Hội đồng KHKT VIUP góp ý kiến đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nghi Xuân - tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 23/3/2018, Hội đồng KHKT cấp cơ sở Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia họp góp ý kiến đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nghi Xuân - tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Viện trưởng Phạm Thị Nhâm làm chủ tịch Hội đồng.

ThS. KTS Cao Sỹ Niêm báo cáo đồ án

Báo cáo nội dung đồ án, ThS. KTS Cao Sỹ Niêm, Trưởng phòng Nghiên cứu chiến lược và chính sách phát triển đô thị cho biết quy mô ranh giới lập quy hoạch vùng là 22.245,8 ha gồm 2 thị trấn và 17 xã; được giới hạn phía Bắc giáp thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An; phía Nam giáp các huyện Lộc Hà, Can Lộc và thị xã Hồng Lĩnh; phía Tây giáp huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An; phía Đông giáp biển Đông.

Vùng huyện Nghi Xuân trong tương lai được nhìn nhận trong bối cảnh phát triển chung của khu vực, quốc gia, quốc tế theo hướng tiếp cận chiến lược đa ngành nhằm đạt được quy hoạch có tầm nhìn dài hạn như sau: Khai thác thế mạnh biển, phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh với các trụ cột về du lịch, dịch vụ, thương mại, trở thành khu vực phát triển kinh tế năng động cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh, một khu vực phát triển với thế mạnh liên kết vùng phát huy nguồn lực và trí tuệ của 2 tỉnh; xây dựng hệ thống đô thị phát triển hợp lý và bền vững, gắn kết được cộng đồng xã hội giữa đô thị và nông thôn; một vùng du lịch chất lượng cao, đa dạng, giàu bản sắc, gắn liền với gìn giữ văn hóa dân tộc, cách mạng truyền thống và bảo vệ môi trường tự nhiên; có chất lượng sống tốt, phát huy các đặc trưng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của khu vực.

Thành viên hội đồng

Theo Quy hoạch, dự báo đến năm 2035 quy mô dân số toàn vùng khoảng 150.000 người, dân số đô thị khoảng 67.000 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 44,7%;

Qua nghiên cứu điều kiện tự nhiên, đặc biệt là thềm địa hình, phân vùng khí hậu cùng khả năng quỹ đất xây dựng phát triển đô thị cùng với xu hướng tất yếu về liên kết phát triển, nhóm nghiên cứu nhận thấy mô hình cực tăng trưởng, hành lang phát triển là mô hình phù hợp với huyện Nghi Xuân để lựa chọn phát triển. Trong vùng huyện Nghi Xuân sẽ hình thành 2  cực tăng trưởng là Đô thị Xuân An và khu công nghiệp Gia Lách và Đô thị du lịch và thương mại Xuân Thành. Các hành lang phát triển gồm hành lang kinh tế ven biển; Hành lang dọc quốc lộ 8B; Hành lang dọc tuyến tránh quốc lộ 1A và hành lang phát triển nội vùng.

Trên cơ sở mô hình phát triển vùng xác định phân vùng kiểm soát phát triển của vùng huyện Nghi Xuân gồm có 3 vùng: Vùng kinh tế ven biển phía Đông với tổng diện tích 6657,7 ha; Vùng kinh tế trung tâm với tổng diện tích 4378,4ha và Vùng kinh tế phía Nam với tổng diện tích 10909,8ha.

Vùng huyện Nghi Xuân hiện có 2 đô thị, quy hoạch đến năm 2025 có 4 đô thị (trong đó hình thành mới 2 đô thị); đến năm 2035 có 4 đô thị gồm: 

Đô thị Xuân An là đô thị trực thuộc huyện, trung tâm dịch vụ, thương mại, công nghiệp của huyện Nghi Xuân.

Đô thị Nghi Xuân và phụ cận: là trung tâm huyện lỵ, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện Nghi Xuân

Đô thị Xuân Thành: là thị trấn trực thuộc, là trung tâm du lịch biển phía Bắc tỉnh Hà Tĩnh và Nam Nghệ An

Đô thị Cương Gián: là thị trấn trực thuộc, là trung tâm chế biến thủy, hải sản và phát triển thương mại – dịch vụ hỗ trợ đô thị du lịch Xuân Thành.

Tại cuộc họp, các thành viên đã góp ý cho nhóm nghiên cứu về một số nội dung cần nghiên cứu, bổ sung thêm.

Kết luận cuộc họp, Phó Viện trưởng Phạm Thị Nhâm cho rằng đồ án này là loại hình đồ án 3 trong 1 bao gồm QH vùng huyện, QHC huyện và QH xây dựng nông thôn mới do vậy hồ sơ thể hiện là QH vùng huyện, những thứ thuộc QHC cho mờ nhạt đi chỉ mang tính chất minh họa; Cần khoanh vùng nông thôn quản lý như đô thị đối với vùng ven biển; Bổ sung đánh giá tiềm năng về tự nhiên; Rà soát lại chiến lược, tầm nhìn. Các chiến lược nên cụm lại, sắp xếp lại cho rành mạch và bổ sung thêm chiến lược quản lý không gian ven biển. Đối với mô hình phát triển không gian vùng, cần làm rõ các trục chính, phụ; Ngoài ra, nhóm nghiên cứu nên bổ sung thêm về mảng nông thôn.

(Nguồn:VIUP)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website