ là “thành phố cởi mở nhất, công bằng nhất và hòa nhập nhất trên thế giới”. Ông Lore thành lập trang web jet.com trước khi bán cho Walmart và sau đó cũng gia nhập gã khổng lồ bán lẻ của Mỹ vào năm 2016. Ông rời Walmart vào đầu năm nay để nghỉ hưu với vai trò tư vấn cho các công ty khởi nghiệp và giờ là xây dựng một thành phố của tương lai.

Trên trang web chính thức của Telosa, tỷ phú Lore giải thích, bản thân được truyền cảm hứng từ nhà kinh tế học người Mỹ Henry George, trong đó muốn khắc phục nhiều điểm yếu của chế độ tư bản chủ nghĩa và áp dụng vào Telosa. Người sáng lập BIG, kiến trúc sư người Đan Mạch Bjarke Ingels, nhận xét Telosa tập trung chú trọng an sinh xã hội nổi tiếng kiểu Bắc Âu đi kèm nền văn hóa Mỹ.

(Nguồn:sggp)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website