Hà Nội tháo gỡ rào cản lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội

Để đạt được mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành 56.200 căn nhà ở xã hội, Hà Nội đang nỗ lực tháo gỡ các rào cản trong việc phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là tháo gỡ rào cản trong lựa chọn nhà đầu tư và thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội.

Hà Nội tháo gỡ rào cản lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội- Ảnh 1.

Hà Nội được giao chỉ tiêu hoàn thành 56.200 căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030. Ảnh minh họa

 Những rào cản pháp lý trong lựa chọn nhà đầu tư

 Hà Nội đang đối mặt với nhu cầu nhà ở xã hội ngày càng tăng cao. Theo Quyết định số 444/QĐ-TTg ngày 27/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội được giao chỉ tiêu hoàn thành 56.200 căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030. Trong năm 2025, dự kiến sẽ có 11 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, cung cấp gần 6.000 căn hộ, tương đương 345.000m² sàn xây dựng. 

Điều này thể hiện rõ nhu cầu cấp thiết đối với loại hình nhà ở này, nhất là đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, người lao động trong các khu công nghiệp và các nhóm đối tượng xã hội khác.

Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội chính là rào cản liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư. Nghị định 25/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu yêu cầu các dự án nhà ở xã hội phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư như các dự án thương mại thông thường. Quy trình này khiến nhiều nhà đầu tư do dự mặc dù nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn.

Ngoài ra, một số quy định về yêu cầu vốn đầu tư, về giá bán, quy trình cấp phép, và phê duyệt cũng khiến nhiều dự án bị trì hoãn. Thực tế cho thấy, thời gian để hoàn tất thủ tục hành chính cho một dự án nhà ở xã hội có thể kéo dài từ 1,5 đến 2 năm, làm giảm tính khả thi của các dự án.

Trước thực trạng này, Hà Nội đã chủ động kiến nghị xem xét sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật, đặc biệt là việc xây dựng một quy trình riêng trong lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội. Thành phố đề xuất các giải pháp như xây dựng quy trình chỉ định thầu đối với các dự án nhà ở xã hội, giảm bớt các thủ tục hành chính và tối ưu hóa cơ chế lựa chọn nhà đầu tư, tạo ra sự linh hoạt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án…

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của thành phố giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt, hiện có 82 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã và đang triển khai. Cụ thể, giai đoạn 2021-2024, trên địa bàn Hà Nội đã hoàn thành khoảng 11.334 căn hộ tại 10 dự án hoàn thành toàn bộ và 3 dự án hoàn thành một phần.

Năm 2025, thực hiện Quyết định số 444 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Hà Nội được giao chỉ tiêu 4.670 căn nhà ở xã hội, Sở Xây dựng đã đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ dự án. Trong đó có 5 dự án khả thi hoàn thành năm 2025 với khoảng 5.200 căn nhà ở xã hội.

Giai đoạn 2026-2030, Hà Nội có 19 dự án đã được chấp thuận chủ trương với khoảng 16.600 căn nhà ở xã hội. Cụ thể, 2 dự án đã khởi công, 17 dự án chưa khởi công; 29 dự án đang đề xuất chủ trương đầu tư để lựa chọn nhà đầu tư với khoảng 30.500 căn nhà ở xã hội. Ngoài ra, có 19 dự án với khoảng 22.640 căn có tên trong kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố, chưa xác định tiến độ hoàn thành do đang phải rà soát điều chỉnh quy hoạch, chủ trương đầu tư.

Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, UBND thành phố đã giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì, đề xuất bổ sung mới khoảng 15 quỹ đất để tạo lập các khu nhà ở xã hội độc lập với quy mô lớn, đồng bộ hạ tầng, dự kiến khoảng 2.000 căn hộ/khu. Trong đó, đề xuất 2-3 quỹ đất gần các khu vực công nghiệp để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê sử dụng nguồn vốn đầu tư công.

Tháo gỡ các rào cản pháp lý trong lựa chọn nhà đầu tư

Với quyết tâm cao để đạt được chỉ tiêu đã được giao, Hà Nội đang nỗ lực tháo gỡ các rào cản trong việc phát triển nhà ở xã hội. Các chuyên gia cho rằng, việc tháo gỡ các rào cản pháp lý trong lựa chọn nhà đầu tư sẽ là một bước quan trọng giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội. Đặc biệt, các cơ chế linh hoạt hơn trong lựa chọn nhà đầu tư sẽ tạo điều kiện cho các nhà phát triển bất động sản tham gia vào các dự án phát triển nhà ở xã hội với tâm lý thoải mái và cam kết hoàn thành đúng tiến độ.

Ông Bùi Tiến Thành, Trưởng phòng Phát triển đô thị Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Hiện nay, Luật Nhà ở 2023, Nghị định số 100/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội được ban hành đã cơ bản tháo gỡ những tồn tại trước đây.

Đồng thời, Luật Thủ đô 2024 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025) đã bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với công tác phát triển nhà ở xã hội, như việc lập nhiệm vụ quy hoạch được thực hiện đồng thời với lập quy hoạch chi tiết; sử dụng vốn ngân sách thành phố để đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Tiến Thành, vẫn còn một số tồn tại trong quá trình triển khai, như: Trình tự, thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội tương đối dài; Điều kiện tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phải có quy hoạch phân khu đô thị, tỉ lệ 1/2000 hoặc quy hoạch chi tiết, tỉ lệ 1/500, trong khi phần lớn các dự án trên địa bàn thành phố được đề xuất trên cơ sở quy hoạch phân khu đô thị, tỉ lệ 1/5000.

Do đó, để đáp ứng chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao, UBND TP. Hà Nội đã kiến nghị, đề xuất một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Về trình tự, thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư kiến nghị ban hành quy định rút ngắn thời gian lựa chọn chủ đầu tư, thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội.

Cùng đó, cho phép triển khai đồng thời giải phóng mặt bằng và bồi thường, hỗ trợ tái định cư (giao UBND cấp huyện lập dự án đầu tư công để triển khai) với quá trình tổ chức thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

Về quy hoạch, kiến nghị cho phép thành phố tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên cơ sở chủ trương đầu tư dự án và các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc khu đất được xác định theo quy hoạch phân khu đô thị, tỉ lệ 1/5000 để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đáp ứng mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao.

Kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội để có cơ sở đẩy nhanh công tác phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam thì cho rằng, việc tháo gỡ các rào cản trong lựa chọn nhà đầu tư và áp dụng cơ chế chỉ định thầu sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia vào thị trường nhà ở xã hội, góp phần giải quyết bài toán an cư cho người dân thu nhập thấp.

Luật sư Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Công ty Luật Vietsky, nhận định: Cơ chế chỉ định thầu giúp rút ngắn thời gian triển khai dự án và tạo ra sự linh hoạt trong việc lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, cần có các tiêu chí rõ ràng để bảo đảm tính minh bạch và tránh tình trạng lợi ích nhóm. Điều này cho thấy sự cần thiết của việc xây dựng các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư rõ ràng, tránh các tiêu cực và bảo đảm công bằng trong triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Kỳ vọng tương lai: Nhà ở xã hội không còn là "giấc mơ xa vời"

Để tăng tốc trong việc phát triển nhà ở xã hội, Hà Nội không chỉ tiến hành sửa đổi cơ chế lựa chọn nhà đầu tư mà còn đẩy mạnh cải cách hành chính, nhằm rút ngắn thời gian phê duyệt, cấp phép đầu tư. Thành phố đã yêu cầu các sở, ngành liên quan thực hiện cơ chế "một cửa liên thông", giúp giảm ít nhất 30% thời gian hoàn thiện thủ tục hành chính. Hệ thống "làn xanh" ưu tiên đối với các dự án nhà ở xã hội cũng được áp dụng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Ngoài ra, Hà Nội cũng chú trọng đến việc công khai minh bạch thông tin liên quan đến các dự án nhà ở xã hội, từ quy hoạch đến các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư. Điều này sẽ giúp tăng cường niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào thị trường nhà ở xã hội.

Nhằm thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào lĩnh vực nhà ở xã hội, Hà Nội cũng đã triển khai các chính sách ưu đãi, như miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi vay, và giao đất sạch cho các nhà đầu tư. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu tư mà còn tạo động lực cho các nhà phát triển bất động sản tham gia vào các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường nhà ở xã hội đang ngày càng sôi động.

Với sự quyết tâm của chính quyền thành phố và các cơ quan Trung ương, cùng với sự đồng hành của các chuyên gia và nhà đầu tư, Hà Nội đang hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, biến giấc mơ sở hữu nhà của hàng triệu người dân thu nhập thấp thành hiện thực.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các giải pháp để phấn đấu hoàn thành mục tiêu hoàn thành 56.200 căn nhà ở xã hội vào năm 2030.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền TP. Hà Nội, cùng với sự đồng hành của các cơ quan Trung ương và các nhà đầu tư, Thủ đô đang biến những thách thức trong phát triển nhà ở xã hội thành cơ hội lớn để cải thiện đời sống cho người dân, đặc biệt là các gia đình có thu nhập thấp và trung bình. Việc tháo gỡ các rào cản pháp lý, cải cách hành chính, và áp dụng các cơ chế linh hoạt trong lựa chọn nhà đầu tư không chỉ giúp thúc đẩy tiến độ các dự án mà còn mở ra một tương lai bền vững cho thị trường nhà ở xã hội tại Hà Nội.

Hà Nội đang đi đúng hướng khi coi việc phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển đô thị. Các chính sách khuyến khích đầu tư, cùng với sự minh bạch, công khai trong quy trình lựa chọn nhà đầu tư, sẽ bảo đảm rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc hiện đại hóa và phát triển của Thủ đô.

Với sự quyết tâm cao, Hà Nội đang hướng tới xây dựng một Thủ đô phát triển bền vững, công bằng và thịnh vượng. Đây không chỉ là nỗ lực giải quyết vấn đề nhà ở, mà còn là một minh chứng cho cam kết vững chắc của Hà Nội trong việc tạo dựng một môi trường sống tốt đẹp cho người dân Thủ đô.

(Nguồn:chinhphu.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website