Đồng Nai: Quy hoạch hơn 1.000 ha đất để xây dựng nhà ở xã hội

Thông tin từ Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua, tỉnh đã quy hoạch hơn 1.000 ha đất (bao gồm cả quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại) để xây dựng nhà ở xã hội.

Cụ thể, từ năm 2022 đến nay, tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt chủ trương đầu tư 8 dự án, với số lượng 9.000 căn nhà ở xã hội. Trong khi đó, theo kế hoạch trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu sẽ xây dựng 10.000 căn nhà ở hộ xã hội.

Trên thực tế, tuy đã quy hoạch và đã có quỹ đất, nhưng việc triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội nói trên đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, vướng mắc nhất là sự bất cập trong hệ thống pháp luật, khiến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng các dự án liên quan đến nhà ở xã hội có sự "né tránh". Song song đó là một số dự án luật liên quan đến bất động sản, nhà ở xã hội mới được thông qua, nhưng chưa có hiệu lực thi hành.

Đồng Nai đã quy hoạch hơn 1.000 ha đất để xây dựng nhà ở xã hội.

Trước đó vào ngày 9/7, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Chủ nhiệm Văn phòng, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Trưởng đoàn công tác số 3 cùng các thành viên đã giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 tại tỉnh Đồng Nai. Tại đây, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, các dự án phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh hiện đang gặp khó khăn trong vấn đề quy hoạch, giao đất, đấu giá đất nên quỹ nhà chưa nhiều. Hiện tỉnh và các nhà đầu tư trên địa bàn đang chờ Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực từ 1/8/2024 để tháo gỡ các tồn tại nói trên.

Tại đây, Trưởng đoàn công tác số 3 Bùi Văn Cường cho rằng, Đồng Nai là tỉnh có nhiều dự án, nhiều quỹ đất thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhưng nguồn cung nhà ở hiện nay chưa nhiều. Do đó, thời gian tới, tỉnh Đồng Nai cần chủ động cùng các bộ, ngành, doanh nghiệp để tiến hành tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án đang triển khai; có chính sách, giải pháp đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho công nhân thuê. Đồng thời, ông Bùi Văn Cường cũng cho biết, các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là vướng mắc về thể chế, các văn bản mà lãnh đạo tỉnh Đồng Nai chia sẻ sẽ được đoàn giám sát tối cao của Quốc hội lắng nghe, ghi nhận, để trên cơ sở đó nhằm xây dựng nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản hiện nay.

(Nguồn:laodongthudo.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website