Trước mắt, nhìn nhận và đánh giá giá trị gốc của các công trình kiến trúc tiêu biểu là công việc đầu tiên của bất cứ các nhà bảo tồn nào trên thế giới. Vì vậy, Dự án của nhóm KTS cảnh quan của công ty Interscene (Pháp) đang thực hiện cho công tác bảo tồn được xem như những công việc ban đầu rất có giá trị.
Việc triển khai dự án này đang được triển khai khá bài bản và phản ánh được những công trình kiến trúc tiêu biểu cho từng loại chức năng khác nhau, trong từng ô phố khác nhau trong khu phố cũ để mô tả hình ảnh đặc trưng nhất. Để có thể đóng góp thêm, nhìn nhận rõ thêm cho việc phát huy giá trị di sản trong tương lai.
1. Nhìn nhận giá trị của khu phố cũ và nguy cơ phá vỡ cấu trúc nguyên gốc
Khu phố cũ chủ yếu hình thành và phát triển những nét đặc trưng nhất vào thời kì Pháp thuộc từ đầu thế kỉ 20 cho đến những năm 1945. Đây là những khu vực chủ yếu dành cho tầng lớp công chức người Việt và người Pháp ở Hà Nội. Cấu trúc cơ bản của một khu phố cũ chủ yếu dành để ở thuần túy với những khu biệt thự riêng biệt, với những công trình phục vụ bộ máy chính quyền như tòa án, công sở, cửa hàng thương mại,.. Cấu trúc này đối lập với khu phố cổ Hà Nội (chủ yếu dành cho thị dân người Việt sống, thường gọi là khu 36 phố phường) chủ yếu là kết hợp giữa ở và buôn bán trong một ngôi nhà.
Giá trị của khu phố cũ chủ yếu là các kiến trúc công trình được thiết kế bởi các KTS Pháp và chịu ảnh hưởng nhiều từ phong cách kiến trúc thuộc địa, kiến trúc từ chính quốc (Pháp). Bên cạnh đó còn có nhiều biệt thự, nhà ở song lập, trụ sở cơ quan do các kiến trúc sư Việt Nam thiết kế, thậm chí có sự cộng tác giữa các KTS Việt Nam và Pháp trong quá trình thiết kế - xây dựng. Vì vậy, không chỉ nói giá trị ở đây là kiến trúc Pháp mà chính xác hơn là phong cách kiến trúc Pháp nhưng đã được “nhiệt đới hóa” cho Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Hơn nữa, những chi tiết văn hóa kiến trúc, lối sống Việt cũng đã được chú ý và áp dụng vào các di sản này. Nhưng không kém phần quan trọng là giá trị của cả một quần thể kiến trúc tương đối đồng nhất về phong cách kiến trúc, về tầng cao, mật độ xây dựng và thậm chí cả lối sống, thu nhập của cư dân khu vực này. Đó chính mới là tinh thần, linh hồn của khu phối Pháp – spirit of place, điều mà các chuyên gia Pháp cần lưu ý đến trong quá trình nghiên cứu.
Quá trình chuyển hóa đô thị trong suốt thời kì sau năm 1954 đã đem lại sự thay đổi lớn đối với khu vực phố cũ này. Thay đổi mô hình kinh tế xã hội của Hà Nội từ thời kì chiến tranh cũng như sau từ thời kì đổi mới (1986) đã dẫn đến sự thay đổi tương đối lớn khu phố cũ này. Sự chuyển hóa này là tất yếu vì xã hội luôn thay đổi dẫn đến nhu cầu sống thay đổi, nhưng dưới góc độ bảo tồn giá trị kiến trúc của một khu vực đặc trưng trong đô thị cần được nhìn nhận khác trong quá trình chuyển hóa này. Những nguy cơ phá vỡ có thể dẫn đến từ việc thay đổi chủ của các ngôi nhà biệt thự, nhu cầu mở rộng của các công sở, chia sẻ không gian biệt thự do việc chia tách các gia đình, giá đất cao và nhu cầu kinh doanh các dịch vụ rất lớn vì khu này có kích thước rất phù hợp với con người nên thu hút nhiều cư dân đến ăn uống và sử dụng các dịch vụ đô thị khác, hoặc do nhu cầu xây dựng chung cư, trụ sở cơ quan mới cho nên có những khu đất đã bị xây xen cấy và thậm chí xóa luôn các công trình kiến trúc cũ (có giá trị nhưng đã xuống cấp trầm trọng) và những công trình mới mọc lên với kiến trúc hiện đại, xa lạ với phong cách kiến trúc khu vực này. Nguy cơ từ việc mất đi khoảng không gian rỗng giữa các công trình do xen cấy, mất đi tính đồng nhất do kiến trúc khác biệt, chiều cao quá khác biệt giữa biệt thự và thay đổi hình dáng do cải tạo và quảng cáo cũng dẫn đến các nguy cơ làm mất đi một khu phố đặc trưng ghi nhận hình ảnh của một giai đoạn lịch sử phát triển Hà Nội.
Tuy vậy, bên cạnh các nguy cơ đang đánh mất giá trị di sản vẫn còn có những ngôi nhà đang được cải tạo lại để cho thuê hay đích thân những người có thu nhập cao ở đã tạo cho những công trình đang phai tàn theo thời gian trở nên sinh động, lộng lẫy như hồi sinh trong đời sống mới. Nhiều chức năng mới không chỉ còn duy trì chức năng ở thuần túy và công sở, những quán café, restaurant, trụ sở các công ty nước ngoài, các cửa hàng quần áo, khách sạn mini… đã thực sự đem lại cuộc sống mới cho hầu hết những ngôi nhà đã tròn 100 tuổi. Những ngôi biệt thự cải tạo hoặc những ngôi nhà mới xây theo phong cách kiến trúc Pháp đã thực sự là một hướng đi tốt cần được hướng dẫn và có chính sách thỏa đáng để có chiến lược bảo tồn về lâu dài.
Vì vậy, có thể nói giá trị của khu phố cũ là hết sức quí giá ghi nhận lại một giai đoạn phát triển mở rộng của Hà Nội về phía Nam hồ Hoàn Kiếm – Ba Đình, tạo ra một quần thể đồng nhất kiến trúc Pháp và kiến trúc Việt Nam có ảnh hưởng của kiến trúc Pháp vào nửa thế kỉ 20 ở Hà Nội cùng với lối sống vốn chủ yếu dành cho tầng lớp công chức trung lưu của Hà Nội.
2. Vị thế của Khu phố cũ trong không gian Hà Nội mở rộng
Ra đời sớm hơn khu phố cũ là khu phố cổ, nơi vốn chủ yếu dành cho người dân Hà Nội chủ yếu buôn bán những sản phẩm từ các làng nghề xung quanh Hà Nội ghi nhận giá trị kiến trúc Việt truyền thống vào khoảng thời gian trước thế kỉ 19. Hình ảnh khu phố cổ (thường gọi là khu 36 phố phường) luôn gắn với hình ảnh thành cổ Thăng Long – Đông Đô - Hà Nội như tên gọi ĐÔ - THỊ.
Khu phố cũ hình thành khi người Pháp biến Hà Nội thành thủ phủ của không chỉ Hà Nội mà còn cho cả Đông Dương (gồm Cambodia và Lào). Lúc này không còn những bức tường thành cổ và khu phố dành cho người Pháp và công chức người Việt ra đời. Không gian Hà Nội đang dần mở rộng về khu phía Nam và phía Tây đã đặt khu phố cũ nằm ngay giữa lòng Hà Nội, trở thành trung tâm khu ở và thương mại của Thủ đô. Vị thế của khu phố Pháp đang đóng vai trò mới so với chức năng gốc và ngày càng trở nên một khu vực hấp dẫn, giá trị cao về ở và buôn bán cũng như các dịch vụ khách sạn, văn phòng. Tuy vậy, nếu khu phố cổ đã trở thành một điểm đến cho khách du lịch còn khu phố cũ vẫn chưa thực sự hấp dẫn khách du lịch. Có lẽ trong tương lai, khu phố cũ sẽ còn đóng vai trò là một khu vực có tính chất du lịch, thương mại mà trong tương lai. Bảo tồn một mặt là gìn giữ di sản đô thị nhưng thông qua đó, du lịch và thương mại sẽ tăng lên nếu du khách coi đó là một điểm đến khi thăm quan Hà Nội. Mối liên hệ giữa trục Di sản - Bảo tồn – Du lịch – Thương mại - Lối sống mới sẽ tạo ra sự hồi sinh cho Khu phố cũ.
Khi mở rộng Hà Nội sang phía Tây để xây dựng thêm các thành phố vệ tinh, khu đô thị mới sẽ tạo ra những hình ảnh mới của đô thị hiện đại với thời gian hình thành hàng chục năm sau. Và hàng trăm năm sau, các đô thị này có thể mới trở thành các khu phố cổ, để lại các di sản kiến trúc cho thế hệ sau. Vì vậy, vị thế của khu phố cũ sẽ vẫn có giá trị của một nơi lưu giữ kí ức của một thời kì sống của người dân Hà Nội xưa. Nếu một ngày nào đó, cư dân Hà Nội sống ở những biệt thự dưới chân núi Tản viên – Ba vì và sáng ra mong trở về khu phố cũ nhâm nhi ly café trong khu phố nhỏ, gần gũi và thân thương gợi lại hình ảnh của một thời kì phát triển xa xưa để tìm về kí ức đô thị.
3. Khuyến nghị:
Qua thực tế tham gia công tác quy hoạch bảo tồn di sản ở Việt Nam như Khu phố cổ Hà Nội, Đà Lạt và Hội An. Có một số khuyến nghị như sau:
- Nhanh chóng xác định giá trị của hệ thống di sản kiến trúc khu phố cũ và sớm công nhận như di tích quốc gia – đóng góp vào Quỹ Di sản Kiến trúc Đô thị Việt Nam cùng với Đô thị cổ Hội An, thành phố Rừng Đà Lạt,…
- Kết hợp thực hiện một số dự án cụ thể để vừa bảo tồn vừa khai thác trong xu thế phát triển kinh tế xã hội. Cần kết hợp các nguồn vốn khác nhau, sở hữu và phương thức đầu tư khác nhau trong các dự án lồng ghép bảo tồn - thương mại/du lịch.
- Lập quy chế quản lý bảo tồn di sản khu phố cũ (kết hợp với những hướng dẫn về thiết kế đô thị cho các công trình kiến trúc mới trong khu vực)
- Tham gia nghiên cứu hỗn hợp giữa các chuyên gia nước ngoài – chuyên gia trong nước (lịch sử, bảo tồn, quy hoạch và kiến trúc, quản lí) trong quá trình nghiên cứu dự án. Tiếp tục tài trợ cho dự án này trong giai đoạn 2 và có kế hoạch phối hợp tham gia của các nhà nghiên cứu trong nước.
Những đóng góp trong khuôn khổ về một Dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản khu phố cũ do nhóm chuyên gia Pháp thực hiện chỉ giới hạn bàn về vai trò, vị trí của di sản trong tổng thể phát triển không gian của Hà Nội.
Ths. KTS Ngô Trung Hải
Viện trưởng Viện kiến trúc, quy hoạch đô thị nông thôn.