Xây nhà kháng chấn - Giải pháp cho khu vực dễ bị động đất tại Indonesia

Các tòa nhà bị sập do cấu trúc yếu là nguyên nhân chính gây ra thương vong do động đất và việc đầu tư xây dựng các tòa nhà đảm bảo các yêu cầu kháng chấn đã góp phần cứu sống nhiều người trong thảm họa.

Trận động đất tại Cianjur vào tháng 11 năm ngoái tại Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 2/2023 được coi là một bài học quan trọng để tính đến yếu tố xây dựng nhà ở tại những vùng dễ xảy ra thảm họa. Đối với các quốc gia dễ bị tổn thương như Indonesia, đầu tư vào cơ sở hạ tầng chống động đất cũng có thể tiết kiệm tiền, đầu tư cho tương lai, khi năm 2018, quốc gia này thiệt hại hơn 2,7 tỷ USD do động đất gây ra.

Vành đai bảo vệ cao ốc 51 tầng tại Jakarta

Khi một trận động đất mạnh 5,6 độ tấn công tỉnh Tây Java của Indonesia vào tháng 11/2022, ngay cả thủ đô Jakarta, nằm cách đó khoảng 3 giờ đồng hồ lái xe cũng cảm nhận được những rung lắc mạnh. Dòng người hoảng loạn lao ra khỏi văn phòng và các tòa nhà tại trung tâm Jakarta. Tuy nhiên, chỉ cách các tòa nhà đó khoảng 300m, một ngôi nhà cao 51 tầng có tên Menara Astra, nhân viên vẫn không cảm nhận được các dư chấn và làm việc bình thường.

Tòa nhà Menara Astra áp dụng hệ thống giàn đai đầu tiên tại Indonesia. Nguồn: Menarai Astra

Tòa nhà Menara Astra, bao gồm các văn phòng, phòng trưng bày ô tô, bảo tàng và cửa hàng, là công trình đầu tiên tại Indonesia sử dụng “hệ thống giàn đai” đã được các quốc gia dễ bị động đất khác như Nhật Bản và Mỹ áp dụng. Giám đốc công ty Arup Group Leonardi Kawidjaja - người đứng đầu đội kỹ thuật kiến trúc trong dự án xây dựng Menara Astra cho biết, “hệ thống giàn đai” bao gồm việc liên kết các bức tường lõi và khung bao quanh để giảm rung động và sự dịch chuyển trong tòa nhà. Tòa nhà cũng có nơi gọi là “tầng trú ẩn" trong các tình huống thiên tai nghiêm trọng. Ông Kawidjaja cho biết, với hệ thống đó cho phép Menara Astra chịu được các sự kiện địa chấn mạnh, 500 năm mới xảy ra một lần. Với Indonesia, quốc gia nằm dọc theo khu vực “vành đai lửa” của Thái Bình Dương, Menara Astra đã đưa ra một giải pháp để các thành phố có thể chuẩn bị tốt hơn cho những thảm họa trong tương lai.

Một công trình phức hợp quy mô lớn khác có tên Thamrin 9, nằm cách Menara Astra không xa, cũng áp dụng phương pháp xây dựng tương tự. Ông Kawidjaja cho biết mặc dù các tòa nhà cao tầng ở Jakarta đã được thiết kế có tính đến yếu tố kháng động đất từ những năm 1970, nhưng các quy tắc thiết kế chống động đất có nhiều cải tiến từ thời điểm đó. Điều này làm cho các tòa nhà cũ hiện dễ bị rung chấn mạnh hơn so với các tòa nhà hiện đại mới xây.

Vào năm 2012, Indonesia đã đưa ra một tiêu chuẩn quốc gia về thiết kế kháng chấn và cập nhật hướng dẫn, nhằm cải thiện khả năng kháng chấn của các tòa nhà cao tầng. Các tòa nhà cao hơn 40 mét (131 feet) ở Jakarta phải được thiết kế theo nguyên tắc Thiết kế địa chấn quốc gia Indonesia.

Khoảng cách giữa thành thị và nông thôn

Khả năng chống chịu của tòa Menara Astra cũng phản ánh một thực tế là các khu vực đô thị có điều kiện thực hiện những biện pháp bảo vệ tốt hơn do điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tốt hơn, trong khi các khu vực nông thôn với hạ tầng cơ sở kém chất lượng đối mặt với nhiều nguy cơ hơn.

Các ngôi nhà tại Cianjur bị đổ sập sau trận động đất 5,6 độ. Nguồn: Jakarta Post

Điều này có thể thấy ở Cianjur, với trận động đất nông chỉ 5,6 độ khiến hàng trăm người thiệt mạng, hàng chục nghìn người bị thương. Các tòa nhà ở Cianjur chủ yếu là 1 tầng.  Khoảng 62.000 ngôi nhà ở và 368 trường học bị hư hại hoặc phá hủy sau trận động đất. Ông Sulfikar Amir, phó giáo sư Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, nghiên cứu về khả năng phục hồi thảm họa cho biết, có khoảng cách về biện pháp giảm nhẹ thiên tai giữa thành thị và vùng nông thôn. Vấn đề chính là chi phí. Đối với các tòa nhà chính phủ và tập đoàn lớn, chi phí có thể không phải là vấn đề lớn. Nhưng đối với các cơ sở hạ tầng nhỏ hơn, họ có thể bỏ qua việc đáp ứng các tiêu chuẩn vì lý do tài chính.

Dwikorita Karnawati, người đứng đầu cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia cho rằng cần có các biện pháp nghiêm khắc hơn, bao gồm áp dụng hình thức phạt, đối với các công trình xây dựng không đủ tiêu chuẩn. Trong tất cả các nỗ lực tái thiết sau động đất, chính phủ Indonesia cũng đảm bảo cơ sở hạ tầng mới được xây dựng sẽ có khả năng chống lại thiên tai. Tuy nhiên nhiều quan chức Indonesia thừa nhận, hiện kế hoạch đã được triển khai nhưng tiến độ thực sự chưa đạt như kỳ vọng.

Rà soát tiêu chuẩn nhà tại vùng dễ bị động đất

Chính quyền tỉnh Tây Java đã rà soát việc thực hiện các quy định về xây dựng công trình chống động đất tại các huyện, thành phố trên toàn tỉnh nhằm hạn chế rủi ro khi động đất mạnh xảy ra. Với sự hỗ trợ của chính phủ Indonesia là 50 triệu rupia, những ngôi nhà mẫu chỗng động đất đã được xây dựng tại Cianju trên nền các ngôi nhà bị đổ sập do trận động đất vào tháng 11 vừa qua. Thiết kế của ngôi nhà chống động đất đã trải qua nhiều thử nghiệm khác nhau. Đây cũng là những ngôi nhà đã được Cơ quan kiểm soát giảm nhẹ thiên tai Indonesia xây dựng ở huyện Pandeglang, tỉnh Banten, nơi đã bị tàn phá bởi các trận động đất vào năm 2018 và 2021.

Những ngôi nhà chống được động đất sẽ được xây dựng tại Cianjur. Nguồn: Antara

Khi thảm họa xảy ra ở quận Pandeglang vào năm 2021, những ngôi nhà chống động đất được xây dựng vào năm 2018 vẫn đứng vững, trong khi những ngôi nhà khác bị sập. Trên thực tế, hầu hết các khu vực ở Indonesia đều dễ xảy ra động đất, do đó mô hình ngôi nhà chống động đất đang được nhân rộng tại nhiều nơi.

Nhiều đề xuất và giải pháp cũng được đưa ra bao gồm việc một thể chế chi tiết về các quy tắc và tiêu chuẩn cho cơ sở hạ tầng chống chịu động đất. Thứ hai, tạo ra một hệ thống hành chính công kiểm soát nhất quán các tiêu chuẩn an toàn về nhà ở và cơ sở hạ tầng. Thứ ba, tích hợp quy trình cấp phép xây dựng với các chương trình giảm nhẹ thiên tai. Các thủ tục nên hoạt động như bộ lọc đầu tiên để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn. Ngoài ra cần đảm bảo minh bạch trong quá trình cấp phép xây dựng cũng như hỗ trợ các hộ gia đình nghèo xây dựng nhà ở đủ tiêu chuẩn chống động đất tại các khu vực dễ xảy ra thảm họa.

Theo các chuyên gia, con người không thể không ngăn được các thảm họa thiên tai. Điều tốt nhất có thể làm là chuẩn bị sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất. Ngoài việc phát triển hệ thống cảnh báo sớm để giảm rủi ro và thiệt hại, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng chống động đất cũng là khoản tiết kiệm và đầu tư cho tương lai./.

(Nguồn:vov.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website