I. Sự cần thiết phải nghiên cứu
Di cư lao động tự phát từ nông thôn vào các đô thị lớn là hiện tượng hết sức mới mẻ ở Việt Nam, xuất hiện từ sau những năm Đổi mới khi cơ cấu kinh tế - xã hội bắt đầu thay đổi từ tự cung, tự cấp; tập trung bao cấp sang nền kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần với nhiều hình thức sở hữu, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Cùng với sự phát triển về kinh tế, công nghiệp hóa và đô thị hoá làm cho diện tích đất canh tác giảm đi, người nông dân không đủ việc làm, giá trị lao động nông nghiệp thấp, có sự chênh lệch cao giữa lao động và thu nhập ở thành phố so với nông thôn và việc xoá bỏ quản lý hộ khẩu ở thành phố là những nguyên nhân chính làm cho nông dân thiếu việc làm và gây ra hiện tượng di dân lao động từ nông thôn vào đô thị. Trong số đó có tới trên 50% là lao động nữ.
Xuất phát có trình độ thấp do không được đào tạo, hầu hết các đối tượng nữ nông thôn lên thành phố kiếm việc đều gia nhập đội ngũ lao động tự do. Họ làm đủ mọi việc để nuôi bản thân và có tiền dành dụm gửi về nhà nuôi cả gia đình: bố mẹ già, các con ăn học... Họ cũng góp sức lao động cho sự phát triển chung của đô thị theo cách của mình.
Tuy nhiên, sự có mặt của họ cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến bộ mặt và cấu trúc đô thị theo hướng tiêu cực. Các đô thị Việt Nam vốn đã quá tải do hạ tầng cũ không đáp ứng được trước sự gia tăng dân số quá nhanh nên không còn đủ diện tích ở tối thiểu nữa. Hàng vạn người chưa có nhà ở hoặc sống tạm bợ trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn. Người nhập cư từ nông thôn lên vô hình chung làm vấn đề nhà ở ngày càng trở nên quá tải.
Hiện nay ở Việt Nam đã có nhiều chính sách và nghiên cứu về hỗ trợ nhà ở cho nhóm đối tượng khó khăn tại các đô thị. Trong đó, dưới tên gọi nhà ở xã hội, chương trình trợ giúp chỗ ở với quy mô Chính phủ đã được tiến hành trên khắp cả nước. Đối tượng của chương trình Nhà ở xã hội nhằm vào tầng lớp thu nhập thấp ở thành phố khó có khả năng tự lo nhà ở: cán bộ công nhân viên chức thu nhập thấp, người có công, sinh viên, công nhân các khu chế xuất và người nghèo đô thị. Lao động tự do ngoaị tỉnh hiện đang nằm ngoài nhóm trợ giúp trên, trong khi bản thân họ là nhóm thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất trong môi trường đô thị. Nữ lao động lại càng chịu thiệt thòi hơn, vì họ có khả năng gặp nhiều rủi ro hơn (sức khỏe không bằng nam giới, sự nguy hiểm nhiều phía khi ở trọ xa nhà, sự thiếu thốn trong tình cảm, và trách nhiệm nặng nề khi phải lo lắng cho cả gia đình và những đứa con dù ở lại quê hay theo họ lên thành phố...).
Vì vậy tạo việc làm cho lao động nữ là biện pháp trung tâm của mọi quốc gia, nó cho phép không chỉ giải quyết các vấn đề kinh tế mà cả các vấn đề xã hội. Ở Việt Nam – một nước nghèo, đất chật người đông, đa số lao động nữ chưa qua đào tạo, và chủ yếu là lao động nông nghiệp trong giai đoạn công nghiệp hóa – hiện đại hóa, lao động nữ thường bị coi là đối tượng “yếu thế” vì chức năng kép: vừa sản xuất ra của cải vật chất, tinh thần vừa phải tái sản xuất dân số. Do vậy, việc nghiên cứu các chính sách hỗ trợ thích hợp để người lao động nữ di cư có những đóng góp tích cực cho cả nơi đi và nơi đến, bảo đảm hài hòa cân đối phát triển nguồn nhân lực và giải quyết các vấn đề xã hội đang là những vấn đề cấp thiết đặt ra.
Đề tài “Chính sách quản lý nhà ở xã hội cho thuê tại các đô thị Việt Nam cho lao động nữ tự do di cư nông thôn – đô thị" thực sự là cần thiết, nhằm đảm bảo nhu cầu ở của đối tượng cũng như tạo nên một môi trường đô thị nhân văn và phát triển bền vững.
Kết quả của đề tài có thể ứng dụng một phần vào công tác hoạch định chính sách Trung ương và các địa phương về Nhà ở xã hội, công tác quản lý kiểm soát phát triển đô thị nói chung và phát triển nhà ở đô thị nói riêng.
Đề tài nghiên cứu nằm trong các mục tiêu Thiên niên kỷ với các hạng mục rất quan trọng như sau:
- Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói (Mục tiêu 1).
- Tăng cường bình đẳng giới và nâng cao năng lực, vị thế cho phụ nữ (Mục tiêu 3).
Đồng thời, vấn đề của đề tài cũng nằm trong lĩnh vực ưu tiên chiến lược của Việt Nam, đó là Giới tại Việt Nam (lĩnh vực 5) đồng thời cũng liên quan đến lĩnh vực 6: Phát triển bền vững/môi trường/biến đổi khí hậu.
II. Mục đích nghiên cứu
1. Mục đích tổng quát
- Góp phần tham gia vào chương trình Nhà ở xã hội của Chính phủ Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, vừa tập trung giải quyết một vấn đề xã hội là góp phần tạo chỗ ở cho những tầng lớp dân cư thu nhập thấp đang cần sự hỗ trợ đặc biệt.
2. Mục đích cụ thể
- Góp phần trợ giúp về mặt kiến tạo chính sách ở cho đối tượng lao động nữ tự do từ nông thôn lên thành phố kiếm sống hiện đang rất phổ biến và là đối tượng dễ bị chịu tổn thương, rủi ro và thiệt thòi.
III. Đối tượng, phạm vi và giới hạn nghiên cứu
1. Đối tượng nghiên cứu
Nơi cư trú tại đô thị của lao động nữ tự do từ nông thôn lên thành phố kiếm sống thuê để ở. "Lao động nữ tự do" ở đây được hiểu là các đối tượng là nữ, lên thành phố làm việc trong lĩnh vực kinh tế tự do, không cần trình độ và không qua đào tạo, và thường không có hợp đồng lao động dài hạn mang tính pháp lý ràng buộc.
Cần phân biệt họ với các đối tượng di dân nữ khác cũng thuê nhà ở thành phố: 1/ Sinh viên lên Thành phố học Đại học, Cao đẳng; 2/Công nhân (có tay nghề) lên làm việc tại các nhà máy, các khu chế xuất có hợp đồng lao động hợp pháp; 3/ Cán bộ viên chức chuyển ra thành phố công tác. Tất cả các đối tượng trên đều nằm trong diện trợ giúp về Nhà ở xã hội của Chính phủ hiện nay, trong khi lao động nữ tự do thì không.
2. Phạm vi và giới hạn nghiên cứu
Địa bàn nghiên cứu là các đô thị Việt Nam, đặc biệt là các đô thị loại đặc biệt, loại 1 và loại 2 theo quy định của Chính phủ - vốn là nơi thu hút đông đảo nguồn lực lao động tự do từ nông thôn.
IV. Các phương pháp nghiên cứu chính
1. Phương pháp tổng hợp và phân tích hệ thống
- Là phương pháp cơ bản được sử dụng phổ biến trong hầu hết các công trình nghiên cứu khoa học. Phương pháp này được sử dụng đặc biệt có hiệu quả trong nghiên cứu xã hội, chính sách, quy hoạch và kiến trúc. Vì vậy trong nghiên cứu đây là phương pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đề tài.
2. Phương pháp điều tra và quan sát thực địa
- Có mục đích cơ bản là thống kê, kiểm tra chỉnh lý và bổ sung những tư liệu về tình hình nhà ở cho thuê tại các đô thị Việt Nam cho đối tượng nữ lao động tự do. Điều tra được thể hiện qua bảng biểu, sơ đồ, ảnh chụp, file ghi âm và các số liệu phân tích.
3. Phương pháp điều tra xã hội học
- Nhằm thu thập thông tin làm sáng rõ những vấn đề về đối tượng, nhu cầu,… trong công tác quản lý nhà ở xã hội cho đối tượng lao động nữ tự do thuê nhà.
- Đối tượng điều tra: Chính quyền các cấp từ UBND các tỉnh thành đến tổ dân phố, đơn vị tư vấn thiết kế, người thuê nhà, người có nhu cầu thuê, cộng đồng dân cư địa phương.
4. Phương pháp thống kê
Nghiên cứu mặt định lượng trong mối quan hệ chặt chẽ với mặt chất của các hiện tượng và quá trình, đối chiếu biến động, phát triển trong vấn đề nhà ở xã hội cho thuê
5. Phương pháp dự báo
Trước tiến trình phát triển thực tế của nhóm đối tượng nghiên cứu, đưa ra dự báo về về cơ cấu, mức độ, đối tượng và những xu hướng phát triển mô hình nhà ở xã hội cho thuê trong từng thời kỳ của các thành phố ở Việt Nam.
6. Phân tích các tài liệu thứ cấp
Song song với việc điểu tra trực tiếp, việc phân tích các tài liệu thứ cấp: các đề tài, báo cáo, nghiên cứu, số liệu thống kê đã xuất bản và thực hiện liên quan để tham khảo và sử dụng trong quá trình nghiên cứu.
7. Phương pháp chuyên gia
Phỏng vấn chuyên gia những lĩnh vực có liên quan về mặt chính sách quản lý nhà ở cho đối tượng nghiên cứu.
Bộ công cụ nghiên cứu bao gồm phỏng vấn sâu, quan sát và các cuộc tư vấn chuyên gia.
V. Kết quả nghiên cứu
1. Phần mở đầu
2. Phần 1: Hiện trạng cư trú của các đối tượng lao động tự do nữ di dân từ nông thôn lên đô thị kiếm sống
3. Phần 2: Xác định các yếu tố ảnh hưởng tác động đến việc cư trú và đề xuất các giải pháp quản lý nhà ở xã hội cho thuê cho đối tượng lao động tự do nữ di dân từ nông thôn lên đô thị kiếm sống
4. Phần Kết luận - Kiến nghị
5. Phụ lục
VI. Tóm tắt đề tài
PHẦN MỞ ĐẦU
I. Sự cần thiết phải nghiên cứu
II. Mục đích nghiên cứu
III. Đối tượng, phạm vi và giới hạn nghiên cứu
IV. Các phương pháp nghiên cứu chính
V. Kết quả nghiên cứu
PHẦN 1: Hiện trạng cư trú của các đối tượng lao động tự do nữ di dân từ nông thôn lên đô thị kiếm sống dưới ảnh hưởng đô thị hóa
I. Bối cảnh chung của các đô thị Việt Nam - Lý do lựa chọn địa điểm khảo sát
1. Bối cảnh chung của các đô thị Việt Nam với vấn đề di dân tự do và nhà ở đô thị
2. Bối cảnh của 2 địa điểm được chọn khảo sát: TP. Hà Nội và TP. Đà Nẵng
II. Các nghiên cứu liên quan đã thực hiện và so sánh
III. Hiện trạng cư trú của đối tượng lao động tự do nữ di dân từ nông thôn lên thành phố tại Đà Nẵng
1. Các thể chế và chính sách liên quan
2. Phân loại đối tượng và các khu nhà ở cho thuê của họ
3. Hiện trạng khu ở cho đối tượng lao động tự do thuê theo ngày
4. Hiện trạng khu ở cho đối tượng lao động tự do thuê dài hạn
5. Hiện trạng các khu ở miễn phí
6. Đánh giá chung về tình hình nhà ở cho thuê dành cho lao động nữ ngoại tỉnh trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng
IV. Hiện trạng cư trú của đối tượng lao động tự do nữ di dân từ nông thôn lên thành phố tại Hà Nội
1. Các thể chế và chính sách liên quan
2. Phân loại đối tượng và các khu nhà ở cho thuê
3. Hiện trạng khu ở kiểu gia đình hoặc một nhóm nhỏ thuê cùng một căn hộ
4. Hiện trạng khu nhà trọ thuê ở tập thể
5. Hiện trạng nơi ở của lao động sống ngay tại nơi làm việc
6. Hiện trạng môi trường ở và khả năng tiếp cận dịch vụ công cộng
7. Đánh giá chung về tình hình thuê nhà của đối tượng trên địa bàn Hà Nội
V. Đánh giá chung về hiện trạng cư trú của đối tượng tại các đô thị Việt Nam - Những vấn đề tồn tại cần giải quyết
1. Các vấn đề tồn tại về hiện trạng cư trú của đối tượng
2. So sánh về mô hình nhà ở cho đối tượng tại Hà Nội và Đà Nẵng
PHẦN 2: Xác định các yếu tố ảnh hưởng tác động đến việc cư trú và đề xuất các giải pháp quản lý nhà ở xã hội cho thuê cho đối tượng lao động tự do nữ di dân từ nông thôn lên đô thị kiếm sống
I. Kinh nghiệm của nước ngoài trong các chính sách về nhà ở xã hội
II. Những yếu tố ảnh hưởng đến việc cư trú của đối tượng
1. Các chính sách ban hành
2. Quan điểm và cách hành xử của chính quyền
3. Cơ cấu đô thị và các định hướng phát triển kinh tế xã hội, định hướng quy hoạch xây dựng, định hướng phát triển vật liệu và công nghệ xây dựng
4. Cách thức chọn lựa chỗ ở của đối tượng
5. Tâm lý và những khó khăn của đối tượng
6. Các nguyên tắc khi hoạch định chính sách cho nhà ở của đối tượng
III. Các giải pháp về chính sách nhà ở xã hội cho thuê cho đối tượng lao động nữ tự do từ nông thôn lên Thành phố
1. Chế tài trong chính sách nhà ở xã hội
2. Chính sách tài chính nhà ở
3. Chính sách Quy hoạch xây dựng đô thị
4. Quy định về kiến trúc và loại hình từng căn hộ ở/nhà ở
5. Các giải pháp quản lý quỹ NƠXH
6. Các giải pháp chính sách về lao động - việc làm nông thôn
Kết luận và kiến nghị
Danh mục các tài liệu tham khảo
Phụ lục
Danh sách các cán bộ tham gia nghiên cứu
Bảng hỏi phỏng vấn
Chủ nhiệm đề tài: ThS.KTS. Lê Thị Thúy Hà