CHỦ NHIỆM ĐỀ TÀI THƯ KÝ ĐỀ TÀI: ThS. KTS. Lê Thị Thúy Hà
THAM GIA:
ThS. KTS. Cao Sỹ Niêm
ThS. KTS. Đỗ Cao Duy
ThS. KTS. Phan Thị Vân Anh
ThS. KTS. Nguyễn T. Hồng Diệp
KS. Đỗ Văn Thịnh
KS. Lê Thị Linh
KTS. Diệp Sơn Tùng
PHẦN MỞ ĐẦU
Văn hóa và thể thao có vai trò quan trọng trong sự phát triển của một đất nước. Tại Việt Nam, điều này được khẳng định một cách rõ nét trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 của BCH TW Đảng xác định “đầu tư cho thể dục thể thao là đầu tư cho con người, cho sự phát triển của đất nước”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030 cũng hướng tới “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh của thời đại”.
Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành và thực hiện các chiến lược, quy hoạch phát triển lĩnh vực văn hóa và thể thao, trong đó có nội dung liên quan đến quy hoạch các cơ sở văn hóa và thể thao. Nhờ đó, mạng lưới TDTT của cả nước hiện nay đã phát triển rộng khắp để đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể chất, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phía ngành văn hóa – thể thao cũng đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với Nhiệm vụ Quy hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định số 1014/QĐ-TTg ngày 29/6/2021. Đây là nhiệm vụ nằm trong bối cảnh khi các quy hoạch ngành cũ hết hạn hoặc chưa phù hợp với các yêu cầu mới.
Về mặt quy hoạch xây dựng, theo điểm a khoản 1 Điều 28 của Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch, khu chức năng bao gồm: khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; khu du lịch; khu nghiên cứu, đào tạo; khu thể dục thể thao (7 loại hình tất cả). Có thể thấy rằng nội dung quy hoạch các khu này là khác nhau do chức năng khác nhau, dẫn đến các phương pháp thực hiện, chỉ tiêu kiểm soát cho mỗi loại hình cũng khác nhau. Tức là, mặc dù được xếp chung vào cùng một «nhóm», tuy nhiên, rất khó có thể có được một hướng dẫn chung về phương pháp, nội dung và các chi tiêu kiểm soát trong quy hoạch xây dựng các khu này. Do vậy, cần phải lần lượt nghiên cứu riêng cho từng loại hình trên, với nhiệm vụ lần này là khu TDTT.
Hiện nay các tiêu chuẩn thiết kế của ngành xây dựng mới tập trung vào tiêu chuẩn thiết kế công trình, các tiêu chuẩn về quy hoạch còn thiếu. Các tiêu chuẩn hiện hành liên quan hiện nay có thể kể đến là: TCVN 4205: 2012 Công trình thể thao – Sân thể thao: tiêu chuẩn thiết kế; TCVN 4529:2012 về Công trình thể thao - Nhà thể thao - Tiêu chuẩn thiết kế; TCVN 4260:2012 Công trình thể thao, bể bơi - Tiêu chuẩn thiết kế; TCVN 9365:2012 Nhà văn hóa thể thao - Nguyên tắc cơ bản để thiết kế;... Các tiêu chuẩn này dành cho việc xây dựng một tổ hợp công trình đơn lẻ và cũng không nhiều nội dung về QHXD.
Trong khi xét về mặt QHXD, với tư cách là một khu chức năng, các trung tâm TDTT này thường gắn với phát triển đô thị, là một trong những động lực để phát triển đô thị, có nhu cầu sử dụng quỹ đất lớn và là những điểm nhấn trong cảnh quan đô thị và vùng. Việc hướng dẫn phương pháp, nội dung và xây dựng các chỉ tiêu kiểm soát trong QHXD khu chức năng cũng đã có đề cập trong các văn bản luật pháp đã ban hành. Tuy nhiên Luật và Nghị định chỉ quy định những nội dung chính cần phải có trong lập QHXD khu chức năng mà chưa có hướng dẫn chi tiết nào mang tính kỹ thuật cho nội dung, quy trình lập đồ án Quy hoạch xây dựng TDTT, cũng như các loại hình khu chức năng khác.
Trên tinh thần đó, việc hoàn thiện, đề xuất các hướng dẫn kỹ thuật mới là một việc làm cần thiết và cấp bách, trong đó có nội dung về Hướng dẫn thiết kế quy hoạch xây dựng khu thể dục thể thao, nhằm đảm bảo phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, phát triển văn hóa và thể dục thể thao; tạo công cụ quản lý hiệu quả; phát huy vai trò của văn hóa và thể dục thể thao đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa bản sắc, gắn với tinh thần tự hào dân tộc, thích nghi và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
2. Mục tiêu nghiên cứu
- Nghiên cứu tổng quan, đánh giá thực trạng công tác thiết kế quy hoạch xây dựng khu thể dục thể thao tại Việt Nam và kinh nghiệm trên thế giới.
- Nghiên cứu các cơ sở khoa học và thực tiễn cho công tác thiết kế quy hoạch khu thể dục thể thao.
- Nghiên cứu các giải pháp thiết kế quy hoạch khu thể dục thể thao.
- Xây dựng Báo cáo tổng hợp, Dự thảo Hướng dẫn “Thiết kế quy hoạch khu thể dục thể thao”.
3. Giải thích và thống nhất từ ngữ
Trong các văn bản pháp lý các ngành hiện nay chưa có định nghĩa “khu thể dục thể thao” với ý nghĩa là một khu chức năng. Xuất phát của đề tài khoa học này là từ Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch, khu chức năng bao gồm khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; khu du lịch; khu nghiên cứu, đào tạo; khu thể dục thể thao, tuy nhiên không đưa ra định nghĩa về 7 khu chức năng này.
Đối chiếu sang văn bản của các ngành khác, thì 5 khu khác đều đã có định nghĩa: khu kinh tế và khu công nghiệp ở Nghị định số 82/2018/NĐ-CP; khu chế xuất ở Nghị định 35/2022/NĐ-CP; khu công nghệ cao ở Luật Công nghệ cao năm 2008; khu du lịch ở Luật Du lịch năm 2017. Chỉ có khu thể dục thể thao và khu đào tạo nghiên cứu là chưa tồn tại một định nghĩa nào chính thức.
Như vậy, “khu thể dục thể thao” hiện chưa có định nghĩa chính thức dưới góc nhìn là một khu chức năng trong QHXD. Còn theo ngành VHTTDL, Điều 54 Luật Thể dục Thể thao 2006 quy định Loại hình cơ sở thể thao bao gồm: a) Trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao; b) Trung tâm hoạt động thể thao; c) Cơ sở dịch vụ hoạt động thể thao; d) Câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp; đ) Trường năng khiếu thể thao. Tùy theo cấp loại, tầng bậc trong đô thị sẽ có nhiều loại không gian TDTT tương ứng. Xét từ bản chất của hoạt động thể dục thể thao; từ diễn biến thực tế và từ nội dung pháp lý liên quan, cần phải đưa ra một định nghĩa thống nhất cho loại hình khu chức năng này, trước hết là trong khuôn khổ đề tài.
Các thiết chế TDTT bao phủ từ cấp xã/phường/thị trấn đến cấp quốc gia, bao gồm cả TDTT cho mọi người đến thể thao thành tích cao. Về mặt sử dụng đất, Thông tư 01/2017/TT-BTNMT Quy định Định mức sử dụng đất xây dựng cơ sở văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao do Bộ trưởng Bộ TNMT ban hành ngày 09/09/2017 trong Điều 7 quy định: “Đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao là đất xây dựng các công trình thể dục thể thao, bao gồm: Sân tập thể thao đơn giản; sân vận động; cơ sở thể dục thể thao; nhà thi đấu và nhà tập luyện đa năng; bể bơi; khu liên hợp thể thao hoặc trung tâm thể thao cấp tỉnh, cấp vùng». Tuy nhiên theo thực tế, đến cấp huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh thì chỉ có quy định cần phải có các công trình riêng lẻ, mà điều này đã được quy định trong các TCVN về công trình như trong phần 1 ở trên. Do vậy đề tài nhận thấy khái niệm khu TDTT phù hợp nhất với khu liên hợp thể thao hoặc trung tâm thể thao cấp tỉnh, cấp vùng trở lên (đã được xác định trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng) và đề xuất đưa ra cách hiểu “khu thể dục thể thao” là “khu vực có ranh giới xác định, phát triển tập trung và liên kết các cơ sở tổ chức hoạt động tập luyện, thi đấu, đào tạo TDTT và các hoạt động văn hóa xã hội khác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội - bảo vệ môi trường cho một đơn vị hành chính (lãnh thổ) có quy mô từ cấp tỉnh trở lên, đã được xác định trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch mạng lưới thể dục thể thao”. trở lên.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Các khu thể dục thể thao trong lãnh thổ Việt Nam, chú trọng vào các khu cấp tỉnh
5. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp kế thừa: Nghiên cứu kế thừa kết quả của các đề tài, nhiệm vụ NCKH trong nước và thế giới, bao gồm tài liệu của cả những ngành khác liên quan. Phương pháp này được thực hiện trong tất cả các nội dung của đề tài.
- Phương pháp điều tra, khảo sát, phỏng vấn và đánh giá hiện trạng. Chủ yếu điều tra ở đây là khảo sát hồ sơ tài liệu các quy hoạch đã thực hiện và phỏng vấn chuyên gia, điều tra thực địa để rút ra bức tranh hiện trạng của công tác lập quy hoạch khu TDTT về phương pháp, nội dung và các chỉ tiêu kiểm soát, cũng như công tác quản lý phát triển sau quy hoạch.
Phương pháp tổng hợp: trên cơ sở các thông tin, tài liệu thu thập được tiến hành tổng hợp, phân tích, đánh giá và đưa ra nhận định hỗ trợ cho các nội dung nghiên cứu. Phương pháp này được thực hiện trong tất cả các nội dung của đề tài.
- Phương pháp chuyên gia: tổ chức lấy ý kiến chuyên gia trong các lĩnh vực, các ngành liên quan thông qua hình thức phỏng vấn trực tiếp, hội thảo khoa học và ý kiến phản biện cho đề tài. Tổ chức 01 hội thảo khoa học. Các kết quả của chuyên gia sẽ được tổng hợp, phân tích, bổ sung và làm dẫn chứng, luận cứ trong các phần của đề tài.
6. Nội dung nghiên cứu
Kết quả Đề tài gồm 2 sản phẩm chính: Báo cáo Tổng hợp và Dự thảo Hướng dẫn.
a) Báo cáo Tổng hợp bao gồm 3 phần: Phần Mở đầu, phần Nội dung, phần Kết luận và Kiến nghị. Phần Nội dung được trình bày theo ba chương:
Chương 1: Hiện trạng công tác lập QHXD các khu TDTT hiện nay tại Việt Nam
Chương 2: Cơ sở lý luận và thực tiễn trong công tác lập QHXD khu TDTT
Chương 3: Đề xuất nội dung Hướng dẫn thiết kế quy hoạch khu thể dục thể thao b) Dự thảo Hướng dẫn
Dự thảo «Hướng dẫn thiết kế quy hoạch khu thể dục thể thao