A. Sự cần thiết nghiên cứu Mô hình QHXD nông thôn mới
Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khoá X đã ra Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã chỉ rõ: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản, phát triển toàn diện, hiện đại hoá nông nghiệp là then chốt. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trưòng sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường.
Trong Nghị quyết 24/2008/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26-NQ/TW đã nêu rõ “Các Bộ, Ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW xây dựng các quy hoạch tổng thể, rà soát các quy hoạch hiện có trình các cấp thẩm quyền phê duyệt; chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát thực hiện quy hoạch” và đã giao cho Bộ Xây dựng Chủ trì các nội dung về triển khai công tác QHXD nông thôn mới.
Tuy nhiên, do địa bàn nông thôn quá rộng lớn, công tác quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn được thực hiện còn hạn chế (mới phủ kín khoảng 23,8% số xã). Vì vậy trong qui hoạch xây dựng nông thôn còn mang tính tự phát, chủ yếu đáp ứng nhu cầu trước mắt và hạn chế trong tầm nhìn về lâu dài, hệ thống các văn bản về QHXD nông thôn còn thiếu hoặc chưa đồng nhất, kinh phí đầu tư cho công tác QHXD nông thôn hạn chế. Một số vấn đề bất cập trong xây dựng nông thôn nảy sinh trong quá trình phát triển như môi trường điểm dân cư thiếu tính bền vững, dần đánh mất bản sắc văn hoá nông thôn; Công nghiệp nông thôn, làng nghề mới phát triển thiếu khả năng cạnh tranh; môi trường trong các làng nghề truyền thống bị ô nhiễm; nhiều vùng dân cư bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai không đảm bảo an toàn cho cuộc sống người dân... Với hơn 7000 xã thuộc khu vực nông thôn chưa có quy hoạch xây dựng, với lực lượng làm công tác lập quy hoạch trong cả nước hiện nay khoảng 100 đơn vị, dự báo sơ bộ phải mất thời gian 05 năm trở lên mới có thể hoàn thành công tác phủ kín quy hoạch xây dựng nông thôn. Điều này dẫn đến cần có những mô hình QHXD mẫu, các hướng dẫn đơn giản dễ hiểu để triển khai QHXD nông thôn một cách nhanh chóng và hiểu quả.
Do vậy việc xây dựng Đề án nghiên cứu mô hình QHXD nông thôn mới (gắn với đặc trưng vùng miền và các yếu tố giảm nhẹ thiên tai) đáp ứng theo các tiêu chí nông thôn mới do Chính phủ ban hành tại Quyết định số 491/QĐ-TTg phủ ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính là rất cần thiết.
Ngoài việc xây dựng các mô hình mẫu về QHXD điểm dân cư nông thôn (khoảng 30 mô hình đặc trưng trên địa bàn cả nước) Đề án sẽ đưa ra các hướng dẫn thực hiện cho công tác thực hiện QHXD nông thôn về quy trình lập quy hoạch, nội dung và phương pháp nghiên cứu quy hoạch, sản phẩm quy hoạch... một cách đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, từ đó hỗ trợ các địa phương, các tổ chức tư vấn nhanh chóng tiếp cận và triển khai quy hoạch nông thôn mới một cách hiệu quả.
Đề án nghiên cứu còn là công cụ hỗ trợ về chuyên môn cho Chương trình “Quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước” của Bộ Xây dựng đảm bảo mục tiêu đặt ra trong các Nghị quyết, Chương trình, Nhiệm vụ của Trung ương và Chính phủ là đến 2010-2011 cơ bản hoành thành công tác QHXD nông thôn mới, phấn đấu đến 2020, 50% các xã đạt tiêu chí nông thôn mới.
B. Mục tiêu
B1. Mục tiêu chung
- Phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.
- Gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, gắn với sự chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế sang công nghiệp, dịch vụ và gắn với phát triển đô thị.
- Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn với điều kiện tiện nghi giảm dần khoảng cách với cuộc sống đô thị.
B2. Mục tiêu cụ thể
- Nghiên cứu các mô hình QHXD nông thôn mới theo đặc điểm sinh thái, hình thái sinh hoạt, sản xuất của dân cư của các vùng, miền có đặc trưng chung đáp ứng được Tiêu chí về nông thôn mới và có thể nhân rộng phát triển trên địa bàn cả nước.
- Quản lý QHXD không gian kiến trúc, cơ sở hạ tầng, môi trường điểm dân cư nông thôn theo hướng xây dựng nông thôn mới gắn với phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai.
- Là khung hướng dẫn kỹ thuật cho công tác triển khai nhân rộng, phủ kín QHXD nông thôn mới trên địa bàn cả nước.
Phần I. Thực trạng phân bố dân cư và công tác quản lý xây dựng
1.1. Tổng quan chung về nông thôn Việt Nam
1.1.1. Tổng quan về phát triển nông thôn
Với địa bàn nông thôn trải dài trên 2000 km, phân bố trên các loại địa hình từ núi cao đến trung du, xuống đồng bằng và ra biển, bao gồm 54 dân tộc anh em sinh sống đã chứng tỏ sự đa dạng phong phú trong phát triển nông thôn Việt Nam.
Về mặt tổ chức hành chính, trong thời kỳ phong kiến và Pháp thuộc nông thôn Việt Nam gồm có các cấp huyện, tổng, xã, thôn, trong đó “tổng” có quy mô tương đương như một vài xã hiện nay và “xã” thường là một làng. Sau năm 1945 cho đến nay, cấp “tổng” không còn tồn tại trong tổ chức hành chính nông thôn Việt Nam, chỉ còn cấp huyện và xã, trong xã có các thôn, buôn, bản, làng. Và quy mô của “xã” lớn hơn quy mô xã trong các thời kỳ trước đây. Nhìn chung cấp xã có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển khu vực nông thôn trong các thời kỳ. Nông thôn là địa bàn cư trú của hơn 70% dân số và lao động của cả nước.
Về xã hội, ở khu vực nông thôn Việt Nam gia đình và gia tộc rất được coi trọng. Mỗi gia tộc đều có trưởng họ và nhà thờ họ. ở nhiều làng, dân cư làng đó đều có quan hệ họ hàng với nhau. Nếu coi tổ chức nông thôn theo huyết thống là bước phát triển thứ nhất thì tổ chức nông thôn theo địa bàn cư trú là bước phát triển tiếp theo để hình thành nên làng và xóm. Trước đây, tính biệt lập ở các làng mạnh đến nỗi làng có thể coi như một quốc gia thu nhỏ với một “luật pháp riêng” được gọi là “hương ước” (lệ làng được ghi bằng văn bản) và “luật tục” (lệ làng được quy định bằng lời nói). Bên trong làng, thôn có một mái Đình, đó là biểu tượng của làng về mọi phương diện. Đình làng là trung tâm hành chính (mọi công việc quan trọng đều diễn ra ở đây), trung tâm tôn giáo (nơi thờ Thành Hoàng làng), trung tâm văn hoá (nơi tổ chức các lễ hội, ...) Hiện nay tính xã hội về quan hệ nêu trên vẫn còn tồn tại trong hầu hết các làng quê Việt Nam, nhưng vai trò “hương ước” làng theo kiểu cũ đang dần bị mất đi.
Về phát triển kinh tế, nhìn chung sản xuất nông nghiệp vẫn là hình loại sản xuất chủ đạo trong khu vực nông thôn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong khu vực nông thôn trong những năm gần đây khoảng 5-6% năm. Trình độ sản xuất còn ở mức sản xuất nhỏ là chủ yếu. Trong khu vực nông thôn lao động sản xuất nông nghiệp còn chiếm tới 76%. Lao động sản xuất phi nông nghiệp chiếm tỷ lệ thấp nhưng đang trong đà phát triển, đặc biệt là sự phát triển lao động trong các làng nghề (hiện cả nước có gần 2000 làng nghề). Sự khác nhau giữa các vùng miền trong phát triển kinh tế nông thôn còn thể hiện qua tiềm năng và động lực phát triển kinh tế giữa các vùng miền….
1.1.2. Tổng quan về quy hoạch và xây dựng nông thôn
Về thực trạng xây dựng nông thôn ở các vùng miền cũng rất khác nhau. Trong các vùng nông thôn có điều kiện kinh tế trung bình và phát triển, mật độ dân số trên địa bàn xã khá cao, thấp nhất cũng vào khoảng 400 người/km2, trung bình khoảng 700 -800 người/km2, khu vực cao lên đến trên 1500 người/km2. Nhìn chung phân bố dân cư trong khu vực nông thôn còn manh mún, không thuận lợi cho canh tác theo kiểu cơ giới hoá và đầu tư kết cấu hạ tầng. Ngoài ra trong phân bố dân cư phải nói đến hiện tượng dân cư phát triển tự phát ven các quốc lộ. Sự phát triển này đã gây không ít khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội.
- Trong xây dựng điểm dân cư cụ thể còn rất tuỳ tiện, mang nặng tính tự phát.
- Điểm dân cư với sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp quá tải về điều kiện hạ tầng và xuống cấp về môi trường.
- Nông thôn chưa có môi trường sống mang bản sắc riêng.
- Công tác QHXD điểm dân cư nông thôn thực hiện còn hạn chế. Có sự chồng chéo giữa các qui hoạch (Qui hoạch sử dụng đất, Qui hoạch xây dựng...)
1.2. Thực trạng phân bố dân cư
1.2.1. Ở Miền núi phía Bắc, Trung du Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng
Bao gồm 2 vùng: Vùng núi phía Bắc Trung du Bắc Bộ (14 tỉnh thuộc Tây Bắc Bộ và Đông Bắc Bộ là các tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ) và vùng Đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình). Với tổng diện tích 25018,3 km2, dân số nông thôn khoảng 23776 nghìn người, với các dân tộc chủ yếu Kinh, Mường, Thái, H’Mông, Tày, Nùng... Mật độ dân số trung bình dao động lớn (150người/km2 đối với khu vực miền núi phía Bắc; 1008 người/km2 đối với khu vực Đồng bằng sông Hồng). Địa hình khá đa dạng: Vùng núi phía Bắc chủ yếu là đồi, núi cao, địa hình bị chia cắt mạnh, sông suối có độ dốc lớn, hay gây lũ quét, sạt lở đất. Trong khi đó vùng Đồng bằng sông Hồng có địa hình tương đối bằng phẳng. Tiềm năng phát triển kinh tế cũng rất khác nhau giữa các vùng trong khu vực. Vùng núi phía Bắc chủ đạo là kinh tế nông nghiệp. Vùng Đồng bằng sông Hồng phát triển mạnh nông nghiệp tổng hợp, công nghiệp và dịch vụ.
Về phát triển dân cư nông thôn: Vùng núi phía Bắc với dân cư phân bố phân tán, chủ yếu là các bản làng dân tộc được tổ chức mang đặc thù văn hoá riêng của từng dân tộc. Đối với khu vực đồi trung du, phân bố dân cư tập trung hơn, hình thái dân cư phổ biến là dân cư canh tác vườn đồi theo hình thức trang trại. Các hình thái dân cư chủ yếu trong vùng là bản làng dân tộc, trung tâm cụm xã, dân cư canh tác vườn đồi. Đối với vùng Đồng bằng sông Hồng, hình thái dân cư theo kiểu làng truyền thống là đặc điểm nổi trội. Các hình thái dân cư chủ yếu trong vùng là dân cư thị tứ thương mại - TTCN, dân cư làng truyền thống, dân cư làng nghề (làng nghề truyền thống và làng nghề mới), dân cư dọc quốc lộ, dân cư làng ven đô.
Các tác động thiên tai chủ yếu trong vùng: Đối với vùng núi phía Bắc là mưa lớn gây lũ, lũ quét, sạt lở... Đối với vùng Đồng bằng sông Hồng là ngập lụt và sạt lở vùng ven sông, biển.
1.2.2. Ở Miền Trung và Tây Nguyên
Bao gồm 2 vùng: Vùng miền Trung (14 tỉnh thành phố thuộc Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ là Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, T.P Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận) và vùng Tây Nguyên (5 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng). Với tổng diện tích 139377,6 km2, dân số nông thôn khoảng 17783 nghìn người, với các dân tộc chủ yếu Kinh, Chăm, Ê Đê, Banar, J’Rai. Mật độ dân số trung bình thấp (72người/km2 đối với khu vực Tây Nguyên; 220 người/km2 đối với khu vực miền Trung). Địa hình khá đa dạng, với 2 loại địa hình cơ bản là cao nguyên và đồng bằng ven biển. Tiềm năng phát triển kinh tế chủ yếu là đánh bắt nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, sản xuất dịch vụ du lịch đối với vùng miền Trung; phát triển cây công nghiệp, rừng và công nghiệp chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp, khoáng sản là kinh tế mũi nhọn của vùng Tây Nguyên
Về phát triển dân cư nông thôn: Nhìn chung phân bố khá tập trung tại các khu vực có điều kiện phát triển kinh tế, ngược lại phân bố rất phân tán và thưa thớt tại khu vực sản xuất lâm nghiệp. Các hình thái dân cư chủ yếu trong vùng đối với vùng miền Trung là dân cư ven biển đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, dân cư diêm nghiệp, dân cư làng truyền thống, điểm dân cư làng nghề, dân cư vùng ngập lũ, dân cư dân tộc Chăm; Đối với vùng Tây Nguyên là dân cư vùng cây công nghiệp, dân cư vùng cây lâm nghiệp, bản làng dân tộc (Ê Đê, Ba Na, J’Rai), dân cư khu vực biên giới.
Các tác động thiên tai chủ yếu trong vùng: Đối với vùng miền Trung là bão, lũ, lụt, hạn hán... Đối với vùng Tây Nguyên là sạt lở, lũ ống...
1.2.3. Ở miền Nam
Bao gồm 2 vùng: Vùng Đông Nam Bộ (6 tỉnh, thành phố là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh) và vùng Tây Nam Bộ (13 tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Cửu Long là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau). Với tổng diện tích 75412,5 km 2, dân số nông thôn khoảng 20224 nghìn người, với các dân tộc chủ yếu Kinh, Khơ Me. Mật độ dân số trung bình (480người/km2 đối với khu vực Đông Nam Bộ; 437 người/km2 đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long). Địa hình tương đối bằng phẳng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có địa hình thấp, bị ngập định kỳ. Tiềm năng về dầu khí và kinh tế biển, sản xuất nông nghiệp theo hướng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, công nghiệp vừa và nhỏ phát triển đối với vùng Đông Nam Bộ; Nuôi trồng thuỷ sản và sản xuất lúa, chế biến thủy hải sản đóng vai trò chủ đạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Về phát triển dân cư nông thôn: Phát triển mạnh theo các trục lộ chính trong vùng với sự chuyển dịch mạnh mẽ về ngành nghề trong khu vực nông thôn - Công nghiệp, TTCN và dịch vụ đối với vùng Đông Nam Bộ; Dân cư tập trung chủ yếu ven các tuyến đường thuỷ (sông rạch) và tuyến đường bộ, tạo thành chuỗi liên hoàn (tuyến - cụm) đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các hình thái dân cư chủ yếu trong vùng Đông Nam Bộ là điểm dân cư trang trại nuôi, trồng cá, hoa, cây cảnh, du lịch sinh thái, dân cư trang trại trồng cây công nghiệp, dân cư cụm công nghiệp; Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long là dân cư vùng ngập sâu, dân cư vùng ngập vừa và nông, dân cư miệt vườn, dân cư phân bố theo kênh rạch, dân cư dân tộc Khơ Me.
Các tác động thiên tai chủ yếu trong vùng: Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long là ngập lụt định kỳ...
Phần II. Đề xuất các mô hình QHXD nông thôn mới
2.1. Căn cứ đề xuất
- Nghị quyết Trung ương, Nghị định Chính phủ, Quyết định, Thông tư và các văn bản liên quan đến nông thôn mới.
- Tiêu chí về nông thôn mới do Chính phủ ban hành (Quyết định số 491/QĐ-TTg)
- Thực trạng điều kiện tự nhiên và các yếu tố văn hóa, xã hội.
- Thực trạng phát triển KT-XH và kết cấu hạ tầng.
- Bản sắc văn hoá và phong tục tập quán sinh sống các vùng miền.
2.2. Các tiêu chí đề xuất
- Đảm bảo phát triển kinh tế phù hợp và khai thác ưu thế riêng của địa phương.
- Đảm bảo về điều kiện sống, nhu cầu xã hội: y tế, giáo dục, văn hoá, thể thao...
- Cơ sở hạ tầng phát triển bền vững đáp ứng các nhu cầu tối thiểu và tính đến các giai đoạn tiếp theo sau 20 năm và tầm nhìn sau 50 năm.
- Phải phù hợp điều kiện tự nhiên, địa hình, có tính chất khả thi.
- Giữ gìn bảo tồn được bản sắc tập quán văn hoá của địa phương.
- Định cư bền vững và phòng chống hiệu quả và giảm nhẹ tác động thiên tai.
2.3. Nội dung đề xuất nghiên cứu mô hình QHXD nông thôn mới
Nội dung đề xuất nghiên cứu mô hình QHXD nông thôn mới được xây dựng cho khoảng 26 mô hình cụ thể đặc trưng cho 06 vùng miền cả nước. Mỗi mô hình sẽ đáp ứng được các yêu cầu sau:
2.3.1. Yêu cầu chung
* Đảm bảo cung cấp đầy đủ cơ sở hạ tầng xã hội phù hợp với từng vùng miền
* Có giải pháp tốt về cơ sở hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp nước, cấp điện, thoát nước và VSMT) phù hợp với từng vùng miền và theo hướng giảm dần sự cách biệt với khu vực đô thị.
* Đảm bảo yêu cầu về môi trường điểm dân cư.
* Phát triển không gian kiến trúc (nhà ở, cảnh quan,...) phù hợp với từng vùng miền theo hướng xây dựng nông thôn mới.
* Đảm bảo ổn định cuộc sống người dân (khắc phục thiên tai, ..).
* Giữ gìn bảo vệ di sản và phát huy các giá trị văn hoá vật thể...
2.3.2. Yêu cầu riêng
2.3.2.1. Vùng núi phía Bắc (Miền núi phía Bắc và Trung du Bắc Bộ)
* Các yêu cầu chủ yếu cụ thể như sau:
- Hình thành trung tâm cụm xã, các điểm dân cư tập trung có quy mô, có điều kiện phát triển TTCN, dịch vụ làm điểm tựa thúc đẩy vùng phát triển.
- Tăng điều kiện cơ sở hạ tầng cho thúc đẩy sản xuất hàng hóa kinh tế vườn đồi và điều kiện sống của người dân (hạ tầng điểm dân cư và dịch vụ công cộng).
- Tạo điều kiện quản lý và phát triển môi trường rừng.
- Giữ gìn và phát huy bản sắc không gian, kiến trúc dân tộc truyền thống (Mường, Thái, H’Mông, Tày, Nùng,...).
- Các giải pháp hữu hiệu trong việc giảm nhẹ thiên tai cho điểm dân cư, đặc biệt đối với khu vực bị lũ quét và sạt lở đồi núi.
- Làm cơ sở cho công tác xây dựng tái định cư và phát triển dân cư khu vực biên giới
* Đề xuất nghiên cứu 2 mô hình nông thôn điển hình gồm:
- Điểm dân cư trung tâm cụm xã: TT cụm xã Văn Mịch, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn.
Trung tâm cụm xã Văn Mịch, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn
- Điểm dân cư vườn đồi: Điểm dân cư Kép Hai, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
2.3.2.2. Vùng đồng bằng sông Hồng
* Các yêu cầu chủ yếu cụ thể như sau:
- Tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình đô thị hóa trong vùng.
- Tiết kiệm trong việc sử dụng đất đai.
- Tạo điều kiện phát triển mạnh sản xuất hàng hóa nông nghiệp công nghệ cao.
- Tăng điều kiện hạ tầng điểm dân cư nhằm nâng cao điều kiện sống người dân nông thôn tiến gần điều kiện sống đô thị.
- Kết hợp tốt giữa phát triển không gian kiến trúc mới với giữ gìn và phát huy bản sắc không gian, kiến trúc làng truyền thống Bắc Bộ.
- Giải pháp tốt trong việc cải tạo không gian kiến trúc các thôn, xóm cũ.
- Giải pháp hợp lý trong phát triển điểm dân cư ven quốc lộ tránh ảnh hưởng đến giao thông và tăng điều kiện phục vụ công cộng.
- Các giải pháp hữu hiệu trong việc giảm nhẹ thiên tai cho điểm dân cư, đặc biệt đối với khu vực ngập lụt, sạt lở sông.
* Đề xuất nghiên cứu 4 mô hình nông thôn điển hình gồm:
- Điểm dân cư nông thôn ven đô kết hợp trung tâm xã: XÃ Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.
- Điểm dân cư làng nghề truyền thống: XÃ Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.
- Điểm dân cư ven quốc lộ: XÃ Dị Sử, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
- Điểm dân cư khu vực ngập lụt do mưa bão và khu vực sạt lở sông:
Xã Hiệp Cát, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương
Xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội
Xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội
2.3.2.3. Vùng miền Trung (Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ)
* Các yêu cầu chủ yếu cụ thể như sau:
- Tạo điều kiện phát triển mạnh sản xuất hàng hóa nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, làm muối
- Tăng điều kiện môi trường các làng nghề, làng chài ven biển.
- Giữ gìn và phát huy bản sắc không gian, kiến trúc dân tộc Chăm.
- Tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình đô thị hóa trong vùng.
- Tăng điều kiện hạ tầng điểm dân cư nhằm nâng cao điều kiện sống người dân nông thôn tiến gần điều kiện sống đô thị.
- Các giải pháp hữu hiệu trong việc giảm nhẹ thiên tai cho điểm dân cư, đặc biệt đối với khu vực bị ngập lụt, sạt lở sông, biển
* Đề xuất nghiên cứu 3 mô hình nông thôn điển hình gồm:
- Điểm dân cư nuôi trồng thuỷ sản: XÃ Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.
- Điểm dân cư làng chài: xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
- Điểm dân cư vùng ngập lụt: xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam
2.3.2.4. Vùng Tây Nguyên
* Các yêu cầu chủ yếu cụ thể như sau:
- Tạo điều kiện phát triển mạnh sản xuất hàng hóa vùng cây công nghiệp với mô hình trang trại (cà phê, cao su, tiêu, điều,...).
- Tạo điều kiện quản lý và phát triển môi trường rừng.
- Giữ gìn và phát huy bản sắc không gian, kiến trúc dân tộc truyền thống (BaNar, ÊĐê, J’Rai).
- Các giải pháp hữu hiệu trong việc giảm nhẹ thiên tai cho điểm dân cư, đặc biệt đối với khu vực bị lũ ống.
* Đề xuất nghiên cứu 3 mô hình nông thôn điển hình gồm:
- Điểm dân cư vùng cây công nghiệp: XÃ EaHồ, huyện K’RôngNăng, tỉnh Đắk Lắk.
- Điểm dân cư dân tộc (Êđê, Banar, J’Rai): Làng Plei Kép, phường Thống Nhất, TP Plei Ku, tỉnh Gia Lai (dân tộc J’Rai).
- Điểm dân cư khu vực biên giới: XÃ EaBung, huyện EaSoup, tỉnh Đăk Lăk.
- Làng Plei Kép, phường Thống Nhất, TP Plei Ku, tỉnh Gia Lai (dân tộc JaRai)
- Xã EaBung, huyện EaSoup, tỉnh Đăk Lăk
2.3.2.5. Vùng Đông Nam Bộ
* Các yêu cầu chủ yếu cụ thể như sau:
- Tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình đô thị hóa trong vùng.
- Tạo điều kiện phát triển mạnh sản xuất hàng hóa dịch vụ đô thị với mô hình trang trại sản xuất hoa, cây, cá cảnh.
- Tăng điều kiện dịch vụ và môi trường trong phát triển công nghiệp, TTCN gắn với điểm dân cư.
- Tăng điều kiện hạ tầng điểm dân cư nhằm nâng cao điều kiện sống người dân nông thôn tiến gần điều kiện sống đô thị.
* Đề xuất nghiên cứu 1 mô hình nông thôn điển hình gồm:
- Điểm dân cư ven đô trang trại sản xuất cá, hoa, cây cảnh, du lịch sinh thái: XÃ Trung An, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.
2.3.2.6. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long
* Các yêu cầu chủ yếu cụ thể như sau:
- Các giải pháp phát triển điểm dân cư với điều kiện tự nhiên kênh rạch trong vùng.
- Các giải pháp phát triển điểm dân cư với mô hình điểm dân cư vượt lũ.
- Giữ gìn và phát huy bản sắc không gian, kiến trúc dân tộc Khơ Me
- Tạo điều kiện phát triển mạnh sản xuất hàng hóa, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản công nghệ cao.
- Tăng điều kiện môi trường các làng chài ven biển.
- Tăng điều kiện hạ tầng điểm dân cư nhằm nâng cao điều kiện sống người dân nông thôn tiến gần điều kiện sống đô thị.
- Các giải pháp hữu hiệu trong việc giảm nhẹ thiên tai cho điểm dân cư, đặc biệt đối với khu vực bị ngập lụt.
* Đề xuất nghiên cứu 3 mô hình nông thôn điển hình gồm:
- Điểm dân cư vượt lũ (ngập sâu, ngập trung bình, ngập nông): Xã Bình Thạnh, huyện Tam Kỳ, tỉnh Đồng Tháp.
- Điểm dân cư phân bố theo kênh rạch: Cụm dân cư xã Định Hoà, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang
- Điểm dân cư dân tộc Khơ Me
- Xã Bình Thạnh, huyện Tam Kỳ, tỉnh Đồng Tháp
2.4. Lập QHXD thí điểm xây dựng theo mô hình QHXD nông thôn mới
Thực hiện nghiên cứu lập QHXD thí điểm đáp ứng các yêu cầu trong đề xuất nghiên cứu mô hình QHXD nông thôn mới đặc biệt tập trung quy hoạch xây dựng các xã có mô hình đặc trưng phù hợp với các vùng miền để triển khai nhân rộng được thực hiện theo các vùng miền. Tổng số xã lập QHXD thí điểm 16 xã, cụ thể như sau:
- Vùng Núi phía Bắc: 2 xã (1 xã có trung tâm cụm xã tiêu biểu; 1 xã sản xuất canh tác vườn đồi).
- Vùng Đồng bằng sông Hồng: 4 xã (1 xã ven đô; 1 xã có làng nghề và làng truyền thống; 1 xã thuần nông có đường quốc lộ chạy qua; 1 xã bị ảnh hưởng lớn về ngập lụt và sạt lở sông).
- Vùng miền Trung: 3 xã (1 xã ven biển đánh bắt hải sản (làng chài) và bị ảnh hưởng sạt lở biển; 1 xã nuôi trồng thuỷ sản tiêu biểu; 1 xã vùng ngập lụt).
- Vùng Tây Nguyên: 3 xã (1 xã vùng cây công nghiệp cà phê và cao su; 1 xã dân tộc ÊĐê; 1 xã biên giới gắn với tái định cư).
- Vùng Đông Nam Bộ: 1 xã (xã ven đô sản xuất cá, hoa, cây cảnh, du lịch sinh thái).
- Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: 3 xã (1 xã vùng ngập với mức ngập sâu và trung bình; 1 xã với mạng lưới kênh rạch điển hình thuộc vùng ngập nông; 1 xã dân tộc Khơ Me).
Việc lập QHXD thí điểm có sự kết hợp với “Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH”.
2.5. Xây dựng các hướng dẫn cho công tác QHXD nông thôn mới
Xây dựng các nội dung hướng dẫn QHXD nông thôn (dưới dạng sổ tay) cho 6 vùng miền (Vùng Núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long) trên cơ sở mô hình QHXD nông thôn mới đặc trưng trong từng vùng miền. Nội dung các hướng dẫn về QHXD cải tạo và QHXD mới điểm dân cư nông thôn theo hướng xây dựng nông thôn mới bao gồm:
2.5.1. Về công tác nghiên cứu QHXD nông thôn mới
- Về công tác điều tra, đánh giá, thu thập số liệu hiện trạng
- Về công tác phân tích, dự báo phát triển của xã
- Về qui hoạch phân bố dân cư dân cư.
- Về qui hoạch hệ thống trung tâm .
- Về qui hoạch hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa, ...).
- Về qui hoạch, thiết kế nhà ở (tổ chức khu ở, lô đất ở, nhà ở).
- Về qui hoạch hạ tầng kỹ thuật và môi trường (giao thông, cấp nước, cấp điện, thoát nước, thu gom CTR, nghĩa trang).
- Về qui hoạch các công trình sản xuất và phục vụ sản xuất trọng tâm.
- Về qui hoạch tôn tạo và chỉnh trang các khu dân cư cũ
- Về qui hoạch các khu dân cư mới
- Về qui hoạch bảo tồn, tôn tạo kiến trúc cảnh quan truyền thống
- Về qui hoạch khu dân cư để ứng phó với thiên tai
- Về các giải pháp kiến trúc công trình
2.5.2. Về các công tác khác có liên quan đến QHXD nông thôn mới
- Về tổ chức thực hiện các qui trình đơn giản, hiệu quả.
- Về xây dựng các văn bản, qui định qui chế (hương ước) trong khu dân cư nông thôn để quản lý xây dựng theo qui hoạch.
- Về các vấn đề khác liên quan (nếu có).
Trung tâm Quy hoạch phát triển nông thôn