Nghiên cứu bảo tồn giá trị lịch sử, văn hoá của đô thị trong công tác quy hoạch xây dựng đô thị

Giữ gìn bản sắc văn hoá lịch sử trong đô thị chính là tạo ra sự đẩy mạnh phát triển của lịch sử và sự nối liền với quá khứ. Nghiên cứu bảo tồn giá trị lịch sử, văn hoá chính là một loại hình nghiên cứu quy hoạch tạo sắc thái riêng cho từng đô thị.

I. Sự cần thiết thực hiện 

Việt Nam là đất nước có lịch sử phát triển lâu đời. Trong nhiều năm qua, các giá trị văn hoá trong đô thị Việt Nam đang được cố gắng thực hiện bảo tồn một cách đồng bộ. Nhiều loại hình quy hoạch lớn nhỏ khác nhau đã được lập với mục tiêu bảo tồn, nhưng còn thiếu đồng bộ và hiệu lực pháp lý còn hạn chế. Đối với quy hoạch xây dựng đô thị, trên phạm vi toàn quốc, hầu hết các thành phố, thị xã thị trấn cũng đã và đang được lập quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết, nhưng chỉ với mục đích phục vụ quản lý đầu tư xây dựng phát triển đô thị (đặc biệt trong lĩnh vực phát triển giao thông, khu đô thị mới, thành phố vệ tinh…) hơn là bảo vệ di sản văn hoá lịch sử. 

Trong thực tế hiện nay, quan niệm bảo tồn văn hoá lịch sử đang chỉ được gói gọn trong phạm vi bảo vệ di tích danh thắng do Bộ Văn hoá Thông tin đảm nhận. Các giá trị văn hoá lịch sử cũng sẽ được gói gọn trong khoanh vùng bảo vệ đó. Do vậy nên hiện tại trong các quy định lập thực hiện Quy hoạch xây dựng đô thị, các tiêu chí đánh giá, nhận biết, bảo tồn các giá trị văn hoá lịch sử mới chỉ được nêu chung chung, trong khi để các đô thị có bản sắc thì chúng cần phải được xem là các tiêu chí quan trọng làm nên nét riêng cho từng đô thị. 

Giữ gìn bản sắc văn hoá lịch sử trong đô thị chính là tạo ra sự đẩy mạnh phát triển của lịch sử và sự nối liền với quá khứ. Nghiên cứu bảo tồn giá trị lịch sử, văn hoá chính là một loại hình nghiên cứu quy hoạch tạo sắc thái riêng cho từng đô thị. 

Vì vậy, bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hoá của đô thị trong công tác quy hoạch xây dựng đô thị trở thành một vấn đề cơ bản mang tính thời đại, đặc biệt trong quan trọng trong bối cảnh hiện nay và đề tài “Nghiên cứu bảo tồn giá trị lịch sử, văn hoá của đô thị trong công tác quy hoạch xây dựng đô thị” là hết sức cần thiết và cấp bách.

 

II. Mục tiêu của đề tài 

–        Đánh giá vị trí và giá trị của các công trình di tích lịch sử đối với quá trình phát triển của đô thị. 

–        Đề xuất các giải pháp giữa công tác bảo tồn với việc lập các đồ án quy hoạch. 

–        Đề xuất biện pháp quản lý thực hiện bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử trong đô thị sau khi quy hoạch đã được duyệt.

 

III. Kết quả dự kiến của đề tài 

–        Bản đánh giá cụ thể về hiệu quả các công tác bảo tồn trong quy hoạch hiện nay tại các đô thị ViệtNam. 

–        Đề xuất mô hình thí điểm về bảo tồn tại một địa điểm đô thị cụ thể.

 

IV. Cấu trúc của đề tài 

Đề tài được chia làm 3 chương: 

Chương I: Tổng quan các giá trị văn hoá lịch sử trong sự phát triển của đô thị 

Chương II: Thực tiễn công tác bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa tại các đô thị trong nước và quốc tế 

Chương III: Xác định tiêu chí và nội dung của giá trị văn hoá lịch sử trong nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng đô thị 

 

V. Một số vấn đề về tình hình bảo tồn giá trị lịch sử, văn hoá tại các đô thị ở Việt Nam 

Hệ thống đô thị cả nước trong các giai đoạn lịch sử được hình thành gắn liền với các điều kiện tự nhiên, chính trị, kinh tế và xã hội, tất cả hợp thành một cấu trúc đô thị toàn quốc bố trí theo tuyến điểm từ Bắc xuống Nam, dọc theo bờ biển Đông và từ Tây sang Đông dọc theo lưu vực các con sông lớn. Cơ sở lựa chọn đất xây dựng đô thị là những miền đồng bằng rộng, bằng phẳng, đất đai phì nhiêu có nguồn nước có vị trí thông thương quan trọng thuận lợi cho việc phát triển kinh tế đảm bảo an ninh quốc phòng cho đô thị của Việt Nam. 

Thực tế cho thấy đô thị Việt Nam được hình thành và phát triển từ các khu vực nông thôn nghèo, lấy dịch vụ buôn bán nhỏ với các ngành tiểu thủ công nghiệp chuyển hoá để phục vụ cho nông nghiệp. Theo số liệu tổng kiểm kê di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh, hiện nay trên toàn quốc có khoảng 4 vạn địa chỉ. Tổng số di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cấp quốc gia là 2.780 và cấp Tỉnh có khoảng trên dưới 3.000 (Bộ Văn hoá thông tin, 2002). Di tích lịch sử bao gồm cả di tích khảo cổ học, di tích lịch sử giai đoạn cách mạng, di tích kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh. Những nơi vốn là trung tâm kinh tế chính trị lịch sử như Hà Nội, Huế, Hạ Long, Hội An, Mỹ Sơn,… là nơi tập trung nhiều di sản văn hoá lịch sử nhất. Vùng cao là nơi lưu giữ các di tích lịch sử cách mạng, danh lam thắng cảnh tụ nhiên... Nhìn chung hệ thống di sản trong đô thị Việt Nam rất phong phú đa dạng. 

Sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá ở nước ta đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước ngay từ đầu cách mạng nước ta. Sự quan tâm ấy thể hiện cụ thể, sâu sắc hơn thông qua việc ban hành một số văn kiện quan trọng như: Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, Luật Di sản văn hoá (2001). Để triển khai đường lối chính sách đó, Chính phủ đã ra nhiều quyết sách cụ thể, ban hành các Nghị định, Quyết định tạo đà cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá  và danh lam thắng cảnh trên phạm vi cả nước. 

Năm 2001, Quốc Hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua Luật Di sản văn hoá có hiệu lực thi hành từ 01/01/2002, trong đó có Điều 36 qui định: “Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về văn hoá thông tin”. Quy định của luật một lần nữa nâng cao hiệu lực pháp lý khẳng định việc đảm bảo sự tồn tại bền vững của di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh trên đất nước ta. 

Song song với việc triển khai các văn bản, quy phạm pháp luật của Nhà nước ta, chúng ta cũng đã, đang tích cực nghiên cứu, tổng kết các kinh nghiệm bảo tồn truyền thống của đất nước đồng thời tham khảo một số quy định của tổ chức Quốc tế, khu vực về bảo vệ và phát huy giá trị di sản như Công ước của UNESCO về bảo vệ Di sản văn hoá và thiên nhiên Thế giới; Tuyên bố chung của các nước ASEAN về bảo vệ di sản văn hoá… lựa chọn áp dụng những quy định Quốc tế phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn truyền thống bảo tồn phát huy giá trị di tích của nước ta, góp phần làm giầu thêm nhận thức của chúng ta về công tác này. Từ đó định hướng cho một số dự án lớn, đặc biệt những dự án liên quan đến các di sản văn hoá và thiên nhiên được ghi vào danh mục di sản văn hoá Thế giới của Việt Nam. 

Một đặc điểm đáng lưu ý là các di  tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh ở nước ta được ra đời từ rất sớm, phần lớn làm bằng chất liệu hữu cơ, tồn tại trong khí hậu nhiệt đới nên rất chóng bị hủy hoại. Hơn thế nữa trong một thời gian dài đất nước bị chiến tranh, các di tích không được chăm sóc, sửa chữa, nên đều có nhu cầu bảo tồn và phát huy giá trị. Có một thời kỳ đất đai và một số di tích được sử dụng vào những mục đích kinh tế xã hội khác như làm trụ sở ủy ban nhân dân xã, phường, vườn trẻ, nhà mẫu giáo, kho thóc,… đất di tích được phân cho các cơ quan, đoàn thể và nhân dân sử dụng. Một số người được giao quản lý trực tiếp di tích (sư, ni, cụ từ…) đã tự động cho người vào ở, đến nay khi di tích được xếp hạng, các hoạt đọng của ngày xưa ấy đang trở thành gánh nặng mà các dự án quy hoạch cần phi tính đến. Khu phố cổ Hà Nội, khu phố cổ Hội An, quần thể di tích Huế… muốn tồn tại bền vững cũng rất cần sự quan tâm của các dự án quy hoạch phát triển trong vấn đề bố trí đất đai để giải toả các vi phạm di tích (trước và sau khi di tích được xếp hạng), giãn mật độ dân số trong các di tích, những vấn đề về dân số, công ăn, việc làm, đảm bảo môi trường, cảnh quan cho di tích, kinh phí cho việc tu bổ tôn tạo, di tích. 

Tuy nhiên tại Việt Nam, công tác bảo tồn giá trị bản sắc mới chỉ là việc tập trung bảo tồn các di tích đơn lẻ hay cụm di tích lịch sử và một số công trình văn hoá tiêu biểu. Tại Hà Nội, trung tâm hạt nhân lịch sử thuộc quận Hoàn Kiếm, gồm khu 36 phố phường, khu phố Pháp và khu vực Hồ Hoàn Kiếm. Hiện nay khu 36 phố phường đã được phân rõ ranh giới và phân cấp vùng bảo tồn kèm theo các chính sách quản lý và các quy định điều lệ bảo tồn cụ thể. Tuy nhiên việc bảo tồn còn gặp nhiều lúng túng, bế tắc trong công tác thực hiện, vấn đề giải quyết đầu tư xây dựng tư nhân thế nào? Vấn đề giải quyết  tình trạng hạ tầng kỹ thuật của khu vực ra sao? Lối sống buôn bán của người dân và việc khôi phục các nghề truyền thống như thế nào? Trong khung cảnh buôn bán hiện thời tuy còn chắp vá nhưng lại đang mang lại điều kiện kinh tế gia đình ổn định và phần nào cũng giữ được cái không khí buôn bán sầm uất của các khu phố. 

Ngoài thành phố Hà Nội ra thì các thành phố, thị xã thị trấn khác cũng đã và đang được lập quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết với mục đích phục vụ quản lý xây dựng mà chưa lồng ghép nhiệm vụ thiết kế quy hoạch đô thị trên cơ sở giữ gìn bản sắc từng địa phương. Và chính vì vậy việc quản lý cũng chỉ mới thực hiện được bước đi đầu tiên là quản lý sử dụng đất, còn chưa thể quản lý và điều khiển được sự phát triển của không gian đô thị. Và chính vì vậy mà bộ mặt đô thị thẩm mỹ đô thị, và việc lưu giữ bản sắc của đô thị vẫn là bài toán chưa có lời giải. 

Chỉ gợi lên bấy nhiêu thôi về sự lãng quên của một số dự án quy hoạch phát triển đối với di sản văn hoá và thiên nhiên của đất nước, mong các nhà quản lý và lập dự án quy hoạch phát triển kinh tế xã hội lưu tâm.

 

Phòng Nghiên cứu Phát triển Đô thị và công trình kiến trúc

 

(Nguồn:VIUP)

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website