Hà Nội: Thành lập 126 Ban quản lý Dự án đầu tư - hạ tầng cấp xã, phường

Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định số 3536/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Quản lý Dự án Đầu tư - Hạ tầng trực thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường sau sắp xếp, trên cơ sở tổ chức lại các Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng cấp huyện và Trung tâm Phát triển Quỹ đất cấp huyện.

Theo đó, Thành phố sẽ thành lập 126 Ban Quản lý Dự án Đầu tư - Hạ tầng trực thuộc Ủy ban nhân dân các xã, phường. Các Ban này là đơn vị sự nghiệp công lập, có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được phép mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng theo quy định.

Đây sẽ là đầu mối chủ trì thực hiện các dự án sử dụng vốn ngân sách, vốn ngoài ngân sách; làm chủ đầu tư hoặc nhận ủy quyền chủ đầu tư; đồng thời nhận ủy thác quản lý dự án từ các chủ đầu tư khác khi đủ điều kiện và năng lực.

Hà Nội dự kiến sẽ thành lập 126 Ban Quản lý Dự án Đầu tư - Hạ tầng trực thuộc Ủy ban nhân dân các xã, phường. (Ảnh minh họa)

Không chỉ dừng ở đó, các Ban còn đảm nhiệm vai trò quan trọng trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tạo lập, phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, góp phần khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai tại địa phương.

Cơ cấu tổ chức của các Ban gồm Giám đốc, các Phó Giám đốc và các phòng chuyên môn, được thành lập dựa trên Đề án tự chủ và đáp ứng yêu cầu có từ hai mảng công tác trở lên. Việc giao số lượng viên chức sẽ thực hiện từng bước, phù hợp với lộ trình tự chủ tài chính theo quy định của Chính phủ.

Để việc triển khai đạt hiệu quả, các Sở: Nội vụ, Xây dựng, Tài chính, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp đôn đốc, giám sát, bảo đảm mọi hoạt động đúng quy định pháp luật.

Ủy ban nhân dân các địa phương được giao nhiệm vụ khẩn trương rà soát, thống kê hồ sơ, tài liệu, tài chính, tài sản; đánh giá tiến độ thực hiện nhiệm vụ; chuẩn bị đầy đủ điều kiện bàn giao cho các tổ tiếp nhận theo Quyết định của Thành phố khi hoàn tất việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Cùng với đó, các địa phương cần chủ động đề xuất phương án bố trí trụ sở làm việc cho các Ban Quản lý Dự án Đầu tư - Hạ tầng mới, bảo đảm các Ban có thể ổn định hoạt động ngay sau khi sắp xếp.

(Nguồn:laodongthudo.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website