Quy hoạch địa điểm chôn cất, lưu giữ chất thải phóng xạ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050

Trước những yêu cầu về quản lý nguồn phóng xạ, cùng với sự ra đời của Luật năng lượng Nguyên tử số 18/2008/QH12 ngày 03-06-2008, việc xây dựng qui hoạch địa điểm chôn cất, lưu giữ chất thải phóng xạ cho toàn quốc hết sức cần thiết

Lời nói đầu

Hiện nay ở Việt Nam chưa có nơi chôn cất chung các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Các cơ sở phải tự lo lấy biện pháp bảo quản tạm thời. Việc này rất nguy hiểm vì khả năng thất thoát ra ngoài là khá lớn, không thể kiểm soát. Hiện cả nước có hơn 1.100 cơ sở sử dụng bức xạ hạt nhân, thuộc nhiều lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, công nghiệp, môi trường. Chỉ riêng lĩnh vực y tế đã có tới hàng nghìn máy chụp X-quang và trên 20 cơ sở y học hạt nhân (dùng đồng vị phóng xạ để chẩn đoán và điều trị bệnh).

Trong công nghiệp, các thiết bị phóng xạ cũng có nhiều ứng dụng, như kỹ thuật kiểm tra không phá hủy giúp xác định vết nứt trên mối hàn, đường ống, nồi hơi, chất lượng công trình xây dựng; hay kỹ thuật đồng vị đánh dấu dùng để khảo sát sự sa bồi cảng biển, nâng cao hiệu suất thu hồi dầu hay kiểm tra sự thấm nước qua các đập (Hòa Bình, Trị An).

Các dự án phát sinh lượng chất thải có hoạt độ phóng xạ cao đã thực hiện tại Đà Lạt - Lâm Đồng (lò phản ứng hạt nhân) và các dự án nhà máy điện hạt nhân đang trong quá trình triển khai tại Ninh Thuận.

Việt Nam chưa có cơ quan chuyên môn thẩm định chất lượng các thiết bị phóng xạ nhập khẩu. Hoạt động thanh tra các cơ sở chưa hiệu quả. Riêng vấn đề đảm bảo an toàn hạt nhân (gắn liền với lò phản ứng) thì hầu như chưa được nghiên cứu.

Trước những yêu cầu về quản lý nguồn phóng xạ, cùng với sự ra đời của Luật năng lượng Nguyên tử số 18/2008/QH12 ngày 03-06-2008, việc xây dựng qui hoạch địa điểm chôn cất, lưu giữ chất thải phóng xạ cho toàn quốc hết sức cần thiết và cấp bách nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực, các thảm họa môi trường và rủi ro sức khỏe con người từ chất thải phóng xạ.

Phạm vi nghiên cứu

Định hướng quy hoạch địa điểm tiềm năng lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình được thực hiện trên phạm vi toàn quốc và cho mọi ngành kinh tế

Kết quả:

Việc xây dựng quy hoạch địa điểm chôn cất, lưu giữ chất thải phóng xạ đảm bảo  đúng các yêu cầu về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân và an ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân theo luật Năng lượng Nguyên tử số 18/2008/QH12 ngày 03-06-2008 của Quốc hội .

Qui hoạch địa điểm chôn cất, lưu giữ chất thải phóng xạ nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải phóng xạ các ngành và chủ trương phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.

Thực hiện quy hoạch địa điểm chôn cất, lưu giữ chất thải phóng xạ sẽ góp phần giảm các tác hại do chất thải phóng xạ gây ra đối với con người và môi trường.

 Kết luận, kiến nghị

-           Nguồn phát sinh CTPX tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc (Hà Nội và một số tỉnh lân cận), TP. HCM và Viện NCHN Đà Lạt. Số lượng nguồn CTPX lưu kho chờ chôn cất ~ 1.000 nguồn, chủ yếu là CTPX cần chôn nông; số lượng nguồn CTPX có hoạt độ cao không đáng kể. Hầu hết CTPX được lưu giữ rải rác tại các cơ sở có sử dụng nguồn phóng xạ không đảm bảo an ninh và an toàn.

-           Đối với Việt Nam trong thời gian 50 năm tới, chất thải phóng xạ phát sinh chủ yếu ở dạng hoạt độ thấp và trung bình (phát sinh từ NMĐHN và các ngành kinh tế ứng dụng năng lượng nguyên tử), còn chất thải phóng xạ hoạt độ cao phát sinh từ NMĐHN trong giai đoạn này chưa cần chôn cất ngay mà chỉ lưu giữ tạm thời để làm giảm bớt mức phát nhiệt và hoạt độ phóng xạ của thanh nhiên liệu đã cháy.

-           Để đảm bảo việc lưu giữ, chôn cất CTPX đạt các yêu cầu về bảo vệ môi trường, an ninh và an toàn cần xây dựng 02 kho lưu giữ tạm thời cấp vùng và một khu quốc gia chôn cất (chôn nông) CTPX hoạt độ thấp và trung bình và lưu giữ CTPX hoạt độ cao. Khu quốc gia này cũng đóng vai trò là khu lưu giữ tạm thời cấp vùng cho khu vực miền Trung. Địa điểm chôn cất, lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia cần đảm bảo đủ quy mô hoạt động trong thời gian tối thiểu 300 năm với quỹ đất cần thiết từ 20-50ha.

-           Trên cơ sở 25 tiêu chí lựa chọn địa điểm tương ứng với 5 nhóm tiêu chí về điều kiện tự nhiên, bảo vệ môi trường, điều kiện xã hội, an ninh, an toàn và kinh tế, một số tiềm năng chôn cất, lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia đã được lựa chọn.

-           Các giai đoạn sau cần triển khai nghiên cứu chi tiết về thông số kỹ thuật của các địa điểm tiềm năng để lựa chọn địa điểm phù hợp nhất. 

 

Mục lục

1. Sự cần thiết

2. Căn cứ pháp lý

3. Phạm vi nghiên cứu, quan điểm và mục tiêu của định hướng quy hoạch địa điểm tiềm năng

CHƯƠNG I. TỔNG QUAN VỀ CHẤT THẢI PHÓNG XẠ, CÔNG NGHỆ LƯU GIỮ VÀ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM CHÔN CẤT CHẤT THẢI PHÓNG XẠ TRÊN THẾ GIỚI.

1.1. Tổng quan về chất thải phóng xạ

1.2.      Công nghệ chôn cất, lưu giữ chất thải phóng xạ

1.3.  Phương thức quản lý an toàn CTPX hoạt độ thấp và trung bình

1.4. Các yêu cầu đối với địa điểm chôn cất, lưu giữ chất thải phóng xạ và các bước lựa chọn địa điểm

1.5. Quy trình lựa chọn địa điểm chôn cất, lưu giữ CTPX trên thế giới

1.6. Đánh giá khả năng áp dụng đối với Việt Nam    

CHƯƠNG II. HIỆN TRẠNG PHÁT SINH VÀ LƯU GIỮ, CHÔN CẤT CHẤT THẢI PHÓNG XẠ

2.1. Hiện trạng phát sinh chất thải phóng xạ ở Việt Nam

2.2. Hiện trạng lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ

CHƯƠNG III. ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH ĐỊA ĐIỂM TIỀM NĂNG CHÔN CẤT, LƯU GIỮ CHẤT THẢI PHÓNG XẠ

3.1. Cơ sở khoa học và thực tiễn lựa chọn địa điểm chôn cất, lưu giữ chất thải phóng xạ

3.2. Dự báo khối lượng chất thải phóng xạ phát sinh cho các giai đoạn đến 2020, 2050 và tầm nhìn tới năm 2100

3.3. Xác định yêu cầu về quy mô, tuổi thọ, tính chất địa điểm chôn cất, lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia.

3.4. Đề xuất công nghệ cho khu chôn cất, lưu giữ chất thải phóng xạ

3.5. Lựa chọn địa điểm chôn cất, lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia

3.6. Đề xuất phương thức vận chuyển chất thải phóng xạ tới khu chôn cất, lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia

CHƯƠNG IV. LỘ TRÌNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH

4.1. Lộ trình thực hiện

4.2. Tổ chức thực hiện

CHƯƠNG V: ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

 

 

Chủ trì đề tài: Th.S Lưu Đức Cường

Trung tâm Nghiên cứu, Quy hoạch môi trường đô thị và nông thôn

 

(Nguồn:VIUP)

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website