Nghiên cứu và xây dựng bộ tiêu chí đô thị sinh thái

Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường

Thư kí đề tài: Ths.KTS Lê Thị Thúy Hà

Ths.KTS Nguyễn Thị Lan Anh

Tham gia nghiên cứu: CN. Nguyễn Hồng Chi

Ths.KTS Đào Phương Thanh

Ths.KS Mai Đức Thanh

Các cán bộ Viện Quy hoạch Môi trường, HTKT ĐT & NT và Phòng Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách phát triển đô thị

MỤC LỤC

A. PHẦN MỞ ĐẦU.. 3

1. Sự cần thiết phải nghiên cứu. 3

2. Mục tiêu nghiên cứu. 5

3. Đối tượng, phạm vi và giới hạn nghiên cứu. 5

4. Các phương pháp nghiên cứu chính. 5

5. Kết quả nghiên cứu. 6

B. PHẦN NỘI DUNG.. 7

CHƯƠNG I: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ ĐÔ THỊ SINH THÁI TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC.. 7

1.1. Các vấn đề chung. 7

1.2. Kinh nghiệm nước ngoài về xây dựng tiêu chí đô thị sinh thái 10

1.3. Đánh giá tổng quan tình hình phát triển và xây dựng đô thị theo hướng sinh thái tại Việt Nam.. 33

1.4. Tổng kết chương 1. 52

CHƯƠNG II: CƠ SỞ KHOA HỌC CHO VIỆC XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ ĐÔ THỊ SINH THÁI TẠI VIỆT NAM... 54

2.1. Cơ sở lý thuyết về sinh thái và quy hoạch đô thị sinh thái 54

2.2. Các cơ sở về điều kiện tự nhiên. 63

2.3. Các cơ sở về chính sách phát triển đô thị theo hướng sinh thái 67

2.4. Các cơ sở về khoa học công nghệ mới 70

2.4.3. Các cơ sở về vật liệu mới 76

2.5. Tổng hợp yêu cầu làm cơ sở cho việc xây dựng bộ tiêu chí ĐTST.. 81

CHƯƠNG III: ĐỀ XUẤT NỘI DUNG VÀ DỰ THẢO BỘ TIÊU CHÍ ĐÔ THỊ SINH THÁI TẠI VIỆT NAM... 82

3.1. Quan điểm, nguyên tắc, cấu trúc và cách tra cứu bộ tiêu chí 82

Cấu trúc bộ tiêu chí: 82

3.2. Nhóm tiêu chí về cơ cấu QHKG, sử dụng đất, TKĐT.. 83

3.3. Nhóm tiêu chí về kiến trúc công trình và vật liệu. 85

3.4. Nhóm tiêu chí về đa dạng sinh học. 87

3.5. Nhóm tiêu chí về giao thông đô thị 88

3.6. Nhóm tiêu chí về cơ sở hạ tầng xanh có khả năng chống chịu cao. 90

3.7.Nhóm tiêu chí về năng lượng. 90

3.8. Nhóm tiêu chí về việc làm, kinh tế, đầu tư, công nghiệp. 91

3.9. Nhóm tiêu chí về quản lý và vận hành. 92

3.10. Đề xuất điều chỉnh hoặc bổ sung các văn bản pháp luật về quy hoạch đô thị (nghị định, thông tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật). 92

3.11. Đề xuất Dự thảo chi tiết Bộ tiêu chí ĐTST.. 93

3.12. Tổng kết chương 3. 93

KẾT LUẬN – KIẾN NGHỊ. 115

TÀI LIỆU THAM KHẢO...117

A. PHẦN MỞ ĐẦU

1. Sự cần thiết phải nghiên cứu

Trên thế giới, khái niệm đô thị sinh thái (ecocity) đã xuất hiện vào cuối thập kỷ 80, đầu 90 thế kỷ XX ở các nước phát triển, đề cập đến chất lượng môi trường của đô thị và trách nhiệm đối với hệ sinh thái, với các tiêu chí rất cụ thể nhằm nâng cao điều kiện và chất lượng sống cho các cư dân đô thị trong sự cân bằng với thiên nhiên.

Khơi nguồn cho trào lưu này là Hội thảo quốc tế của Liên hợp quốc về “Thành phố và sự phát triển bền vững” diễn ra ở Rio de Janeiro, Braxin năm 1992. Sau đó Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế thế giới OECD chính thức ban hành một chương trình có tên là “Thành phố sinh thái” được đánh dấu bằng Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc năm 1996.

Thật ra, ý tưởng về một đô thị sinh thái (ĐTST) ban đầu đã xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX tại Anh dưới tên gọi Thành phố vườn (Garden-City) của học giả Ebenezer Howard. Đây là một phương án quy hoạch đô thị nhằm giải quyết các vấn đề môi trường của đô thị ở thời điểm khởi đầu quá trình hiện đại hóa – công nghiệp hóa. Hiện nay, ĐTST gắn với các kế hoạch phát triển đô thị tại châu Mỹ, các dự án cải tạo/tái phát triển đô thị tại châu Âu, cũng như các dự án phát triển đô thị mới đầy tham vọng tại châu Á... Qua mỗi giai đoạn, mỗi dự án, khái niệm về đô thị sinh thái được mở rộng, được cụ thể hóa ở nhiều vấn đề, định lượng thành các tiêu chí, tiêu chuẩn và khái quát thành lý thuyết, các chỉ dẫn thiết kế, quản lý phát triển đô thị và trao đổi tại các diễn đàn học thuật trên toàn thế giới.

“Đô thị sinh thái là đô thị đảm bảo sự phát triển bền vững về môi trường và bền vững về kinh tế, nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân đô thị, tiến tới xây dựng một xã hội bền vững về văn hóa”. (Nguồn: World Bank)

“Một thành phố sinh thái là thành phố đảm bảo sự cân bằng với thiên nhiên”. (Nguồn: Tổ chức Sinh thái đô thị Úc).

Đi kèm với các khái niệm, nhiều bộ tiêu chí đánh giá cũng được đưa ra (Liên minh châu Âu EU, tổ chức Citybuilders...). Nhìn chung, về nội dung, các tiêu chí chung về quy hoạch đô thị sinh thái có thể được khái quát trên các phương diện sau: kiến trúc công trình, sự đa dạng sinh học, giao thông, hạ tầng đô thị, công nghiệp và kinh tế đô thị.

Tại Việt Nam, chúng ta đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, dân số đô thị hiện nay khoảng 30% vào năm 2015 và đạt 50% vào năm 2025 (Nguồn: Bộ Xây dựng). Theo đó, số lượng các đô thị mới liên tục được thành lập, quy mô các đô thị được mở rộng và đang hình thành 2 vùng đô thị lớn tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Hệ thống các đô thị đóng vai trò quan trọng tới việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên toàn quốc và mỗi vùng miền.

Cùng với quá trình đô thị hóa, người dân cũng đòi hỏi ngày một cao hơn về chất lượng sống tại các đô thị như: yêu cầu được cung cấp các dịch vụ tốt hơn, môi trường phát triển bền vững hơn, văn hóa- văn minh đô thị được nâng cao…; đồng thời không phải chịu những tác động tiêu cực của quá trình phát triển nóng như: quá tải hạ tầng đô thị, tắc đường, ngập lụt, ô nhiễm môi trường, các giá trị văn hóa, kiến trúc, cảnh quan bị mai một…

Với xuất phát điểm là một đất nước nông nghiệp với diện tích sản xuất nông nghiệp hiện diện tại tất cả các khu vực phát triển đô thị, hệ thống cảnh quan tự nhiên phong phú, đặc điểm văn hóa lối sống đa dạng… đây là cơ hội thuận lợi cho phát triển các mô hình ĐTST mang đặc trưng riêng của Việt Nam theo hướng phát triển bền vững. Bản chất mô hình ở truyền thống của người Việt thực chất cũng là mô hình sinh thái gần gũi với thiên nhiên cần được bảo tồn và phát huy trong giai đoạn mới.

Công tác quy hoạch và phát triển đô thị theo hướng sinh thái ngày càng được quan tâm trong thời gian qua, với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế nhiều kinh nghiệm đã áp dụng các mô hình phát triển đô thị sinh thái vào Việt Nam; Từ những giải pháp thiết kế của từng tòa nhà, tổ hợp công trình đến quy hoạch các khu đô thị như Ecopark, Ecocity… hay với tầm cỡ lớn hơn như Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội cũng được thiết kế theo xu hướng sinh thái.

Để đạt được các tiêu chí trên, cần có những nghiên cứu sâu sắc về điều kiện tự nhiên và xã hội của khu vực hay vùng quy hoạch để đưa ra các giải pháp và quyết định phù hợp. Trong quá trình vận hành, để duy trì và đạt được mục tiêu sinh thái, cần có những biện pháp phối hợp liên ngành như tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức cộng đồng, áp dụng công nghệ sạch, sử dụng các vật liệu xây dựng sinh học giảm tiêu thụ năng lượng, sử dụng các nguồn năng lượng có thể tái tạo được, tránh lãng phí và tái sinh phế thải.

Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, trong hệ thống văn bản pháp luật hiện chưa quy định chính thức khái niệm về “đô thị sinh thái” cũng như các tiêu chí cụ thể khi xem xét đánh giá một đô thị có phải là đô thị sinh thái hay không.

Ngày 05/01/2006 Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2006/NĐ-CP quy định về Qui chế khu đô thị mới, theo đó “Dự án khu đô thị mới” là dự án đầu tư xây dựng một khu đô thị đồng bộ có hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khu dân cư và các công trình dịch vụ khác, được phát triển nối tiếp đô thị hiện có hoặc hình thành khu đô thị tách biệt, có ranh giới và chức năng được xác định phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên của Việt Nam về khu đô thị mới, tuy nhiên trong Nghị định này cũng chưa quy định thế nào là khu đô thị mới sinh thái.

Thông tư số 09/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn về việc đánh giá, công nhận khu đô thị kiểu mẫu. Trong thông tư này cũng đã có những tiêu chí cụ thể về tỷ lệ đất giao thông, cấp nước, cây xanh… cho một “khu đô thị kiểu mẫu”, nhưng cũng chưa đề cập cụ thể tới tiêu chí sinh thái.

Năm 2016, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị, nhưng chưa có quy định thế nào là đô thị sinh thái. Luật Quy hoạch đô thị (2009) và Luật Quy hoạch Xây dựng (2015) cũng chưa đề cập đến khái niệm này.

Cho đến nay các nhà quản lý, nhà chuyên môn, chủ đầu tư và người sử dụng chưa có được hệ thống các tiêu chí và tiêu chuẩn mang tính thống nhất để làm cơ sở đánh giá lựa chọn giải pháp thiết kế phù hợp cho yêu cầu phát triển chung. Do vậy, trên thực tế, công tác quy hoạch và phát triển ĐTST ở Việt Nam hiện nay đang phải đổi mặt với các thách thức, cụ thể:

- Chưa được thể chế hóa vào các quy định pháp lý cũng như không có các hướng dẫn, tiêu chí cụ thể phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam;

- Thiếu nhận thức đầy đủ về ĐTST bởi vẫn còn những tranh luận để đi đến thống nhất thế nào là một đô thị sinh thái. Vì vậy, các cấp ra quyết định và hoạch định chính sách gặp phải khó khăn để đưa ra chính sách toàn diện và thống nhất, dẫn tới:

- Năng lực lồng ghép các nội dung của đô thị sinh thái vào thực tiễn hạn chế;

- Sự phối hợp liên ngành còn lỏng lẻo: Việc phát triển các ĐTST đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bên liên quan. Cách tiếp cận đơn ngành có thể dẫn tới việc triển khai thiếu hiệu quả, không đầy đủ.

Vì vậy, với nhu cầu từ thực tiễn quy hoạch và phát triển đô thị sinh thái tại Việt Nam, việc lựa chọn các kinh nghiệm thích hợp để sớm xây dựng hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn về quy hoạch đô thị sinh thái làm cơ sở cho công tác thực hiện quy hoạch, quản lý đầu tư quy hoạch xây dựng trên địa bàn cả nước là rất cần thiết và cấp bách.

2. Mục tiêu nghiên cứu

- Đánh giá và tổng kết kinh nghiệm quốc tế về Bộ tiêu chí đô thị sinh thái.

- Đánh giá và tổng kết kinh nghiệm trong nước về Bộ tiêu chí đô thị sinh thái.

- Nghiên cứu và đề xuất Bộ tiêu chí đô thị sinh thái áp dụng cho quy hoạch đô thị tại Việt Nam.

3. Đối tượng, phạm vi và giới hạn nghiên cứu

Các đô thị xây dựng theo hướng sinh thái và các Bộ tiêu chí đánh giá Đô thị sinh thái.

4. Các phương pháp nghiên cứu chính

a. Phương pháp tổng hợp và phân tích hệ thống

- Là phương pháp cơ bản được sử dụng phổ biến trong hầu hết các công trình nghiên cứu khoa học. Phương pháp này được sử dụng đặc biệt có hiệu quả trong nghiên cứu xã hội, chính sách, quy hoạch và kiến trúc. Vì vậy trong nghiên cứu đây là phương pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đề tài.

b. Phương pháp điều tra và quan sát thực địa

- Có mục đích cơ bản là thống kê, kiểm tra chỉnh lý và bổ sung những tư liệu về tình hình thực trạng các đô thị được xây dựng theo hướng ĐTST. Điều tra được thể hiện qua bảng biểu, sơ đồ, ảnh chụp, file ghi âm và các số liệu phân tích.

c. Phương pháp điều tra xã hội học

- Nhằm thu thập thông tin làm sáng rõ những vấn đề về các tồn tại, nhu cầu,… trong mọi lĩnh vực liên quan.

- Đối tượng điều tra: Chính quyền các cấp từ UBND các tỉnh thành, các Sở ban ngành đến tổ dân phố, đơn vị tư vấn thiết kế, cộng đồng dân cưđịa phương, hộ gia đình... trong và ngoài ĐTST.

d. Phương pháp thống kê

Nghiên cứu mặt định lượng trong mối quan hệ chặt chẽ với mặt chất của các hiện tượng và quá trình, đối chiếu biến động, phát triển trong vấn đề ĐTST..

e. Phương pháp dự báo

Trước tiến trình phát triển thực tế, đưa ra dự báo về về chuyển đổi cơ cấu và những xu hướng phát triển ĐTST.

f. Phân tích các tài liệu thứ cấp

Song song với việc điều tra trực tiếp, việc phân tích các tài liệu thứ cấp: các đề tài khoa học, báo cáo, nghiên cứu, số liệu thống kê đã thực hiện và xuất bản có liên quan để tham khảo và sử dụng trong quá trình nghiên cứu.

g. Phương pháp chuyên gia

Phỏng vấn chuyên gia những lĩnh vực có liên quan. Bộ công cụ nghiên cứu bao gồm phỏng vấn sâu, quan sát và các cuộc tư vấn chuyên gia.

5. Kết quả nghiên cứu

- Bản báo cáo đánh giá cụ thể về hiện trạng xây dựng ĐTST, các cơ sở khoa học xây dựng tiêu chí và nội dung Bộ tiêu chí ĐTST.

- Đề xuất dự thảo Bộ tiêu chí ĐTST.

(Nguồn:VIUP)

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website