THÀNH LẬP VÀ QUY HOẠCH LIÊN KẾT ĐÔ THỊ Ở PHÁP

Nước Pháp có các cấp lãnh thổ, từ lãnh thổ quốc gia đến vùng (région), tỉnh (département), xã (commune); đặc biệt gần đây có cấu trúc lãnh thổ mới, đó là kết hợp các vùng cũ thành vùng mới lớn hơn, liên xã (intercommunalité) mà trong đó nổi bật là liên kết đô thị để có lãnh thổ liên đô thị mới làm động lực cho phát triển lãnh thổ.

Việc thành lập lãnh thổ liên đô thị lớn như các siêu đô thị (métropole), các cụm siêu đô thị (pôle métropolitain), vùng thành phố lớn (aire métropolitaine) cùng với quy hoạch như sơ đồ liên kết địa bàn (SCOT), quy hoạch liên đô thị (PLUi) có thể gợi mở cho hướng thành lập và quy hoạch phát triển vùng đô thị ở Việt Nam. Bên cạnh phạm vi giới thiệu chính là lãnh thổ liên đô thị, bài viết cũng đưa những nội dung có liên quan như quy hoạch lãnh thổ quốc gia và quy hoạch vùng để nhìn nhận rõ hơn về hệ thống lãnh thổ - dù sơ lược nhưng cũng chỉ ra nét chính để mở hướng cho bạn đọc tham khảo.

1.MỞ ĐẦU

Liên kết phát triển đô thị là tiền đề để hình thành một vùng đô thị động lực cho phát triển lãnh thổ. Hình thành và quy hoạch liên kết đô thị như thế nào trong hệ thống lãnh thổ ở Việt Nam? Các kinh nghiệm nghiên cứu trong nước là quan trọng, nhưng không thể không tham khảo kinh nghiệm các nước có mức độ đô thị hóa cao và có tổ chức lãnh thổ từ sự liên kết các đô thị - điển hình là nước Pháp mà đang có hệ thống các cấp lãnh thổ hành chính và quy hoạch khá tương đồng với hệ thống ở Việt Nam. Những năm gần đây, Pháp có cấu trúc lãnh thổ mới do nhu cầu tổ chức lãnh thổ, từ việc liên kết với châu Âu đến liên vùng, liên kết nội vùng và nhất liên xã (intercommunalité). Liên xã bao gồm các cấp lãnh thổ có quy mô đô thị hóa từ thấp đến cao là cộng đồng xã (Communauté de Communes, viết tắt là CC), cộng đồng cụm dân cư (Communauté d'Agglomération, viết tắt là CA), siêu đô thị (Métropole, viết tắt là ME), vùng thành phố lớn (aire métropolitaine). Lãnh thổ liên đô thị lớn gồm các siêu đô thị (métropole), cụm siêu đô thị (pôle métropolitain) cùng với phạm vi ảnh hưởng rộng như vùng thành phố lớn (aire métropolitaine). Các lãnh thổ liên đô thị được quy hoạch bởi sơ đồ liên kết địa bàn (SCOT) và quy hoạch liên đô thị (PLUi).

Sử dụng văn bản tài liệu nguyên bản tiếng Pháp là rất quan trọng , vì các thông tin về cơ sở pháp lý quy hoạch chỉ có trong các tài liệu của những cơ quan chủ chốt về quy hoạch, về quản lý lãnh thổ, các cơ quan địa phương; đặc biệt, phân cấp lãnh thổ hành chính và quy hoạch ở Pháp thay đổi rất nhiều trong những năm đầu thế kỷ XXI mà đòi hỏi phải cập nhật liên tục qua các văn bản quy phạm pháp luật và tài liệu chính thức chứ không thể chỉ dựa vào kiến thức khoa học và kinh nghiệm nghiên cứu. Các tài liệu khoa học, văn bản pháp lý, số liệu nằm rải rác ở nhiều cơ quan và thể hiện trên các trang web mà cần phải đọc, đối chiếu giữa các tài liệu, phân tích, tổng hợp để đưa ra những đặc điểm chính về liên kết đô thị ở Pháp và so sánh với Việt Nam. Sử dụng các bản đồ để minh họa cần giữ nguyên bản của tác giả thành lập bản đồ nên bài viết không tác động đến bản đồ gốc, không dịch trên bản đồ, không chú giải trên bản đồ mà chỉ viết chú giải và những bình luận bên cạnh để bạn đọc dễ nhận biết nội dung thể hiện trên bản đồ cũng như nội dung ẩn bên trong bản đồ.

Vì tầm quan trọng của việc tham khảo kinh nghiệm của Pháp về lĩnh vực liên kết đô thị nên Tạp chí Quy hoạch Xây dựng muốn giới thiệu nội dung này đến đông đảo bạn đọc; có thể có những nội dung trùng với những bài viết khác của cùng tác giả, nhưng bài viết này muốn giới thiệu sâu thêm, bổ sung và sửa đổi để cung cấp những tư liệu để bạn đọc có thể tham khảo.

2/ Phân vùng mới và thành lập lãnh thổ liên đô thị từ hệ thống các cấp bậc hành chính ở Pháp

1.1. Phân cấp hành chính của Pháp hiện nay

Nước Pháp gồm lãnh thổ Pháp chính quốc (lãnh thổ của Pháp ở châu Âu) và lãnh thổ hải ngoại (lãnh thổ của Pháp ở các châu lục khác) . Diện tích toàn nước Pháp 641.184km2, 67,1 triệu người (năm 2020); riêng lãnh thổ Pháp chính quốc có diện tích 551.695km2, 64,9 triệu người (nguồn: Wikipedia ), chiếm 86% diện tích và 96,7 % dân số toàn nước Pháp. Tỷ lệ đô thị hóa ở Pháp 80,2 % (nguồn: Tổng cục Thống kê - gso.gov.vn).

Phân chia các đơn vị hành chính của nước Pháp như sau:

- Toàn quốc: Pháp chính quốc + lãnh thổ hải ngoại.

- Vùng (Région): Có 13 vùng ở Pháp chính quốc + 5 vùng hải ngoại.

- Tỉnh (Département): Gần tương đương cấp tỉnh của Việt Nam. Có 96 tỉnh ở Pháp chính quốc + 5 tỉnh hải ngoại.

- Xã (Commune): Gần tương đương cấp xã của Việt Nam. Toàn nước Pháp có 34.970 xã (1/1/2019, nguồn: INSÉE); có 34.841 xã ở Pháp chính quốc + 129 xã hải ngoại.

Các đơn vị hành chính dưới lãnh thổ quốc gia gồm có vùng, tỉnh, xã – xã là đơn vị cơ sở, có xã đô thị và xã nông thôn. Đây là những đơn vị hành chính phổ biến trên lãnh thổ nước Pháp và do đó bài viết chỉ đề cập đến các cấp lãnh thổ hành chính này cùng với sự liên kết của chúng thành các cấp lãnh thổ lớn hơn được gọi chung là các tập thể lãnh thổ hay tập thể địa phương (collectivité territoriale hoặc collectivité locale); đặc biệt là trường hợp nhiều xã đô thị được ghép với nhau thành tập thể lãnh thổ đô thị có thể được gọi theo tiếng Việt là lãnh thổ liên đô thị.

1.2. Phân vùng mới và liên kết đô thị là điểm nhấn về sự thay đổi cấu trúc lãnh thổ nước Pháp những năm gần đây

Các vùng và lãnh thổ liên đô thị được giới thiệu chủ yếu nằm trong phạm vi lãnh thổ Pháp chính quốc (phần châu Âu của nước Cộng hòa Pháp). Bởi vì trong thời gian gần đây, các đơn vị lãnh thổ hành chính ở hải ngoại của Pháp hầu như không thay đổi; trong khi đó các đơn vị hành chính tại lãnh thổ Pháp chính quốc thay đổi đáng kể (nhất là từ năm 2016 đến nay), từ việc ghép nhiều vùng với nhau để có vùng mới đến ghép nhiều xã với nhau để có xã mới. Ví dụ, trong 10 năm gần đây có 2.508 xã được ghép thành 774 xã mới, trong đó 97% được hình thành từ năm 2016 (Nguồn: Alice Mainguené, Lionel Sebbane, 2019-collectivites-locales.gouv.fr)  và do đó số lượng xã giảm đi so với trước đây; về vùng, thì 22 vùng có từ năm 1982 được ghép thành 13 vùng cũng từ 2016. Một lý do nữa, đó là diện tích, dân số và hệ thống các đơn vị hành chính và quy hoạch ở Pháp chính quốc có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam cho phép dễ so sánh và học tập kinh nghiệm.

Pháp chính quốc chia thành các vùng (có 13 vùng), mỗi vùng có vài tỉnh, mỗi tỉnh có nhiều xã, xã là đơn vị cơ sở của Pháp nhưng gần đây có sự kết hợp nhiều xã với nhau thành liên xã (intercommunalité) có tư cách pháp nhân - trong đó nổi bật là các xã đô thị được ghép với nhau để có các lãnh thổ liên đô thị lớn mạnh hơn. Các lãnh thổ liên xã có quy mô dân số thứ tự từ nhỏ đến lớn là: cộng đồng xã (communauté de communes - viết tắt là CC), cộng đồng cụm dân cư (communauté d’agglomération - viết tắt là CA) trên 50.000 dân, cộng đồng đô thị (communauté urbaine - viết tắt là CU) trên 250.000 dân, siêu đô thị (métropole - viết tắt là ME) trên 500.000 dân (Nguồn: vie-publique.fr). Từ 1/1/2020, Pháp có 22 siêu đô thị (ME), 14 cộng đồng đô thị (CU), 222 cộng đồng cụm dân cư (CA) và 997 cộng đồng xã (CC) (Số liệu theo nguồn: Direction Générales des collectivités Locales (DGCL)-banatic.interieur.gouv.fr). Gọi chung là liên xã để nói đến các lãnh thổ liên kết các xã; nhưng để nhấn mạnh khía cạnh đô thị thì những liên xã đô thị có thể gọi là lãnh thổ liên đô thị (như CU, ME).

Các lãnh thổ liên đô thị nói chung đều có đô thị hạt nhân là động lực chính cho sự phát triển ở địa phương. Các lãnh thổ liên đô thị lớn như các siêu đô thị (métropole) gồm có đô thị hạt nhân là các đô thị thủ phủ tỉnh và/hoặc vùng cùng với nhiều đô thị liền kề. Các siêu đô thị lớn (như Paris, Lyon…) có ảnh hưởng lớn đến lãnh thổ xung quanh mà khi nghiên cứu quy hoạch siêu đô thị thì cần phải chú ý đến các vùng ảnh hưởng, đó là các cụm siêu đô thị (pôle métropolitain) và vùng thành phố lớn (aire métropolitaine).

Cũng cần nhấn mạnh rằng, sự liên kết giữa các đô thị để có vùng đô thị đủ mạnh nhưng các xã đô thị vẫn là các đô thị độc lập; đôi khi các đô thị này tách là khỏi cộng đồng đô thị hay các siêu đô thị, ví dụ : đô thị La Grande - Motte, Palavas và một số đô thị nhỏ tách khỏi siêu đô thị Montpellier (Montpellier Méditerranee Métropole) khiến cho số lượng đô thị gia nhập vào siêu đô thị Montpellier từ 38 đô thị đầu những năm 2000 xuống 31 như hiện nay.

Nước Pháp chính quốc có 13 vùng, có 22 siêu đô thị làm động lực cho các vùng nhưng số lượng siêu đô thị mỗi vùng khác nhau: 6 vùng có một siêu đô thị; 3 vùng có 2 siêu đô thị; 2 vùng có 3 siêu đô thị; 1 vùng có 4 siêu đô thị ; chỉ 1 vùng không có siêu đô thị (Corse). Vùng nhiều siêu đô thị nhất là vùng Auvergne - Rhône - Alpes với 4 siêu đô thị. Vùng Ile de France có 1 siêu đô thị là Siêu đô thị Grand Paris (Métropole du Grand Paris ) nhưng là siêu đô thị lớn nhất nước Pháp chứng tỏ sự tập trung quá mạnh ở đây; nửa phía đông nước Pháp có hệ thống đô thị phát triển mạnh hơn nửa phía tây; điều đó cho thấy sự tập trung mạnh mẽ ở Paris và phía đông dù cho các chính sách quy hoạch lãnh thổ đã giảm bớt chênh lệch phần nào.

Hình 1. Bản đồ 22 siêu đô thị ở Pháp

(Bản đồ từ nguồn: fnau.org)

Chú giải: Trên bản đồ, phạm vi của 22 siêu đô thị (métropole) từ liên kết các xã đô thị liền kề có tông màu nâu vàng từ đậm đến nhạt thể hiện nhiều đến ít số việc làm trên 1.000 lao động (năm 2015); kích thước vòng tròn thể hiện quy mô dân số (2015) của phạm vị siêu đô thị (1/1/2018); vòng tròn có tông màu xanh lơ đậm đến nhạt thể hiện tỷ trọng từ nhiều đến ít không gian tự nhiên, nông nghiệp, rừng trong tổng diện tích siêu đô thị; đường màu trắng là địa giới vùng.

Để hình dung cấu trúc của lãnh thổ liên đô thị trong tỉnh và vùng, có thể xem các ví dụ sau đây:

- Siêu đô thị Grand Paris (Métropole du Grand Paris - viết tắt là MGP):  Hình thành trên cơ sở liên kết 131 đô thị gồm đô thị trung tâm là Paris và 130 đô thị liền kề, diện tích 814km2 với 7,2 triệu người, mật độ 8.598 người/km2 (nguồn: Métropole du Grand Paris - metropolegrandparis.fr). Siêu đô thị Grand Paris là siêu đô thị lớn nhất trong số 22 siêu đô thị ở Pháp, phạm vi của nó bao phủ hơn 4 tỉnh trong vùng Ile de France (vùng Ile de France có diện tích khoảng 12.000km2). Siêu đô thị Grand Paris được tổ chức dưới dạng một tổ chức công về hợp tác liên xã (Établissement Public de Coopération Intercommunal - viết tắt là EPCI) có quy chế đặc thù, có một hội đồng siêu đô thị (conseil de la Métropole). MGP chia thành 12 lãnh thổ (ký hiệu T1 đến T12) mà mỗi lãnh thổ có ít nhất có 300.000 người; mỗi lãnh thổ có hội đồng lãnh thổ, riêng Paris là một lãnh thổ, còn các lãnh thổ khác ghép từ nhiều đô thị nhỏ.

- Ví dụ về siêu đô thị khoảng 500.000 dân. Đó là Siêu đô thị Montpellier.

- Các cụm siêu đô thị (pôle métropolitain): Cụm siêu đô thị (hay cực siêu đô thị) , như tên gọi «pôle métropolitain» của nó, đầu tiên là từ một hạt nhân là siêu đô thị (métropole) chủ chốt kết hợp với các siêu đô thị lân cận và/hoặc các cộng đồng đô thị (CU), cộng đồng cụm dân cư (CA) và các đô thị hoặc các xã lân cận khác.

Cụm siêu đô thị là một tổ chức công hình thành bởi sự thỏa thuận giữa các tổ chức công về hợp tác liên xã (EPCI) vì lợi ích của cụm siêu đô thị, để thúc đẩy quy hoạch, phát triển bền vững và đoàn kết lãnh thổ (nguồn: legifrance.gouv.fr) .

Cụm siêu đô thị điển hình: Cụm Siêu đô thị Lyon (pôle métropolitain Lyon) gồm hạt nhân là Siêu đô thị Lyon (Métropole de Lyon) kết hợp với Siêu đô thị Saint Étienne (Saint Étienne Métropole), cộng đồng đô thị Đông Lyon (CC de l’Est Lyonnais), cộng đồng cụm dân cư Villefranche – Beaujolais - Saône (CA de Villefranche – Beaujolais -Saône) và các đô thị cùng các xã lân cận như Porte de l’Isère, ViennAgglo.

Hình 2. Cụm Siêu đô thị Lyon (pôle métropolitain Lyon)

(Nguồn : www.grandlyon.com)

-              Giới thiệu về vùng đô thị (aire urbaine) nói chung và vùng thành phố lớn nói riêng:

Để dễ so sánh vùng đô thị ở Việt Nam với vùng đô thị ở Pháp, hãy xem định nghĩa vùng đô thị ở Pháp: «Một vùng đô thị (aire urbaine) hoặc vùng đô thị lớn (grande aire urbaine) là một tổng thể các xã liền nhau, hình thành bởi một cực đô thị (pôle urbain) từ 10.000 lao động trở lên, và bởi cả những xã nông thôn hoặc có các đô thị (unité urbaine) hình thành nên vùng ngoại ô mà ít nhất 40% cư dân của ngoại ô có việc làm trong cực đô thị hoặc trong các xã mà bị hút bởi cực đô thị này» (theo INSÉE ). Pháp có 49 vùng đô thị trên 200.000 dân (số liệu INSEE, 2017); những vùng đô thị trên 1 triệu dân: Vùng đô thị Paris 12.628.266 người, vùng đô thị Lyon 2.323.221 người, vùng đô thị Marseille - Aix-en - Provence 1.760.653 người, vùng đô thị Toulouse 1.360.829 người, vùng đô thị Bordeaux 1.247.977 người, vùng đô thị Lille 1.191.117 người, vùng đô thị  Nice 1.006.201 (số liệu INSÉE, 2017).

Vậy, vùng đô thị bao gồm đô thị hạt nhân và phạm vi ảnh hưởng của nó; hạt nhân là một đô thị hay lãnh thổ liên đô thị. Vùng thành phố lớn với hạt nhân là các siêu đô thị; phạm vi của nó có khi vượt ra khỏi phạm vi một tỉnh (như vùng thành phố lớn Lyon, vùng thành phố lớn Marseille), thậm chí vượt ra khỏi phạm vi một vùng như vùng thành phố lớn Paris; toàn bộ vùng thành phố lớn Paris (aire urbaine) 12.628.266 người (năm 2017 – nguồn: INSÉE), có nơi thì phạm vi vùng thành phố vượt ra khỏi địa giới vùng Ile de France nhưng cũng có nơi chưa đến địa giới vùng Ile de France.

Ở Việt Nam, các con số thống kê về việc làm và di chuyển lao động giữa ngoại ô và nội đô còn chưa đầy đủ, nhưng đã được quy định rõ về một đô thị hành chính gồm nội thị và ngoại thị.

Hình 3.  Những vùng chịu ảnh hưởng của đô thị - Bản đồ phân vùng cho các vùng đô thị năm 2010 (Nguồn : INSÉE và Datar) ( )

Chú giải: - Các vùng đô thị lớn có tông màu đỏ đến vàng; trong đó: màu đỏ: cực đô thị lớn; màu da cam: vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của các cực đô thị lớn (ngoại vi của cực đô thị lớn); màu vàng: các xã chịu ảnh hưởng của nhiều vùng đô thị lớn.

-              Vùng đô thị trung bình: màu hồng.

-              Vùng đô thị nhỏ: màu xanh.

-              Các xã khác chịu ảnh hưởng của nhiều cực đô thị: màu ghi.

-              Các xã riêng lẻ,  ngoài các vùng đô thị: màu trắng.

Chữ màu đen: Tên của các vùng đô thị lớn.

3/ Quy hoạch lãnh thổ quốc gia, Quy hoạch vùng, Sơ đồ liên kết địa bàn và Quy hoạch liên đô thị ở Pháp

3.1. Quy hoạch lãnh thổ quốc gia ở Pháp

3.1.1. Khái quát về quy hoạch lãnh thổ quốc gia ở Pháp

Quy hoạch lãnh thổ quốc gia nhằm định hướng các lĩnh vực chủ yếu sau (lược trích từ nguồn: Pierre Merlin, Francoise Choay):

- Xác định bộ khung đô thị, thứ bậc hệ thống đô thị, những nơi tăng cường, lập mới.

- Quy hoạch, phát triển và bảo vệ khu vực nông thôn.

- Bố trí và phát triển các hoạt động sản xuất quy mô toàn quốc như bố trí công nghiệp, chính sách phân bố và phát triển kinh tế khu vực 3.

- Quy hoạch mạng lưới hạ tầng kỹ thuật.

- Quy hoạch các đầu mối hạ tầng xã hội quy mô lớn (như các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu lớn…).

- Quy hoạch các khu vực phát triển các lĩnh vực khác như du lịch, vùng nhạy cảm (như vùng núi, duyên hải), khu vực bảo vệ.

3.1.2. Tham khảo kinh nghiệm từ quy hoạch lãnh thổ quốc gia ở Pháp:

Các chính sách quy hoạch lãnh thổ từ những năm trong thế kỷ XX đã đem lại nhiều thành công đưa nước Pháp trở thành cường quốc trên thế giới: thứ 4 về kinh tế, thứ 2 về xuất khẩu nông sản, đứng đầu về thu hút du lịch (Nguồn: Datar, năm 2000) và có nền khoa học kỹ thuật thuộc loại hàng đầu. Quy hoạch lãnh thổ hiện nay, bằng cách rút ra từ những thành công và thất bại của các chính sách quy hoạch trước kia, luật định hướng quy hoạch và phát triển bền vững lãnh thổ (la loi d’orientation pour l’aménagement et le développement durable du territoire) (25/6/1999) đã mở ra một loạt các công việc cho quy hoạch lãnh thổ.

Một số quan điểm về tổ chức lãnh thổ có thể tham khảo:

- Tính hợp lý về định cư: Chính sách cân bằng mới về đô thị (các đô thị mới và các métropole đối trọng).

- Nguyên tắc mới về cân bằng không gian: Phát triển nội sinh và đa dạng hóa tất cả các lãnh thổ.

- Quy mô và thể thức mới trong việc điều tiết lãnh thổ: Cấp châu lục, quốc gia và xuyên quốc gia; cấp liên vùng; cấp địa phương kết hợp các xã, về khía cạnh đô thị, đó là các lãnh thổ liên đô thị hình thành bằng cách liên kết các xã đô thị; khu vực sinh hoạt thường ngày như không gian sống và khu vực lân cận, đó là các khu phố, xã nông thôn.

Nước Pháp, trước viễn cảnh hội nhập châu Âu và quốc tế hóa kinh tế vùng, sử dụng hợp lý các tài nguyên, xây dựng cơ sở hạ tầng tầm cỡ chiến lược, cùng với những yêu cầu công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, tổ chức lãnh thổ quốc gia trong thời đại mới này sẽ dẫn đến việc hình thành những cấu trúc lãnh thổ mới. Liên kết lãnh thổ là một mục tiêu ưu tiên của các chính sách quy hoạch và phát triển lãnh thổ, tránh chênh lệch giữa Paris và các vùng khác của Pháp cũng như giữa thành thị và nông thôn. Lãnh thổ sẽ được cấu trúc bởi một mạng lưới đô thị mà các cực của nó có vai trò trong hai quy mô lãnh thổ mới, hai cấp có quy mô rất khác nhau nhưng rất có liên hệ với nhau: (1) liên vùng trong khung cảnh hợp tác-cạnh tranh giữa các đô thị, từ đó gợi mở ra việc phân vùng như hiện nay; (2) quy mô liên xã, mạng lưới mới của sự quản lý các dự án địa phương mà kết quả là có cộng đồng xã, cộng đồng cụm dân cư, cộng đồng đô thị, siêu đô thị, cụm siêu đô thị, vùng thành phố lớn.

Ở Việt Nam, Luật Quy hoạch ra đời năm 2017 đã có quy hoạch tổng thể Quốc gia, đây là nét mới trong hệ thống quy hoạch ở Việt Nam, « Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế» (Nguồn : Luật Quy hoạch - số 21/2017/QH14).

Quy hoạch tổng thể quốc gia ở Việt Nam sẽ có rất nhiều điểm tương đồng với quy hoạch lãnh thổ quốc gia ở Pháp mà ta có thể tham khảo. Đặc điểm chung nhất là: loại quy hoạch lãnh thổ tích hợp đa ngành với việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, lập cho quy mô toàn bộ lãnh thổ quốc gia, là cơ sở cho quy hoạch ngành quốc gia, phân vùng và lập quy hoạch vùng, định hướng phát triển hệ thống đô thị toàn quốc. Từ công tác quy hoạch tổng thể quốc gia, các kết quả phân vùng, định hướng liên vùng, hệ thống đô thị quy mô toàn quốc sẽ định hướng cho vùng, các cực đô thị trọng điểm cấp quốc gia và cấp vùng, định hướng thành lập các vùng đô thị động lực, định hướng liên kết các đô thị; đồng thời, cần có sự phối hợp từ các địa phương để kế thừa có chọn lọc các quy hoạch đang có.

3.2. Quy hoạch vùng ở Pháp

3.2.1. Khái quát về quy hoạch vùng ở Pháp

Pháp chính quốc từ khi có 22 vùng năm 1982 đã có quy hoạch vùng.

Năm 2015, Luật về tổ chức lãnh thổ mới của Cộng hòa Pháp ra đời, viết tắt là luật NOTRe (La loi portant nouvelle organisation territoriale). Luật NOTRe trao quyền lực mới cho các vùng và phân chia lại các vùng. Mặt khác, luật nhằm mục đích tăng cường tính liên xã, nên nhiều xã được liên kết thành các cộng đồng mới (Nguồn: vie-publique.fr).

Do đó, theo Luật NOTRe 2015, từ 2016 ở Pháp chính quốc có 13 vùng được thành lập và sẽ quy hoạch vùng mới; mười một vùng của Pháp có Sơ đồ quy hoạch vùng, phát triển bền vững và bình đẳng lãnh thổ (le schéma régional d’aménagement, de développement durable et d’égalité des territoires, viết tắt: SRADDET); những vùng khác có công cụ riêng như vùng Ile de France có đồ án quy hoạch vùng Ile de France (Schéma directeur de la région Île-de-France, viết tắt: SDRIF), vùng Corse có sơ đồ quy hoạch và phát triển bền vững vùng Corse (plan d’aménagement et de développement durable de la Corse, viết tắt : PADDuC); các vùng hải ngoại cũng có sơ đồ quy hoạch vùng (schéma d’aménagement régional, viết tắt : SAR).

Để tiện đối chiếu, so sánh với hệ thống quy hoạch ở Việt Nam thì có thể gọi đây là đồ án quy hoạch vùng.

3.2.2. So sánh quy hoạch vùng ở Pháp với quy hoạch vùng ở Việt Nam

- Điểm giống nhau về cấp vùng và quy hoạch vùng ở Pháp và Việt Nam:

Giống nhau: Từ khi vùng chưa phải là đơn vị hành chính chính thức thì cũng đã có các nghiên cứu về vùng, phân vùng. Quy hoạch vùng ở Pháp gần tương tương với quy hoạch vùng theo Luật Quy hoạch ở Việt Nam năm 2017 về phạm vi lãnh thổ và cũng tương đương với vùng liên tỉnh trong quy hoạch xây dựng từ trước khi có Luật Quy hoạch.

Điểm khác nhau quan trọng: Ở Pháp thì cấp vùng là đơn vị hành chính, có chính quyền vùng, có điều kiện để vùng hoạt động. Trong khi đó, vùng ở Việt Nam chưa phải là đơn vị hành chính chính thức, nhưng thực tế trong việc tổ chức lãnh thổ lại rất có nhu cầu liên kết các tỉnh trong một tổng thể lãnh thổ liên tỉnh mà ta gọi là vùng. Vì thế, vùng, tuy chưa phải là đơn vị hành chính nhưng là một cấp lãnh thổ quan trọng trong hệ thống quy hoạch từ lâu nay mà đã được thể hiện trong các quy hoạch ngành; hiện nay quy hoạch vùng đã được thể hiện trong Luật Quy hoạch – đây là điểm mới rất cần thiết ở hệ thống quy hoạch của Việt Nam và tương lai thì quy hoạch vùng sẽ có tính tích hợp đa ngành.

Tuy vùng không phải là đơn vị hành chính chính thức ở Việt Nam theo Hiến pháp nhưng cũng nên có thêm các nghiên cứu về phân vùng, thể chế vùng để vùng trở thành một lãnh thổ trung gian giữa quốc gia và cấp tỉnh trong việc tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội, bảo vệ tài nguyên - môi trường, gắn kết các mạng lưới đô thị giữa các tỉnh. Quả thực, ở Việt Nam hiện nay, đã có nghiên cứu phân vùng để tiến tới lập quy hoạch vùng theo Luật Quy hoạch 2017; do đó tham khảo kinh nghiệm về phân vùng, thể chế vùng, quy hoạch vùng ở Pháp là cần thiết.

3.3. Sơ đồ liên kết địa bàn và quy hoạch liên đô thị ở Pháp

3.3.1. Sơ đồ liên kết địa bàn (SCOT: Schémas de cohérence territoriale) (lược trích từ nguồn: cohesion-territoires.gouv.fr) là một đồ án quy hoạch chiến lược chung để triển khai quy hoạch cho một lãnh thổ.

Về phạm vi lãnh thổ, SCOT lập cho một lãnh thổ liên xã nói chung và liên đô thị nói riêng, vùng đô thị (aire urbaine), một khu vực hoạt động kinh tế rộng lớn đông dân cư.

Về thời hạn quy hoạch, SCOT là đồ án quy hoạch chiến lược dài hạn (khoảng 20 năm); nó ra đời từ năm 2000 bởi Luật Đoàn kết và đổi mới đô thị (Loi solidarité et renouvellement urbain, viết tắt: SRU).

SCOT là một khung tham chiếu cho các chính sách ngành khác nhau, nhất là các chính sách tập trung vào các vấn đề tổ chức lãnh thổ, đất ở, giao thông, quy hoạch thương mại, môi trường…

SCOT phải tôn trọng các nguyên tắc phát triển bền vững : Nguyên tắc cân bằng giữa đổi mới đô thị, phát triển đô thị có kiểm soát, phát triển khu vực nông thôn và bảo vệ không gian tự nhiên và cảnh quan; nguyên tắc đa dạng các chức năng đô thị; nguyên tắc tôn trọng môi trường như các hành lang sinh thái. Điều đó cho phép lập đồ án quy hoạch có khả năng dự báo các hậu quả của biến đổi khí hậu, diễn thế sinh thái, năng lượng, dân số, công nghệ số…

Thành phần của một SCOT gồm có 3 tài liệu mà mỗi một tài liệu có vai trò riêng trong việc thực hiện tầm nhìn chiến lược: (1) Báo cáo giới thiệu về thách thức, các vấn đề phát triển, các tác động môi trường, lý giải sự lựa chọn phương án quy hoạch ; (2) Tài liệu quy hoạch và phát triển bền vững (PADD), đây là một đồ án chiến lược trong 20-25 năm, nhấn mạnh vào cân bằng giữa các địa bàn và phát triển toàn bộ lãnh thổ bằng sự hài hòa giữa phát triển đô thị, giao thông và không gian cần được bảo tồn ; (3) Tài liệu về định hướng và mục tiêu (le document d’orientation et d’objectifs, viết tắt: DOO), tài liệu có hiệu lực pháp lý, định hướng cho địa phương về nhà ở, cơ sở hạ tầng chủ yếu, giao thông, thương mại... với mục đích bảo vệ môi trường, đất tự nhiên, nông lâm nghiệp kết hợp với chất lượng đô thị và cảnh quan.

SCOT là quy hoạch tích hợp các tài liệu quy hoạch cao hơn (Sơ đồ quy hoạch vùng, phát triển bền vững và bình đẳng lãnh thổ (SRADDET), quy hoạch ngành cấp vùng như quản lý nước, liên kết sinh thái…) và do đó trở thành tài liệu chủ chốt và tích hợp; SCOT đồng thời cho phép quy hoạch đô thị địa phương (PLU), quy hoạch liên đô thị (PLUi) và các xã sử dụng làm một tài liệu pháp lý. Ở cấp liên xã, nó đảm bảo tính liên kết của các quy hoạch ngành (như chương trình nhà ở (PLH), giao thông đô thị (PDU)), các quy hoạch liên đô thị (PLUi) hoặc một đô thị (PLU) phải phù hợp với hướng dẫn của SCOT. Cuối cùng, nó đặt ra các hướng dẫn áp dụng cho quy hoạch sử dụng đất đai chính cũng như cho các dự án được ủy quyền khai thác thương mại.

Đến 8/2020, đã có 354 SCOT đã được phê duyệt, các đồ án SCOT đã và đang làm bao phủ phạm vi đến 95% dân số và phủ 86% số xã ở Pháp (nguồn: cohesion-territoires.gouv.fr). Hướng tới SCOT mới từ 4/2021 nhưng các điều khoản chuyển tiếp cho phép hiệu lực của các SCOT hiện hành. Một số điểm mới như: PADD thay bằng dự án quy hoạch chiến lược PAS (projet d’aménagement stratégique); DOO sẽ xoay quanh 3 chủ đề chính là phát triển kinh tế, nông nghiệp, thương mại/ nhà ở, di chuyển, hạ tầng và dịch vụ/ diễn thế sinh thái và năng lượng, bảo tồn thiên nhiên; có thể có chương trình hành động (nguồn: cohesion-territoires.gouv.fr).

Như vậy, nếu ở Việt Nam lập quy hoạch đô thị cho một vùng thành phố hay một thành phố lớn với sự đổi mới trên cơ sở tích hợp đa ngành thì có thể tham khảo SCOT của Pháp để hướng tới quy hoạch đô thị từ các bước: lập quy hoạch chiến lược phát triển đô thị, rồi đến quy hoạch không gian đa ngành, lĩnh vực. SCOT cũng có thể tham khảo cho quy hoạch đô thị một thành phố trực thuộc Trung ương theo Luật Quy hoạch đô thị hiện hành với hai bước, đó là quy hoạch cho toàn thành phố (gần tương đương với SCOT ở Pháp) rồi đến quy hoạch cho thành phố trung tâm và các đô thị ở ngoại thành (sẽ tương đương PLUi và PLU ở Pháp).

3.3.2. Quy hoạch đô thị địa phương (Plan local d’urbanisme - PLU) và quy hoạch liên đô thị (Plan local d’urbanisme intercommunal - PLUi): PLU là đồ án quy hoạch lập cho lãnh thổ của một đô thị, quy hoạch liên đô thị (PLUi) được lập cho một lãnh thổ liên đô thị.

Về thời gian, đồ án phải được đánh giá bắt buộc sau 6 năm, có xem xét lại, sửa đổi, rút gọn.

Về không gian, trong PLU và PLUi, có sơ đồ phân chia các khu vực đô thị (U), các khu vực sẽ đô thị hóa (AU), các khu vực thiên nhiên (N) hay nông lâm nghiệp (A); khu vực đô thị thể hiện đất cho nhà ở, vị trí và đặc điểm của không gian và công trình công cộng, công viên cây xanh; có quy định về chiều cao, thể tích xây dựng (Nguồn: Sandrine Barreiro, 2014).

Trong quy hoạch đô thị có các xu thế chuyển đổi ở nhiều nước trên thế giới đáng chú ý để tham khảo cho quy hoạch đô thị ở Việt Nam: Chuyển từ kế hoạch hóa sang chiến lược; từ nguyên tắc sang hiệu năng (performance); từ không gian đơn giản sang không gian phức hợp; quản lý đô thị (gouvernance) phù hợp với hình thái không gian mới như vùng thành phố, cụm đô thị, chùm đô thị, chuỗi đô thị... (Lược trích từ nguồn: François Ascher, 2001).

PLU và PLUi hiện đại hóa hơn từ năm 2016 (Lược trích từ nguồn cohesion-territoires.gouv.fr ), cụ thể là:

+Về PLU: Quy hoạch đô thị địa phương có tính đến các chính sách quốc gia và các đặc điểm cụ thể của một lãnh thổ, quy hoạch phải tôn trọng các nguyên tắc phát triển bền vững, đặc biệt về quản lý kinh tế theo lãnh thổ và đáp ứng nhu cầu phát triển địa phương. Đã có Nghị định liên quan đến hiện đại hóa nội dung của quy hoạch đô thị địa phương (Le décret relatif à la modernisation du contenu du plan local d’urbanisme) năm 2015. Quy định mới về PLU được cấu trúc xung quanh 3 trục chính: (1) Phân bổ các khu vực và đích đến của các công trình: tôi có thể xây dựng ở đâu?  (2) Đặc điểm đô thị, kiến trúc, tự nhiên và cảnh quan: làm thế nào để tính đến môi trường? (3) Mạng lưới hạ tầng: làm thế nào để kết nối với nó?

+Về PLUi (Quy hoạch liên đô thị): Đó sẽ là một dự án lãnh thổ chung, một công cụ để hướng tới tương lai của lãnh thổ liên đô thị. Liên đô thị là quy mô phù hợp nhất để điều phối chính sách quy hoạch, nhà ở và giao thông. Quy hoạch liên đô thị (PLUi) cũng theo luật về Cam kết quốc gia về môi trường (Engagement National pour l’Environnement - ENE) ngày 12 tháng 7 năm 2010. Liên đô thị sẽ có một lãnh thổ rộng, liên kết và cân bằng, huy động các nguồn lực và các phương tiện và thể hiện sự đoàn kết giữa các đô thị.

3.3.3. Liên kết SCOT: Ngay từ đầu những năm 2000, khi có Luật Đoàn kết và đổi mới đô thị (SRU) – tức là trước khi có luật Tổ chức lãnh thổ mới của nước Pháp (luật NOTRe), chưa chính thức có các siêu đô thị (métropole), các cụm siêu đô thị và các vùng thành phố lớn như hiện nay, nhưng các vùng đô thị đã có sự liên kết SCOT (interscot). Liên kết scot diễn ra đầu tiên ở Lyon và Toulouse (nguồn: IAU, 2010), gợi mở hướng đi cho quy hoạch các vùng đô thị lớn trên cơ sở kết hợp nhiều SCOT của các cộng đồng đô thị trong vùng thành phố lớn.

3.3.4. Ví dụ về quy hoạch một lãnh thổ liên đô thị

- Sơ đồ liên kết địa bàn (Le Schéma de Cohérence Territoriale (SCOT)): Lấy ví dụ về quy hoạch đô thị của siêu đô thị Montpellier (Montpellier Méditerranée Métropole - viết tắt là MMM) thuộc vùng Occitanie.

Vùng Occitanie có 5,9 triệu dân (năm 2019), đứng thứ năm về dân số các vùng ở Pháp; diện tích 72.724km2 (Nguồn: touteleurope.eu); vùng có 13 tỉnh; có 2 siêu đô thị trong vùng là Siêu đô thị Toulouse (Toulouse Métropole) và Siêu đô thị Montpellier (Montpellier Méditerranée Métropole (MMM)).

SCOT siêu đô thị Montpellier (Lược trích từ nguồn: montpellier3m.fr/scot): Được phê duyệt bởi Hội đồng Siêu đô thị (Conseil Métropolitain) 18/11/2019, thực thi từ 22/1/2020, định hướng quy hoạch đến năm 2040 cho toàn bộ lãnh thổ siêu đô thị, xác định giữa một bên là không gian đô thị hoặc dành cho đô thị hóa, một bên là không gian tự nhiên và nông nghiệp.

Mục tiêu của SCOT Siêu đô thị Montpellier: Giữ gìn, phục hồi, làm tăng giá trị về môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu; chuẩn bị cho những thay đổi dân số được dự báo trước và nhu cầu mà người dân sẽ cần; phát triển kinh tế đi đôi với tạo nhiều việc làm.

SCOT kết hợp tất cả các tài liệu quy hoạch và chương trình ở quy mô siêu đô thị, đặc biệt là: quy hoạch liên đô thị (PLUi); quy hoạch giao thông; chương trình nhà ở; quy hoạch khí hậu, không khí, năng lượng.

Đồ án có nhiều tài liệu, bản đồ. Trong khuôn khổ bài viết có hạn, tác giả chỉ nêu tóm lược và tập trung hơn vào hệ thống đô thị để dễ so sánh với các vùng đô thị ở Việt Nam. Lãnh thổ siêu đô thị Montpellier gồm 31 đô thị với 457.839 dân (2015, nguồn : INSÉE). Thủ phủ của Métropole là thành phố Montpellier có 282.143 dân (2015, nguồn : INSÉE), là thành phố lớn nhất trong lãnh thổ và có tốc độ tăng dân số nhanh tại nước Pháp. Thành phố Montpellier nói riêng và Siêu đô thị Montpellier nói chung là một khu vực phát triển nhanh, là trung tâm khoa học công nghệ, đào tạo, văn hóa, kinh tế, có môi trường chất lượng, thiên nhiên phong phú với dải đất ven biển hướng ra Địa Trung Hải thu hút du lịch mạnh, có khu vực đồi núi bên trong với cảnh quan đẹp; mạng lưới giao thông phát triển đa phương tiện, giao thông đô thị phát triển, đặc biệt có mạng lưới tàu điện (tramway) phát triển nhanh để kết nối các đô thị trong lãnh thổ siêu đô thị từ năm 2000 đến nay. Montpellier hiện nay và tương lai sẽ có sự kết nối vùng đô thị từ nội địa ra biển với đầu mối phía biển là Pérols ra đến đô thị biển Palavas, trục chính dọc ven biển cùng với các đô thị và cụm đô thị Baillargue, Castelnau-le-Lez, St-Jean de Védas. Trục chính nội địa có các đô thị và cụm đô thị như Jacou, Clapier, Juvignac.

                Hình 4. SCOT Siêu đô thị Montpellier: Phát triển các cực kinh tế thu hút và bền vững (Nguồn: montpellier3m.fr)

Tiếp theo sơ đồ liên kết địa bàn toàn lãnh thổ Métropole có sơ đồ quy hoạch liên đô thị và phối hợp với các đô thị lập quy hoạch đô thị địa phương.

- PLUi Montpellier Méditerranée Métropole:

Siêu đô thị Montpellier Méditerranée Métropole phối hợp với các đô thị lập quy hoạch đô thị địa phương để thực hiện các dự án đô thị địa phương và sẽ trả lời các câu hỏi, ví dụ: phát triển xí nghiệp ở đâu? không gian bảo tồn ở đâu? xây dựng ở đâu? Cơ sở pháp lý từ Luật về đoàn kết và đổi mới đô thị (SRU), luật về nhà ở và quy hoạch đô thị đổi mới (ALUR), luật về duyên hải, sơ đồ quy hoạch vùng và sơ đồ liên kết địa bàn, sơ đồ quy hoạch khí hậu, không khí, năng lượng lãnh thổ (PCAET), chương trình nhà ở địa phương (PLH), quy hoạch giao thông đô thị, quy hoạch liên đô thị (PLUi).

 Hình 5. PLUi  Siêu đô thị Montpellier: Ví dụ cho thấy quá trình từ SCOT đến phân tích và các ý tưởng quy hoạch liên đô thị

(Nguồn: montpellier3m.fr)

3.3.5. Tham khảo kinh nghiệm từ việc thành lập và quy hoạch lãnh thổ liên đô thị ở Pháp:

Hệ thống đô thị ở Pháp có nhiều điểm giống với hệ thống đô thị ở Việt Nam. Điểm giống nhau là có các cấp quản lý từ cấp xã đến tỉnh, cấp quốc gia, cùng có xu hướng gắn kết các đô thị liền kề.

Điểm khác nhau quan trọng: Ở Pháp, các đô thị liền kề nhau được gắn kết thành một tập thể lãnh thổ có tư cách pháp nhân nhưng các đô thị thành viên vẫn là các đô thị độc lập và trong một số trường hợp có thể lại ra khỏi lãnh thổ liên đô thị.

Các đô thị gắn kết được tổ chức thành lãnh thổ liên đô thị từ nhỏ đến lớn - các lãnh thổ quan trọng nhất được giới thiệu ở các phần trên là métropole (ME) trở thành động lực cho phát triển lãnh thổ địa phương, của vùng, của quốc gia.

Các lãnh thổ liên đô thị, vừa bao gồm các đô thị đơn lẻ hợp thành cộng đồng, vừa có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các địa bàn xung quanh. Vì thế cũng có thể gọi chung là vùng đô thị cho phù hợp với cách gọi ở Việt Nam; gọi thế là bởi vì chúng là một lãnh thổ liên đô thị với các đô thị liền kề nhau, có đô thị trung tâm với quy mô lớn hơn cả và có vai trò quan trọng, có phạm vi lãnh thổ từ nhỏ đến lớn tùy theo số lượng đô thị liền kề, từ cộng đồng đô thị đến siêu đô thị (métropole), các cụm siêu đô thị (pôle métropolitain), vùng thành phố lớn (aire métropolitaine). Công tác quy hoạch đô thị đối với các lãnh thổ liên đô thị được quy hoạch trung hạn đến dài hạn (khoảng 20 năm), có phương pháp luận quy hoạch chiến lược, ở trung gian giữa quy hoạch cấp vùng lãnh thổ và quy hoạch đô thị địa phương, có định hướng quan trọng về sự gắn kết các đô thị trong lãnh thổ liên đô thị.

Sơ đồ liên kết địa bàn, quy hoạch liên đô thị sẽ là bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam hiện nay vì đang có nhiều đô thị thành lập mới trên cơ sở kết hợp nhiều thị trấn (thậm chí cả huyện) lên thành thị xã, hoặc đang có nhu cầu liên kết vài đô thị trung bình và lớn liền kề để phát triển chung. Tuy nhiên, có điểm khác: ở Việt Nam các đô thị đang là một đô thị độc lập thường được ghép chung thành một đô thị với một chính quyền chung trong một đơn vị hành chính mới lớn hơn và các đô thị nhỏ trước kia nay chỉ là một phường hay một quận; trong khi đó ở Pháp - các đô thị riêng lẻ khi liên kết thành liên đô thị nhưng vẫn là những đô thị độc lập và được liên kết phát triển chung trong lãnh thổ liên đô thị.

Việc thành lập cũng như quy hoạch các lãnh thổ liên đô thị có thể gợi ý cho quy hoạch và phát triển vùng đô thị động lực ở Việt Nam. Trong công tác quy hoạch và phát triển vùng đô thị thì việc tôn trọng các nguyên tắc phát triển bền vững cần phải đặt lên hàng đầu: phát triển đô thị đi đôi với phát triển khu vực nông thôn, bảo vệ không gian tự nhiên -s môi trường, dự báo các hậu quả của biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng sống cho mọi người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Ở Việt Nam, nên làm rõ khái niệm vùng đô thị, vùng lãnh thổ, phân vùng để xác định phạm vi lãnh thổ và từ đó xác định lập quy hoạch. Lấy ví dụ vùng đô thị động lực TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai : có thể là (1) Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ và quy hoạch địa bàn TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai (xét về lãnh thổ cũng là vùng liên tỉnh, có thể gọi là á vùng thuộc vùng Đông Nam Bộ) là quy hoạch vùng đổi mới so với các loại quy hoạch vùng trước kia vì đây là quy hoạch vùng theo Luật Quy hoạch, là vùng lãnh thổ tổng hợp – trong đó có trọng tâm là hệ thống đô thị 3 tỉnh thành này; (2) Quy hoạch đô thị cho cụm đô thị liền kề nhau gồm TP.HCM với các quận nội thành và TP. Thủ Đức - TX. Bến Cát - TX. Tân Uyên - TP. Thủ Dầu Một - TP. Thuận An - TP. Dĩ An - TP. Biên Hòa và sự ảnh hưởng của nó lan tỏa ra một phạm vi rộng hơn như một vùng thành phố lớn (aire métropolitaine). Nếu theo loại thứ nhất (1) sẽ tương đương quy hoạch vùng ở Pháp, đó sẽ là quy hoạch vùng lãnh thổ theo cách quy hoạch tổng thể, đa ngành như theo Luật Quy hoạch ở Việt Nam; theo loại thứ hai (2) sẽ tương đương Sơ đồ liên kết địa bàn (SCOT) và quy hoạch liên đô thị (PLUi) ở Pháp, đó là quy hoạch cho vùng đô thị để có chiến lược gắn kết các địa bàn trong vùng, định hướng phát triển toàn vùng đô thị, kết nối quy hoạch vùng lãnh thổ cấp trên và định hướng cho quy hoạch đô thị cấp dưới - điều này càng hợp lý khi ta có quy hoạch đô thị đổi mới, tích hợp đa ngành.

4. KẾT LUẬN

Những điểm khái quát về hệ thống lãnh thổ hành chính cùng với quy hoạch lãnh thổ quốc gia, quy hoạch vùng để hướng tới nội dung chính là lãnh thổ liên đô thị cùng với quy hoạch liên kết phát triển đô thị theo sơ đồ liên kết địa bàn, quy hoạch liên đô thị - trong đó có tập trung vào các siêu đô thị (métropole) ở Pháp có thể là gợi ý cho công tác nghiên cứu quy hoạch và phát triển vùng đô thị lớn ở Việt Nam trên cơ sở phát triển bền vững, gắn kết các đô thị liền kề, đồng thời gắn kết với hệ thống quy hoạch cấp cao hơn như quy hoạch vùng và quy hoạch tổng thể quốc gia theo Luật Quy hoạch.

TS. Vũ Chí Đồng

(Nguồn:Tạp chí QHXD số 110)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website