Góc nhìn đô thị Việt Nam qua 10 năm phát triển

TS. Michael Waibel

Khoa Địa lý nhân văn, Đại học Hamburg, CH Liên Bang Đức

 

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ  tại khu vực đô thị. Điều này không chỉ gắn liền với toàn cầu hóa và hiện đại hóa cảnh quan đô thị mà còn với các vấn đề tắc nghẽn và ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng.

Nội dung sau đây dựa trên sự quan sát của tác giả về phát triển đô thị tại Việt Nam trong 20 năm qua, đặc biệt những hình ảnh thể hiện sự thay đổi theo thời gian. Những hình ảnh này là trích đoạn của một bộ ba cuốn sách ảnh minh họa cho sự phát triển đô thị của thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

THỦ ĐÔ HÀ NỘI

Hà Nội chắc chắn là một trong những đô thị đẹp nhất Đông Nam Á và là cái nôi của nền văn minh đô thị của Việt Nam. Thủ đô Hà Nội có truyền thống, văn hóa và di sản kiến trúc nổi bật. Sự ảnh hưởng đa dạng từ các giai đoạn lịch sử khác nhau đã tạo thành sự giao thoa đầy cảm hứng của kiến trúc nơi đây: di tích của sự hùng vĩ trang nghiêm từ các triều đại; sự xa hoa và những đại lộ rợp bóng cây từ thời thuộc địa Pháp; biệt thự nổi tiếng trong khu vườn yên tĩnh; những ngôi chùa yên bình; vô số các tòa nhà từ đỉnh cao của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa; và các tòa mới nổi từ nền kinh tế tư nhân và kết quả của sự Đổi mới. Hà Nội có truyền thống, văn hóa và di sản kiến trúc nổi bật. Rõ ràng Hà Nội đã được định nghĩa như một trái tim khiến tôi thương nhớ so với nhiều thành phố khác trong khu vực. Theo ý kiến của tôi, trung tâm của Hà Nội là hồ Hoàn Kiếm với Tháp Rùa, bao gồm khu vực công viên xung quanh, đó cũng là mối liên kết giữa Khu phố cổ và Khu phố thuộc địa Pháp. Quảng trường Ba Đình với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà Quốc hội và Phủ Chủ tịch là trung tâm của cả nước nhưng trái tim của thành phố Hà Nội lại chính là hồ Hoàn Kiếm

So với TP.HCM, đường chân trời của trung tâm thành phố Hà Nội vẫn còn khá khiêm tốn. May mắn thay, sự xuất hiện của các tòa nhà cao tầng ngày càng gia tăng chủ yếu ở vùng ngoại ô của thành phố (xem hình 2a, 2b). Sự quyến rũ của trung tâm lịch sử chỉ có thể được bảo tồn nếu Hà Nội theo mô hình của Paris, nơi các tòa nhà cao tầng đã bị khước từ ở trung tâm thành phố trong suốt 50 năm qua.

Trong những năm gần đây, Hà Nội đã chứng kiến nhiều thay đổi đáng kể. Các tòa nhà cổ trong trung tâm thành phố bắt đầu xuống cấp, theo đó là sự phát triển các tòa nhà cao tầng. Ví dụ, trong trường hợp của khu phố cổ nổi tiếng thế giới, điều này phá hủy phần lớn những ngôi nhà ống truyền thống. Những ngôi nhà này thường có cấu trúc cũ hơn, khi chưa bị phá hủy, đều được cơi nới, sửa chữa và không được duy tu, cải tạo. Nhìn chung, Hà Nội đã chứng kiến một sự mất mát lớn về di sản kiến trúc trong quá trình đô thị hóa. Có rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, nhưng ít nhất trung tâm thành phố vẫn là một khu vực phức hợp với phần lớn là cấu trúc quy mô nhỏ, và sự sống động bên trong vẫn được lưu giữ. Khách du lịch đến thăm Hà Nội, với số lượng ngày càng tăng, thường đến để tận hưởng những điểm đặc trưng này. Dĩ nhiên, khu Phố Cổ không nên biến thành một phần bảo tàng trì trệ nhưng những ngôi nhà cổ có giá trị cần được bảo tồn bằng cách tư vấn và hỗ trợ kinh tế cho các chủ nhà để cải tạo, bảo tồn một cách chính thống.

Một đặc điểm nổi bật khác trong quá trình phát triển đô thị gần đây là sự mở rộng không gian đô thị, đặc biệt là ở phía Nam và phía Tây của thành phố (xem hình 3a, 3b). Nhiều khu đô thị mới được quy hoạch toàn diện đã được xây dựng trong 15 năm qua. Ban đầu hầu hết được thực hiện bởi các công ty nhà nước như Vinaconex (ví dụ: Khu đô thị mới Trung Hoà - Nhân Chính, xem hình 4a, 4b) hoặc HUD; gần đây hơn là các công ty tư nhân Việt Nam như Bitexco hoặc VinGroup - hoặc thậm chí là các công ty quốc tế như Ciputra từ Indonesia hay Posco từ Hàn Quốc.

Các dự án phát triển khác cũng ảnh hưởng đến thành phố như triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn, như xây dựng hệ thống đường vành đai mới (xem hình 5a, 5b), cầu mới bắc qua sông Hồng, cầu vượt, đường đi bộ dọc ven hồ Tây bao gồm một dải màu xanh lá cây rất nổi tiếng và hệ thống giao thông công cộng dần dần được xây dựng. Tuy nhiên, cũng giống như ở các nước khác, nhiều dự án cơ sở hạ tầng đang phải gánh chịu chi phí và chậm trễ tiến độ nghiêm trọng. Trong số đó là các chi phí quá lớn để giải phóng mặt bằng và các khoản tiền đền bù cho những người bị ảnh hưởng.

Một biện pháp rất rõ ràng của chính quyền thành phố Hà Nội là tạo ra một khu vực tạm thời dành cho người đi bộ xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, trái tim của thành phố. Kể từ tháng 9/2016, các con phố chuyển thành khu vực sôi động dành cho người đi bộ vào cuối tuần. Hành động này rất thành công và được người dân đô thị đón nhận tích cực, số lượng khách du lịch trong và ngoài nước ngày càng tăng. Điều này thể hiện rõ nhu cầu rất lớn của người dân về không gian công cộng. Mô hình này cũng tương tự như việc chuyển đổi đường Nguyễn Huệ thành khu vực dành cho người đi bộ tại TP.HCM vào năm 2015.

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Trung tâm kinh tế phía Nam của TP.HCM đã có sự phát triển và thay đổi đáng kể.

Từ quan điểm của tác giả, có 03 sự thay đổi lớn đã được xác định:

Đầu tiên là đường chân trời hiện đại của đô thị thể hiện sự phát triển năng động kèm theo sự xuất hiện của các tòa nhà cao tầng mới được xây dựng bởi các công ty trong nước và quốc tế tọa lạc tại trung tâm thành phố (xem hình 6a, 6b). Trong số đó, nổi tiếng nhất chắc chắn sẽ là tòa nhà chọc trời cao nhất Việt Nam, Vincom Landmark 81 vừa hoàn thành với chiều cao 462 m và 81 tầng (xem hình 7b). Hiện nay, đây được coi là tòa nhà cao nhất trong toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Một tòa nhà chọc trời khác nổi bật với lá cờ Việt Nam tung bay là Tháp Tài chính Bitexco với hình dáng thu hút và bãi đáp trực thăng, ngoài ra Tháp Ngân hàng Vietcombank - thiết kế tinh tế gợi nhớ đến tòa nhà chọc trời Manhat- tan cổ điển. Các tòa nhà nổi tiếng khác bao gồm công trình xây dựng bằng thép kính màu xanh của Vincom Center khởi sắc hình cánh buồm trên đỉnh của mỗi tòa tháp đôi hoặc tòa nhà Times Square. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng sự phát triển của các tòa nhà cao tầng ở trung tâm thành phố xảy ra cùng thời điểm với việc phá hủy các tòa nhà thuộc địa Pháp, khiến TP.HCM mất di sản kiến trúc trong quá trình hiện đại hóa. Ví dụ, Vinhomes Golden River, một công trình ven dọc sông Sài Gòn đã được dựng lên trên khu vực bến cảng Ba Son cũ, bên cạnh đó là một dãy các tòa nhà kiến trúc “colonial” cổ điển theo phong cách Pháp (xem hình 7a) hoàn toàn phù hợp với mục đích chuyển đổi thành không gian văn hóa hỗn hợp và điểm du lịch sôi động giống như Bến Ngư Phủ (Fisherman’s Wharf) của San Francisco. Tuy nhiên, việc xây dựng tại địa điểm cảng Ba Son sẽ làm mất cơ hội đóng góp giá trị để bảo tồn truyền thống bến cảng, một phần quan trọng trong bản sắc đô thị của TP.HCM.

Một đặc điểm nổi bật thứ hai của sự phát triển đô thị gần đây là việc mở rộng không gian đô thị lớn cùng với việc xây dựng nhiều khu đô thị mới (xem hình 8a, 8b) và các khu thương mại. Quá trình này đã mở rộng qua các biên giới hành chính, đặc biệt là ở phía Tây và phía Đông của thành phố. Ví dụ nổi bật nhất về mở rộng không gian đô thị chắc chắn là Nam Sài Gòn, khu đô thị mới nổi bật nhất của Việt Nam ở phía nam quận 4 và quận 8. Hơn 500.000 người được dự kiến sẽ sống trong khu đô thị phức hợp này trong tương lai (xem hình 9a, 9b). Trong thập kỷ qua, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng được phát triển bởi một công ty liên doanh từ Đài Loan, đã có những bước tiến đáng kể. Một dự án quan trọng khác là dự án Thủ Thiêm, bao gồm sự phát triển của Khu Thương mại Trung tâm mới (CBD) trên bán đảo đối diện với khu vực quận 1 của thành phố. Đây là mô hình học hỏi từ khu đô thị Phố Đông nổi tiếng của Thượng Hải. Mục tiêu của khu đô thị Thủ Thiêm là loại bỏ áp lực phát triển từ thành phố cũ và xây dựng một khu đô thị đẳng cấp thế giới hiện đại, tập trung kinh doanh và khu trung tâm dân cư cao cấp, tạo thành đường chân trời nổi tiếng (xem hình 10). Như trường hợp của Nam Sài Gòn, các công ty phát triển - trong số đó có nhiều doanh nghiệp Việt Nam - cố gắng thu hút các tầng lớp trung lưu và thượng lưu đang nổi lên nhanh chóng. Sự phát triển của đường cao tốc Võ Văn Kiệt đã kết nối các địa điểm này với các tuyến giao thông đến trung tâm thành phố. Cư dân tại đây sẽ có lợi ích về kinh tế từ các khu Trung tâm Thương mại như thế này trong tương lai.

Một đặc điểm thứ ba là việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng lớn như việc xây dựng các đường cao tốc mới, cầu, đường bay và các tuyến tàu điện ngầm, ví dụ xây dựng đường quốc lộ Phạm Văn Đồng và đường cao tốc Võ Văn Kiệt. Sau đó, các dự án này được hỗ trợ bởi các tổ chức tài trợ của Nhật Bản, và đều có các hoạt động hỗ trợ nâng cấp và bảo trì của kênh rạch, tránh tình trạng ngập lụt (xem hình 11a, 11b; 12a, 12b). Để đạt được điều này, nhiều khu vực mặt đường dọc theo kênh rạch phải được phá bỏ (xem hình 13a, 13b). Kèm theo đó các không gian xanh sẽ được xây dựng tại cạnh đường bao quanh các kênh đào.

Một ví dụ điển hình khác là phố đi bộ Nguyễn Huệ ở quận 1 vào năm 2015 là thành công lớn và tạo nên một không gian công cộng sinh động, đặc biệt là sau khi mặt trời lặn. Thành phố cần nhiều hơn những không gian hấp dẫn như vậy để khơi dậy sự sống động vốn có của thành phố lớn như TP.HCM.

THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Thành phố biển Đà Nẵng đã trải qua nhiều sự đổi thay chỉ trong vòng 15 năm qua. Nơi đây đã thay

đổi từ một nền kinh tế kém phát triển thành một điểm đến du lịch phát triển bùng nổ đầy năng động.

Những hình ảnh này không chỉ minh họa cho sự phát triển của một đường chân trời hiện đại với sự phát triển của các tòa nhà cao tầng mới mà còn là nét hiện đại hóa của các tòa nhà hiện hữu (xem hình 14a, 14b). Điểm mốc mang tính biểu tượng nhất của đường chân trời Đà Nẵng là“Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng”, là trụ sở của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và là một trong những tòa nhà cao nhất của thành phố. Tòa nhà chỉ mới hoạt động vào năm 2014 nhưng ngay lập tức đã trở thành một phần thiết yếu trong bản sắc đô thị của Đà Nẵng (xem hình 15).

Đặc điểm nổi bật nhất của sự phát triển đô thị tại Đà Nẵng chắc chắn là phát triển khu vực giữa sông Hàn và khu vực ven biển trong những năm gần đây (xem hình 16). Trong đó, sự phát triển của một đại lộ với những cây cọ dọc theo dải bãi biển của Đà Nẵng tại Sơn Trà và ở Mỹ Khê và xa hơn về phía Hội An. Ocean Drive nổi tiếng tại Miami Beach có thể là một hình mẫu cho đại lộ này. Sự phát triển của các tòa nhà cao tầng dọc theo đại lộ đã hoàn thành. Để kết nối khu vực giữa sông Hàn và biển, một số cầu hiện đại - trong số đó cầu Rồng đã được xây dựng (xem hình 17a, 17b). Cầu Rồng dài 666m với 6 làn, bắc qua sông Hàn được thiết kế và xây dựng theo hình dạng một con rồng. Nó kết nối thành phố với bờ biển phía đông gần đó. Cây cầu có khả năng “thở” lửa hoặc nước trong những ngày cuối tuần và để đánh dấu những dịp đặc biệt. Nó đã được thông xe vào ngày 29/3/2013, kỷ niệm 38 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng. So sánh với trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng, cầu Rồng (cùng với các cây cầu mới) đã trở thành một biểu tượng quan trọng của thành phố Đà Nẵng hiện đại và là một điểm thu hút khách du lịch.

Một đặc trưng khác trong vấn đề phát triển đô thị hiện nay là mở rộng không gian ngoại vi đô thị, mặc dù trong thời gian gần đây một số khu đô thị mới đang được xây dựng phục vụ người dân (xem hình 18). Có thể thấy rất nhiều các hoạt động xây dựng mới triển khai và những công trình khai thác, ví dụ, tại khu vực núi đá cẩm thạch (xem hình 19a, 19b) hoặc dọc theo dải bãi biển giữa thành phố Đà Nẵng và thành phố Hội An, các khu tổ hợp khách sạn mới đã được xây dựng (xem hình 20a, 20b).

Nhìn chung một chính sách phát triển đô thị rõ ràng đã nâng cao đáng kể chất lượng cuộc sống cho đa số người dân ven biển. Hiện nay, ô nhiễm môi trường ở Đà Nẵng thấp hơn đáng kể so với thành phố Hà Nội hoặc TP.HCM. Thành phố Đà Nẵng đã trở thành đô thị hàng đầu Việt Nam về quản lý môi trường,  ít tắc nghẽn giao thông và có cơ sở hạ tầng tuyệt vời gồm các cây cầu nói trên và các đại lộ thông thoáng. Việc cung cấp không gian xanh trên đầu người hiện nay nhiều hơn sáu mét vuông, vượt  trội so với các thành phố khác của Việt Nam. Hơn nữa, TP. Đà Nẵng thường xuyên đạt vị trí hàng đầu tại chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Việt Nam. Gần đây, Bloomberg đã vẽ một bức tranh rất lạc quan về Đà Nẵng, thậm chí còn cho rằng Đà Nẵng hiện nay xứng đáng là Singapore của Việt Nam.

Tóm lại, theo hoạch đô thị, TP. Đà Nẵng sẽ phát triển thành một thành phố có sức sống cao, hấp dẫn

đối với người dân và ngày càng có nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế.

Hơn thế nữa, đô thị cổ Hội An cũng như thành Huế có thể được coi là những ví dụ rất thành công về bảo tồn di sản đô thị (xem hình 21 và 22).

KẾT LUẬN

Nhìn lại hơn 20 năm, vào năm 1996 khi tôi đến Việt Nam lần đầu tiên, các thành phố lớn ở đây đã tạo nên hình ảnh đô thị còn khá lạc hậu và xuống cấp với số lượng các cửa hàng, nhà hàng rất hạn chế. Tôi chỉ có thể thấy những tiến bộ lớn mà các thành phố đã thực hiện kể từ thời điểm đó. Trong quá trình làm việc hàng ngày của tôi, tôi liên tục gặp gỡ các chuyên gia nhiệt tình, được đào tạo và hiểu biết rất nhiều ở các phòng ban khác nhau ở cả địa phương lẫn cấp Trung ương. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng quy hoạch đô thị nên hạn chế tính công nghệ và tập trung vào con người hơn. Ví dụ, chính quyền địa phương nên mạnh mẽ hơn, cần có tầm nhìn dài hạn hơn và có trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn di sản đô thị độc đáo của thành phố. Nhưng quan trọng hơn tất cả, tôi lạc quan về tương lai phát triển đô thị của Việt Nam - bất chấp mọi thiếu sót diễn ra.

Các dự án phát triển đô thị trong thời gian gần đây của Việt Nam đã nâng cao đáng kể chất lượng cuộc sống cho đại đa số cư dân đô thị của Việt Nam. Bổ sung thêm không gian xanh, giải trí và thương mại mới, các khu dân cư chất lượng cao và cơ sở hạ tầng giao thông mới. Tuy nhiên, vẫn cần đầu tư nhiều thời gian và tài chính vào hạ tầng kỹ thuật và xã hội để đối phó với những thách thức to lớn như dòng người nhập cư, những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu, tắc nghẽn và ô nhiễm môi trường ngày càng tăng. Phát triển đô thị bền vững là một vấn đề xuyên suốt, tuy nhiên, cần các phương pháp tiếp cận toàn diện, tích hợp và liên ngành. Cuối cùng, có thể nói rằng năng lực lập kế hoạch đô thị cần phải được tăng cường hơn nữa để đối phó với những thách thức to lớn về phát triển đô thị bền vững - và cuối cùng là phát triển tầm nhìn dài hạn.

Giới thiệu về tác giả

Michael Waibel là một nhà nghiên cứu cao cấp, giảng viên và chủ nhiệm dự án tại Khoa Địa lý Nhân văn của Đại học Hamburg, kể từ năm 2007. Ông có bằng tiến sĩ trong Địa lý Nhân văn và M.Sc. về địa lý và kinh tế quốc gia với chuyên môn chính trong lĩnh vực đô thị, nhà ở, quản lý đô thị, tăng trưởng xanh, địa lý năng lượng, chiến lược giảm thiểu ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm quốc tế trong công tác học tập, tư vấn và phát triển năng lực ở Đông Nam Á cũng như ở Đông Á. Năm 2001, ông xuất bản Luận án Tiến sĩ về phát triển đô thị của Hà Nội / Việt Nam. Ông đã có hơn 80 chuyến đi nghiên cứu đến khu vực châu Á.

Để tiếp cận nhiều độc giả hơn, ông đã xuất bản ba cuốn sách ảnh, minh họa cho sự phát triển đô thị của các thành phố lớn của Việt Nam. Nó bắt đầu vào năm 2014 với cuốn sách định dạng lớn “TP. Hồ Chí Minh: Mega City” xuất bản cùng với Henning Hilbert từ Đại học Việt - Đức (VGU). Công trình xuất bản này được sự hỗ trợ của Viện Goethe Hà Nội, AUDI Việt Nam, Schenker Việt Nam, Siemens Việt Nam, KFW Việt Nam và đã chính thức được các tổ chức quy hoạch nổi tiếng của Việt Nam xác nhận. Cuốn sách thứ hai của loạt bài này liên quan đến Hà Nội: “Hà Nội: Thành phố Thủ đô”, đã được xuất bản vào năm 2015. Cùng năm đó, nhận được danh hiệu “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” - Trong hạng mục “Tác phẩm xuất sắc nhất” . Ấn phẩm thứ ba của bộ ba cuốn sách ảnh minh họa cho sự phát triển đô thị gần đây ở Việt Nam là “Đà Nẵng: Thành phố ven biển”, được xuất bản vào năm 2016. Cũng trong năm 2016, ông xuất bản ấn bản thứ 3 của “TP. Hồ Chí Minh: MEGA City - Edition 2017”. Hiện tại, một cuốn sách mới về Hà Nội, được gọi là “Hà Nội: Linh hồn thành phố” đang được chuẩn bị cũng như ấn bản thứ tư của cuốn sáchTP.HCM.

(Nguồn:Tạp chí QHXD số 97+98)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website