Bảo đảm chất lượng công trình, an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng

Ngày 11/5, Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh đã có công điện đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các chủ đầu tư, ban quản lý trực thuộc có giải pháp tăng cường bảo đảm chất lượng, an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Đường dẫn cầu Hòa Bình (tỉnh Tây Ninh) bị sụt lún.

Theo đó, ngành xây dựng đang triển khai đồng loạt nhiều dự án kết cấu hạ tầng giao thông trên phạm vi toàn quốc, trong đó có nhiều dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Xác định chất lượng công trình luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Xây dựng đã ban hành nhiều chỉ thị, công điện, văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường quản lý chất lượng, tiến độ, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, tại một số dự án, công tác bảo đảm chất lượng thi công, an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường,... vẫn còn hạn chế, để xảy ra tai nạn lao động, sự cố công trình như rơi dầm cầu Đại Ninh (tỉnh Lâm Đồng); trôi cầu treo Sơn Lăng (tỉnh Bình Phước); sập cầu dây văng Bình Phong Thạnh (tỉnh Long An); sự cố cầu Cái Đôi Vàm (tỉnh Cà Mau),...

Đặc biệt vừa qua, các đơn vị thi công đã để xảy ra sự cố sụt lún đường đầu cầu Hòa Bình tại huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh); hoặc thảm bê-tông nhựa mặt đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai trong điều kiện thời tiết bất lợi, mưa to, không tuân thủ quy trình kỹ thuật...

Bộ Xây dựng đánh giá, để xảy ra các hiện tượng trên, do một số chủ đầu tư/ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý chất lượng, an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, một số nội dung trong hồ sơ dự án, khảo sát, thiết kế xây dựng còn khiếm khuyết dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung, làm kéo dài thời gian thi công trong quá trình thực hiện.

Về sụt lún đường đầu cầu Hòa Bình, Bộ Xây dựng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh chỉ đạo Sở Xây dựng Tây Ninh, các đơn vị liên quan tiến hành ngay việc phân luồng, bảo đảm việc đi lại, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông; đồng thời khẩn trương thực hiện các thủ tục để xác định nguyên nhân, đưa ra giải pháp xử lý, khắc phục kịp thời, bảo đảm chất lượng công trình, báo cáo kết quả về cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Bộ Xây dựng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng, các chủ đầu tư/ban quản lý dự án siết chặt kỷ cương, quản lý chặt chẽ mọi hoạt động của các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dự án trong suốt quá trình triển khai (tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định, nhà thầu thi công...), bảo đảm tuân thủ quy định của hợp đồng và các quy định pháp luật có liên quan.

“Nghiêm cấm các hành vi thông đồng, móc ngoặc để hợp thức hóa hồ sơ thủ tục, làm sai lệch hồ sơ, kết quả công việc, tăng khống khối lượng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chèn ép, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho các đơn vị để thu lợi cá nhân; áp đặt chỉ định mỏ vật liệu, chỉ định nguồn gốc, xuất xứ, gửi nhà thầu, nhà thầu phụ, nhà thầu cung cấp hàng hóa, vật tư, vật liệu cho dự án”, Bộ trưởng yêu cầu.

Sở Xây dựng các địa phương cần có giải pháp chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, lập tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình; kiểm tra và giám sát chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của vật liệu, vật tư, thiết bị; công tác quản lý hồ sơ nghiệm thu; trình tự thủ tục, hồ sơ pháp lý trong quá trình thi công.

Đồng thời, yêu cầu nhà thầu thực hiện nghiêm túc việc bảo hành công trình tuân thủ hợp đồng đã ký, trường hợp có những hư hỏng, khiếm khuyết phải tiến hành kiểm tra, phân tích, đánh giá, xác định nguyên nhân hư hỏng, đề xuất giải pháp xử lý nhằm duy trì điều kiện khai thác bình thường, bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Giải pháp sửa chữa, khắc phục phải được chủ đầu tư/ban quản lý dự án chấp thuận và đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án, đạt yêu cầu khả năng chịu lực, tuổi thọ công trình; quá trình sửa chữa khắc phục phải được giám sát, quản lý chất lượng theo đúng các quy định.

Đối với các cơ quan tham mưu, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thuộc Bộ Xây dựng, Bộ trưởng yêu cầu tăng cường kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các chủ thể từ giai đoạn chuẩn bị đến giai đoạn thực hiện và giai đoạn kết thúc dự án; kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ có biện pháp chấn chỉnh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

(Nguồn:nhandan.com.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website