NGHIÊN CỨU ĐỀ XUẤT NỘI DUNG QUY HOẠCH KHÔNG GIAN XÂY DỰNG NGẦM ĐÔ THỊ TRONG QUY CHUẨN QUY HOẠCH XÂY DỰNG

Cơ quan chủ quản:

Bộ Xây dựng

Cơ quan chủ trì:

Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia

Chủ nhiệm đề tài:

TS. Vũ Tuấn Vinh

Thư ký đề tài:

TS. Nguyễn Văn Minh

Các thành viên chính:

ThS. KTS. Nguyễn Xuân Anh

ThS. KTS. Nguyễn Thị Hồng Vân

ThS. KTS. Hoàng Thị Hương Giang

KS. Lê Thanh Bình

KS. Trương Công Thành

TS. Nguyễn Thị Thúy Hằng

MỤC LỤC

Danh mục các chữ viết tắt. iv

Danh mục hình, sơ đồ, đồ thị. vi

Danh mục bảng, biểu. vii

MỞ ĐẦU.. 1

1. Tính cấp thiết của đề tài. 1

2. Mục tiêu nghiên cứu. 3

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu. 3

4. Phương pháp nghiên cứu. 3

5. Khái niệm, thuật ngữ sử dụng trong đề tài. 4

6. Cấu trúc đề tài. 6

NỘI DUNG.. 7

CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN VỀ QUY HOẠCH KHÔNG GIAN XÂY DỰNG NGẦM ĐÔ THỊ. 7

1.1. TỔNG QUAN VỀ KHÔNG GIAN XÂY DỰNG NGẦM ĐÔ THỊ 7

1.1.1. Lịch sử hình thành và phát triển không gian xây dựng ngầm đô thị. 7

1.1.2. Tổng quan về quy hoạch, xây dựng không gian xây dựng ngầm đô thị ở một số nước phát triển. 10

1.2. TỔNG QUAN VỀ THỰC TRẠNG QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN XÂY DỰNG NGẦM Ở VIỆT NAM. 24

1.2.1. Hệ thống công cụ pháp lý cho công tác quản lý phát triển không gian xây dựng ngầm   24

1.2.2. Thực trạng về xây dựng không gian xây dựng ngầm đô thị 28

1.2.3. Thực trạng quy hoạch và quản lý quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị. 30

1.3. TỔNG QUAN CÁC NGHIÊN CỨU VỀ QUY HOẠCH KHÔNG GIAN XÂY DỰNG NGẦM ĐÔ THỊ 37

1.3.1. Công trình nghiên cứu trong nước. 37

1.3.2. Các công trình nghiên cứu trên thế giới. 46

1.4. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI. 54

CHƯƠNG 2. CƠ SỞ KHOA HỌC QUY HOẠCH KHÔNG GIAN XÂY DỰNG NGẦM ĐÔ THỊ. 55

2.1. CƠ SỞ PHÁP LÝ VỀ QUY HOẠCH KHÔNG GIAN XÂY DỰNG NGẦM ĐÔ THỊ 55

2.1.1. Luật. 55

2.1.2. Văn bản dưới luật. 58

2.2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUY HOẠCH KHÔNG GIAN XÂY DỰNG NGẦM ĐÔ THỊ 61

2.2.1. Vai trò của không gian xây dựng ngầm đô thị 61

2.2.3. Yêu cầu trong quy hoạch không gian công cộng xây dựng ngầm.. 71

2.2.4. Yêu cầu trong quy hoạch giao thông ngầm đô thị . 74

2.2.5. Những yếu tố ảnh hưởng đến công tác quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị 77

2.3. CƠ SỞ THỰC TIỄN VỀ QUY HOẠCH KHÔNG GIAN XÂY DỰNG NGẦM ĐÔ THỊ 83

2.3.1. Kinh nghiệm quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị tại các nước phát triển. 83

2.3.2. Kinh nghiệm quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị của các nước đang phát triển. 89

2.3.3. Quy hoạch không gian xây dựng ngầm tại các đô thị ở Việt Nam. 93

2.4. TỔNG KẾT CÁC CƠ SỞ KHOA HỌC ĐỂ ĐỀ XUẤT VỀ QUY HOẠCH KHÔNG GIAN XÂY DỰNG NGẦM ĐÔ THỊ 98

CHƯƠNG 3. ĐỀ XUẤT VỀ QUY HOẠCH KHÔNG GIAN XÂY DỰNG NGẦM ĐÔ THỊ. 100

3.1. QUAN ĐIỂM, NGUYÊN TẮC QUY HOẠCH VÀ QUẢN LÝ KHÔNG GIAN XÂY DỰNG NGẦM ĐÔ THỊ. 100

3.1.1. Quan điểm. 100

3.1.2. Nguyên tắc. 101

3.1.3. Cấu trúc không gian xây dựng ngầm đô thị 104

3.2. ĐỀ XUẤT QUY TRÌNH, NỘI DUNG QUY HOẠCH VÀ QUẢN LÝ KHÔNG GIAN XÂY DỰNG NGẦM ĐÔ THỊ 105

3.2.1. Quy trình, nội dung tích hợp quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị trong đồ án quy hoạch chung đô thị. 105

3.2.3. Nội dung quản lý không gian xây dựng ngầm theo đồ án quy hoạch chung đô thị được duyệt. 114

3.3. ĐỀ XUẤT CÁC NỘI DUNG VỀ QUY HOẠCH KHÔNG GIAN XÂY DỰNG NGẦM ĐÔ THỊ VÀ YÊU CẦU BỔ SUNG VÀO QUY CHUẨN XÂY DỰNG. 115

3.3.1. Tiêu chí quy hoạch không gian công cộng xây dựng ngầm đô thị. 115

3.3.2. Tiêu chí quy hoạch công trình giao thông ngầm đô thị. 118

3.3.3. Yêu cầu kiến trúc, cảnh quan và môi trường không gian công cộng xây dựng ngầm đô thị. 121

3.3.4. Kết nối không gian xây dựng ngầm đô thị với nhau và với không gian trên mặt đất. 123

3.4. ĐỀ XUẤT BỔ SUNG, CHỈNH SỬA VÀ HOÀN THIỆN QUY CHUẨN VỀ QUY HOẠCH XÂY DỰNG.. 124

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ. 130

1. KẾT LUẬN.. 130

2. KIẾN NGHỊ. 130

TÀI LIỆU THAM KHẢO. 131

MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài.

Tại Việt Nam, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng hiện nay đang đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước nhiều vấn đề khó giải quyết. Quỹ đất bề mặt tại các đô thị trong cả nước, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… ngày càng cạn kiệt, dẫn tới tình trạng xây dựng đô thị thiếu quy củ, giao thông tắc nghẽn, ngập úng, các khu vực chức năng đô thị, các khu sinh thái ngày càng bị thu hẹp… Một nguyên nhân quan trọng là do các cơ quan quản lý đô thị mới chỉ tập trung phát triển trên mặt đất mà chưa coi trọng khai thác, sử dụng và phát triển KGN đô thị. Phát triển KGN đô thị cần phải dựa trên quy hoạch đô thị. CTN thường phát triển sau sự phát triển của các công trình trên mặt đất. Đô thị càng hiện đại, KGN càng được khai thác nhiều hơn và sâu hơn. Song cho đến nay sự phát triển KGN đô thị ở nước ta chưa đồng bộ, chưa có sự tham gia liên ngành. Thêm vào đó, kinh nghiệm trong quy hoạch, xây dựng và phát triển KGN, đô thị ngầm còn thiếu và hạn chế. Thực tế, các đô thị mới chỉ tập trung đầu tư, xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm đô thị. Không gian giao thông mới chỉ quan tâm tới một số công trình bãi đỗ xe ngầm, hầm giao thông qua nút, hầm cho người đi bộ. Còn các công trình công cộng ngầm, tàu điện ngầm… chưa được đầu tư và khai thác sử dụng.

Các quy định pháp lý và kỹ thuật về CTN đã được các cơ quan quản lý nhà nước tại Việt Nam xây dựng và ban hành tuy nhiên vẫn còn thiếu, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch ngầm. Đặc biệt là còn ít coi trọng ý nghĩa của CTN, KGN, đô thị ngầm với công tác phòng thủ dân sự, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Hệ thống các văn bản quy định về công tác quy hoạch, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trong đó có những nội dung liên quan đến công tác quy hoạch KGN đã được ban hành cụ thể là: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14, Luật quy hoạch số 21/2017/QH14, Luật xây dựng số 50/2014/QH13, Luật quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12, Luật đất đai số 45/2013/QH13. Trong đó các nội dung có liên quan trực tiếp đến quy hoạch KGN chủ yếu nằm trong các quy định của Luật Xây dựng (với việc đề cập đến khái niệm CTN) và Luật Quy hoạch đô thị (với việc đề cập đến khái niệm KGN và việc gắn quy hoạch KGN vào trong quy hoạch đô thị), các đề xuất về sửa đổi Luật đất đai đang được trình Quốc hội cũng đã có những đụng chạm đến vấn đề quản lý và khai thác sử dụng quỹ đất xây dựng KGN. Tuy nhiên hầu hết các văn bản luật không đề cập sâu đến vấn đề KGN và quy hoạch KGN. Các nghị định hướng dẫn đi kèm như nghị định 37/2010/NĐ-CP, nghị định 44/2016/NĐ-CP và nghị định 72/2019/NĐ-CP cũng chỉ mới đưa ra yêu cầu về việc xác định các khu vực dự kiến xây dựng CTN. Nghị định 39/2010/NĐ-CP là nghị định riêng được ban hành để phục vụ cho việc quản lý không gian xây dựng ngầm trong đó đã xác định rõ nội hàm của công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý không gian xây dựng ngầm. Xác định CTN đô thị là những công trình được xây dựng dưới mặt đất tại đô thị bao gồm: công trình công cộng ngầm, công trình giao thông ngầm, các công trình đầu mối kỹ thuật ngầm và phần ngầm của các công trình xây dựng trên mặt đất, công trình đường dây, cáp, đường ống kỹ thuật ngầm, hào và tuy nen kỹ thuật. Trong nghị định đã dành hẳn một chương để quy định về công tác Quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị, là cơ sở cho việc triển khai công tác Quy hoạch xây dựng.

Tuy nhiên về các chỉ tiêu kỹ thuật thì các mặc dù đã được hệ thống Quy chuẩn, Tiêu chuẩn đề cập nhưng chưa đầy đủ, chưa cụ thể. Quy chuẩn 01:2021/BXD về quy hoạch xây dựng cũng đã được ban hành trong đó có nội dung về quy hoạch KGN tuy nhiên chỉ đưa ra các nguyên tắc chung, các chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu tập trung vào quy định đối với công trình đường dây, cáp, đường ống kỹ thuật ngầm, hào và tuy nen kỹ thuật. Quy chuẩn 07:2016/BXD về các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị cũng chỉ đề cập đến các quy định đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật nói chung (trong đó có phần đường dây, cáp, đường ống đi ngầm), hệ thống tuy nen – hào kỹ thuật, riêng đối với các công trình giao thông ngầm đô thị cũng đã có đề cập khá chung chung, các chỉ tiêu mới chỉ tập trung cho một số loại hình công trình đơn lẻ như hầm đường bộ, bãi đỗ xe ngầm … chưa hình thành được các chỉ tiêu quy hoạch. Tương tự như vậy là Quy chuẩn 08:2018/BXD về công trình tàu điện ngầm cũng chủ yếu tập trung quy định các chỉ tiêu cho các công trình chưa đưa ra được hệ thống các chỉ tiêu hoàn chỉnh để phục vụ cho công tác quy hoạch…

Hiện nay, trong cả nước có 04 đô thị đã lập đồ án quy hoạch hệ thống HTKTN đô thị: Hà Nội, Phan Rang - Tháp Chàm, Nhơn Trạch và Tây Ninh. Đối với các đô thị khác, nội dung quy hoạch CTHTKTN được lồng ghép trong đồ án quy hoạch và là nội dung quy hoạch riêng lẻ của từng bộ môn như cấp nước, thoát nước, cấp điện, giao thông, thông tin liên lạc…và được tích hợp trong bản vẽ tổng hợp đường dây đường ống HTKT với nội dung đơn giản là sắp xếp hệ thống đường dây, đường ống trên mặt cắt ngang đường. Riêng đối với QHC thủ đô Hà Nội có một chương về quy hoạch xây dựng CTN nhưng không phù hợp với thực tế. Nội dung đồ án chỉ là định hướng phát triển hệ thống tuy nen, hào kỹ thuật mà không gắn liền với hệ thống CTHTKT hiện trạng nên không thể sắp xếp, bố trí vào được. Phần KGN trong các khu đô thị mới được quy hoạch và phê duyệt trên cơ sở nhu cầu của từng đô thị mà chưa có chỉ tiêu hay quản lý cụ thể. Các KGN này chủ yếu là trung tâm thương mại và bãi đỗ xe phục vụ cho từng khu riêng lẻ mà chưa có sự kết nối liên thông trong toàn thành phố.

Với xu thế phát triển, hoạt động xây dựng, cải tạo, phát triển đô thị ở Việt Nam phải luôn có sự kết hợp chặt chẽ giữa không gian đô thị ngầm và không gian đô thị trên mặt đất. Sử dụng khai thác KGN có hiệu quả, tiết kiệm đất đai, bố trí hợp lý các CTN góp phần thúc đẩy quá trình phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân và phục vụ phát triển kinh tế. KGN là thành phần không thể thiếu trong không gian đô thị hiện đại. CTN không chỉ giải quyết một số bức xúc về hạ tầng đô thị trước mặt mà cần được đánh giá tổng thể không gian đô thị trong tương lai để đô thị có thể phát triển bền vững. Chính vì vâỵ, đề tài “Nghiên cứu đề xuất dung quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị trong quy chuẩn quy hoạch xây dựng” là thực sự cần thiết và cấp bách.

2. Mục tiêu nghiên cứu.

- Tổng quan về quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị.

- Xây dựng cơ sở khoa học về quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị..

- Đề xuất nội dung quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị để bổ sung và quy chuẩn quy hoạch xây dựng.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.

- Đối tượng nghiên cứu: không gian xây dựng ngầm đô thị trong quy hoạch xây dựng (tập trung vào các công trình công cộng ngầm, công trình giao thông ngầm và sự liên kết giữa không gian xây dựng ngầm với nhau và không gian trên mặt đất).

- Phạm vi nghiên cứu: các đô thị Việt Nam.

4. Phương pháp nghiên cứu.

Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã sử dụng tổng hợp 4 phương pháp nghiên cứu. Thông tin, kết quả của các phương pháp hỗ trợ lẫn nhau giúp tác giả có cái nhìn tổng quan và sâu sắc các vấn đề.

  1. Phương pháp điều tra, khảo sát.

Hệ thống KGN đô thị bao gồm rất nhiều các hợp phần, nên công tác quy hoạch, xây dựng, vận hành, khai thác… rất phức tạp và liên quan đến nhiều sở, ban ngành, công ty. Do vậy điều tra khảo sát là một trong những phương pháp quan trọng trong các phương pháp mà đề tài đã sử dụng.

Thông qua phương pháp này, nhóm nghiên cứu đã thu thập được những thông tin về hiện trạng cũng như dự án, đồ án quy hoạch đã, đang và sẽ triển khai trên địa bàn nghiên cứu. Bên cạnh đó, trong các cuộc trao đổi phỏng vấn cán bộ chuyên môn về quy hoạch phát triển giao thông cũng như người dân, nhóm nghiên cứu đã thu thập được những ý kiến quý báu về cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển, quản lý và khai thác hệ thống KGN nói chung và KGN công cộng và KGN giao thông nói riêng.

  1. Phương pháp thu thập, tổng hợp và phân tích.

Sử dụng phương pháp này, nhóm nghiên cứu đã khái quát được những thông tin cơ bản về quy hoạch phát triển hệ thống KGN đô thị phục vụ cho chương tổng quan của đề tài. Các số liệu thu thập, tổng hợp và phân tích theo các thông tin sau:

- Thông tin về thực trạng không gian đô thị, giao thông đô thị, hệ thống KGN đô thị: tình hình phát triển, loại hình, thực trạng bố trí, xây dựng…

- Thông tin về QH hệ thống KGN đô thị: các quy hoạch, thực hiện và ban hành văn bản…

- Các công trình nghiên cứu, đề tài, bài báo, luận văn, luận án… liên quan đến đề tài nghiên cứu.

- Kinh nghiệm của các nước trên thế giới về quy hoạch xây dựng và phát triển KGN đô thị.

  1. Phương pháp chuyên gia.

Phương pháp chuyên gia là phương pháp khai thác, học hỏi, tận dụng hiệu quả nhất những đóng góp của chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu của đề tài.

Trong quá trình nghiên cứu nhóm nghiên cứu đã xin ý kiến, học hỏi kiến thức quý báu của các chuyên gia đầu ngành về những vấn đề liên quan đến đề tài trong nhiều lĩnh vực quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng giao thông… để làm cơ sở định hướng cho đề tài.

  1. Phương pháp kế thừa.

Tiếp thu, kế thừa và phát huy những tài liệu cơ sở, những nghiên cứu và kiến thức đã có là nội dung quan trọng của nghiên cứu. Các số liệu, tài liệu liên quan, các lý thuyết và mô hình QH phát triển không gian đô thị, KGN đô thị đã có hoặc đang nghiên cứu được xem là tài liệu quý báu cho đề tài.

Kinh nghiêm quy hoạch phát triển của các nước trên thế giới về lý luận và thực tiễn sẽ được nghiên cứu và đánh giá ở những góc độ khách quan và có chọn lọc theo hướng đặt ra của đề tài. Phương pháp kế thừa còn có một vai trò rất quan trọng đối với nhóm nghiên cứu, tránh sự trùng lặp với các nghiên cứu đã được thực hiện. Bằng phương pháp này nhóm nghiên cứu đã thu thập được lượng thông tin phong phú và đáng tin cậy. Việc kế thừa có chọn lọc các tài liệu có giá trị giúp cho nghiên cứu đạt kết quả tốt hơn.

5. Khái niệm, thuật ngữ sử dụng trong đề tài.

Theo các quy định và tài liệu nghiên cứu hiện hành, một số khái niệm về quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị như sau:

- Quy hoạch đô thị  là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị.

- Không gian ngầm là không gian do con người hoặc thiên nhiên tạo nên dưới mặt đất.

- Không gian xây dựng ngầm đô thị là không gian dưới mặt đất được sử dụng cho mục đích xây dựng công trình xây dựng ngầm đô thị.

- Không gian xây dựng ngầm công cộng là không gian công trình phục vụ hoạt động công cộng được xây dựng dưới đất. Bao gồm không gian xây dựng ngầm cho văn hóa, sinh hoạt, cộng đồng, kinh tế, thương mại…

- Quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị là việc tổ chức không gian xây dựng dưới mặt đất để xây dựng công trình xây dựng ngầm.

- Công trình xây dựng ngầm đô thị là những công trình được xây dựng dưới mặt đất tại đô thị bao gồm: công trình công cộng ngầm, công trình giao thông ngầm, công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật ngầm và phần ngầm của các công trình xây dựng trên mặt đất, công trình đường dây, cáp, đường ống kỹ thuật ngầm, hào và tuynel kỹ thuật.

- Công trình công cộng ngầm đô thị là công trình phục vụ hoạt động công cộng được xây dựng dưới mặt đất.

- Công trình giao thông ngầm là công trình đường tàu điện ngầm, nhà ga tàu điện ngầm, hầm đường bộ, hầm cho người đi bộ và các công trình phụ trợ kết nối (kể cả phần đường nối phần ngầm với mặt đất).

- Phần ngầm của các công trình trên mặt đất: là tầng hầm (nếu có) và các bộ phận của công trình nằm dưới mặt đất.

- Tàu điện ngầm: là phương thức vận tải hành khách đường sắt đô thị với khối lượng lớn, tốc độ cao, sử dụng không gian xây dựng ngầm đô thị.

- Ga tàu điện ngầm: là trạm dừng tàu ở dưới ngầm hoặc trên mặt đất, dùng để đưa hành khách, bao gồm các sảnh, các thang cuốn hoặc các cầu thang bộ, các sân ga và gian giữa, không gian để phục vụ hành khách, bố trí nhân viên vận hành và thiết bị sản xuất.

- Hầm đường bộ: là loại đường đi ngầm dưới đất theo tuyến hoặc qua nút giao thông, eo biển, núi…

- Hầm đi bộ: là loại đường đi ngầm đưới mặt đường để nối hai bên đường tại các nút giao thông hoặc nối ngầm các trung tâm thương mại, nhà ga…

- Bãi đỗ xe ngầm: là một bộ phận của hệ thống giao thông đô thị, đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân mang tính phục vụ công cộng.

6. Cấu trúc đề tài.

Ngoài phần mở đầu, kết luận và kiến nghị, nội dung chính của đề tài bao gồm 3 chương:

Chương 1

Tổng quan về quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị.

Chương 2

Cơ sở khoa học về quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị.

Chương 3

Đề xuất các nội dung về quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị để bổ sung vào quy chuẩn quy hoạch xây dựng.

(Nguồn:VIUP)

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website