Nghiên cứu ứng dụng Kiến trúc xanh cho nhà ở Việt Nam (Đề tài khoa học công nghệ theo nghị định thư Việt Nam – Trung Quốc)

Ông cha ta đã xử lý kiến trúc truyền thống từ chọn hướng xây dựng ngôi nhà ở, bố cục và tổ chức không gian khuôn viên đến lựa chọn vật liệu xây dựng, đào ao hồ, trồng cây xanh.... phù hợp với điều kiện tự nhiên. Có thể xem kiến trúc dân gian truyền thống là kiến trúc xanh.

1. Sự cần thiết của đề tài:

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, phải đối mặt với nhiều vấn đề môi trường trong bối cảnh đô thị hoá, công nghiệp hoá mạnh mẽ. đặc biệt hơn, Việt Nam lại là một trong những nước phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu. Không gian sống của người dân đang từ ngày chịu những tác động tiêu cực từ khí hậu, hoạt động sản xuất, phát triển đô thị... cũng như từ sức ép của sự khan hiếm tài nguyên, tăng giá thành vật liệu, năng lượng. Chính vì vậy, vấn đề ứng dụng các nguyên tắc của kiến trúc xanh vào thực tế xây dựng là hết sức cấp thiết.

2. Phạm vi nghiên cứu và mục tiêu của đề tài:

Phạm vi nghiên cứu của đề tài giới hạn trong lĩnh vực kiến trúc xanh cho công trình nhà ở, bao gồm các thể loại nhà ở từ thấp tầng đến cao tầng, nhà ở riêng lẻ đến nhà chung cư.

Mục tiêu thứ nhất của đề tài là nghiên cứu khả năng ứng dụng những kiến thức, kinh nghiệm về kiến trúc xanh của Trung Quốc vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Mục tiêu thứ hai của đề tài là xây dựng một tài liệu hướng dẫn bước đầu cho quản lý, thiết kế, xây dựng, vận hành công trình nhà ở theo hướng kiến trúc xanh tại Việt Nam có tên gọi là “ Sổ tay kiến trúc xanh cho nhà ở Việt Nam”. 

3. Cơ sở pháp lý của đề tài:

- Nhiệm vụ hợp tác quốc tế theo Nghị định thư năm 2008-2009 giữa Việt Nam với Trung Quốc ban hành trong danh mục của Quyết định số 355/QĐ-BKHCN, ngày 10 tháng 3 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ.

- Hợp đồng số 30/2008/HĐ-NĐT giữa liên bộ Khoa học Công nghệ - Bộ Xây dựng với Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn.

4. Phương pháp nghiên cứu, điều tra khảo sát:

Đề tài sử dụng phương pháp điều tra khảo sát thực tế và phương pháp chuyên gia, phương pháp tổng hợp cơ sở dữ liệu để thu thập, xử lý số liệu, và triển khai nghiên cứu.

Với phương pháp điều tra, khảo sát thực tế, nhóm tác giả đề tài đã tiến hành các đợt tham quan, khảo sát, ghi chép tại hiện trường ở trong và ngoài nước.Trong khuôn khổ chương trình hợp tác theo nghị đinh thư nhóm thực hiện đề tài đã đã khảo sát những công trình kiến trúc xanh đã xây dựng tại Trung Quốc, đồng thời tìm hiểu quy trình, phương pháp thiết kế, quản lý xây dựng... công trình xanh tại Viện tiêu chuẩn Bắc Kinh, Viện nghiên cứu phát triển chiến lược kỹ thuật khoa học Trung Quốc trong năm 2008.

Tại Việt Nam, do tại thời điểm nghiên cứu chưa có các công trình kiến trúc xanh được xếp hạng nên nhóm thực hiện đã tiến hành các khảo sát tại những công trình có giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong 2 năm 2008-2009.

Với phương pháp chuyên gia, nhóm nghiên cứu thực hiện 3 nội dung:

- Phỏng vấn các chuyên gia (gồm chuyên gia tư vấn, nhà quản lý...) để thu thập số liệu.

- Lấy ý kiến chuyên gia về các nội dung của đề tài qua nhận xét văn bản đề cương, bản thảo báo cáo tổng hợp, sổ tay (là sản phẩm của đề tài) và qua hội thảo chuyên môn tổ chức năm 2009.

- Mời các chuyên gia thuộc lĩnh vực kiến trúc xanh, phát triển bền vững, môi trường và các ngành liên quan thực hiện các chuyên đề phục vụ nội dung của đề tài.

Với phương pháp tổng hợp cơ sở dữ liệu, nhóm nghiên cứu đã kết hợp những kết quả khảo sát thực tế, các nghiên cứu tại Việt Nam với các nội dung có thể tiếp thu ứng dụng, chuyển đổi từ tiêu chuẩn, quy phạm, tài liệu hướng dẫn về kiến trúc xanh của Trung Quốc, Đài Loan để xây dựng một phần nội dung đề tài.

 

Cơ quan chủ trì đề tài:

          Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn

Chủ nhiệm đề tài:      

          ThS. Phạm Thuý Hiền

 

 

 

(Nguồn:VIUP)

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website