I.Đặt vấn đề
“Sinh – Lão – Bệnh – Tử” vốn là quy luật tự nhiên và cơ bản nhất đối với mọi sinh vật trên trái đất, kể cả con người. Khác với các loài sinh vật, con người khi chết được mai táng theo những phong tục, tập quán, nghi thức truyền thống riêng để tiễn đưa người đã khuất về nơi an nghỉ cuối cùng và cũng là nghi lễ thể hiện tình cảm, lòng biết ơn của con cháu, cộng đồng xã hội đối với người quá cố. Tuy nhiên, một vướng mắc lớn mà chúng ta đang gặp phải trong quá trình đô thị hóa phát triển mạnh hiện nay là các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách quản lý, xây dựng các nghĩa trang & an táng cho các đô thị và điểm dân cư nông thôn của Việt Nam.
Được coi là hình thức táng tốn nhiều diện tích đất (nếu sử dụng hoàn toàn hình thức địa táng và sử dụng diện tích đất tối thiểu bằng diện tích dành cho cát táng là 4m2/mộ (hung táng hoặc chôn cất một lần là 8m2/mộ), mỗi năm cả nước sẽ cần thêm một quỹ đất khoảng 1,279 triệu m2 để phát triển nghĩa trang (tính theo thống kê dân số Việt Nam ngày 1/7/2002 là 79.930.000 người và tỷ lệ tử trung bình hàng năm là 4%0 ) và có khả năng ô nhiễm mạnh môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí ...nhưng thực tế công tác quản lý các nghĩa trang địa táng ở Việt Nam hiện rất lỏng lẻo. Đặc biệt là đối với các nghĩa trang của đô thị và các điểm dân cư nông thôn, nơi có mật độ chôn cất cao và thường nằm khá gần các khu dân cư tập trung.
Do quá trình đô thị hóa nhanh, tại nhiều địa phương, nhiều nghĩa trang nhân dân đã nằm lọt sâu vào khu dân cư. Trong nghĩa trang việc quản lý khai thác, sử dụng hợp lý quỹ đất ở nhiều địa phương là chưa được quan tâm, chú ý. Các hiện tượng phân chia diện tích đất nghĩa trang theo từng gia đình, từng dòng họ hay hiện tượng đầu tư xây cất lăng mộ tràn lan cũng xảy ra ở nhiều nơi. Quy định hướng mộ, quy định kích cỡ mộ, bố trí vị trí mộ, kiểu dáng mộ xây cũng như các vấn đề bố trí vị trí nghĩa trang, kiến trúc cảnh quan nghĩa trang, quy hoạch xây dựng nghĩa trang, xử lý ô nhiễm môi trường cho nghĩa trang...ở nhiều nơi hiện vẫn gần như được thả nổi không chỉ đối với các nghĩa trang do lịch sử để lại mà nhiều nghĩa trang của đô thị mới xây gần đây cũng có hiện tượng này. Hơn nữa, một thực tế là cả nước hiện với 64 tỉnh, thành; 559 quận, huyện; 9.902 phường, xã và 769 đô thị thì đô thị nào xã nào của Việt Nam cũng tồn tại ít nhất một nghĩa trang riêng đã tạo ra một bất cập lớn cho sự phát triển của đất nước sau này.
Không chỉ đối với vấn đề nghĩa trang, trong các đô thị, các cơ sở vật chất phục vụ tang lễ hiện cũng rất thiếu và yếu. Nhà tang lễ, phòng quản lạnh, xe đi quan, những công trình, những phương tiện dịch vụ tang lễ dịch vụ công cộng cần thiết hiện đại đa số các đô thị Việt Nam là chưa có. Các đô thị đã có như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...lại luôn trong tình trạng hoạt động quá tải và được quy hoạch xây dựng chưa hợp lý. Bên cạnh đó, vấn đề du nhập các công nghệ táng mới vào Việt Nam như hỏa táng cũng còn nhiều vấn đề đáng bàn về công suất, về tiêu chuẩn, chất lượng thiết bị khi nhiều đô thị phía Nam đang có nhu cầu đầu tư xây dựng riêng.
Tất cả các vấn đề bất cập nảy sinh này có nguyên nhân sâu xa là do chúng ta đang thiếu những định hướng phát triển, các cơ chế chính sách quản lý và kiểm soát xây dựng nghĩa trang và an táng cho các đô thị, các điểm dân cư nông thôn. Vì vậy, việc thực hiện đề tài: “Nghiên cứu dự thảo chiến lược quản lý nghĩa trang và an táng cho các đô thị và điểm dân cư nông thôn Việt Nam đến năm 2020” là rất cần thiết và cấp bách trong quá trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước hiện nay.
2. Mục tiêu của đề tài:
Đề tài nghiên cứu này được thực hiện nhằm các mục tiêu chính sau đây:
- Đánh giá hiện trạng công tác quản lý, xây dựng nghĩa trang & an táng ở các đô thị và điểm dân cư nông thôn Việt Nam hiện nay;
- Đề xuất định hướng, cơ chế chính sách quản lý, kiểm soát việc xây dựng nghĩa trang và an táng cho các đô thị và điểm dân cư nông thôn Việt Nam đến năm 2010;
- Xây dựng Dự thảo Chiến lược Quản lý nghĩa trang và an táng cho các đô thị và điểm dân cư Việt Nam đến năm 2020.
3. Cách tiếp cận của đề tài
Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng công tác quản lý nghĩa trang & an táng tại một số đô thị và điểm dân cư nông thôn điển hình theo từng vùng miền địa lý – kinh tế cả nước và kết hợp kế thừa nội dung các công trình nghiên cứu trong nước đã thực hiện có liên quan là cách tiếp cận chính để thực hiện đề tài. Qua đó tiến hành nghiên cứu phân tích, đánh giá, tổng hợp và xây dựng hệ thống cơ sở số liệu, dữ liệu về: Thực trạng công tác quản lý khai thác, thực trạng cơ chế chính sách, thực trạng và dự báo phát triển kinh tế - xã hội, các mô hình tiên tiến về quản lý nghĩa trang có khả năng áp dụng vào Việt Nam.
4. Phương pháp nghiên cứu của đề tài
- Phương pháp điều tra, khảo sát thực địa và thu thập tài liệu, số liệu;
- Phương pháp kế thừa và vận dụng có chọn lọc kết quả các công trình nghiên cứu trong nước đã thực hiện có liên quan cũng như mô hình tiên tiến đang áp dụng ở các nước trong khu vực;
- Phương pháp hội thảo lấy ý kiến chuyên gia;
- Phương pháp nghiên cứu phân tích tổng hợp, đánh giá;
- Phương pháp đối chiếu, so sánh và một số phương pháp khác.
5. Sản phẩm
Sản phẩm của đề tài bao gồm các tài liệu sau:
1. Tập báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các đề xuất của đề tài.
2. Bản dự thảo nội dung Chiến lược quản lý nghĩa trang & an táng cho các đô thị và điểm dân cư nông thôn Việt Nam đến năm 2020.
Mục lục
Giải thích một số thuật ngữ
Phần mở đầu
CHƯƠNG I: TỔNG QUAN KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NGHĨA TRANG VÀ AN TÁNG CỦA NƯỚC NGOÀI
1.1. Tổng quan về công tác quản lý nghĩa trang và an táng tại Tây Ban Nha
1.2. Tổng quan về công tác quản lý nghĩa trang và an táng tại Trung Quốc
1.3. Công tác quản lý nghĩa trang và an táng tại Hàn Quốc
CHƯƠNG II: ĐIỀU TRA HIỆN TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NGHĨA TRANG VÀ AN TÁNG TẠI MỘT SỐ ĐÔ THỊ VÀ ĐIỂM DÂN CƯ NÔNG THÔN VIỆT NAM
2.1. Khu vực đô thị
2.1.1. Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên (đô thị miền núi cao, đô thị loại III thuộc vùng núi cao Tây Bắc)
2.1.2. Thành phố Hà Nội (đô thị đặc biệt, vùng Đồng bằng Bắc bộ)
2.1.3. Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An (đô thị loại II vùng Bắc Trung Bộ)
2.1.4. Thành phố Đà Nẵng (đô thị loại I thuộc vùng trọng điểm phát triển kinh tế miền Trung)
2.1.5. Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (đô thị vùng cao nguyên, là đô thị loại III)
2.1.6. Thành phố Hồ Chí Minh (đô thị đặc biệt thuộc vùng Đông Nam bộ)
2.1.7. Thành phố Mỹ Tho, thủ phủ tỉnh Tiền Giang (đô thị loại III, vùng đồng bằng sông Cửu Long)
2.1.8. Hiện trạng công tác quản lý nghĩa trang và an táng tại một số đô thị khác (xem bảng 7).
2.2. Khu vực nông thôn
2.2.1. Xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên
2.2.2. Xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An
2.2.3. Xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng
2.2.4. Xã Ea Tiêu, huyện Krông, tỉnh Đắk Lắk
CHƯƠNG II: ĐÁNH GIÁ TỔNG QUAN VỀ HIỆN TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NGHĨA TRANG VÀ AN TÁNG TẠI CÁC ĐÔ THỊ VÀ ĐIỂM DÂN CƯ NÔNG THÔN VIỆT NAM
3.1. Hiện trạng các văn bản, quy phạm
3.1.1. Đối với khu vực đô thị
3.1.2. Đối với khu vực nông thôn
3.2. Hiện trạng các loại hình nghĩa trang
3.3. Hiện trạng công tác quy hoạch xây dựng nghĩa trang
3.3.1. Đối với khu vực đô thị
3.3.2. Đối với khu vực nông thôn
3.4. Hiện trạng sử dụng đất nghĩa trang
3.4.1. Đối với khu vực đô thị
3.4.2. Đối với khu vực nông thôn
3.5. Hiện trạng công nghệ táng
3.6. Hiện trạng kiến trúc cảnh quan
3.7. Hiện trạng chất lượng môi trường
3.8. Công tác quản lý nghĩa trang
CHƯƠNG IV: ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP QUẢN LÝ, KIỂM SOÁT VIỆC XÂY DỰNG NGHĨA TRANG & AN TÁNG CHO CÁC ĐÔ THỊ VÀ ĐIỂM DÂN CƯ NÔNG THÔN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020
4.1. Các giải pháp về công nghệ táng
4.1.1. Hình thức hỏa táng theo công nghệ hiện đại
4.1.2. Hình thức địa táng hợp vệ sinh
4.1.3. Hình thức lưu táng theo công nghệ Thanos
4.2. Các giải pháp về quản lý nghĩa trang và an táng
4.2.1. Các giải pháp tổng quát để quản lý nghĩa trang và an táng cho các đô thị và điểm dân cư nông thôn Việt Nam
4.2.2. Giải pháp cụ thể để quản lý nghĩa trang và an táng cho các đô thị và điểm dân cư nông thôn Việt Nam theo từng vùng
a. Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long
b. Đối với khu vực miền Đông Nam Bộ
c. Đối với vùng ven biển Nam Trung Bộ
d. Đối với vùng cao nguyên Nam Trung Bộ (khu vực Tây Nguyên)
e. Đối với khu vực Bắc Trung Bộ
g. Đối với vùng đồng bằng sông Hồng
h. Đối với vùng trung du và miền núi phía Bắc
CHƯƠNG V: KẾT LUẬN
Chủ nhiệm: TS.KTS. Trương Văn Quảng
Tham gia: KS. Nguyễn Quyết Thắng
CN. Phạm Quốc Dũng
CN. Thái Kim Liên
ThS. Nguyễn Thị Lan Anh