I. Đặt vấn đề
Cùng với sự phát triển công nghiệp và đô thị hóa, lượng CTR cũng gia tăng nhanh chóng. Nguy cơ ô nhiễm môi trường và tác động tới sức khỏe cộng đồng do chất thải gây ra đang trở thành một trong những vấn đề cấp bách của công tác bảo vệ môi trường ở nước ta. Trên thực tế, vấn đề quản lý CTR cho các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Các dự án đầu tư về quản lý CTR còn chưa được thực hiện đồng đều giữa các địa phương, rất nhiều nơi chưa tiến hành lập quy hoạch quản lý CTR.
Để đảm bảo phát triển bền vững, vấn đề quản lý CTR phải được nhìn nhận một cách tổng hợp từ ngăn ngừa, giảm thiểu tới phân loại, tái chế, tái sử dụng, thu gom, vận chuyển và xử lý. Vấn đề quản lý CTR cũng cần phải được nghiên cứu trên diện rộng như vùng tỉnh, vùng liên tỉnh chứ không phải riêng rẽ một cá thể đô thị nào. Mặt khác, việc quản lý CTR muốn đạt hiệu quả tốt cũng phái đón đầu được sự phát triển chứ không chạy theo sự phát triển của các đô thị như hiện nay. Nói cách khác cần phải có đề án tổng thể quản lý CTR cho các đô thị và khu công nghiệp phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và công nghiệp Việt Nam theo từng giai đoạn.
Như vậy, việc xây dựng Đề án tổng thể quản lý CTR cho các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam là hết sức cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý CTR trong giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH. Đề án được xây dựng phù hợp với định hướng phát triển hệ thống các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, sẽ xác định được các định hướng xây dựng và phát triển hệ thống quản lý CTR đô thị và khu công nghiệp một cách tổng thể, toàn diện, giúp cho việc xây dựng các chương trình đầu tư và hoạch định chính sách phát triển và quản lý CTR đô thị và khu công nghiệp, là cơ sở cho việc triển khai cụ thể các quy hoạch quản lý CTR cấp địa phương.
II. Quan điểm của đề tài
Các định hướng quản lý được đề xuất theo xu hướng tiếp cận phương thức quản lý CTR của các nước tiên tiến trên thế giới hiện nay, đồng thời phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Xu hướng quản lý sẽ tiếp cận dần xóa bỏ bao cấp, xã hội hóa công tác thu gom xử lý chất thải và thiết lập nền kinh tế chất thải, nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.
Đề án tổng thể quản lý CTR các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam phải phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch chung xây dựng đô thị và các quy hoạch chuyên ngành khác; Quy hoạch xây dựng các khu xử lý CTR sinh hoạt đô thị căn cứ điều kiện cụ thể có thể được lập riêng cho các đô thị, liên đô thị hoặc cấp vùng.
Khuyến khích phương thức sản xuất bền vững nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
CTR phải được phân loại tại nguồn phát sinh, được tái chế, tái sử dụng, xử lý và thu hồi các thành phần có ích làm nguyên liệu và sản xuất năng lượng.
Chất thải nguy hại xử lý theo hướng liên tỉnh; CTR sinh hoạt đô thị xử lý tập trung với phạm vi nhỏ hơn. Theo đó, CTR công nghiệp nguy hại cần phải thu gom, bảo quản và vận chuyển an toàn để khu xử lý tập trung theo vùng để xử lý.
Ưu tiên áp dụng các công nghệ trong nước có khả năng xử lý triệt để CTR, tăng cường tái chế, tái xử dụng CTR, giảm tối đa lượng CTR xử lý tại các bãi chôn lấp nhằm giảm thiểu tác động môi trường, chi phí đầu tư xây dựng bãi chôn lấp và hiệu quả sử dụng đất.
III. Mục tiêu
Thực hiện chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam: Xã hội hóa công tác quản lý CTR; Xây dựng nền kinh tế chất thải trong đó chất thải là tài nguyên; Giảm thiểu tác động môi trường của các công trình xử lý CTR.
Đẩy mạnh hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTR, cải thiện chất lượng môi trường sống đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, tạo cơ sở vững chắc cho việc thực hiện thành công Chiến lược quản lý CTR tại các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020.
Góp phần đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của các đô thị và khu công nghiệp ở Việt Nam.
Đề xuất được giải pháp định hướng và chương trình hành động quản lý CTR một cách tổng hợp, toàn diện và thống nhất, phù hợp với điều chỉnh “Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển các đô thị Việt Nam” đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; có kế thừa các kinh nghiệm quản lý CTR của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam làm cơ sở cho việc quản lý của ngành nhằm định hướng đúng các bước đi của công tác quản lý CTR Việt Nam từng giai đoạn.
Đề xuất được giải pháp định hướng và chương trình hành động QLCTR một cách cụ thể với nội dung tổng hợp, toàn diện và thống nhất, làm cơ sở cho việc quản lý của ngành nhằm định hướng đúng các bước đi của công tác quản lý CTR Việt Nam từng giai đoạn.
Đề án tổng thể quản lý CTR tại các đô thị và KCN Việt Nam đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt sẽ làm căn cứ để các Bộ, ngành và địa phương lập hoặc điều chỉnh quy hoạch quản lý CTR các đô thị và KCN do mình quản lý, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
Chủ nhiệm đề tài:
ThS.KTS Lưu Đức Cường
Phó chủ nhiệm:
ThS Nguyễn Thị Lan Anh
Tham gia đề tài:
ThS. Nguyễn Huy Dũng
ThS. Lê Hồng Thủy
ThS. Nguyễn Minh Hạnh
KS. Đặng Quỳnh Trang
CN. Nguyễn Quốc Dũng
ThS. Phạm Trung Quân
CN. Thái Kim Liên
CN Ngô Thanh Vân
KTS. Phạm Anh Tuấn